Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 21-11 đến ngày 25-11

1. Việt Nam đồng bảo trợ Nghị quyết AIPA về tăng chuyển đổi kỹ thuật số

Đoàn Việt Nam đề xuất đồng bảo trợ Nghị quyết về Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện với Campuchia, theo đó đoàn Philippines cũng đề nghị đồng bảo trợ.

Ngày 22/11, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia), dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nhân quyền, Tiếp nhận khiếu nại và Điều tra của Thượng viện Vương quốc Campuchia Yang Sem, Ủy ban Xã hội của AIPA đã thảo luận và xem xét thông qua 3 dự thảo Nghị quyết.

Đoàn Quốc hội Việt Nam do Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội Nguyễn Thanh Cầm và Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Dương Minh Ánh dẫn đầu tham dự phiên họp. 

Các nước đều nhất trí cao với dự thảo Nghị quyết về thông qua Báo cáo của Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy (AIPACODD) lần thứ 5 và không có đề xuất sửa đổi, bổ sung nào. 

Đối với dự thảo Nghị quyết về Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện do Campuchia đề xuất, về cơ bản, các nước đều nhất trí với dự thảo nghị quyết và ủng hộ việc tăng cường chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay.

Tại phiên họp, đoàn Việt Nam đề xuất đồng bảo trợ nghị quyết này với Campuchia, theo đó đoàn Philippines cũng đề nghị đồng bảo trợ và được nước chủ nhà đồng ý. 

Tại nghị quyết này, đoàn Việt Nam đề nghị bổ sung 4 nội dung, trong đó có 3 kiến nghị và được hội nghị nhất trí, đó là khuyến khích Nghị viện Thành viên AIPA đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mang tính toàn diện, bao trùm và hướng tới tương lai bền vững, linh hoạt hơn, trước mắt áp dụng cho công tác bảo trợ xã hội và phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tiếp cận kỹ thuật số cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để không ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam kêu gọi giám sát các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, an sinh xã hội nhằm công khai, minh bạch việc thực hiện các chính sách này và kiểm soát tình trạng lạm dụng, lợi dụng các chính sách của nhà nước, cũng như việc giám sát và ban hành chính sách nhằm bảo vệ người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong môi trường mạng, góp phần vào việc bảo vệ xã hội toàn diện. 

Đối với dự thảo Nghị quyết về Tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để giải quyết các thách thức trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) do Thái Lan đề xuất, về cơ bản, các nước thành viên AIPA thống nhất với dự thảo.

Đoàn Việt Nam đã đề xuất bổ sung 3 kiến nghị và được hội nghị nhất trí. Theo đó, nghị quyết kêu gọi tăng cường hợp tác xây dựng các chính sách, giải quyết các vấn đề y tế khu vực và toàn cầu; tăng cường áp dụng các chuẩn mực y tế của các nước theo hướng cập nhật với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tác động của dịch bệnh và tăng khả năng tiếp cận của người dân đối với một số dịch vụ xã hội thiết yếu khi dịch bệnh xảy ra; giảm khoảng cách tiếp cận kỹ thuật số giữa khu vực thành phố với khu vực nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đoàn Việt Nam, cần xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội mang tính bao phủ toàn dân, hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế; trước mắt nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế để giúp họ vượt qua những khó khăn sau dịch bệnh.

Dự thảo Nghị quyết về Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, tự cường và phát triển bền vững do Campuchia đề xuất đã được thảo luận tại Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA. Về cơ bản, các nước thành viên AIPA thống nhất với dự thảo. 

Tại cuộc họp, đoàn Việt Nam và các quốc gia thành viên AIPA đã tích cực tham gia đề xuất ý kiến sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện đối với các dự thảo nghị quyết. Phần lớn các đề xuất của cuộc họp đã được chấp thuận và đưa vào Nghị quyết cuối cùng của Ủy ban Xã hội.

Kết thúc cuộc họp, các nghị quyết đã được thông qua với sự nhất trí của các nước thành viên AIPA tham dự cuộc họp.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

2. Hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông tại Liên bang Nga

Ngày 22/11, tại thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế "Tranh chấp trên Biển Đông và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế" do Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Quỹ Quốc tế "Con đường Hòa bình" của Liên bang Nga và Trung tâm "Luật Hòa bình" phối hợp tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia về luật, chuyên gia về Biển Đông của Liên bang Nga, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ. Đoàn Hội Luật gia Việt Nam tham dự hội thảo do Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trần Công Phàn dẫn đầu.

Giáo sư, Tiến sỹ luật Irina Umnova, Chủ tịch Quỹ Quốc tế "Con đường Hòa bình" và Luật sư Edre Olalia - Chủ tịch chuyển tiếp, Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Chủ tịch Liên minh Luật sư nhân dân quốc gia Philippines đồng chủ trì cuộc hội thảo.

Hội thảo chia làm hai phần, phiên đầu cập nhật những diễn biến mới nhất ở Biển Đông bao gồm các động thái pháp lý, đối ngoại và thực địa tại Biển Đông trong giai đoạn 2019-2021, sự điều chỉnh chính sách của các nước trong và ngoài khu vực đối với vấn đề Biển Đông trong thời gian qua, cũng như những sự kiện và thay đổi trong môi trường quốc tế có liên quan.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến thú vị, đặc biệt trong số này có tham luận của Giáo sư, Tiến sỹ Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm ASEAN, Australia và châu Đại dương với những nhận xét sắc sảo về các tranh chấp tại Biển Đông trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

Phiên thứ hai chủ yếu tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong và ngoài khu vực để hỗ trợ giải quyết tranh chấp và tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư, Tiến sỹ luật Irina Umnova cho rằng: "Cuộc hội thảo này có ý nghĩa lớn… và điều quan trọng đối với chúng ta hôm nay là việc khẳng định chúng ta ủng hộ Công ước về luật biển, chúng ta ủng hộ việc làm việc theo luật pháp chung, chúng ta tiếp tục lập ra các biện pháp an ninh cùng chung trách nhiệm ở Biển Đông. Mặt khác chúng ta tiếp tục ủng hộ việc trong khuôn khổ ASEAN thúc đẩy việc thông qua Qui tắc ứng xử chung của các bên ở Biển Đông. Hôm nay chúng ta cũng tìm kiếm cách tiếp cận, con được mới khác để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông".

Trong khi đó luật sư Edre Olalia, Chủ tịch Liên minh Luật sư nhân dân quốc gia Philippines nhận xét: "Hội nghị này rất hữu ích, nhiều thông tin. Nó hữu ích cho không chỉ với các chính phủ hiện nay hay các quốc gia tuyến bố chủ quyền mà điều quan trọng nhất là nó hữu ích với người dân các quốc gia, bởi vì xét cho cùng, chính người dân bị ảnh hưởng bởi tranh chấp. Chẳng hạn, như các ngư dân có thể bị ảnh hưởng đến sinh kế của họ do tranh chấp. Và tất nhiên, vấn đề về tài nguyên cũng là một điều quan trọng, với chúng tôi, những luật sư của nhân dân, chúng tôi cho rằng cuối cùng vẫn cần tính đến người dân trên thế giới khi bạn tìm giải pháp hoặc thậm chí đưa ra đề xuất để giải quyết tranh chấp".

Tiến sỹ Lại Thái Bình, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết: Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trong trong vấn đề Biển Đông. Chính sách của Việt Nam rất nhất quán từ trước đến nay. Việt Nam luôn chú trọng: Một là, phải kiên trì xử lý các tranh chấp, đặc biệt liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Hai là, chú trọng giữ một môi trường hòa bình để phát triển. Thứ ba là đảm bảo ổn định về chính trị xã hội, trật tự xã hội. Trong tiến trình đó, tất cả các nước trên thế giới, bao gồm các nước trong và ngoài khu vực đều có thể có những đóng góp tích cực.

Cũng theo Tiến sỹ Lại Thái Bình, các diễn đàn như ASEAN hoặc các diễn đàn khu vực khác là rất quan trọng. Có thể nói, khi các tổ chức lớn hơn như Liên hợp quốc ngày càng quan tâm đến vấn đề Biển Đông thì việc hợp tác không chỉ trong khu vực mà là đa phương hoặc thậm chí là tiểu đa phương đều có vai trò rất lớn trong việc giúp thúc đẩy phát triển và ổn định hợp tác tại khu vực Biển Đông.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

3. Đại hội 22 Hội đồng Hòa bình thế giới: Ra mắt Ban Chấp hành mới

Với sự đồng thuận tuyệt đối, Ban Chấp hành mới đã bầu ông Pallab Sengupta, Tổng Thư ký Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ, làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới.

Sau 4 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, chiều 24/11, tại Hà Nội, Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới đã bầu ra Ban Chấp hành mới với 40 thành viên.
Với sự đồng thuận tuyệt đối, Ban Chấp hành mới đã bầu ông Pallab Sengupta, Tổng Thư ký Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ, làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới.

Bên cạnh đó, ông Athanasios Pafilis tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình thế giới; ông Iraklis Tsavdaridis được bầu vào vị trí Thư ký Thường trực Hội đồng Hòa bình thế giới.

Ban Chấp hành mới cũng bầu nhân sự cho 5 vị trí phó chủ tịch đại diện cho các khu vực, gồm: Hội đồng Hòa bình Mỹ (châu Mỹ), Ủy ban Hòa bình Việt Nam (khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Hiệp hội Bảo vệ hòa bình, đoàn kết và dân chủ (Trung Đông), Liên đoàn Hữu nghị và Đoàn kết Nhân dân Angola (châu Phi), Phong trào Hòa bình của Séc (châu Âu).

Ngoài ông Athanasios Pafilis (Hy Lạp) và ông Iraklis Tsavdaridis (Hy Lạp), Ban Chấp hành cũng bầu thêm 11 thành viên của Ban Thư ký. Những thành viên này đến từ: Viện Hữu nghị Nhân dân Cuba (ICAP); Hội đồng Hòa bình và Hợp tác Bồ Đào Nha (CPPC); Ủy ban Hòa bình và Đoàn kết Palestine; Tổ chức Hành động đoàn kết hòa bình Nam Phi; Hội quốc tế Luật sư Dân chủ (IADL) Nhật Bản; Trung tâm Quốc phòng đoàn kết và hòa bình của Brazil; Hội đồng Hòa bình Mỹ; Hội đồng Hòa bình và Đoàn kết Nepal; Hội đồng Hòa bình Cộng hòa Síp; Hội đồng Hòa bình Quốc gia Syria; Hội đồng Hòa bình và Đoàn kết Sudan. Như vậy, Ban Thư ký nhiệm kỳ mới gồm 13 thành viên.

Tân Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới, ông Pallab Sengupta, sinh ngày 14/1/1950 tại Ấn Độ. Ông là người có tình cảm đặc biệt với đất nước Việt Nam.

Suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở bất kỳ cương vị nào, ông Pallab Sengupta đều ủng hộ Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian hoạt động với tư cách là lãnh đạo của các tổ chức sinh viên và thanh niên quốc tế, ông Pallab Sengupta đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam.
Với vị trí là Tổng Thư ký Tổ chức đoàn kết toàn Ấn Độ (AIPSO), ông Pallab Sengupta đã dành nhiều hoạt động của AIPSO để hướng tới Việt Nam. Điển hình là, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết, hữu nghị, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước về quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ của các hội nghị, mạng lưới nhân dân đa phương.

Năm 2017, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho ông Pallab Sengupta. Phần thưởng này là sự tôn vinh, ghi nhận những đóng góp tích cực của ông vào quá trình phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ./.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

4. Quan chức Nga và Ukraine gặp nhau tại UAE

Reuters đưa tin đại diện Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) vào tuần trước.

Cuộc đàm phán do UAE làm trung gian và không có sự tham gia của Liên hợp quốc (LHQ), dù tổ chức này đóng vai trò trung tâm trong việc thương lượng về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Cuộc đàm phán tại UAE nhằm loại bỏ những trở ngại còn lại trong Sáng kiến trên, vốn đã được gia hạn vào tuần trước song các bên chưa nhất trí về việc xuất khẩu phân bón của Nga.

Hãng tin Reuters dẫn 3 nguồn tin nêu rõ các đại diện của Nga và Ukraine đã tới thủ đô Abu Dhabi của UAE vào ngày 17/11, thảo luận về việc cho phép Nga tiếp tục xuất khẩu amoniac (nguyên liệu làm phân bón) để đổi lấy việc trao đổi tù nhân.

Trong thông báo trên mạng Telegram, người đứng đầu vùng Donetsk, ông Denis Pushilin cho biết, Nga và Ukraine sẽ trao đổi 50 tù nhân của mỗi bên trong ngày 24/11.

Về phần mình, Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar xác nhận: "Phóng thích tù nhân là một phần của cuộc đàm phán liên quan việc khơi thông hoạt động xuất khẩu amoniac của Nga".

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/11 cho biết, giới chức nước này sẽ làm việc để khơi thông hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị mắc kẹt tại các cảng ở châu Âu và nối lại xuất khẩu amoniac.

Hiện Bộ Ngoại giao UAE, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao của cả Nga và Ukraine đều chưa phản hồi khi được đề nghị bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế của UAE Lana Nusseibeh cho biết Abu Dhabi cam kết hỗ trợ việc đảm bảo cho các kênh liên lạc được mở, khuyến khích đối thoại và ủng hộ biện pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Nguồn:vtc.vn/su-kien

6. Ông Putin cảnh báo phương Tây hậu quả nghiêm trọng nếu áp trần giá dầu

Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, thị trường năng lượng toàn cầu sẽ gánh "hậu quả nghiêm trọng" nếu phương Tây áp trần giá đối với dầu Nga.

"Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng những hành động như vậy (áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga) đi ngược lại các nguyên tắc về quan hệ thị trường và rất có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho thị trường năng lượng toàn cầu", Điện Kremlin dẫn lại nội dung trao đổi trong cuộc điện đàm của nhà lãnh đạo Nga với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani.

Điện Kremlin cho biết thêm, hai bên cũng nhấn mạnh lại những nỗ lực của 2 nước nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu trước những biến động hiện nay.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây đang thảo luận phương án áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga, nhằm gây sức ép với Moscow. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 24/11 cho hay, các thành viên của khối đang thảo luận gói trừng phạt thứ 9 với Nga và sẽ sớm thông qua biện pháp áp trần giá dầu Nga với nhóm G7 và các đối tác lớn khác.

Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, Washington và các đồng minh dự kiến hoàn tất kế hoạch áp trần giá dầu Nga "trong vài ngày tới" trong nỗ lực làm giảm nguồn thu quan trọng của Moscow.

Một quan chức Mỹ tiết lộ việc điều chỉnh giá trần sẽ diễn ra "vài lần một năm" thay vì hàng tháng như ý tưởng ban đầu. Việc áp giá trần sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới nhưng cho đến thời điểm hiện tại, phương Tây vẫn chưa thống nhất con số cụ thể.

Hồi tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 8 với Nga, trong đó không chỉ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển, mà còn ngừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và dịch vụ liên quan kể từ ngày 5/12.

Đánh giá về tác động tiềm tàng của việc áp trần giá dầu, trang ABC News dẫn ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu mức giá trần dao động từ 65-70 USD/thùng, Nga vẫn có thể bán dầu và duy trì lợi nhuận như hiện tại. Thực tế, dầu thô của Nga đang giao dịch ở mức 63 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent trên thị trường quốc tế.

Nếu mức trần thấp hơn, khoảng 50 USD/thùng, khi đó Nga sẽ khó khăn hơn trong việc cân đối ngân sách bởi để làm được điều này, Moscow cần giá dầu duy trì trong khoảng 60-70 USD/thùng. Tuy nhiên, 50 USD/thùng vẫn cao hơn chi phí sản xuất ước tính 30-40 USD/thùng của Nga, do đó Moscow có thể vẫn chấp nhận bán dầu để tránh thiệt hại lớn hơn.

Nga nhiều lần tuyên bố sẽ không tuân thủ việc áp trần giá dầu và cảnh báo sẽ ngừng bán dầu cho bất cứ nước nào áp dụng trần giá. Một số chuyên gia cũng dự đoán, ngoài các biện pháp đáp trả, không loại trừ khả năng Moscow sẽ tìm cách lách lệnh trừng phạt của phương Tây như thay đổi nguồn gốc của dầu khi xuất khẩu.

Hiện tại, để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga - nước sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới, đã chuyển hướng nguồn cung sang Trung Quốc, Ấn Độ và các thị trường châu Á khác với giá chiết khấu.

Nguồn:dantri.com.vn

 

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 3 099
  • Tất cả: 8761725

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn