Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 15 - 19/8/2022

1. Căng thẳng leo thang giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ không kích

Ngày 16/8, quân đội Syria tuyên bố sẽ phản ứng nhanh chóng và trực tiếp bất kỳ vụ tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào các căn cứ quân sự ở Syria.

Tuyên bố này được đưa ra ngay sau cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào 1 vị trí ở biên giới do quân Chính phủ Syria kiểm soát ở miền bắc nước này, làm 3 binh sĩ thiệt mạng.

Theo tuyên bố, quân đội Syria đã nhắm mục tiêu vào một số căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyên bố cho rằng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các vụ tấn công ở Syria gần đây trong bối cảnh Ankara đẩy mạnh các cuộc tấn công vào các khu vực ở miền bắc và đông bắc Syria, như một phần trong chiến dịch chống lại lực lượng người Kurd.

Trước đó cùng ngày, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, vụ không kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 11 người thiệt mạng.

Thông cáo không nêu rõ những người thiệt mạng là lực lượng thân Chính phủ Syria hay lực lượng người Kurd.

Cuộc không kích diễn ra sau các vụ đụng độ xuyên đêm giữa các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm vũ trang "Các lực lượng dân chủ Syria" (SDF) do người Kurd lãnh đạo ở phía tây tỉnh Kobani.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã cảnh báo sẽ tiến hành cuộc tấn công quân sự ở miền bắc Syria, bất chấp Nga và Iran đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Việt Nam chủ trì lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN tại Nhật Bản

Ngày 16/8, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã chủ trì lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với sự tham gia của các đại sứ/đại biện lâm thời của 10 nước thành viên ASEAN tại Tokyo.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, người đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Tokyo (ACT), khẳng định: “Sau 55 năm thành lập, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực năng động và thành công nhất trên thế giới”.

Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, với dân số gần 700 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới hơn 3.200 tỷ USD, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới và đang là động lực tăng trưởng của nền kinh tế khu vực.

Trao đổi thương mại của khối ASEAN đã quay lại mức trước đại dịch COVID-19 và nền kinh tế ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 5,2% trong năm tới.

Quan hệ giữa ASEAN và các đối tác, trong đó có tất cả các nước lớn, đang ngày càng sâu sắc và thực chất hơn.

Đại sứ nhấn mạnh “các thành tựu to lớn của ASEAN là thành quả của các nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân ASEAN” và “ASEAN đã trở thành tài sản vô giá và lợi ích to lớn của tất cả các nước thành viên”.

Đại sứ Vũ Hồng Nam cũng đánh giá cao vai trò của ACT kể từ khi thành lập.

Đại sứ cho biết trong lịch sử 44 năm kể từ khi thành lập, các thành viên của ACT luôn tuân thủ nguyên tắc “đoàn kết trong đa dạng”.

Các thành viên ACT thường xuyên gặp gỡ và trao đổi để hỗ trợ lẫn nhau trong việc tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên và với Nhật Bản, cũng như giữa ASEAN và Nhật Bản.

Về phần mình, Đại sứ Campuchia tại Nhật Bản Tuy Ry cho rằng trong 55 năm qua, ASEAN đã chuyển đổi từ một cơ chế lỏng lẻo trở thành một tổ chức gắn kết chặt chẽ và dựa trên quy tắc.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ASEAN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh, trong đó quan trọng nhất là tình hình ở Myanmar, vấn đề Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và xung đột Nga-Ukraine.

Đại sứ Tuy Ry cảnh báo “các vấn đề này có thể gây bất ổn cho hòa bình và ổn định của khu vực nếu các nước ASEAN không thể giải quyết chúng một cách thích hợp”.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Tuy Ry đã nêu ra một số ưu tiên chính trong năm Campuchia giữ vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Ông Tuy Ry nói: “Đối với các ưu tiên thuộc trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, có một số điểm trọng yếu như duy trì và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN vì hòa bình và thịnh vượng; tăng cường đóng góp cho hòa bình thế giới; tiếp thêm sinh lực và mở rộng quan hệ đối tác với các đối tác bên ngoài; làm dịu tình hình ở Myanmar dựa trên Đồng thuận 5 điểm của ASEAN...”.

Theo Đại sứ Tuy Ry, một số ưu tiên thuộc trụ cột Kinh tế và Văn hóa-Xã hội gồm bảo đảm thực hiện hiệu quả các sáng kiến ứng phó với dịch COVID-19; thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tăng cường các hiệp định thương mại tự do hiện có; thúc đẩy nền kinh tế số, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, và tăng cường vai trò của phụ nữ; tăng cường kết nối kỹ thuật số và hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ...

Sau lễ kỷ niệm, các đại sứ/đại biện lâm thời của 10 nước thành viên ASEAN đã tham dự kỳ họp lần thứ 311 của ACT.

Được thành lập vào ngày 17/5/1978, ACT là khuôn khổ có sự tham gia của các đại sứ 10 nước thành viên ASEAN. Đây là một diễn đàn để trưởng phái đoàn ngoại giao của các nước ASEAN thảo luận và trao đổi ý kiến nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các phái đoàn nói riêng và giữa các nước thành viên ASEAN nói chung, cũng như giữa ASEAN với Nhật Bản và các quốc gia khác./.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

3. Hàng loạt vụ đánh bom, đốt phá xảy ra ở miền nam Thái Lan

Rạng sáng 17/8, hàng loạt các vụ đánh bom và đốt phá đã diễn ra gần như đồng thời tại 3 tỉnh biên giới miền nam Thái Lan là Yala, Narathiwat và Patani. Mặc dù không có ai bị thiệt mạng nhưng những vụ phá hoại này đã gây ra nhiều thiệt hại về vật chất.

Theo Bộ Tư lệnh tác chiến an ninh nội địa (Isoc) vùng 4 Thái Lan, các vụ đốt phá và đánh bom này chủ yếu nhằm mục tiêu phá hoại nền kinh tế trong khu vực. Thiếu tướng Pramote Prom-in, Phó Tư lệnh Isoc vùng 4, cho biết, các nghi phạm đã tiến hành tấn công 17 địa điểm gần như đồng thời. Trong đó, có 2 vụ ở Pattani, 6 vụ ở Yala và 9 vụ ở Narathiwat.

Phần lớn các vụ đốt phá và đánh bom đều nhắm vào các cửa hàng tiện ích thuộc chuỗi 7-Eleven và Mini Big C đặt trong các trạm xăng và gây ra một số thiệt hại nhỏ. Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom tại trạm xăng Bang Chak ở tỉnh Pattani. Quả bom phát nổ vào lúc 12 giờ 20 phút gây cháy lớn. Ngọn lửa sau đó đã lan vào cửa hàng Mini Big C đặt trong khuôn viên trạm và gây ra thiệt hại nặng nề. Đám cháy cũng gây thiệt hại cho một số xe tải đậu trong trạm xăng.

Tại một trạm xăng của PTT ở quận Sungai Kokok thuộc tỉnh Narathiwat, đám cháy cửa hàng 7-Eleven cũng đã lan sang 2 cây xăng nhưng đã nhanh chóng bị dập tắt.

Mặc dù các vụ tấn công xảy ra ở nhiều nơi, nhưng chỉ có 3 người ở tỉnh Narathiwat bị thương nhẹ. Một nhân viên giao hàng người Myanmar bị thương nhẹ trong vụ tấn công ở quận Bacho. Ngoài ra, vụ cháy ở quận Si Sakhon cũng khiến 2 người khác bị bỏng nhẹ và tức ngực.

Ông Pramote cho biết, Tư lệnh Quân đoàn 4, Trung tướng Kriangkrai Srirak đã ra lệnh cho các đơn vị bảo đảm an ninh cho các nhóm xử lý chất nổ hiện đang làm việc tại hiện trường các vụ tấn công. Cảnh sát đang tiến hành điều tra và cho rằng chắc chắn những vụ tấn công này có sự phối hợp.

Theo Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã lên án các vụ đốt phá và đánh bom ở 3 tỉnh miền nam. Ông Prayut yêu cầu các quan chức điều tra tìm kiếm động cơ đằng sau các vụ tấn công, đồng thời nhanh chóng bắt giữ tất cả các nghi phạm.

Thủ tướng Thái Lan cũng kêu gọi các quan chức nâng cao cảnh giác trong quá trình điều tra, ưu tiên an toàn về tính mạng và tài sản của người dân địa phương đồng thời tăng cường các biện pháp an ninh nếu cần thiết.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Trung Quốc phản đối Mỹ đàm phán thương mại với Đài Loan

Trung Quốc nói sẽ có biện pháp mạnh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, kêu gọi Mỹ không ra phán quyết sai lầm về thương mại với Đài Loan.

Trung Quốc kiên quyết phản đối đàm phán thương mại giữa Mỹ và Đài Loan, sẽ triển khai mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ, an ninh và phát triển các lợi ích, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm nay cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cũng có cảnh báo tương tự, kêu gọi Mỹ không ra phán quyết sai lầm.

Trung Quốc phản ứng sau khi John Deng, quan chức đàm phán thương mại của Đài Loan, bày tỏ hy vọng có thể bắt đầu đàm phán thương mại với Mỹ sớm nhất trong tháng 9, hướng đến một thỏa thuận tự do thương mại song phương.

Chính sách "Một Trung Quốc" là điều kiện tiên quyết để Đài Loan tham gia hợp tác kinh tế với các quốc gia bên ngoài, Shu Jueting, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, bổ sung. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực.

Washington và Đài Bắc hồi tháng 6 công bố Sáng kiến Mỹ - Đài về Thương mại Thế kỷ 21. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết hai bên đã "đạt đồng thuận về các vấn đề cần trao đổi" và dự kiến vòng đàm phán đầu tiên diễn ra đầu mùa thu.

Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc", nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại.

Nguồn:vnexpress.net/the-gioi

5. Thủ tướng Hungary: Xung đột Ukraine có thể chấm dứt sự thống trị của phương Tây

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine có khả năng sẽ chấm dứt thế bá quyền của phương Tây trên toàn cầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Tichys Einblick (Đức), hôm 18/8, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ông dự báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ trở nên yếu hơn trên trường quốc tế khi chiến sự ở Ukraine kết thúc.

Nhà lãnh đạo Hungary lập luận, phương Tây không có khả năng giành chiến thắng trong cuộc xung đột về mặt quân sự và các biện pháp trừng phạt mà họ áp dụng đối với Moskva đã không thể gây bất ổn cho Nga. Theo Thủ tướng Viktor Orban, vấn đề còn tồi tệ hơn khi các biện pháp trừng phạt đem lại tác dụng ngược đối với EU.

Thủ tướng Viktor Orban lưu ý, “một phần lớn thế giới” rõ ràng không đi theo Mỹ khi nói đến Ukraine. Ông chỉ ra “Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, thế giới Ả Rập, châu Phi” là những nước, khu vực không ủng hộ đường lối của phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

“Rất có thể cuộc xung đột này sẽ chấm dứt một cách rõ ràng về thế bá quyền của phương Tây", Thủ tướng Viktor Orban nhấn mạnh.

Ông cũng lập luận, mặt khác, các cường quốc ngoài EU đang được hưởng lợi từ tình hình cuộc xung đột hiện nay khi Nga - nước giàu nguồn năng lượng, sẵn sàng cung cấp cho những quốc gia thân thiện.

Thủ tướng Hungary cũng cho rằng trong khi nhập khẩu năng lượng của EU từ Nga đã giảm mạnh, thì tập đoàn khí đốt nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga lại báo cáo doanh thu tăng vọt.

Theo lãnh đạo Hungary, bên hưởng lợi khác trong cuộc xung đột hiện nay là các tập đoàn lớn của Mỹ. Để chứng minh quan điểm của mình, ông Orban chỉ ra lợi nhuận tăng gấp đôi đối với Exxon, gấp bốn lần đối với Chevron và tăng gấp sáu lần đối với ConocoPhillips.

Dù vẫn thực thi các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, song Hungary duy trì lập trường trung lập của nước này kể từ khi xung đột bùng nổ tại Ukraine với việc không cung cấp vũ khí cho bên nào hoặc đưa ra bất kỳ tuyên bố gay gắt đối với Moskva hoặc Kiev.

Budapest khẳng định họ không thể mạo hiểm với an ninh của người Hungary, và sẽ không bị lôi kéo vào cuộc xung đột. Hơn nữa, ông Orban và các quan chức hàng đầu Hungary khác nhiều lần chỉ trích một số biện pháp trừng phạt của EU, cho rằng chúng gây hại cho EU nhiều hơn là với Nga.

Hồi tháng 5, Hungary phản ứng mạnh mẽ trước lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga. Budapest chỉ dỡ bỏ quyền phủ quyết sau khi EU đưa ra quyết định miễn trừ đối với nhiên liệu nhập khẩu qua đường ống.

Nguồn:vtc.vn/su-kien

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 397
  • Trong tuần: 3 404
  • Tất cả: 8761695

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn