TIN TỔNG HỢP TUẦN THẾ GIỚI
Từ ngày 13/6 đến ngày 17/6/2022

1. Việt Nam mong Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 sẽ tiếp tục phát triển

Nhóm bạn bè UNCLOS sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở, thân thiện để các nước cùng trao đổi không chỉ vấn đề về biển và đại dương, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS.

Gần 100 quốc gia thành viên Nhóm bạn bè Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS) đã kỷ niệm 40 năm ngày thông qua UNCLOS tại trụ sở Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tại New York ngày 14/6.

Buổi lễ diễn ra đúng vào dịp 1 năm thành lập Nhóm (30/6/2021 - 2022) đồng thời cũng cùng thời gian tổ chức Hội nghị lần thứ 32 các nước thành viên UNCLOS (SPLOS 32).

Buổi lễ có sự tham dự của Trưởng phái đoàn 12 nước sáng lập Nhóm; bà Vanessa Frazier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Malta, Chủ tịch SPLOS 32; ông Miguel Soares, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề pháp lý kiêm Cố vấn Pháp lý của Liên hợp quốc; ông Vladimir Jares, Trưởng Văn phòng các vấn đề về đại dương và luật biển.

Trong phát biểu chào mừng, thay mặt cho 12 nước sáng lập Nhóm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, vui mừng cho biết trong năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, Nhóm vẫn duy trì hoạt động đều đặn dưới các hình thức đa dạng, ý nghĩa.

Đại sứ bày tỏ lời cảm ơn tới tất cả 115 nước thành viên đã luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào hoạt động chung, khẳng định sự tham gia đó thể hiện cam kết chung của các nước đối với mục đích thành lập của Nhóm là đề cao UNCLOS, luật pháp quốc tế.

Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh mong muốn trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức chung về biển, đại dương, Nhóm bạn bè sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp hơn nữa vào các nỗ lực chung của quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức đó.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Soares cho biết Đại hôi đồng Liên hợp quốc đã khẳng định UNCLOS là văn kiện toàn diện, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, là khuôn khổ cho hợp tác quốc tế, khu vực và quốc gia trong các lĩnh vực biển.

Ông hoan nghênh những hoạt động tích cực của Nhóm trong thời gian qua và kỳ vọng Nhóm sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình tại các diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến biển và đại dương; đóng góp vào quản trị đại dương, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương, duy trì trật tự pháp lý trên biển, giải quyết hòa bình tranh chấp.

Bà Vanessa Frazier, Chủ tịch Hội nghị SPLOS 32, cho rằng vấn đề biển và đại dương đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và tin tưởng rằng với số lượng thành viên rộng lớn đến từ tất cả các nhóm khu vực của mình, Nhóm bạn bè của UNCLOS sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở, thân thiện để các nước cùng trao đổi không chỉ vấn đề về biển và đại dương mà còn các vấn đề quan tâm chung khác, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS, trong đó có công việc của các Hội nghị SPLOS.

Đại diện nhiều nước đã hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam cũng như 12 nước đồng sáng lập Nhóm, đánh giá buổi lễ có ý nghĩa tích cực, diễn ra trong thời gian SPLOS 32, góp phần đề ra cam kết của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc, các nước thành viên UNCLOS đối với Công ước vốn lâu nay được coi là “Hiến pháp của đại dương".

Nhóm bạn bè là một hình thức phối hợp không chính thức, linh hoạt, nhằm tăng cường hợp tác giữa một số nước có cùng quan tâm về một vấn đề cụ thể để thúc đẩy các mục tiêu chung.

Nhóm bạn bè UNCLOS là nhóm đầu tiên Việt Nam khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập (cùng Đức) và tham gia nhóm nòng cốt (bao gồm 12 nước là Argentina, Canada, Đan Mạch, Đức, Jamaica, Kenya, Hà Lan, New Zealand, Oman, Senegal, Nam Phi và Việt Nam) chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của Nhóm.

Đến nay, tham gia Nhóm bạn bè của UNCLOS có 115 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý./.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

2. Vai trò của Việt Nam trong Đại hội đồng Liên hợp quốc về ứng phó dịch bệnh

Ngày 16/6, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã cùng Đại sứ các nước Nam Phi, Thụy Điển, New Zealand đồng chủ trì tham vấn dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế toàn cầu trong phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh, để lại những tác động nặng nề về kinh tế-xã hội, làm chậm hoặc đảo ngược những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ảnh hưởng đến sức khỏe, y tế cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.

Là quốc gia chủ trì xây dựng Nghị quyết 75/27 ngày 7/12/2020 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực cùng các nước thúc đẩy thảo luận về các biện pháp cải thiện hiệu quả hệ thống y tế toàn cầu, tăng cường trao đổi, chia sẻ những bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 và những bài học thực tiễn tốt trong phòng, chống dịch bệnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động để chuẩn bị sẵn sàng phòng chống và ứng phó với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều nước bày tỏ ủng hộ, đánh giá cao sáng kiến của nhóm nòng cốt, chia sẻ quan điểm cần nâng cao nhận thức và hành động để sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh trên toàn cầu, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực trong quá trình này.

Nhóm nòng cốt tổ chức Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về sẵn sàng phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh gồm Australia, Bangladesh, Canada, Costa Rica, Ghana, Jamaica, New Zealand, Rwanda, Nam Phi, Thụy Điển và Việt Nam, được thành lập trên cơ sở khuyến nghị của Ban chuyên gia độc lập về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh (IPPPR) do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thành lập nhằm rà soát những bài học rút ra từ quá trình ứng phó với Covid-19 để chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm nạn đói tại Kenya

Hiện Kenya đang có khoảng 4,1 triệu người đối mặt với nạn đói do hạn hán kéo dài, giá lúa mỳ ở quốc gia này đã tăng hơn gấp đôi do bị giảm mạnh lượng nhập khẩu.

Ngày 16/6, Cơ quan Lương thực và Nông nghiệp Kenya (AFA) cho biết cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung cấp lúa mỳ, ngô, phân bón và hạt có dầu cho Kenya, khiến giá lương thực tăng mạnh và làm trầm trọng thêm tình trạng đói kém ở nước này.

Báo cáo của AFA nêu rõ, năm 2021, Kenya nhập khẩu từ Ukraine các loạt hạt có dầu trị giá 1 tỷ shilling (8,5 triệu USD), ngô 8,5 triệu USD và lúa mỳ 136 triệu USD. Tuy nhiên, nguồn cung các mặt hàng này đã bị gián đoạn bởi cuộc xung đột đang diễn ra.

Ngoài ra, việc Nga đình chỉ xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp, trong đó có lúa mỳ, cũng khiến cuộc khủng hoảng thiếu lúa mỳ ở Kenya càng thêm trầm trọng hơn.

Hiện giá mặt hàng này ở Kenya đã tăng hơn gấp đôi do bị giảm mạnh lượng nhập khẩu.

Theo đánh giá của AFA, cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ còn tiếp tục gây ra những tác động khiến sản lượng nông nghiệp ở hai nước này giảm mạnh và làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực ở Kenya, quốc gia phụ thuộc vào cả hai nước trên, đặc biệt là Ukraine, về nguồn cung các loại hạt có dầu.

Hiện Kenya đang có khoảng 4,1 triệu người đối mặt với nạn đói do hạn hán kéo dài.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Không kết nạp Ukraine, nhưng NATO sẽ mời ông Zelensky dự họp

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, dù khối quân sự này không kết nạp Kiev làm thành viên.

Tờ Evpropeiska Pravda dẫn lời Tổng Thư ký khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm 15/6 xác nhận Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ được mời tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra tại Tây Ban Nha từ ngày 29 đến 30/6.

Theo ông Jens Stoltenberg, Tổng thống Zelensky có thể dự họp trực tiếp hoặc qua video tùy tình hình thực tế. "Ông ấy sẽ được mời dự, ông ấy sẽ được mời phát biểu trước các nhà lãnh đạo khi chúng tôi gặp nhau", quan chức NATO nhấn mạnh.

Từ khi chiến sự nổ ra, khối NATO do Mỹ dẫn đầu, đã liên tục thể hiện sự hậu thuẫn chính trị dành cho Kiev. Các thành viên NATO cũng cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí khác nhau trị giá nhiều tỷ USD, bao gồm những vũ khí hạng nặng như xe tăng, pháo, tên lửa.

Ukraine đã theo đuổi tư cách thành viên NATO từ lâu. Nước này cho rằng việc không được kết nạp vào NATO là một trong những nguyên nhân khiến Nga có thể phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, NATO đến nay chưa có kế hoạch kết nạp Kiev làm thành viên chính thức.

Khi được hỏi về liệu việc Ukraine nộp đơn xin Liên minh châu Âu (EU) có trở thành lí do để Kiev trở lại theo đuổi tư cách thành viên NATO hay không. ông Stoltenberg nói rằng, ưu tiên chính của NATO lúc này là giúp Ukraine trụ vững trong cuộc xung đột với Nga.

"Ukraine là quốc gia khao khát trở thành thành viên NATO", ông Stoltenberg nói. "Trọng tâm của chúng tôi là cho họ những hỗ trợ thiết thực, thiết bị sát thương và phi sát thương, đồng thời giúp Ukraine hiện đại hóa quân đội, chuyển đổi từ các thiết bị thời Liên Xô sang thiết bị NATO".

Nguồn: cand.com.vn

5. Lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Italia thăm Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italia Mario Draghi ngày 16/6 đã đến thủ đô Kiev trong chuyến thăm đầu tiên của các lãnh đạo này đến Ukraine kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine cuối tháng 2 vừa qua. 

Ba nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) đã rời Ba Lan tới Ukraine trên chuyến tàu đặc biệt.

Theo hãng tin AFP, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italia đã xuống từ tàu hỏa đến một sân ga ở thủ đô Ukraine.

Phát biểu ý kiến ngay sau khi đến Kiev, Tổng thống Pháp Macron cho biết 3 nhà lãnh đạo sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và đến các địa điểm từng xảy ra chiến sự. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về tình hình chiến sự và các giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ kêu gọi các nhà lãnh đạo EU tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang nỗ lực để được trao quy chế ứng cử viên gia nhập EU. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đưa ra ý kiến chính thức về tư cách ứng cử viên của Ukraine trong ngày 17/6. Sau đó, 27 quốc gia thành viên EU sẽ quyết định xem họ có đồng ý với ý kiến của EC hay không.

Dù nhiều nước EU ủng hộ Ukraine và hỗ trợ quân sự cho quốc gia này, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá không chắc chắn rằng họ sẽ ủng hộ Ukraine trở thành thành viên EU.

Trước đó, trong chuyến thăm tới Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng không hứa hẹn cụ thể về triển vọng Ukraine sớm là thành viên EU.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 12
  • Trong tuần: 3 095
  • Tất cả: 8761721

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn