Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 26/9 - 30/9/2022

1. Chính sách nhất quán của Việt Nam về ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân

Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, hướng tới loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này và cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo các hiệp ước có liên quan, trong đó có NPT, Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT), TPNW và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Ngày 26/9, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Đại hội đồng LHQ đã tổ chức phiên họp cấp cao kỷ niệm Ngày quốc tế xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Tham dự cuộc họp có Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, nhiều đại diện cấp cao của các nước thành viên, quan sát viên và các tổ chức phi chính phủ. Với tư cách Phó Chủ tịch Đại hội đồng, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ cùng tham gia điều hành cuộc họp này.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân không phải là một giấc mơ xa vời mà là khả thi và cần thiết. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hiện nay, với sự thiếu vắng lòng tin và cả gây hấn công khai, thế giới đang có nguy cơ lãng quên những bài học kinh hoàng của sự kiện Nagasaki, Hiroshima hay trong Chiến tranh lạnh. Tổng thư ký Guterres kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng mọi kênh đối thoại, ngoại giao và đàm phán để giảm căng thẳng và rủi ro hạt nhân.

Nhấn mạnh Chương trình nghị sự về hòa bình mới do ông đề xuất, Tổng thư ký LHQ kêu gọi cùng xây dựng đồng thuận quốc tế để loại trừ vĩnh viễn nguy cơ hạt nhân, vì mục tiêu chung là hòa bình.

Đông đảo các nước, nhóm nước tại lễ kỷ niệm cũng chia sẻ những nhận định này, kêu gọi sớm thúc đẩy hơn nữa việc giải trừ vũ khí hạt nhân vì hòa bình, ổn định của thế giới.

Tham dự phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ nhận định, giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu là một trong những mục tiêu lâu dài của LHQ nhưng sẽ phải vượt qua những khó khăn mới có thể đạt được. Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, nguy cơ hạt nhân và đối đầu trực tiếp đang ở mức cao nhất trong nhiều thập nhiên.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, để giải trừ vũ khí hạt nhân hiệu quả, cần xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thúc đẩy lòng tin, quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, ưu tiên đề cao luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của các quốc gia, Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).

Việt Nam cho rằng, quốc tế cũng cần thúc đẩy đối thoại và đàm phán các thỏa thuận quốc tế về cắt giảm vũ khí hạt nhân và vật liệu phân hạch, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của nâng cao nhận thức về hậu quả thảm khốc của loại vũ khí này.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, hướng tới loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này và cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo các hiệp ước có liên quan, trong đó có NPT, Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT), TPNW và Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Nguồn:dangcongsan.vn/thegioi

2. Kết quả trưng cầu ý dân tại 4 khu vực của Ukraine

Giới chức 4 khu vực của Ukraine ngày 27/9 đã công bố kết quả sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga.

Theo cơ quan bầu cử địa phương ở Zaporizhzhia, miền nam Ukraine, sau khi kiểm đếm toàn bộ số phiếu, kết quả cho thấy 93,11% cử tri đã lựa chọn sáp nhập vào Nga.

Giới chức Kherson, miền nam Ukraine, thông báo 87,05% cử tri cũng đã lựa chọn sáp nhập vào Nga, sau khi hoàn tất kiểm đếm toàn bộ phiếu bầu.

Trong khi đó, các hãng thông tấn của Nga dẫn thông tin từ nhà chức trách khu vực Lugansk, miền đông Ukraine, khẳng định 98,42% cử tri đã ủng hộ chủ trương sáp nhập vào Nga.

Giới chức vùng Donetsk, miền đông Ukraine, cũng tuyên bố kết quả trưng cầu ý dân cho thấy 99,23% cử tri đã ủng hộ ý định sáp nhập vào Nga.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. Khóa họp 77 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc: Phiên thảo luận chung cấp cao chính thức khép lại

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 Korosi cho biết phiên họp phản ánh nhận thức ngày càng tăng rằng nhân loại đã bước sang một kỷ nguyên mới và các điều kiện cơ bản của hợp tác toàn cầu đã thay đổi.

Ngày 26/9, Phiên thảo luận chung cấp cao trong khuôn khổ khóa họp 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức khép lại sau một tuần thảo luận xung quanh chủ đề “Thời khắc bước ngoặt: Các giải pháp chuyển đổi trước những thách thức kết nối.”
Trong bài diễn văn bế mạc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 Csaba Korosi cho biết tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao năm nay có nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của 126/193 quốc gia thành viên. Sự tham gia của phần lớn lãnh đạo các nước thành viên cho thấy tầm quan trọng của các cuộc thảo luận chung đối với các vấn đề quốc tế.

Ông Korosi đã tổng kết những thông điệp được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đưa ra trong phiên thảo luận chung.

Ông Korosi cho biết phiên họp phản ánh nhận thức ngày càng tăng rằng nhân loại đã bước sang một kỷ nguyên mới và các điều kiện cơ bản của hợp tác toàn cầu đã thay đổi. Ông nhấn mạnh đã đến thời điểm phải chuyển đổi mô hình hợp tác trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức phức tạp và các cuộc khủng hoảng đa tầng.
Đại diện các nước thành viên cũng cho rằng cần chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động của cuộc xung đột đối với lạm phát và cuộc sống của người dân ở khắp thế giới. Ngoài ra, phiên họp chung lo ngại rằng biến đổi khí hậu đang dần hủy hoại nhân loại.

Các đại diện tham dự phiên họp kêu gọi đưa mức phát thải ròng toàn cầu về 0 và hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, phiên họp nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ Liên hợp quốc, bao gồm cả Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Korosi kêu gọi hành động tập thể để giải quyết những thách thức.

Phiên thảo luận chung cấp cao là phiên họp thường niên của các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và đại diện cấp cao của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc vào đầu khóa mới của Đại hội đồng.

Nguồn:tuyengiao.vn/thegioi

4. Các nước muốn tham khảo kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam

Trong các cuộc tiếp xúc, làm việc với các đoàn đại biểu Việt Nam, các nhà lãnh đạo Nicaragua và Ai Cập đều khẳng định mong muốn tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Thăm và làm việc tại Nicaragua từ ngày 25 đến 28/9 theo lời mời của Ðảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc Sandino (FSLN), đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Trần Ðức Thắng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương dẫn đầu, đã làm việc với các lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Bầu cử tối cao, một số Bộ và Nhóm nghị sĩ hữu nghị Nicaragua.

Ðoàn thông tin khái quát về thành tựu công cuộc đổi mới của Việt Nam và việc triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng; khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Ðảng, hai nước.

Các nhà lãnh đạo Nicaragua bày tỏ khâm phục về những thành tựu của Việt Nam; cảm ơn về tình cảm đoàn kết, sự ủng hộ to lớn mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Nicaragua.

Nicaragua nêu rõ mong muốn tham khảo kinh nghiệm đổi mới, phát triển nông nghiệp của Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Ai Cập từ ngày 27 đến 29/9, đoàn công tác Ban Ðối ngoại Trung ương, do đồng chí Phó Trưởng ban Trương Quang Hoài Nam dẫn đầu, đã làm việc với nhiều quan chức Quốc hội, đại diện chính đảng tại Ai Cập.

Ðoàn thông báo về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội, thành tựu phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Ai Cập, mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, cũng như ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế.

Bày tỏ ngưỡng mộ trước những bước phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, các đại diện chính đảng và các nghĩ sĩ Ai Cập nêu bật mối quan tâm đến chính sách cũng như kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, xây dựng Ðảng và đào tạo cán bộ.

Cho rằng kết quả hợp tác hai nước về kinh tế, thương mại và đầu tư chưa khai thác hết tiềm năng, phía Ai Cập đề nghị hai nước tìm kiếm giải pháp để tăng cường hơn nữa hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

5. Liên hợp quốc quan ngại về hòa bình Trung Đông

Ðiều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Ðông, ông Tor Wennesland (T.Oen-xlen) lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng bế tắc trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 28/9, ông Wennesland đánh giá, việc thiếu vắng một tiến trình hòa bình có ý nghĩa nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và giải quyết cuộc xung đột đang khiến tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng xấu đi nghiêm trọng. Theo ông Wennesland, việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước cần nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Cùng ngày, Bộ Y tế Palestine cho biết, bốn người Palestine chết và 44 người bị thương trong một vụ bạo lực tại Jenin ở phía Bắc khu Bờ Tây. Phó Thống đốc Jenin, ông Kamal Abu al-Rub (C.A-bu An Rắp) cho biết, đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ đầu năm 2022.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao của Ðại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, Thủ tướng Israel Yair Lapid (Y.La-pít) cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine. Ðây là lần đầu trong nhiều năm qua, một lãnh đạo Israel công khai thể hiện ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Ông Lapid nhấn mạnh, một thỏa thuận với người Palestine dựa trên cơ sở hai nhà nước là điều đúng đắn, song với điều kiện nhà nước Palestine tương lai sẽ là một nhà nước hòa bình.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (M.Áp-bát) nhận định, tuyên bố của Thủ tướng Israel về ủng hộ giải pháp hai nhà nước là sự phát triển tích cực. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Palestine nhấn mạnh độ tin cậy của tuyên bố này cần được chứng minh bằng việc Chính phủ Israel quay lại bàn đàm phán ngay lập tức.

Tại Phiên thảo luận của Ðại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) cũng tái khẳng định cam kết của Washington đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Ông Biden nhấn mạnh: Giải pháp hai nhà nước vẫn là cách thức tốt nhất để bảo đảm an ninh và thịnh vượng của Israel và mang đến cho người Palestine một nhà nước của họ.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Israel ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Nhận định nêu trên được Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE Sheikh Abdullah bin Zayed (Áp-đu-la Bin Day-ét) đưa ra trong cuộc điện đàm ngày 27/9 với Thủ tướng Yair Lapid.

Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine do Mỹ bảo trợ gián đoạn từ tháng 3/2014 do bất đồng sâu sắc giữa hai bên về việc thành lập nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng năm 1967. Năm 2009, Thủ tướng Israel khi đó từng cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước dựa trên một thỏa hiệp về lãnh thổ, tuy nhiên sau đó lại từ bỏ ý tưởng này.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 3 092
  • Tất cả: 8761718

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn