Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 14-11 đến ngày 18-11

1. Việt Nam kêu gọi tăng hỗ trợ tài chính cho người tị nạn Palestine

Việt Nam khẳng định phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người Palestine thông qua việc thành lập Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, chung sống hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel.

Ngày 7/11, tại cuộc họp của Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4), Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, Việt Nam đã kêu gọi các nước và các nhà tài trợ duy trì và tăng cường hỗ trợ tài chính cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng Cận Đông (UNRWA).

Phát biểu tại sự kiện, Tham tán Đỗ Ngọc Thúy, đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm nguồn tài chính hỗ trợ cho người tị nạn Palestine và góp phần ổn định tình hình tại khu vực này.

Đại diện Việt Nam cũng khẳng định việc hỗ trợ người tị nạn không thể coi là biện pháp thay thế cho việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel-Palestine, trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người Palestine thông qua việc thành lập một Nhà nước Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem, chung sống hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, với các đường biên giới được quốc tế công nhận, trên cơ sở các đường ranh giới trước năm 1967 và các nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc.

Tại cuộc họp, Cao ủy của Liên hợp quốc kiêm Giám đốc UNRWA, ông Philippe Lazzarini, cho biết riêng tại Bờ Tây, mức độ bạo lực tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động cung cấp dịch vụ thiết yếu của UNRWA cho người tị nạn.
Số người thiệt mạng do bạo lực tại đây từ đầu năm nay đã tăng cao kỷ lục trong 17 năm qua. Gần 50% số học sinh đang học tại các trường học của UNRWA bị tổn thương tâm lý.

Gần như toàn bộ người tị nạn Palestine hiện phải sống nhờ trợ cấp của UNRWA. Khoảng 80% số người tị nạn Palestine sống dưới mức nghèo.

Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có nhiệm vụ xem xét một số vấn đề chính trị đặc biệt và gìn giữ hòa bình, trong đó có vấn đề phi thực dân hóa.

UNRWA được thành lập năm 1949, có nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ về giáo dục, y tế, cứu trợ, hỗ trợ nhà ở và một số điều kiện thiết yếu cho hơn 5 triệu người Palestine tị nạn ở Bờ Tây (trong đó có Đông Jerusalem), Dải Gaza và tại Jordan, Liban và Syria.

Ngân sách của UNRWA năm 2022 thiếu hụt khoảng 100 triệu USD./.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

2. Indonesia kêu gọi Đông Á củng cố nền tảng hòa bình Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh các quốc gia tham dự EAS cần củng cố nền tảng hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thay vì gieo mầm thù hằn hay thậm chí phát động chiến tranh.

Ngày 13/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nước Đông Á đóng góp tích cực cho nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) củng cố nền tảng hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17 ở Phnom Penh (Campuchia), Tổng thống Joko Widodo cho biết trong 50 năm qua, ASEAN đã tích cực cố gắng duy trì ổn định và hòa bình trong khu vực.

Ông Joko Widodo nhấn mạnh: “Các quốc gia tham dự EAS cần củng cố nền tảng hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thay vì gieo mầm thù hằn hay thậm chí phát động chiến tranh. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nên chỉ được nhìn từ góc độ chính trị an ninh hạn hẹp, mà còn là tiềm năng hợp tác kinh tế."

Nhà lãnh đạo Indonesia cho rằng có ít nhất 3 vấn đề có thể được tiến hành sau EAS lần này, trước hết là thúc đẩy tinh thần và mô hình hợp tác, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước Đông Á cần tạo được sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia.

Ông Joko Widodo khẳng định: “Văn hóa hợp tác cần được thúc đẩy để vượt qua các thách thức khác nhau trong khu vực. EAS cần tăng cường hợp tác cụ thể, phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và mời các nước Đông Á tham gia Diễn đàn Cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm tới tại Indonesia.
Hai là người đứng đầu Chính phủ Indonesia cho rằng các nước Đông Á cần tôn trọng các quy tắc trong quan hệ quốc tế, chẳng hạn như Hiến chương Liên hợp quốc và luôn tuân thủ các công cụ pháp lý quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh: “Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không thể bị xâm phạm hay thương lượng”.

Theo ông Joko Widodo, điều thứ ba là nỗ lực kiến tạo cấu trúc khu vực bao trùm, khẳng định rằng cấu trúc khu vực bao trùm sẽ trở thành “nền tảng vững chắc” cho hợp tác cùng có lợi và rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải là một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng./.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

3. Họp Đại hội đồng Liên hợp quốc: Việt Nam kêu gọi chấm dứt xung đột tại Ukraine

Tại Phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh ưu tiên quan trọng hàng đầu hiện nay là chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình.

Ngày 14/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục tổ chức Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 thảo luận tình hình Ukraine và xem xét một dự thảo nghị quyết về thúc đẩy các biện pháp khắc phục hậu quả và đền bù cho Ukraine.

Tại phiên họp, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết ủng hộ một cơ chế để Nga đền bù cho Ukraine với 94 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 63 phiếu trắng.

Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ mang tính biểu tượng và sức mạnh chính trị, không có tính ràng buộc.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh ưu tiên quan trọng hàng đầu hiện nay là chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng dân sự.

Bên cạnh đó, các bên cần kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang chia sẻ xuất phát từ lịch sử từng trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh giành độc lập và bảo vệ độc lập, Việt Nam ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc khắc phục hậu quả chiến tranh để tái thiết đất nước, duy trì hòa bình bền vững, ổn định cuộc sống của người dân.

Chính vì vậy, Việt Nam tin tưởng rằng trong mọi xung đột, các bên liên quan và đối tác quốc tế cần hết sức nỗ lực góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhấn mạnh việc bảo đảm những nhu cầu nhân đạo cấp bách của người dân, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết, trong đó, cần đảm bảo lấy người dân làm trung tâm, khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao và tái thiết, phục hồi tại Ukraine./.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

4. Hội nghị thượng đỉnh G20: Sứ mệnh quan trọng

Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Bali, Indonesia nỗ lực đạt được các cam kết mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đối phó các thách thức lớn toàn cầu.

Với những cam kết tài trợ và hợp tác được đưa ra tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã thể hiện sự đánh giá cao tầm quan trọng của việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các vấn đề then chốt như khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Bên lề Hội nghị cấp cao G20, Mỹ, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng tổ chức sự kiện “Ðối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII)”. Ðây là sáng kiến được các nhà lãnh đạo Nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) công bố tháng 6 vừa qua nhằm huy động 600 tỷ USD từ nay đến năm 2027 để thực hiện cam kết giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Trong tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tái khẳng định cam kết chung tăng cường các quan hệ đối tác toàn cầu đầu tư tiêu chuẩn cao vào cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và chất lượng ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “PGII tập hợp các đối tác-từ các chính phủ và khu vực tư nhân-nhằm mang lại kết quả thật sự cho mọi người dân trên khắp thế giới”.

Tại sự kiện, các nước đồng tổ chức và tham dự, gồm Argentina, Canada, Pháp, Ðức, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Senegal và Anh, cũng đã công bố các dự án và các hình thức hợp tác mới trong việc đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như khí hậu và chuyển đổi năng lượng, kết nối kỹ thuật số, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, giao thông vận tải.

Mỹ, G7 và Nhóm đối tác quốc tế (IPG-gồm Canada, Ðan Mạch, EU, Pháp, Ðức, Italy, Na Uy và Anh) đã khởi động Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mang tính đột phá trị giá 20 tỷ USD với Indonesia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành điện của quốc gia Ðông Nam Á này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định, với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay và Chủ tịch ASEAN vào năm tới, Indonesia sẽ bảo đảm các nước đang phát triển được hưởng lợi từ sáng kiến toàn cầu mang tính chuyển đổi này, bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở ASEAN cũng như tại khu vực Ấn Ðộ Dương -Thái Bình Dương để đưa ra tầm nhìn về Ðối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu, cũng như hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch G20 năm 2022.

Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết: “PGII là sáng kiến địa chiến lược quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược hiện nay. Cùng với các nền dân chủ hàng đầu, chúng tôi cung cấp các mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng giá trị, minh bạch và tiêu chuẩn cao cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Indonesia là một ví dụ quan trọng”.

Là quốc gia đồng khởi động quan hệ đối tác với các quốc gia thuộc G7 và Bắc Âu để giúp Indonesia, một trong những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, tiến tới từ bỏ than đá, Canada cũng công bố cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Canada dự kiến dành 750 triệu CAD (565 triệu USD) cho một tập đoàn của nhà nước để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á trong ba năm, bắt đầu từ tháng 3/2023. Ðây là thỏa thuận tài trợ lớn nhất mà đảng Tự do cầm quyền ở Canada cam kết như một phần trong chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương sắp tới của Ottawa, và cũng là một phần của dự án G20 nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình có được các thành phố an toàn và bền vững hơn.

Các cam kết được các nước phát triển trong G20 đưa ra tại hội nghị cho thấy quyết tâm của khối trong việc đi đầu nỗ lực đối phó thách thức chung. Sứ mệnh quan trọng của các nước G20 là phát huy vai trò dẫn dắt thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng tiến tới phục hồi bền vững, trong đó có việc cung cấp tài chính giúp các nước nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

5. Hội nghị Biển Đông khẳng định tầm quan trọng và giá trị của UNCLOS, DOC

Trong hai ngày 16-17/11, Học viện Ngoại giao tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 với chủ đề “Biển hoà bình - Phục hồi bền vững”.

Với một phiên dẫn đề và 8 phiên làm việc, các đại biểu thảo luận về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở Biển Đông, về giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như hợp tác nhằm đảm bảo an ninh biển từ sự phát triển khoa học công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển biển hoà bình, bền vững. 

Hội thảo có phiên riêng kỷ niệm 40 năm ký kết UNCLOS 1982 và 20 năm ASEAN - Trung Quốc ký kết Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông.

Tại hội thảo, đa số ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng và giá trị phổ quát của UNCLOS với vai trò là bản hiến pháp của đại dương. Sau 40 năm, nhiều vấn đề mới nảy sinh như bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, biển đối khí hậu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật… thách thức vai trò của UNCLOS. Tuy nhiên, các học giả cho rằng, thách thức mới hoàn toàn có thể được giải quyết trong khuôn khổ pháp lý của UNCLOS và những hiệp định thực thi. Các phán quyết của cơ quan tài phán cũng góp phần làm sáng tỏ cách giải thích và thực thi luật quốc tế.

Đánh giá về giá trị của Tuyên bố DOC, nhiều học giả khẳng định, DOC là thành tựu quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc, cho thấy các bên có thể hợp tác để tìm kiếm tương đồng vì mục đích chung, dù vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt. Việc đạt được tuyên bố DOC có ý nghĩa khởi đầu cho những nỗ lực chung thúc đẩy hợp tác tại khu vực, là cơ sở cho quá trình tham vấn về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong tương lai.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành khu vực quan trọng

Nhiều diễn giả khẳng định khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng ngày càng trở thành mối quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Ấn Độ… hay các tổ chức như Liên minh châu Âu, chủ động đưa ra các chiến lược riêng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết ngày càng tăng cường can dự tại khu vực.

Trong Phiên dẫn đề đặc biệt sáng 16/11, theo Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn quân sự cao cấp của Cơ quan đối ngoại EU, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực quan trọng đối với Liên minh EU về kinh tế, thương mại, tự do hàng hải và hàng không. EU phản đối các động đơn phương, cần bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, cam kết giữ an ninh, xây dựng trật tự luật lệ trên biển, trong đó UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và đại dương.

EU ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, kiến trúc khu vực dựa trên luật lệ, chủ nghĩa đa phương, an ninh thông qua ARF, xây dựng COC ràng buộc pháp lý và bảo đảm lợi ích của bên thứ ba. Ông cũng cho biết thời gian tới, EU sẽ triển khai sáng kiến “hiện diện tích hợp” trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Quốc Vụ Khanh Anne-Marie Trevelyan (Anh) đánh giá khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vai trò quan trọng với Anh về kinh tế, cần thượng tôn luật pháp quốc tế và chuẩn mực về thương mại tự do, an ninh và ổn định.  Trong đó, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu bảo vệ, hoà bình, thịnh vượng toàn cầu.

Anh công nhận vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là đối tác đối thoại mới nhất, ủng hộ các nỗ lực đảm bảo an ninh biển và nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu. Anh đẩy mạnh hợp tác an ninh biển thông qua chương trình toàn diện nhằm tăng cường sự tự cường ở khu vực, để thúc đẩy một Biển Đông vững mạnh, ổn định.

Các diễn giả và đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về xu hướng liên kết tiểu đa phương và đa phương, trong đó gồm các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 264
  • Trong tuần: 3 271
  • Tất cả: 8761562

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn