Tình hình thế giới đáng chú ý
Tổng thống Nga và Thủ tướng Italy thảo luận tình hình Ukraine, Mỹ nêu chính sách cùng tồn tại và hợp tác với Trung Quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay … là những nội dung đáng chú ý tuần qua

1. Tổng thống Nga và Thủ tướng Italy thảo luận tình hình Ukraine

Tổng thống Putin nêu rõ "Nga sẵn sàng đóng góp giải quyết khủng hoảng lương thực bằng cách xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ các biện pháp hạn chế mang động cơ chính trị."

 Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng "góp phần đáng kể" giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan vấn đề Ukraine.

Ông Putin đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 26/5. 
Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về tình hình an ninh lương thực toàn cầu cũng như vấn đề Ukraine.
Tổng thống Putin nêu rõ "Nga sẵn sàng đóng góp đáng kể giải quyết khủng hoảng lương thực bằng cách xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ các biện pháp hạn chế mang động cơ chính trị."
Ông Putin cũng đảm bảo với Thủ tướng Draghi rằng Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt liên tục cho Italy với mức giá đã được nhất trí trong hợp đồng.
Trước đó, công ty năng lượng Eni của Italy cho biết đã mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán tiền khí đốt mua của Nga bằng đồng ruble.
Về phần mình, phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Draghi cho biết mục đích cuộc điện đàm này là tìm cách giải tỏa hàng tấn ngũ cốc đang mắc kẹt tại các kho chứa ở Ukraine.
Ông kêu gọi Nga và Ukraine phối hợp để dỡ bỏ tình trạng phong tỏa các cảng ở Biển Đen, nơi lúa mì chất trong các kho chứa đang có nguy cơ bị hỏng.
Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Ukraine ngày 26/5 cho biết nước này đang nỗ lực tìm cách xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ cũng như đường sắt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trước thời điểm xung đột bùng phát, Ukraine có thể xuất khẩu 6 triệu tấn lúa mì, lúa mạch và ngô mỗi tháng, song lượng xuất khẩu đã giảm xuống chỉ còn 300.000 tấn vào tháng 3 vừa qua và 1,1 triệu tấn vào tháng 4.
Chính phủ Ukraine muốn nâng khối lượng xuất khẩu lên 2 triệu tấn, song đang gặp những trở ngại về hậu cần như thiếu toa xe lửa, nhiên liệu, xe tải... Những khó khăn này có thể mất nhiều năm và hàng tỷ USD để khắc phục.
Hiện Ukraine có ít nhất 20 triệu tấn ngũ cốc cất trữ trong kho và công ty tư vấn nông nghiệp APK-Inform ước tính có thể có thêm khoảng 40 triệu tấn nữa trong vụ thu hoạch mùa Hè này.
Giá lúa mì tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3 và giá lương thực tăng vọt đã góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát trên toàn thế giới. Liên hợp quốc đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận để vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua các cảng ở Biển Đen như Odessa./.
Nguồn TTXVN

2. Mỹ nêu chính sách cùng tồn tại và hợp tác với Trung Quốc

Ngày 26/5, trong bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc tại Đại học George Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã phác thảo cách tiếp cận của Washington là “đầu tư, liên kết, cạnh tranh”, đồng thời đề cập quan điểm “cùng tồn tại và hợp tác” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh, Mỹ sẽ không thỏa hiệp trong các nguyên tắc hợp tác với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken thừa nhận, quan hệ Mỹ-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ phức tạp và gây tác động nhất trên thế giới hiện nay. Ông cho biết, Mỹ không tìm kiếm xung đột hay một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc mà ngược lại muốn tránh cả hai. Nhà ngoại giao Mỹ nêu rõ, Washington không tìm cách ngăn cản Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới cũng như không cản trở Trung Quốc phát triển kinh tế hoặc thúc đẩy lợi ích của người dân.    

Quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định, Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác trong các vấn đề toàn cầu quan trọng bất chấp những khác biệt giữa hai bên. Việc bảo vệ trật tự toàn cầu, bao gồm luật pháp và các hiệp định quốc tế, sẽ giúp tất cả các quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, có thể cùng tồn tại và hợp tác. Ông cũng lưu ý Trung Quốc và Mỹ cần duy trì sự hợp tác cùng nhau và hợp tác với các nước khác trong vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên. 

Đề cập vấn đề biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Blinken cho rằng, Mỹ và Trung Quốc - hai nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới - đã hợp tác để đạt được tiến bộ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow (Anh) hồi năm ngoái. Theo ông, một sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực năng lượng sạch sẽ mang lại lợi ích toàn cầu.

Nguồn: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/my-neu-chinh-sach-cung-ton-tai-va-hop-tac-voi-trung-quoc-699086/

3. Kêu gọi quốc tế chung tay giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu

Hôm 22/5, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay.
Theo đó, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực thông qua các hành động phối hợp gồm cung cấp lương thực khẩn cấp, hỗ trợ tài chính, đẩy mạnh và đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.

Nghị quyết kêu gọi thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc, cởi mở, không phân biệt đối xử và bình đẳng trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nghị quyết kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), coi an ninh lương thực toàn cầu là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự và hỗ trợ các nỗ lực đa phương tìm kiếm các giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các bên liên quan duy trì chuỗi cung ứng nông sản và thực phẩm, hỗ trợ nông dân thúc đẩy các mô hình sản xuất và chăn nuôi bền vững, đồng thời hạn chế tích trữ lương thực và hàng hóa.

Nghị quyết kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế tìm ra các giải pháp khẩn cấp, hợp lý và kịp thời để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước vay nợ nhiều nhất, ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, thông qua tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp xóa nợ, ưu đãi tài chính và các khoản viện trợ không hoàn lại.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc, các tổ chức nhân đạo và phát triển và các tổ chức liên quan khác khẩn trương ứng phó, ngăn chặn và chuẩn bị cho tình huống mất an ninh lương thực toàn cầu trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia thành viên lưu ý lời kêu gọi về viện trợ nhân đạo khẩn cấp của Liên hợp quốc nhằm hỗ trợ các quốc gia đang đối mặt với xung đột vũ trang, hạn hán và nạn đói./.

Nguồn TTXVN

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 256
  • Trong tuần: 3 263
  • Tất cả: 8761554

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn