TÌNH HÌNH THẾ GIỚI ĐÁNG CHÚ Ý
Từ ngày 16/5 đến ngày 20/5/2022

1. Tái khẳng định vai trò của Việt Nam trong ổn định tại Đông Nam Á

Tờ The Economic Times vừa có bài bình luận về chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đánh giá chuyến thăm nhằm tái khẳng định vai trò của Việt Nam trong ổn định khu vực Đông Nam Á.

Theo bài viết, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm thành công và mang tính bước ngoặt tới Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, bao gồm cả quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Theo tác giả, chuyến thăm đã cho thấy vị thế chủ chốt của Việt Nam trong việc định hình quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ. Trong khi đó, quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng giúp tăng cường vai trò đối tác của New Delhi với ASEAN, qua đó tái khẳng định vị thế của Việt Nam với tư cách là một bên đa phương.

Về kinh tế, bài viết cho rằng Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế triển vọng ở Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến ở mức từ 6% đến 8%.

Bài viết cũng nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vai trò trung tâm của ASEAN cũng như quan điểm của Việt Nam trong vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các nước lớn, những đối tác của ASEAN, có thể đưa quan hệ đi vào ổn định, cạnh tranh lành mạnh và có trách nhiệm, đồng thời tham gia đóng góp cho khu vực trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, tham vấn đầy đủ với ASEAN, tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Việt Nam tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Thủ tướng hoan nghênh các đối tác ủng hộ ASEAN thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Về quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, bài viết nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục mở ra triển vọng cho mối quan hệ song phương.

Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam mong muốn đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và trở thành nước phát triển.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 2. Thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa các địa phương Việt Nam và Thái Lan

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan do Đại sứ Phan Chí Thành dẫn đầu đã đến thăm tỉnh Phichit nơi có Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh và làm việc với tỉnh Phichit nhằm thúc đẩy hợp tác giữa tỉnh Phichit với các địa phương của Việt Nam. 

Bản Đông thuộc tỉnh Phichit là địa điểm đầu tiên nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc với tên Thầu Chín đã dừng chân trong hành trình hoạt động cách mạng của Người tại Thái Lan năm 1928.

Hoan nghênh Đại sứ và đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam đến thăm tỉnh Phichit, ông Paiboon Nabutchom, Tỉnh trưởng Phichit bày tỏ sự kính trọng của nhân dân tỉnh Phichit đối với Bác Hồ, ôn lại quãng thời gian Bác dừng chân tại nơi đây. Chính quyền tỉnh Phichit luôn coi Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị giữa Thái Lan và Việt Nam, luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho việc duy trì, nâng cấp và mở rộng khu di tích quan trọng này.

Bên cạnh đó, ông Paiboon Nabutchom cũng bày tỏ mong muốn kết nghĩa với một tỉnh của Việt Nam để thúc đẩy hợp tác. Thế mạnh của tỉnh Phichit là công nghiệp tái chế rác thải và sản xuất nông nghiệp có chất lượng cao như lúa gạo, trái cây, nhất là bưởi và xoài, đất đai màu mỡ do đó tỉnh đặt mục tiêu hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu nông sản sang Việt Nam hoặc nước thứ ba.

Đại sứ Phan Chí Thành cảm ơn Chính phủ Thái Lan và chính quyền tỉnh Phichit đã quan tâm xây dựng và phát triển khu Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bản Đông để đây trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách Thái Lan, Việt Nam và các nước khác, nhằm tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước con người Việt Nam. Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Đại sứ mong muốn tỉnh Phichit thúc đẩy hợp tác hiệu quả với các địa phương của Việt Nam. Ủng hộ đề xuất của tỉnh về kết nghĩa với một tỉnh của Việt Nam để cụ thể hóa chương trình hợp tác và giao lưu nhân dân giữa các địa phương hai nước.

Đại sứ Phan Chí Thành và đoàn Đại sứ quán cũng đã đến tham quan Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh, thành kính dâng hoa, trồng cây lưu niệm và trao tặng bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Ban quản lý Bảo tàng. Đây là hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan tổ chức kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Người. 

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

 3. Nga triển khai vũ khí laser trong chiến dịch quân sự ở Ukraine

Phó Thủ tướng Yury Borisov cho biết Nga đang dùng vũ khí laser tại chiến dịch quân sự ở Ukraine, đặc biệt là hệ thống Zadira có thể tấn công mục tiêu cách 5 km.

Các hệ thống vũ khí laser đã bắt đầu đến tay quân đội. Những loại vũ khí đầu tiên đã được sử dụng (trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine), Phó Thủ tướng Yury Borisov nói, đồng thời cho biết thêm hệ thống này được đặt tên là Zadira.

Vũ khí laser Zadira mới nhất mạnh hơn hệ thống Peresvet, có khả năng “chọc mù” các vệ tinh do thám ở khoảng cách 1.500 km.

Zadira là vũ khí phóng ra năng lượng cường độ cao, hoạt động theo cơ chế đốt cháy mục tiêu thông qua tác động vật lý bằng nhiệt. Khoảng cách tấn công của Zadira có thể lên đến 5 km.

Hệ thống này có khả năng bắn hạ nhiều loại UAV khác nhau, giảm thiểu chi phí khi không cần sử dụng các hệ thống phòng không như Pantsir hay Tor”, ông Borisov cho biết.

Trước đó, ông Borisov cũng cho biết, Nga vừa thử nghiệm thành công hệ thống laser chiến đấu, có khả năng đốt cháy máy bay không người lái (UAV) ở khoảng cách 5km trong 5 giây.

Hệ thống laser tấn công đã chứng minh hiệu quả ở khoảng cách 5km, trong vòng 5 giây, phương tiện không người lái bị đốt cháy và phải tìm cách thoát hiểm”, ông Borisov cho biết tại một hội nghị.

 Nguồn: vtc.vn/su-kien

4.Tướng lĩnh quân đội Mỹ-Nga lần đầu điện đàm về cuộc chiến tại Ukraine

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley và Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga Valery Gerasimov đã lần đầu tiên điện đàm kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, Lầu Năm Góc cho biết ngày 19/5 (giờ địa phương).

Theo phát ngôn viên của ông Milley, hai quan chức quân đội cấp cao này đã “thảo luận về một số vấn đề liên quan đến an ninh và nhất trí duy trì các đường dây liên lạc”. Tuy nhiên, theo thông lệ, “chi tiết cụ thể của cuộc điện đàm vẫn được giữ bí mật”.

Phía Mỹ cũng không đề cập cụ thể vấn đề được các tướng lĩnh quân đội hai nước thảo luận.

Hãng thông tấn RIA, dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Nga, cho biết hai ông Milley và Gerasimov đã thảo luận về các vấn đề “hai bên cùng quan tâm”, trong đó có Ukraine.

Cuộc điện đàm được tổ chức sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thảo luận qua điện thoại với người đồng cấp Nga vào tuần trước, trong đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.

Mỹ và Nga đã thiết lập một đường dây nóng kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, để ngăn chặn những tính toán sai lầm và bất kỳ sự mở rộng xung đột nào.

Phát biểu tại Brussels ngày 19/5, Tướng không quân Tod Wolters, người chỉ huy các lực lượng Mỹ ở châu Âu, bày tỏ hy vọng cuộc điện đàm giữa hai ông Milley và Gerasimov là một bước tiến gần hơn đến một giải pháp ngoại giao ở Ukraine.

Tuy nhiên, cho đến nay các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine dường như không mấy tiến triển.

 Nguồn: cand.com.vn/the-gioi

 5. Hòa đàm đình trệ, Nga - Ukraine trách cứ lẫn nhau

Điện Kremlin nói Ukraine tỏ ra không sẵn sàng tiếp tục đàm phán hòa bình, nhưng quan chức ở Kiev đổ lỗi cho Nga vì sự đình trệ của các cuộc đối thoại.

Các quan chức cho biết các cuộc tiếp xúc giữa Nga và Ukraine kể từ sau cuộc gặp trực tiếp lần cuối cùng ngày 29/3 đã tiếp tục theo hình thức từ xa, nhưng đến 16/5, cả hai bên nói quá trình đàm phán đã đình trệ.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Các cuộc đàm phán không tiến triển và chúng tôi nhận thấy các nhà đàm phán Ukraine hoàn toàn không sẵn sàng tiếp tục quá trình này”.

Hãng thông tấn Interfax cùng ngày dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết Nga và Ukraine không tổ chức các cuộc đàm phán "dưới bất kỳ hình thức nào", và Kiev trên thực tế đã "rút lui khỏi tiến trình đàm phán". 

Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đã đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình.

Ông nói trên nền tảng Telegram: “Ông Putin chưa sẵn sàng hội đàm". 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhắc lại lời đề nghị tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp với ông Putin, nhưng ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của nhà lãnh đạo Ukraine, cho biết các cuộc đàm phán đang "tạm dừng". 

Nga tuyên bố thực hiện một "chiến dịch đặc biệt" nhằm phi quân sự hóa Ukraine vào ngày 24/2. Phương Tây và Kiev phản đối động thái này và áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt với Moskva. Trong các cuộc đàm phán, hai bên không đạt được thỏa thuận hòa bình nhưng có đưa ra các giải pháp về hành lang nhân đạo.

Trong diễn biến gần đây, Nga đồng ý cho các binh sĩ Ukraine bị thương rời khỏi nhà máy thép Azovstal, thành phố Mariupol - "điểm nóng" mà hai bên đã ở thế giằng co trong nhiều tuần. Trong khi Nga nói các binh sĩ Ukraine đã đầu hàng trước khi được đưa rời khỏi nhà máy, cơ quan chức năng Ukraine nói đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tại Mariupol và ra lệnh cho các lực lượng bảo toàn tính mạng của các thành viên. 

Hơn 260 binh sĩ Ukraine, trong đó có 53 binh sĩ bị thương nặng, được sơ tán khỏi nhà máy.

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Anna Malyar và Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, các binh sĩ này sẽ tham gia quá trình trao đổi tù binh giữa hai bên, song thông tin chi tiết chưa được đề cập. 

Moskva nói sẽ đối xử với binh sĩ Ukraine “phù hợp với luật pháp quốc tế tương ứng”, mặc dù một số quan chức Nga cho rằng những binh sĩ này phải được xét xử như tội phạm chiến tranh.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 344
  • Trong tuần: 3 351
  • Tất cả: 8761642

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn