Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 03/10 - 7/10/2022

1. Thượng viện Nga phê chuẩn sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine vào Nga

 Hôm 4/10, Thượng viện Nga thông qua thỏa thuận về việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ly khai Ukraine vào Liên bang Nga.

Sputnik đưa tin, hôm 4/10, Hội đồng Liên bang (Hạ viện Nga) đã phê duyệt việc sáp nhập 4 khu vực của Ukraine gồm Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhzhia vào Liên bang Nga.

Phát biểu sau kết quả bỏ phiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói kết quả là rõ ràng, chúc mừng các vùng ly khai Ukraine sáp nhập vào Nga.

Trước đó, Hạ viện Nga thông qua việc sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ly khai Ukraine vào Liên bang Nga hôm 3/10.

Từ ngày 23-27/9, cuộc trưng cầu ý dân sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson vào lãnh thổ Nga đã được thực hiện với kết quả được công bố là đa số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, Ukraine cùng các nước phương Tây xem việc sáp nhập là bất hợp pháp và không công nhận cuộc trưng cầu dân ý cũng như việc sáp nhập này. 

Hôm 30/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo 4 vùng ly khai Ukraine ký thỏa thuận sáp nhập những khu vực này vào Nga. Phát biểu tại lễ ký hiệp ước sáp nhập, ông Putin khẳng định việc sáp nhập 4 tỉnh Ukraine dựa trên lựa chọn của người dân tại đây.

Lãnh đạo Nga kêu gọi chính quyền Ukraine tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Ông Putin tuyên bố nhân dân Nga sẽ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ bằng tất cả sức mạnh và ý chí, sẵn sàng làm mọi thứ để đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân Nga.

Ông Putin hôm 2/10 đệ trình các dự thảo luật hiến pháp liên bang lên Quốc hội Nga về việc sáp nhập các khu vực mới vào Nga, cũng như các điều ước quốc tế để phê chuẩn. Một ngày trước đó, Tòa án Hiến pháp Nga đã phê chuẩn các tài liệu do ông Putin đệ trình.

Nguồn: vtc.vn/thegioi

2. Việt Nam kêu gọi xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ

Theo TTXVN, Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hóa, Khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thảo luận vấn đề thúc đẩy tiến bộ phụ nữ. Tại đây, đại diện Việt Nam đề cao tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa-Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc-kêu gọi các nước cần lồng ghép vấn đề giới và việc trao quyền cho phụ nữ cần được bảo đảm trong quá trình hoạch định chính sách và kế hoạch quốc gia nhằm bảo đảm rằng, phụ nữ và trẻ em gái được tham gia và thụ hưởng công bằng, đầy đủ trong tiến trình phát triển.

Đại diện Việt Nam cho rằng, bản thân phụ nữ cũng cần tận dụng các cơ hội của cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số để bắt kịp các xu thế phát triển và phát huy cao nhất tiềm năng và thế mạnh của mình.

Về tăng cường hợp tác quốc tế, đại diện Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên Liên hợp quốc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ toàn cầu trong bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái.

Bà Lê Thị Minh Thoa khẳng định, bình đẳng giới luôn được coi trọng trong các chính sách quốc gia; việc bảo đảm vai trò, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ vào đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước không chỉ là những cam kết mà còn là chuẩn mực ở Việt Nam.

Đại diện Việt Nam nêu bật những kết quả và thành tựu Việt Nam đạt được như có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao trong khu vực; phụ nữ là lực lượng lao động chính và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

3. ASEAN điều hướng thế nào trong trật tự thế giới đang rạn nứt?

Các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong bối cảnh có những thay đổi cấu trúc trong trật tự toàn cầu. Hợp tác khu vực và khả năng phục hồi lâu dài phải được tăng cường để ASEAN không chỉ không bị tổn thương mà còn có được một vị thế tốt để nắm bắt các cơ hội trong một trật tự thế giới đang rạn nứt hiện nay.

Đây là thông điệp được đề cập nhiều lần tại Diễn đàn ASEAN và châu Á (AAF) lần thứ 14 với chủ đề “Các cơ hội khu vực, Trật tự thế giới rạn nứt” và Đối thoại về Tài nguyên Thế giới Bền vững (SWR), do Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) tổ chức ngày 6/10 với sự tham dự của hơn 300 nhà hoạch định chính sách, học giả, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chủ chốt trong khu vực.

Trong phiên thảo luận về “Điều hướng trong một trật tự toàn cầu rạn nứt", các diễn giả đã thảo luận về những rủi ro địa chính trị mà các quốc gia khu vực đang phải đối mặt trong một trật tự thế giới ngày càng phân cực.

Thế giới đang phải trải qua một giai đoạn chưa từng có, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột tại Ukraine, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung, năng lượng cho tới thời tiết cực đoan hay tổng thể hơn là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp đó vẫn có những cơ hội. Bộ trưởng Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công thương Singapore, ông Tan See Leng, trong bài phát biểu dẫn đề tại diễn đàn, cho rằng ông vẫn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng và sự thịnh vượng của châu Á. Hiện tại, khu vực này chiếm hơn một nửa dân số thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới.

Điều này có nghĩa là phần lớn nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ sớm chuyển hướng sang châu Á, biến khu vực này thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Tan See Leng nhấn mạnh, số hóa và phát triển bền vững là là những lĩnh vực tạo ra cơ hội mới để khu vực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, ASEAN cần phải duy trì cam kết lâu dài của về thương mại mở và tự do để luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng.

Kế tiếp, ASEAN phải hội nhập khu vực sâu rộng hơn để khai thác tốt hơn các thế mạnh của nhau nhằm nắm bắt các cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu mới. Cuối cùng, ASEAN cần tận dụng các xu hướng mới nổi như số hóa và tính bền vững để phát triển nền kinh tế.

Cũng tại diễn đàn năm nay, các nhà hoạch định chính sách khu vực và giới học giả, doanh nghiệp cũng thảo luận về tác động của giá năng lượng tăng cao và lạm phát đối với các dự án năng lượng tái tạo và nỗ lực giảm phát thải, tiến trình số hóa của khu vực, làn sóng tăng trưởng mới của ASEAN, tác động của bất ổn toàn cầu hiện nay đối với các hành động khí hậu và chính sách về biến đổi khí hậu của các quốc gia.

Về cách thức ASEAN và Việt Nam có thể tận dụng tốt những cơ hội trong trật tự thế giới phân mảnh hiện nay cũng như những rủi ro đối với ASEAN, Phó Giáo sư Simon Tay, Giám đốc Viện SIIA cho rằng, những nền tảng cơ bản của ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia, rất mạnh và ngoài ra còn có lợi thế về nhân khẩu học. Hiện có một làn sóng chuyển hướng đầu tư của thế giớ khỏi Trung Quốc sang các nước khác. Vấn đề là Việt Nam, Indonesia, hay ASEAN với tư cách là một khối có tận dụng được hay không?

Theo ông Simon Tay, Việt Nam sẽ vẫn điều hướng tốt trước các thách thức hiện nay, dù một mình hay cùng với các nước ASEAN, nhưng chắc chắn sẽ làm tốt hơn khi cùng hành động với Singapore và các nước khác trong ASEAN.

Hiện tại, rủi ro chính trị đối với ASEAN hiện nay là đối đầu, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến khối bị chia rẽ. Một rủi ro khác xuất phát tự các động lực kinh tế của việc các nước ASEAN cạnh tranh với nhau sai cách. ASEAN phải cùng nhau tiến lên, không nên có tư tưởng nước này thắng nước kia thua, và phải thực sự hợp tác nhiều hơn nữa với nhau./.

Nguồn:tuyengiao.vn/thegioi

4. Trung Quốc và Nga phản đối Hội đồng Bảo an LHQ họp công khai về Triều Tiên

Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp công khai về Triều Tiên trong ngày 5/10, chỉ 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng một tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, một số nguồn tin ngoại giao cho rằng Nga và Trung Quốc đang phản đối đề xuất trên của Mỹ.

Trong một thông điệp đăng tải trên Twitter, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã đề nghị cơ quan quyền lực Liên hợp quốc triệu tập một cuộc họp để thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên mà bà đánh giá là mang tính “nguy hiểm” và bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Quan chức ngoại giao của Mỹ cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động để hạn chế khả năng của CHDCND Triều Tiên trong việc thúc đẩy các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng loạt bất hợp pháp.

Hiện các nước gồm: Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland đã ủng hộ đề xuất trên của Mỹ. Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết Nga và Trung Quốc đã thông báo phản đối hình thức họp công khai vì cho rằng phản ứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 nước thành viên nên tập trung vào giảm căng thẳng tình hình tại bán đảo Triều Tiên.

Hiện chưa rõ cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Triều Tiên sẽ diễn ra theo hình thức nào trong ngày 5/10, nhất là khi mà các nước thành viên còn chia rẽ về vấn đề này.

Trong khi các nước phương Tây kêu gọi gia tăng sức ép lên Triều Tiên thì Trung Quốc và Nga lại cho rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cần được nới lỏng. Tháng 5/2022, Mỹ đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết kêu gọi siết chặt các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết đã bị bác bỏ do vấp phải sự phủ quyết từ hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga và Trung Quốc.

Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung về vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên vào sáng 4/10. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 5 được Triều Tiên thực hiện trong vòng 1 tuần qua và là lần đầu tiên trong 5 năm qua, tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Những diễn biến này đã làm dấy lên những lo ngại về căng thẳng leo thang trong khu vực.

Ngay trong ngày 4/10, Liên hợp quốc đã lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, coi đây là một hành động liều lĩnh và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric, Tổng thư ký Liên hợp quốc  Antonio Guterres đã chỉ trích vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên nối lại đàm phán với các bên liên quan, hướng tới hòa bình bền vững và giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn, có thể xác minh trên bán đảo Triều Tiên.

Nguồn: dangcongsan.vn/the-gioi

5. Nga lên án lời kêu gọi 'tấn công phủ đầu' của Tổng thống Ukraine

Điện Kremlin ngày 6/10 cáo buộc Tổng thống Ukraine Zelensky cố gắng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3.

Điện Kremlin ngày 6/10 cáo buộc Tổng thống Ukraine Zelensky cố gắng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3, sau khi ông yêu cầu NATO thực hiện cuộc tấn phủ đầu Nga để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trước đó cùng ngày, trong phát biểu tại Viện Lowy Australia, ông Zelensky cho rằng NATO phải đảm bảo Moskva không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại quân đội Ukraine. Để thực hiện điều đó, ông yêu cầu liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu thực hiện cuộc tấn công phủ đầu Nga để nước này "biết điều gì sẽ xảy ra" nếu quyết định sử dụng chúng.

“NATO nên làm gì? Loại bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Zelensky nói trong hội nghị trực tuyến. “Tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế tấn công phủ đầu để họ [Nga] biết điều gì sẽ xảy ra với họ nếu họ sử dụng các loại vũ khí này, chứ không phải điều ngược lại”.

Ngay lập tức Nga đã lên án yêu cầu của ông Zelensky. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng tuyên bố bình luận của nhà lãnh đạo Ukraine không khác gì nỗ lực châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới có thể dẫn đến “những hậu quả tai hại không thể lường trước được”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc ông Zelensky cố gắng kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân. Điện Kremlin đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chú ý đến các tuyên bố của Zelensky, đặc biệt là Mỹ và Anh, những nước mà ông Peskov nói là "trên thực tế kiểm soát các hành động của Kiev" và do vậy phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của Tổng thống Ukraine.

Nga đã nhiều lần khẳng định không có ý định thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân tại Ukraine, nhưng cảnh báo sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ biên giới, người dân và chủ quyền của nước này. Trong khi đó, cả Washington và London cũng thừa nhận rằng không có khả năng Moskva sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột Ukraine và không có dấu hiệu nào cho thấy Moskva đang chuẩn bị một cuộc tấn công như vậy.

Nguồn: vtc.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 391
  • Trong tuần: 3 398
  • Tất cả: 8761689

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn