TÌNH HÌNH THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
Từ ngày 4/4 đến ngày 8/4/2022

1. Nga triệu họp Hội đồng Bảo an về nghi án Ukraine dàn dựng thi thể ở Bucha 

Nga triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với cáo buộc phía Ukraine đã dàn dựng vụ việc hàng trăm thi thể dân thường gần Kiev để đổ lỗi cho Nga.

Sau vòng đàm phán có ý nghĩa ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3/2022, quân đội Nga tuyên bố rút bớt lực lượng khỏi các khu vực gần Kiev và Chernihiv ở miền Bắc Ukraine để tạo không khí thuận lợi cho các cuộc đối thoại giữa hai nước.

Đến ngày 3/4, truyền thông phương Tây liên tiếp dẫn thông báo của Chính phủ Ukraine nói rằng giới chức nước này đã tiến vào các thị trấn Bucha, Irpin và Hostomel gần Kiev, sau đó phát hiện hàng trăm thi thể dân thường tại khu vực này, đồng thời khẳng định người Nga có liên quan.

Hình ảnh do phía Ukraine cung cấp cho thấy nhiều thi thể dân thường được tìm thấy trên các tuyến đường ở Bucha. Trưởng công tố Ukraine Iryna Venedyktova cho biết, họ cần thêm thời gian để xác định quy mô của cái mà bà mô tả là "tội ác chiến tranh".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày cũng lên tiếng thông báo về cái chết của hàng trăm dân thường. "Hàng trăm người đã thiệt mạng. Dân thường bị ngược đãi, xử tử. Xác chết trên đường phố. Các khu vực bị nổ mìn", ông Zelensky quả quyết.

Từ Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác cáo buộc của Ukraine, khẳng định các hình ảnh về dân thường thiệt mạng trên đường phố Bucha là sản phẩm dàn dựng, nhằm mục đích phá rối các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.

Bà Zakharova tuyên bố, Nga đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) để thảo luận về sự việc. Một số nguồn tin nói rằng cuộc họp có thể diễn ra trong vài giờ tới.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các lực lượng Nga ở Bucha đã rút khỏi thị trấn này từ ngày 30/3, 4 ngày trước khi hình ảnh thi thể dân thường được Ukraine công bố. Nga nói rằng dân thường vẫn đi lại bình thường ở Bucha ngay cả khi lực lượng Nga kiểm soát khu vực.

Nga giành kiểm soát Bucha từ ngày 12/3 và duy trì kiểm soát khu vực này trong gần 3 tuần. Lực lượng của Moscow cam kết mở các lối ra vào thị trấn để người dân có thể sơ tán nếu họ có nhu cầu.

Tờ Rossyiskaya Gazeta phát hiện trong video do Ukraine đăng tải về các thi thể có nhiều bất thường và liệt kê chúng, song Ukraine chưa bình luận về những thông tin đó.

Nguồn: cand.com.vn

2. Các nước châu Âu chi 38 tỷ USD cho năng lượng Nga trong 6 tuần qua

Một quan chức EU cho biết khối này đã trả 38 tỷ USD cho các hợp đồng năng lượng từ Nga kể từ khi khủng hoảng ở Ukraine nổ ra.

Tờ Wall Street Journal trích lời đại diện chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu đã chi khoảng 38 tỷ USD cho các hợp đồng nhập khẩu năng lượng từ Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.

Khoảng 60% nhu cầu năng lượng của EU đến từ nguồn nhập khẩu. Do đó, dù liên minh đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Moskva nhưng phần lớn các lệnh vẫn tránh dầu và khí đốt của Nga.

Hôm 6/4, dù EU tuyên bố cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga và ủng hộ đề xuất cấm sử dụng than của nước này, thì dầu và khí đốt vẫn tiếp tục được đưa từ Nga đến các quốc gia mà Điện Kremlin gọi là "không thân thiện".

Theo chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, các quan chức EU đang xem xét việc thành lập tài khoản ký quỹ để khối này có thể thực hiện một số khoản thanh toán năng lượng.

Nếu quyết định này được thông qua, tài khoản ký quỹ sẽ đóng băng doanh thu năng lượng của Nga ở nước ngoài. Tuy nhiên, ông Putin đã cảnh báo rằng Nga sẽ cắt nguồn cung cấp năng lượng nếu nước này không thể tiếp cận các khoản thanh toán.

Hôm 6/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói việc tạo tài khoản ký quỹ cho doanh thu từ năng lượng của Nga là một biện pháp khả thi để gia tăng áp lực lên Moskva. 

Nguồn: vtc.vn/su-kien

3. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông

Bộ Ngoại giao khẳng định hoạt động quân sự hóa các thực thể tại Trường Sa vi phạm chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi này.

"Việc thúc đẩy quân sự hóa một số thực thể trên Biển Đông không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam mà còn gây lo ngại cho các nước liên quan, không có lợi cho hòa bình, ổn định khu vực", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói trong họp báo hôm nay.

Bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, không có hành động quân sự hóa, gây bất ổn trong khu vực", phó phát ngôn viên nói.

Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi được hỏi về thông tin Trung Quốc đã hoàn tất hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, hãng thông tấn AP dẫn lời đô đốc John Aquilino, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã hoàn thành các hoạt động quân sự hóa trên ba đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở các thực thể trên, song chưa rõ họ có xây thêm hạ tầng quân sự ở các thực thể khác hay không.

Ông Aquilino cho hay các hành động này hoàn toàn trái ngược với cam kết của Trung Quốc rằng sẽ không biến các đảo nhân tạo thành căn cứ quân sự. Ông đánh giá đây là một phần trong quá trình Trung Quốc củng cố sức mạnh quân sự của mình ở Biển Đông.

Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ thập là ba trong số 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Các thực thể còn lại là đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma và đá Châu Viên.

Nguồn: vnexpress.net/the-gioi

4. Nga rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ sau khi bị đình chỉ tư cách thành viên

Nghị quyết kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Đại hội đồng LHQ ngày 7/3 đã quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền do tình hình chiến sự ở Ukraine, sau khi 93 nước tham gia phiên bỏ phiếu ủng hộ hành động này, 24 nước bỏ phiếu phản đối và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsy, người đầu tiên phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, gọi việc đình chỉ Nga "không phải là một lựa chọn, mà là một nghĩa vụ". Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã "cảm ơn" tất cả những nước bỏ phiếu ủng hộ.

Trong khi đó, đại diện Nga cho rằng phiên bỏ phiếu tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Phía Nga cũng lấy làm tiếc khi Đại hội đồng LHQ đưa ra quyết định trên, đồng thời khẳng định Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích cốt lõi của họ bằng mọi cách.

Theo giới truyền thông, kết quả của cuộc bỏ phiếu không loại trừ lập tức Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền có 47 thành viên, mà chỉ khiến Nga không còn được đề xuất các nghị quyết hay tham gia thảo luận về các vấn đề tại cơ quan này, ngoại trừ những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nga.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời phó đại sứ Nga tại LHQ Gennady Kuzmin tuyên bố Moscow đã quyết định rút hoàn toàn khỏi Hội đồng Nhân quyền vì cuộc bỏ phiếu là "bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị".

Phiên bỏ phiếu được tiến hành sau khi Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga chịu trách nhiệm cho hàng trăm dân thường thiệt mạng ở thị trấn Bucha, gần Kiev; còn Moscow khẳng định tình huống ở Bucha chỉ là một màn kịch do Kiev tạo ra.

Hiện chưa có bất cứ cuộc điều tra độc lập nào được tiến hành để xác minh sự cố ở Bucha. Nguyên nhân, thời điểm và vị trí tử vong của các thi thể chưa được làm rõ.

Trước phiên bỏ phiếu, Trung Quốc tuyên bố sẽ không ủng hộ việc đình chỉ Nga vì cho rằng động thái này có thể làm trầm trọng thêm cuộc chiến và cần phải điều tra thêm về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine. Brazil, Ai Cập, Mexico, Iran và Nam Phi cũng ủng hộ quan điểm trên.

Đây được cho là lần đầu tiên một quốc gia thuộc nhóm Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ bị đình chỉ tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền.

Nguồn: cand.com.vn

5. Việt Nam thuộc nhóm phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Giới chuyên gia của một số ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới nhận định, Đông Nam Á chịu khá ít tác động của những căng thẳng địa chính trị, trong đó có cuộc xung đột Nga-Ukraine và theo dự báo, Việt Nam sẽ nằm trong số ba thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực năm 2022, cùng với Indonesia và Singapore.

Phát biểu trên kênh CNBC, Giám đốc danh mục đầu tư của JPMorgan Asset Management, ông Desmond Loh (Đ.Lô) đánh giá, Việt Nam là điểm sáng trong vài năm qua về khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực trong suốt đại dịch.  

Theo ông Loh, Đông Nam Á khá an toàn trước căng thẳng địa chính trị gia tăng ở châu Âu, bởi Nga và Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% xuất khẩu của khu vực. Điều đó giúp Đông Nam Á trở thành “nơi trú ẩn” trước những căng thẳng địa chính trị. Các nhà phân tích cũng cho rằng, tác động từ động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đến khu vực Đông Nam Á sẽ tương đối nhỏ hơn so trước đây.

Trừ Singapore, phần lớn các ngân hàng trung ương của Đông Nam Á vẫn chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, một phần là do tình hình lạm phát trong khu vực ít nghiêm trọng hơn các nền kinh tế phát triển ở phương Tây.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 244
  • Trong tuần: 3 251
  • Tất cả: 8761542

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn