Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 10/10 - 14/10/2022

1. Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình tại Ukraine

Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho Ukraine.

Ngày 12/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về tình hình Ukraine tại phiên họp khẩn cấp diễn ra từ ngày 10/10.

Nghị quyết được thông qua với 143 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 phiếu chống.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam theo dõi sát và đặc biệt quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết cần bảo đảm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Đại sứ nhấn mạnh xuất phát từ lịch sử phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để giành độc lập, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình và phản đối mọi hành vi đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Do đó, Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tính tới lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Việt Nam cũng hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao giúp giảm thiểu căng thẳng, trong đó có nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các bên liên quan khác, và bày tỏ sẵn sàng đóng góp tích cực cho các nỗ lực ngoại giao và quá trình tái thiết, phục hồi tại Ukraine.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

2. Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), 11h45 ngày 11-10-2022 (22h45 cùng ngày theo giờ Việt Nam), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 tại New York (Mỹ).

14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1-2023.

Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.

Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của LHQ cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.

Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

3. Các nước đề xuất giảm căng thẳng Nga-Ukraine

Trong cuộc hội đàm tối 11/10 ở thành phố St.Petersburg với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al Nahyan (M.An Na-hi-an) khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Tổng thống Nahyan cũng thông báo với lãnh đạo Nga về lập trường của Ukraine trong một số vấn đề. Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga đánh giá cao đề xuất của UAE. Trước đó, Bộ Ngoại giao UAE cho biết, chuyến thăm Nga của Tổng thống Nahyan nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị hiệu quả, giảm leo thang quân sự ở Ukraine.

Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong cuộc gặp dự kiến vào hôm nay 13/10 ở Astana (Kazakhstan), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (T.Éc-đô-gan) và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thảo luận về giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine và khả năng Ankara đóng vai trò trung gian trong tiến trình này. Tổng thống Erdogan sẽ đề xuất giải pháp ngoại giao nhằm giảm xung đột ở Ukraine và thúc đẩy hòa giải.

Trả lời phỏng vấn truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Moskva chưa nhận được đề xuất từ phía Ankara. Tuy nhiên, nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ có ý tưởng này, đây sẽ là cơ hội tốt để thảo luận trong cuộc gặp giữa hai Tổng thống tại Astana. Bộ trưởng Lavrov cũng cho biết, Nga sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán với các nước phương Tây về vấn đề Ukraine, song đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ đề xuất nghiêm túc nào về việc trao đổi liên lạc và đàm phán.

Trong khi đó, kết thúc hội nghị trực tuyến ngày 11/10, Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung, nêu rõ sẽ tiếp tục áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan xung đột tại Ukraine. G7 cũng cam kết hỗ trợ Ukraine duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và tiếp tục hỗ trợ Ukraine về tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao và pháp lý.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. G20 tiếp tục chia rẽ về các vấn đề “nóng” trên toàn cầu

G20 đang tiến hành các cuộc thảo luận trong không khí chia rẽ, giữa bối cảnh các nước thành viên đều đang nằm dưới “cái bóng” của nhiều cuộc khủng hoảng, từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngày 13/10, Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đang tiến hành các cuộc thảo luận trong không khí chia rẽ, giữa bối cảnh các nước nước thành viên đều đang nằm dưới “cái bóng” của nhiều cuộc khủng hoảng, từ cuộc xung đột ở Ukraine cho tới suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng vọt và biến đổi khí hậu.

Các bộ trưởng tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương của G20 đang có mặt tại Washington (Mỹ) để tham dự trong Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này.

Tại đây, họ nhấn mạnh nhiều thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm lãi suất tăng mạnh, giá lương thực leo thang, cùng với tình trạng đói nghèo ngày càng trầm trọng và thiên tai liên tiếp do biến đổi khí hậu.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2023 vào đầu tuần này, với cảnh báo rằng "điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến".

Tuy nhiên G20, bao gồm Nga, dự kiến sẽ bế mạc cuộc họp mà không có thông cáo chung, như trong các cuộc họp trước do Indonesia chủ trì trong năm nay.

Trong khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, các quốc gia khác vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Moskva, đặc biệt là việc Ấn Độ và Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu của Nga để tranh thủ giá tốt.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hiện đang tìm cách áp mức giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga, một động thái được cho là nhằm tước đi nguồn tài trợ chính cho chiến dịch của nước này tại Ukraine.

G7 - bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ - cho biết họ đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong các phần quan trọng của đề xuất áp giá trần đối với dầu thô của Nga, nhấn mạnh thêm rằng họ đã “kết nạp” Australia vào liên minh của mình.

Đạt được sự chấp thuận rộng rãi trên toàn cầu đối với giới hạn giá là một thách thức quan trọng đối với đề xuất này.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu đã khiến Mỹ không hài lòng khi nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng tại cuộc họp mới nhất, cùng với Nga và các đồng minh khác, còn gọi là OPEC+. Động thái này có thể khiến giá năng lượng tăng cao hơn nữa.

Ngày 11/10 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo về "hậu quả" đối với Saudi Arabia sau hành động trên.

Căng thẳng giữa các nước thành viên G20 xuất hiện trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng tới. Sự thiếu nhất trí trong nhóm cũng diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP27) của Liên hợp quốc tại Ai Cập vào tháng 11 tới.

Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề trọng tâm trong các cuộc họp của IMF và WB trong tuần này. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, thế giới phải đầu tư tới 6.000 tỷ USD mỗi năm nếu muốn đáp ứng được mục tiêu của thỏa thuận Paris là đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: NATO sẽ không bị lôi kéo vào xung đột Ukraine

Hôm 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết liên minh quân sự NATO sẽ không bị lôi kéo vào xung đột Nga - Ukraine.

"NATO tiếp tục nói rõ rằng chúng tôi sẽ không bị Nga lôi kéo vào cuộc xung đột này, song chúng tôi sẽ đứng về phía Ukraine khi nước này chiến đấu để bảo vệ chính mình", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói sau cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO tại Brussels.

Bộ trưởng Lloyd Austin từ chối suy đoán về việc NATO sẽ đáp trả thế nào nếu Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nhưng nhấn mạnh liên minh quân sự phương Tây không gây ra mối đe dọa nào đối với Nga.

Ông Austin nói thêm rằng NATO sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ thuộc của các quốc gia thành viên.

Sau cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẽ sớm chuyển giao thiết bị chống máy bay không người lái cho Ukraine, trong đó có hàng trăm thiết bị gây nhiễu bằng máy bay không người lái.

Ông Jens Stoltenberg cũng lưu ý trong cuộc họp, các bộ trưởng đã đồng ý tăng kho dự trữ, vũ khí và trang thiết bị của NATO bằng việc thúc đẩy sản xuất trong bối cảnh hỗ trợ quân sự cho Ukraine ngày càng tăng. 

Hôm 12/10, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết nguy cơ NATO bị lôi kéo vào cuộc xung đột Ukraine là rất cao, đồng thời cho biết Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những khả năng cần thiết trên chiến trường.

Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nhà Trắng rất thận trọng trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Nhưng sau gần 8 tháng kể từ khi xung đột nổ ra, Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho Ukraine hàng nghìn tên lửa chống tăng hạng nhẹ Javelin và các tên lửa phòng không Stinger cùng nhiều vũ khí mạnh hơn.

Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên gửi vũ khí tới Kiev, cho rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài, làm gia tăng thương vong và gây hậu quả lâu dài đối với Ukraine.

Nguồn: vtc.vn/thegioi

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 241
  • Trong tuần: 3 248
  • Tất cả: 8761539

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn