Tình hình đáng chú ý
Từ ngày 08 - 12/8/2022

1. Liên hợp quốc cảnh báo IS có thể lợi dụng tình hình xung đột ở UKraina

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Vladimir Voronkov cảnh báo, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang kêu gọi những người ủng hộ lợi dụng cuộc xung đột ở Ukraine để tấn công châu Âu.

Ngày 10/8, tại 1 cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ, ông Voronkov - kiêm nhiệm Trưởng Văn phòng chống khủng bố của LHQ nhận định, IS vẫn là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Đáng chú ý, mối đe dọa này gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

IS và các tổ chức chân rết tiếp tục lợi dụng các yếu tố bất ổn để kích động, lên kế hoạch và tổ chức các cuộc tấn công khủng bố; khai thác các hạn chế liên quan đến đại dịch, lạm dụng không gian kỹ thuật số để tăng cường nỗ lực tuyển mộ những phần tử cực đoan và thu hút nguồn lực.

Theo ông Voronkov, IS đang kêu gọi những người ủng hộ lợi dụng việc nới lỏng hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 và tình hình xung đột ở Ukraine để thực hiện các vụ tấn công ở châu Âu nói riêng và các khu vực không xung đột nói chung, nhằm kích động nỗi sợ hãi cũng như phô trương sức mạnh.

Ông Voronkov nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các biện pháp phi quân sự để chống khủng bố và giải quyết hậu quả của vấn đề này.

Theo ông, cộng đồng quốc tế cần tập trung giải quyết các điểm nóng xung đột ở các khu vực mà IS và Al-Qaeda phát triển mạnh, giải quyết những vấn đề thường bị lực lượng khủng bố lợi dụng, như bất bình đẳng trong xã hội, đồng thời thúc đẩy bảo đảm nhân quyền và pháp quyền.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình Trung Đông

Ngày 9/8, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, ông Trương Quân, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các bước đi thực chất để thúc đẩy giải pháp 2 nhà nước, nhằm giải quyết vấn đề Palestine vào thời điểm sớm nhất.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 8, ông Trương Quân đã chủ trì cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an về tình hình Trung Đông, bao gồm cả vấn đề Palestine.

Cuộc họp được triệu tập theo yêu cầu của Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Pháp, Ireland và Na Uy.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trương Quân cho biết, tất cả những nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Jihad (PIJ) trên Dải Gaza ngày 7/8 đều được Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn chỉ là bước khởi đầu. Chìa khóa để ngừng bắn và ngăn chặn bạo lực nằm ở việc thực thi thỏa thuận.

Ông nhấn mạnh nguyên nhân sâu xa của những biến động trong tình hình Palestine và Israel là do tiến trình hòa bình Trung Đông đã đi chệch hướng, giải pháp 2 nhà nước đang bị xói mòn, trong khi các nghị quyết của Liên hợp quốc không được thực thi hiệu quả và quyền của người dân Palestine đã liên tục bị xâm phạm.

Do vậy, cộng đồng quốc tế phải có tầm nhìn dài hạn, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và thực hiện các nỗ lực ngoại giao với tinh thần khẩn trương, đảo ngược các xu hướng tiêu cực trên thực địa, khôi phục tiến trình hòa bình càng sớm càng tốt và thực hiện các bước đi thực chất nhằm thúc đẩy giải pháp 2 nhà nước, để từ đó người dân Palestine có thể được hưởng đầy đủ các quyền công dân, và 1 giải pháp toàn diện, công bằng, lâu dài cho vấn đề Palestine có thể đạt được trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, ông Trương Quân cho rằng Hội đồng Bảo an có nhiệm vụ phải theo dõi sát tình hình và ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột khi ở thời điểm hiện nay, tình hình tại thực địa vẫn rất "mong manh".

Các nhận định trên được đưa ra 2 ngày sau khi sau khi Israel và PIJ đạt được 1 thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian, chấm dứt cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài suốt 3 ngày, khiến 44 người Palestine thiệt mạng, 360 người bị thương và nhiều nhà cửa bị phá hủy.

 Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Hiện chưa có cơ sở để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với Ukraine

- Hiện không có cơ sở nào để Nga và Ukraine tổ chức Hội nghị thượng đỉnh để giải quyết những bất đồng. Các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskiy chỉ có thể diễn ra sau khi các đoàn đàm phán của hai bên hoàn thiện kịch bản làm việc cụ thể.

Đây là những tuyên bố được người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo giới tại thủ đô Moscow (Nga), ngày 8/8.

Theo quan điểm của ông Peskov, phái đoàn Ukraine tham dự các cuộc đàm phán đã “biến mất khỏi màn hình radar” và hiện không có sự kiện tương tự nào đang diễn ra giữa Moscow và Kiev. Bên cạnh đó, phát ngôn viên Điện Kremlin cũng khẳng định chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ được tiếp tục cho đến khi đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Trên thực tế, tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine đã bị đình trệ trong nhiều tháng qua trong khi hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau về không đạt được tiến bộ. Trong khi đó, triển vọng nối lại đàm phán đang mờ nhạt cùng với những động thái cứng rắn từ các bên liên quan.

Hãng thông tấn Interfax-Ukraine đưa tin, ngày 8/8, Quốc hội Ukraine đã công bố dự thảo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Dự luật trừng phạt do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất nêu ra 10 biện pháp hạn chế mới sẽ được áp dụng nhằm vào Nga trong 10 năm tới.

Cụ thể, dự thảo luật quy định cấm chuyển tiền từ Ukraine cho các cá nhân và các thực thể liên quan đến Nga. Đồng thời cấm các cá nhân có liên hệ với Nga tham gia vào quá trình tư nhân hóa và cho thuê tài sản của nhà nước Ukraine cũng như mua bất động sản ở Ukraine. Dự luật cũng đề xuất cấm các tàu và máy bay của Nga hay có liên quan tới Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine, cùng một số biện pháp khác.

Trong bối cảnh đó, màn khẩu chiến giữa Nga và Ukraine liên quan tới cuộc không kích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu vào hôm 6/8 vừa qua vẫn chưa ngã ngũ.

Trong thông điệp phát đi ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích việc Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là một hành động “khủng bố hạt nhân”. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho rằng vụ tấn công là diễn biến “cực kỳ nguy hiểm” và có thể gây ra những hậu quả thảm khốc cho toàn bộ châu Âu.

Trước đó, ngày 7/8, Cơ quan năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine, đơn vị được giao vận hành nhà máy Zaporizhzhia cáo buộc các lực lượng Nga đã không kích nhà máy điện hạt nhân cung cấp 1/4 sản lượng điện tiêu thụ ở Ukraine. Energoatom cho biết, các vụ tấn công tên lửa do Nga thực hiện ngày 6/8 đã nhắm trúng một khu vực gần kho dự trữ của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia gồm 174 thùng chứa nhiên liệu hạt nhân, khiến chúng bị phát nổ.

Nguồn: dangcongsan.vn/thegioi

 

 

4. Việt Nam hy vọng Mỹ - Trung giải quyết bất đồng thông qua đối thoại

Việt Nam kêu gọi các bên không làm gia tăng căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan (Trung Quốc), bày tỏ mong muốn Mỹ - Trung giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

"Việt Nam mong muốn hai nước duy trì quan hệ lành mạnh, ổn định, giải quyết mọi bất đồng thông qua đối thoại, dựa trên luật pháp quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói hôm 11/8 khi bình luận về căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Theo bà Hằng, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác với hai nước Mỹ và Trung Quốc trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích của người dân, vì ổn định, hòa bình trên thế giới.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam tiếp tục quan tâm và theo dõi sát tình hình tại eo biển Đài Loan (Trung Quốc).

Việt Nam cho rằng, hòa bình, ổn định và hợp tác ở eo biển (Đài Loan) có ý nghĩa quan trọng với khu vực và thế giới trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng tình hình trên eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới", bà Hằng khẳng định.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam, được thể hiện trong các văn kiện chung nhân các chuyến thăm cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, trên cơ sở kiên trì nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

Quan hệ Mỹ - Trung gần đây gia tăng căng thẳng sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 2/8.

Bắc Kinh khẳng định chuyến thăm này đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc và sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương. Quân đội Trung Quốc sau đó triển khai tập trận bắn đạn thật xung quanh Đài Loan.

Ngày 5/8, Bắc Kinh công bố quyết định trừng phạt bà Nancy Pelosi và các thành viên gia đình, đồng thời cắt đứt quan hệ với Washington trong một số lĩnh vực quân sự và dân sự.

Nguồn: vtc.vn/thegioi

 

5. Liên Hợp Quốc cảnh báo hậu quả thảm khốc tại nhà máy hạt nhân ở Ukraine

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, bất kỳ thiệt hại nào ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đều dẫn tới hậu quả thảm khốc.

"Tôi kêu gọi các lực lượng quân sự của Nga và Ukraine ngừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự ở khu vực lân cận nhà máy và không nhằm vào các cơ sở hạ tầng của nhà máy hoặc môi trường xung quanh", ông Guterres nhấn mạnh trong tuyên bố đưa ra ngày 11/8. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên liên quan không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây nguy hiểm đến tính toàn vẹn, an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Nga và Ukraine gần đây cáo buộc bên còn lại nhắm mục tiêu vào Zaporizhzhia. Moskva khẳng định, Kiev không chỉ bắn pháo mà còn thực hiện các đợt tập kích bằng máy bay không người lái vào đây. Trong khi đó, Ukraine cáo buộc Nga liên tục pháo kích vào cơ sở này. 

Truyền thông Nga hôm 10/8 dẫn thông báo của phái bộ thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc cho hay, Moskva đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an ngày 11/8 để thảo luận về "các cuộc tấn công gần đây của Ukraine vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra".

Nhà máy Zaporizhzhia là cơ sở sản xuất điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nằm ở phần lãnh thổ tỉnh Zaporizhzhia ở miền Nam Ukraine, do quân đội Nga kiểm soát. 

Trong tuyên bố đưa ra trước đó, ông Guterres cảnh báo mọi hành động tấn công vào một nhà máy hạt nhân là "tự sát". 

"Tôi hy vọng những cuộc tấn công này sẽ kết thúc và kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA - được cấp quyền tiếp cận nhà máy", ông Guterres nói. IAEA cho hay, cơ quan này đã đề nghị được đưa phái đoàn "hỗ trợ kỹ thuật về an ninh và an toàn hạt nhân" tới nhà máy nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nguồn: vtc.vn/thegioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 3 092
  • Tất cả: 8761718

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn