Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 07/11 đến ngày 11/11

1. Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 23

Kết thúc Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 22 (ACAMM-22), Việt Nam đã tiếp nhận vai trò Chủ tịch ACAMM-23 trong năm 2022.

Đại diện cho Bộ Quốc phòng Việt Nam, Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Myanmar đã tiếp nhận các biểu trưng ACAMM từ phía Myanmar tại buổi lễ bàn giao được tổ chức theo hình thức trực tuyến trưa 12-11.

Phát biểu nhận bàn giao, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam chúc mừng Myanmar đã chủ trì tổ chức thành công ACAMM-22 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ACAMM trong năm 2021. Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa nhấn mạnh kể từ năm 2000 đến nay, ACAMM đã trở thành một diễn đàn thường niên để Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN gặp gỡ và trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống, thúc đẩy hợp tác giữa Lục quân các nước.

Đồng chí Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nêu rõ trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của môi trường an ninh khu vực và quốc tế, việc duy trì và thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng Lục quân cũng như quân đội các nước ASEAN hơn lúc nào hết càng có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung.

“Tiếp nối những thành công của các kỳ ACAMM trước đây, chúng tôi vui mừng được chào đón các quý vị đến với Việt Nam vào năm 2022 để cùng trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị và thúc đẩy hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN. Việt Nam quyết tâm tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ ACAMM, gồm Giải Bắn súng quân dụng Lục quân các nước ASEAN và Hội nghị thường niên Hạ sĩ quan Lục quân các nước ASEAN trong năm 2022 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế”, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa phát biểu.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

2. Việt Nam kêu gọi tăng hỗ trợ tài chính cho người tị nạn Palestine

Việt Nam khẳng định phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người Palestine thông qua việc thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, chung sống hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel.

Ngày 7/11, tại cuộc họp của Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4), Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, Việt Nam đã kêu gọi các nước và các nhà tài trợ duy trì và tăng cường hỗ trợ tài chính cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông (UNRWA).

Phát biểu tại sự kiện, Tham tán Đỗ Ngọc Thúy, đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm nguồn tài chính hỗ trợ cho người tị nạn Palestine và góp phần ổn định tình hình tại khu vực này.

Đại diện Việt Nam cũng khẳng định việc hỗ trợ người tị nạn không thể coi là biện pháp thay thế cho việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine, trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người Palestine thông qua việc thành lập một Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, chung sống hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận, trên cơ sở các đường ranh giới trước năm 1967 và các nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc.

Tại cuộc họp, Cao ủy của Liên hợp quốc kiêm Giám đốc UNRWA, ông Philippe Lazzarini, cho biết riêng tại Bờ Tây, mức độ bạo lực tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu của UNRWA cho người tị nạn.
Số người thiệt mạng do bạo lực tại đây từ đầu năm nay đã tăng cao kỷ lục trong 17 năm qua. Gần 50% số học sinh đang học tại các trường học của UNRWA bị tổn thương tâm lý.

Gần như toàn bộ người tị nạn Palestine hiện phải sống nhờ trợ cấp của UNRWA. Khoảng 80% số người tị nạn Palestine sống dưới mức nghèo.

Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có nhiệm vụ xem xét một số vấn đề chính trị đặc biệt và gìn giữ hòa bình, trong đó có vấn đề phi thực dân hóa.

UNRWA được thành lập năm 1949, có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ về giáo dục, y tế, cứu trợ, hỗ trợ nhà ở và một số điều kiện thiết yếu cho hơn 5 triệu người Palestine tị nạn ở Bờ Tây (trong đó có Đông Jerusalem), Dải Gaza và tại Jordan, Liban và Syria.

Ngân sách của UNRWA năm 2022 thiếu hụt khoảng 100 triệu USD.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

3.Tổng thống Nga không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20

Ngày 10/11, người phát ngôn của Bộ trưởng điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, Jodi Mahardi cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali, Indonesia vào tuần tới.

Ông Jodi Mahardi cho biết, Tổng thống Vladimir Putin sẽ cử Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thay ông tham dự hội nghị.

Đại sứ quán Nga tại Indonesia đồng thời cũng xác nhận thông tin trên. “Tôi có thể khẳng định rằng Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Nga tham dự hội nghị G20. Chương trình trong kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin sẽ vẫn được tiến hành, ông ấy có thể sẽ tham dự hội nghị dưới hình thức trực tuyến”, bà Yulia Tomskaya, quan chức Đại sứ quán Nga tại Indonesia cho hay.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times cho rằng: “G20 không phải là một diễn đàn chính trị, mà đó là nơi tập trung vào các vấn đề kinh tế và phát triển”.

Tổng thống Widodo cũng khẳng định Nga được hoan nghênh tại hội nghị, dù ông lo ngại rằng các cuộc họp thượng đỉnh lần này sẽ bị phủ bóng bởi căng thẳng quốc tế.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhận được lời mời tham dự hội nghị từ người đồng cấp Indonesia Joko Widodo. Hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về chương trình nghị sự của hội nghị hôm 2/11.

Ông Joko Widodo cũng cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng được mời tham dự hội nghị lần này nhưng nhiều khả năng ông Zelensky cũng sẽ không đến Bali, và sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 dưới hình thức trực tuyến. 

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Bali, Indonesia từ ngày 15 – 16/11. Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự sự kiện này.

Nguồn:dangcongsan.vn/the-gioi

4. Tổng thống Ukraine nói sẵn sàng đàm phán với Nga

Trong khi bác các cuộc đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói "cánh cửa" đàm phán với Moskva vẫn mở.

Trả lời CNN hôm 9/11, Tổng thống Ukraine Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông vẫn chưa từ bỏ ý định đàm phán hòa bình với Nga.

“Tôi chưa đóng cửa đàm phán. Tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ sẵn sàng thảo luận với Nga, nhưng với một nước Nga thực sự sẵn sàng cho hòa bình",  Tổng thống Volodymyr Zelensky cho hay.

“Họ cần trả lại mọi thứ”, Tổng thống Zelensky nói, nhắc đến yêu cầu lặp đi lặp lại của ông rằng Nga từ bỏ lãnh thổ Crimea và trả lại các khu vực mà Moskva sáp nhập hồi tháng 9 gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.

Đầu tuần này, ông Zelensky kêu gọi lãnh đạo thế giới “buộc Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình thực sự”. Ông nêu ra danh sách điều kiện bao gồm việc trả lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền và các khoản bồi thường tài chính từ Moskva. 

Trước đó, Tổng thống Zelensky nói rằng cách duy nhất để đạt được mục tiêu lãnh thổ của mình có thể là đánh bại Nga trên chiến trường. Nhà lãnh đạo Ukraine hồi tháng 10 ký sắc lệnh cấm đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tháng trước, Thư ký báo chí điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đàm phán trong tương lai với Ukraine khó có thể thành công, vì bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước sẽ bị “hủy bỏ ngay lập tức theo lệnh của phương Tây”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói rằng quan điểm của Moskva về các cuộc đàm phán với Ukraine vẫn không thay đổi. “Chúng tôi vẫn mở cửa cho các cuộc đàm phán, chúng tôi chưa bao giờ từ chối, sẵn sàng đàm phán", bà Zakharova nhấn mạnh.

Theo NBC News, lập trường của Mỹ là sẽ hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí “chừng nào Kiev vẫn cần”, trong khi Tổng thống Zelensky sẽ quyết định thời điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, với chi phí hỗ trợ quân đội Ukraine lên tới hàng chục tỷ USD, Mỹ đang âm thầm gây sức ép, buộc ông Zelensky ra hiệu sẵn sàng ngồi lại đàm phán.  

Nguồn: vtc.vn/su-kien

5. Nga nêu điều kiện đàm phán với EU

Hôm 10/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói Nga sẵn sàng đàm phán với EU, nhấn mạnh các giải pháp phải thực tế và có lợi cho Moskva.

“Điều quan trọng là bất kỳ giải pháp hoà bình nào cũng phải tính đến tình hình thực tế và có lợi cho đất nước chúng ta", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, cho rằng Moskva sẵn sàng "thảo luận về cách thức thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại".

Trước đó, một số quan chức phương Tây tin rằng mùa đông sắp tới có thể là cơ hội cho các cuộc đàm phán giữa Moskva và Kiev.

Tuy nhiên, bà Zakharova cho rằng các lời kêu gọi của phương Tây nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine “chỉ là những lời ngụy biện”, cáo buộc chính sách của EU hiện nay, bao gồm hỗ trợ quân sự cho Ukraine “đều nhằm mục đích leo thang”. 

Theo người phát ngôn Maria Zakharova, thay đổi trong cách tiếp cận của EU với Nga có thể sẽ được thúc đẩy bởi sự rạn nứt giữa người dân châu Âu và các nhà hoạch định chính sách. Bà cho rằng ngày càng có nhiều luận điệu đối đầu, lời buộc tội vô cớ chống lại Nga. 

Quan chức ngoại giao Nga cho hay, sự phản ứng của người dân châu Âu xuất phát từ khủng hoảng kinh tế trong khu vực, “Thông tin liên tục về các biện pháp trừng phạt mới với Nga trên mặt kinh tế khiến chính người châu Âu sợ hãi", bà Zakharova nói.

Bà Zakharova lo ngại rằng các thảo luận có ý nghĩa giữa Nga và EU có thể chỉ bắt đầu sau khi liên minh này đã "phá hủy hoàn toàn" nền kinh tế của chính mình. “Rõ ràng, EU đang phá hoại nền kinh tế của mình hoàn toàn trước khi các lời kêu gọi đối thoại bắt đầu", bà tiếp tục.

Trong những tháng gần đây, các quan chức hàng đầu của EU đã phát đi những tín hiệu mâu thuẫn về lập trường của khối trong việc đối thoại với Nga. Hồi tháng 4, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tuyên bố xung đột ở Ukraine “sẽ được quyết định bằng chiến thắng trên chiến trường”. Tuy nhiên, tháng trước, ông nói rằng Brussels sẵn sàng tìm kiếm “giải pháp ngoại giao” trong khi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev về mặt quân sự.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 3 101
  • Tất cả: 8761727

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn