Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 28/11 đến ngày 02/12

1. Ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong vấn đề Palestine

NDO - Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cùng đông đảo đại diện các nước thành viên đã tham dự cuộc họp đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine, do Ủy ban Liên hợp quốc về thực thi các quyền bất khả xâm phạm của người Palestine (CEIRPP) được tổ chức ngày 29/11, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ).

Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang tham dự cuộc họp.

Nhân dịp này, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã gửi thông điệp tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch CEIRPP và Tổng thống Palestine, thể hiện sự đoàn kết với nhân dân Palestine. Việt Nam khẳng định ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine, cũng như các sáng kiến và nỗ lực nhằm giải quyết xung đột, hướng tới hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi nêu rõ: 75 năm trước, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xác định đường hướng để đạt được hòa bình bền vững trong vấn đề Palestine là thành lập hai nhà nước cùng tồn tại trong hòa bình và an ninh. Cộng đồng quốc tế cần thể hiện đoàn kết trong hành động, hướng tới giải pháp lâu dài. Liên đoàn Arab, Tổ chức các nước Hồi giáo, Phong trào Không liên kết... đều nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện tình hình an ninh tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, khôi phục tiến trình hòa bình và chấm dứt các hành động vi phạm nghị quyết Liên hợp quốc.

Trong thông điệp ra ngày 29/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng khẳng định lại giải pháp hai nhà nước trong vấn đề Palestine, cũng như lập trường của Liên hợp quốc là thúc đẩy hòa bình, chấm dứt sự chiếm đóng. Ông Guterres nêu rõ, Liên hợp quốc ủng hộ nỗ lực của người Palestine đạt được các quyền bất khả xâm phạm và kiến tạo tương lai hòa bình, công bằng.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố nêu rõ, sự ổn định tại khu vực Trung Đông chỉ có thể có được khi cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine được giải quyết một cách công bằng và toàn diện, trên cơ sở giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết quốc tế. Ai Cập cũng nhấn mạnh sự cần thiết chấm dứt bạo lực, ngừng các biện pháp đơn phương làm suy yếu tiến trình hòa bình Trung Đông.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

2. Việt Nam và Australia hướng tới dấu mốc 50 năm quan hệ

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973. Trải qua chặng đường gần nửa thế kỷ, quan hệ hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ và thu được nhiều thành quả. Chuẩn bị bước sang dấu mốc quan trọng của quan hệ song phương, Việt Nam và Australia đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác, góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Nhằm triển khai hợp tác hiệu quả, Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ lên Ðối tác toàn diện năm 2009 và Ðối tác toàn diện tăng cường năm 2015. Sau khi nâng tầm quan hệ lên Ðối tác chiến lược năm 2018, hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày một gần gũi, tin cậy thông qua việc duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc trên tất cả các cấp, các kênh. Các cơ chế hợp tác song phương cũng được triển khai linh hoạt. Lãnh đạo Việt Nam luôn nhấn mạnh mong muốn không ngừng củng cố và phát triển quan hệ với Australia, Ðối tác chiến lược của Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương. Phía Australia cũng coi trọng vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực, luôn chú trọng phát triển quan hệ Ðối tác chiến lược giữa hai nước.

Những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại song phương lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 12,4 tỷ USD trong năm 2021. Trong chín tháng năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 12 tỷ USD, tăng 31,5% so cùng kỳ năm 2021. Hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, lao động… đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, hai bên đã dành cho nhau sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời và quý báu. Là nhà tài trợ vắc-xin ngừa Covid-19 lớn thứ hai của Việt Nam, Australia đã cung cấp hơn 26,4 triệu liều vắc-xin, giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế. Australia cũng luôn dành cho Việt Nam nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ổn định. Trong giai đoạn 2019-2020, Australia dành hơn 78 triệu AUD hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực, như cải cách kinh tế, bình đẳng giới, cải thiện sinh kế. Theo ngân sách năm tài khóa 2022-2023, Australia tăng ODA dành cho Việt Nam lên 92,8 triệu AUD, so mức 78,9 triệu AUD của năm tài khóa 2021-2022.

Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Australia phối hợp tốt và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN)… Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong (Pen-ni Oong) khẳng định, Australia coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện Australia-ASEAN; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vì sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mê Công. Tại các diễn đàn liên nghị viện, như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF)…, hai bên cũng tăng cường trao đổi và phối hợp chặt chẽ về vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Việt Nam và Australia còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa hợp tác trên tất cả các kênh, các lĩnh vực. Hai bên đang nỗ lực triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác quan trọng đã ký kết, như Chương trình hành động triển khai quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam-Australia giai đoạn 2020-2023, Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế... Trong bối cảnh hai nước đã mở cửa hoàn toàn, hai bên nhận thấy cần đẩy mạnh hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực chịu tác động mạnh bởi đại dịch, như du lịch, giáo dục, lao động... Cùng với việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, hai bên cũng quan tâm mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, như ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…

Hướng tới 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ Ðối tác chiến lược vào năm 2023, hai bên đang tích cực phối hợp chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm, trong đó có việc tổ chức các chuyến thăm cấp cao, các hoạt động văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân. Trên cơ sở các thành tựu đạt được trong những năm qua, những nỗ lực của hai bên nhằm tăng cường hợp tác sẽ tạo động lực thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam-Australia thời gian tới.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi.

3. Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Nga

Mỹ duy trì nhiều kênh liên lạc để thảo luận các vấn đề an ninh then chốt với Nga trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ hoặc khẩn cấp.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc ngày 28/11 cho rằng việc các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ và Nga tiến hành điện đàm trong tháng trước là điều đáng khích lệ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục tiến hành đối thoại với Nga về các vấn đề an ninh.

Theo người phát ngôn trên, Mỹ duy trì nhiều kênh liên lạc để thảo luận các vấn đề an ninh then chốt với Nga trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ hoặc khẩn cấp, nhằm ngăn chặn những tính toán sai lầm, các sự cố quân sự và hành động leo thang.
Trong tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có các cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, trong khi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS) Mark Milley cũng đã điện đàm với Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov.

Trong các cuộc điện đàm này, các bên đã thảo luận về các vấn đề an ninh quốc tế hiện nay, trong đó có tình hình tại Ukraine.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

4. Philippines tuyên bố thăm dò dầu khí ở Biển Đông

Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố Philippines sẽ thăm dò dầu khí ở Biển Đông dù không đạt được thoả thuận với Trung Quốc.

Ngày 1/12, Tổng thống Ferdinand Marcos tuyên bố Philippines sẽ tìm cách thăm dò dầu khí ở Biển Đông ngay cả khi không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ông đồng thời nhấn mạnh Philippines có quyền khai thác tài nguyên năng lượng ở vùng biển này.

Ông gọi đây là vấn đề quan trọng với Philippines và nước này cần “tận dụng” lượng dầu mỏ ở khu vực biển đang tranh chấp với Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán về thăm dò năng lượng chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông đã chấm dứt vì các vấn đề ràng buộc hiến pháp và chủ quyền.

Công ty Philippines PXP Energy từng đàm phán với Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc với mong muốn thành lập liên doanh. Hiện Philippines PXP Energy đang có giấy phép thăm dò ở Bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam) trên Biển Đông. Tuy nhiên, các mâu thuẫn giữa Manila và Bắc Kinh đã ngăn cản thỏa thuận giữa hai tập đoàn.

Vào năm 2016, Toà Trọng tài quốc tế (PCA) ở La Hague đưa ra phán quyết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là thiếu cơ sở. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn xây dựng một số đảo nhân tạo và lắp đặt vũ khí trên vùng biển đang tranh chấp. Tổng thống Marcos trước đó nói Philippines sẽ sử dụng phán quyết của Toà Trọng tài "để tiếp tục khẳng định quyền lãnh thổ".

Vào tháng 8, Ngoại trưởng Enrique Manalo cho biết Philippines sẵn sàng mở lại các cuộc đàm phán thăm dò chung với Trung Quốc, nếu "được dẫn dắt bởi luật pháp và hiến pháp” của Philippines. 

Hiện Philippines đang phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước, tuy nhiên những bất ổn trên thị trường năng lượng thời gian gần đây đã góp phần đẩy lạm phát nước này tăng cao. 

Nguồn: vtc.vn/su-kien

5. Mỹ sẽ không cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc

Mỹ không tìm cách cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc ngay cả khi Washington thực hiện các bước để bảo vệ sức mạnh công nghệ và quân sự của Mỹ. Thay vào đó, Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc giải quyết các hoạt động kinh tế gây bất lợi cho các công ty nước này.

Đây là thông điệp được Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đưa ra trong bài phát biểu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ngày 30/11 về chính sách của chính quyền Tổng thống J.Biden đối với Trung Quốc.

Bà Raimondo nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ và những mặt hàng nước này xuất khẩu sang Trung Quốc đã trực tiếp tạo ra 750.000 việc làm cho người dân Mỹ. Do đó, Washington không tìm cách tách rời nền kinh tế nước này khỏi Bắc Kinh theo bất kỳ cách nào. Trái lại, Mỹ muốn thúc đẩy thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực không đe dọa đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia cốt lõi của Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Raimondo cho rằng Washington phải hành động nhiều hơn nữa để tạo đối trọng với Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới không nên cô lập lẫn nhau. Mỹ cần tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác thương mại với Trung Quốc bởi điều này sẽ thúc đẩy việc làm cho người dân Mỹ.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới đã trở nên lạnh nhạt trong thập kỷ qua do những bất đồng chưa thể thu hẹp. Căng thẳng dâng cao khi cựu Tổng thống Mỹ D.Trump áp đặt các biện pháp đánh thuế mạnh tay đối với hàng hóa Trung Quốc, trước những cáo buộc của Washington về việc Bắc Kinh đã vi phạm bí mật thương mại và tận dụng điều này để thách thức lợi thế công nghệ của Mỹ.

Sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2021, Tổng thống Mỹ J.Biden đã giữ nguyên chính sách thuế của người tiền nhiệm, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn cản Trung Quốc sở hữu các công nghệ nhạy cảm phục vụ cho các ứng dụng quân sự.

Điển hình là vào đầu tháng 10/2022, chính phủ Mỹ đã mở rộng các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip trong nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc phát triển các loại chip tiên tiến có thể sử dụng trong các ứng dụng quân sự và công nghệ then chốt, ví dụ như siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Theo đó, các công ty trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc nếu sản phẩm được ứng dụng công nghệ Mỹ. Nếu muốn cung cấp thiết bị và công nghệ cho phía Trung Quốc, các công ty này sẽ phải nộp đơn lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ để xét duyệt.

Bên cạnh đó, Chính quyền Mỹ cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và rót hơn 50 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn, trong một động thái nhằm thúc đẩy tính cạnh tranh của các công ty Mỹ.

Về phía Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường kiên quyết phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn của Mỹ, cho rằng điều này không chỉ gây thiệt hại cho các công ty Trung Quốc mà còn làm tổn hại lợi ích thương mại của các nhà xuất khẩu Mỹ.

Liên quan tới vấn đề này, phát biểu trước các phóng viên ngày 29/11, bà Raimondo cho biết Mỹ đang thảo luận với các đồng minh về các biện pháp hạn chế công cụ bán dẫn và hy vọng rằng các nước này cũng sẽ thực hiện các bước đi tương tự như Mỹ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra bình luận tức thời nào sau những phát ngôn mới nhất của bà Raimondo.

Nguồn:dangcongsan.vn/the-gioi

6. Ngoại trưởng Nga cáo buộc NATO thổi bùng căng thẳng ở Biển Đông

Hôm 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc NATO thổi bùng căng thẳng ở Biển Đông, mang đến những mối đe dọa và rủi ro cho Nga.

“Biển Đông đang trở thành một trong những khu vực mà NATO đẩy căng thẳng leo thang. Chúng tôi hiểu rằng việc NATO chơi với lửa ở những khu vực này mang đến mối đe dọa và rủi ro cho Liên bang Nga. Nó gần bờ biển và vùng biển của chúng tôi", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.

Ông Lavrov cho rằng, đó là lý do Nga đang phát triển hợp tác quân sự với Trung Quốc và tiến hành các cuộc tập trận chung.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Lavrov đang liên hệ đến việc thành lập liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia. Ông cũng cáo buộc NATO đang cố lôi kéo Ấn Độ tham gia vào liên minh chống Nga và Trung Quốc.

Ngoại trưởng Nga cho rằng, Washington và liên minh NATO đang can dự vào cuộc xung đột tại Ukraine khi liên tục cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ cho Ukraine.

Tuy nhiên, ông Lavrov nói, Moskva sẵn sàng lắng nghe nếu các bên muốn tổ chức đàm phán về Ukraine, tuyên bố những cáo buộc của Ukraine khi cho rằng Nga muốn đàm phán để giành thời gian củng cố lại lực lượng là vô lý.

Ông Lavrov cho biết Nga cũng sẵn sàng quay lại đàm phán với phương Tây nếu họ nhất trí thảo luận về những đề xuất an ninh mà Moskva đưa ra vào tháng 12 năm ngoái.

Hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cảnh báo hiệp ước an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia có thể “kích nổ” khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng việc liên minh này tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân.  

“Liên minh AUKUS có tiềm năng trở thành một liên minh quân sự - chính trị. Không thể loại trừ khả năng NATO lập kế hoạch hạt nhân chung và tổ chức các cuộc tập trận hạt nhân ở khu vực", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết.

Ra đời năm ngoái, AUKUS được quảng bá như là thỏa thuận nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc phòng và tăng cường khả năng tương tác giữa 3 quốc gia Mỹ, Anh và Australia.

Hồi tháng 4, lãnh đạo các nước tham gia AUKUS đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định “cam kết của họ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Washington không tìm cách thành lập “Một NATO châu Á”. 

Nguồn: vtc.vn/su-kien

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 3 101
  • Tất cả: 8761727

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn