Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 05-21 đến ngày 9-12

1. Nỗ lực góp phần bảo đảm an ninh trên vùng biển của hai nước Việt Nam và Philippines

Trong khuôn khổ Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”, tối 8-12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp gỡ, trao đổi song phương giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines. Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Phó đô đốc Rolando Lizor Narag Punzalan, Phó tư lệnh tác chiến Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines chủ trì buổi gặp gỡ.

Tại cuộc gặp, hai bên đã trao đổi đánh giá toàn diện về kết quả hợp tác trong thời gian qua. Hai bên thống nhất nhận định, Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines đã có nhiều hoạt động hợp tác theo cơ chế song phương và đa phương, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, phát triển, cùng có lợi giữa hai lực lượng nói riêng và hai nước nói chung.

Cụ thể, tháng 10-2011, hai bên đã ký Thỏa thuận về thiết lập cơ chế đường dây liên lạc nóng lại Manila, Philippines. Tháng 5-2012, Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã ký kết Quy chế hoạt động đường dây nóng giữa hai lực lượng tại Hà Nội.

Thông qua đường dây liên lạc này, hai bên đã thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, tình hình trên biển, về hợp tác tìm kiếm cứu nạn, hợp tác trong chia sẻ thông tin liên quan đến Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP) mà hai bên đều tham gia ký kết.

Ngoài ra, hai bên cũng tham gia đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương khác mà hai bên cùng là thành viên như: Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á, Diễn đàn Tư lệnh Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á, Đối thoại thực thi pháp luật trên biển do Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tổ chức và các hoạt động khác có liên quan.

Qua trao đổi, hai bên thống nhất tiếp tục duy trì liên lạc thường xuyên, thúc đẩy việc trao đổi, thống nhất về dự thảo, hướng tới sớm ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines, nhằm góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, ổn định và phát triển trên vùng biển của hai nước.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

2. Mỹ cam kết hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước trong xung đột Israel - Palestine

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 4/12 khẳng định Mỹ cam kết hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước trong xung đột Israel - Palestine, theo đó phản đối việc chính phủ sắp tới ở Israel mở rộng hoạt động định cư và sáp nhập vùng Bờ Tây của Palestine.

Quan chức đầu ngành ngoại giao Mỹ khẳng định chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ hành động "không ngừng nghỉ", nhằm duy trì một "chân trời hy vọng", dù còn mờ mịt, đối với việc thành lập nhà nước của người Palestine.

Ông Blinken nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng người Palestine và người Israel, cũng giống như mọi người dân ở khắp mọi nơi, được quyền hưởng những quyền lợi như nhau và những cơ hội như nhau. Mỹ sẽ tiếp tục kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào làm suy yếu triển vọng về một giải pháp hai nhà nước".

Theo Ngoại trưởng Mỹ, các hành động được đề cập bao gồm việc mở rộng khu định cư, tiến tới sáp nhập Bờ Tây, phá vỡ hiện trạng lịch sử tại các khu thánh địa, phá dỡ các công trình, trục xuất người dân và kích động bạo lực.

Ông Blinken cũng nêu rõ Washington sẽ đánh giá chính phủ sắp tới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu dựa trên "những hành động và chính sách mà họ theo đuổi, thay vì xem xét từng cá nhân cụ thể trong Nội các mới". 

Những tuyên bố trên của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Netanyahu dự kiến sẽ thành lập chính phủ mới, trong đó có đảng Chủ nghĩa Phục quốc tôn giáo với lập trường đẩy mạnh hoạt động xây dựng các khu định cư mới và sáp nhập lãnh thổ của người Palestine ở Bờ Tây.

Cũng trong ngày 4/12, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Al-Zayani khẳng định Hiệp định Abraham sẽ chỉ thành công khi đạt được giải pháp hai nhà nước và thành lập được Nhà nước Palestine độc lập.

Nhân dịp Tổng thống Israel Isaac Herzog có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong lịch sử tới Bahrain, ông Rashid Al-Zayani nêu rõ "nền tảng của hòa bình là phải giải quyết được vấn đề của người Palestine", bao gồm việc nối lại các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước. Ông cũng khẳng định bản thân và Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa sẽ nêu vấn đề người Palestine trong các cuộc gặp với Tổng thống Israel, đồng thời hai bên cũng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương sau hơn 2 năm ký hiệp định bình thường hóa quan hệ.

Hiệp định Abraham được ký kết hồi tháng 9/2020 nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Hồi giáo/Vùng Vịnh, trong đó Mỹ giữ vai trò trung gian then chốt. Trước đó, chỉ có Ai Cập và Jordan là hai nước trong khối có quan hệ với Israel. Kể từ khi ký văn kiện này, mối quan hệ giữa Israel và các quốc gia Vùng Vịnh nói trên đã được mở rộng, đáng chú ý là việc nối lại các chuyến bay thẳng và các thỏa thuận kinh tế.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

3.Thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác

Đại sứ Vũ Hồ đánh giá cao vai trò của AMF và EAMF trong thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong lĩnh vực hợp tác biển, khuyến khích các đối tác tiếp tục ủng hộ và hợp tác với ASEAN trên tinh thần tin cậy, xây dựng, tham gia đóng góp thực chất, hiệu quả cho các hoạt động của các cơ chế của ASEAN, trong đó có EAMF.

Trong hai ngày 06 - 07/12/2022, Diễn đàn biển ASEAN (AMF) lần thứ 12 và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 10 đã diễn ra tại Manila dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Philippines. Đoàn Việt Nam tham dự các Diễn đàn do Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN dẫn đầu.

Các nước ASEAN và đối tác đã rà soát, đánh giá tổng thể về hợp tác biển và an ninh biển trong khu vực thời gian qua, đồng thời trao đổi định hướng hoạt động của các Diễn đàn thời gian tới. Các nước đề cao vai trò của AMF và EAMF trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng nhận thức, tiếp cận đa phương và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực để ứng phó với các vấn đề biển đang nổi lên. Trước thực tế các vấn đề biển ngày càng phức tạp, đa chiều, đa ngành và có tính chất xuyên quốc gia, các nước chia sẻ sự cần thiết phát huy vai trò và hiệu quả của cả hai cơ chế trong điều phối các nỗ lực thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và tại khu vực.

Trên tinh thần cởi mở và xây dựng, các nước dành nhiều thời gian trao đổi về thực trạng, tác động và kinh nghiệm ứng phó với nhiều thách thức an ninh biển hiện nay, nhất là nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển, rác thải biển, đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), cướp biển... Theo đó, các nước nhấn mạnh cần thiết lập các cơ chế chia sẻ thông tin song phương và đa phương kịp thời, hiệu quả, tăng cường xây dựng lòng tin, khả năng phối hợp chính sách và triển khai các biện pháp đồng bộ, tổng thể trên cơ sở tôn trọng các thỏa thuận quốc tế liên quan.         

Các nước đề cao tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, coi đây là lợi ích chung; nhấn mạnh cần tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước “40 năm tuổi” UNCLOS 1982 – “Hiến chương của đại dương”, kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Phát biểu tại các diễn đàn, Đại sứ Vũ Hồ đánh giá cao vai trò của AMF và EAMF trong thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong lĩnh vực hợp tác biển, khuyến khích các đối tác tiếp tục ủng hộ và hợp tác với ASEAN trên tinh thần tin cậy, xây dựng, tham gia đóng góp thực chất, hiệu quả cho các hoạt động của các cơ chế của ASEAN, trong đó có EAMF.

Trong bối cảnh các nước phải đối diện nhiều vấn đề an ninh biển phức tạp, Đại sứ Vũ Hồ đề cao trách nhiệm và thiện chí của các quốc gia trong gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác tại các vùng biển trong khu vực, trong đó có Biển Đông trên cơ sở tăng cường đối thoại, tham vấn, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc các cam kết, thỏa thuận quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với tiến trình phục hồi sau COVID-19, việc áp dụng UNCLOS cần phải được xem xét toàn diện và hợp lý, trong đó cần tính tới những vấn đề như bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đại sứ Vũ Hồ kêu gọi các nước trong khu vực có những biện pháp cụ thể, hữu hiệu trong đấu tranh với nạn đánh bắt cá trái phép (IUU Fishing). Đại sứ cho rằng đây là công việc lâu dài, phức tạp cần có sứ hợp tác của tất cả các nước, các bên. Đặc biệt, trong bối cảnh phục hồi và phát triển đang là ưu tiên chung trong khu vực, việc đấu tranh với nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định cần xuất phát từ thực tiễn đời sống của người dân, nhất là cần tránh áp đặt hoặc sử dụng các biện pháp bảo hộ quá mức, ảnh hưởng tới sinh kế của đông đảo người dân.

Diễn đàn Biển ASEAN lần thứ 13 và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng lần thứ 11 sẽ diễn ra tại Indonesia năm 2023.

Nguồn:dangcongsan.vn/the-gioi

4. Tổng thống Putin: Chiến dịch tại Ukraine sẽ còn kéo dài

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/12 cho biết quân đội Nga có thể tiếp tục chiến đấu ở Ukraine trong một thời gian dài, nhưng ông không thấy việc huy động thêm quân để chiến đấu là hợp lý vào thời điểm này.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hội đồng Tổng thống về Xã hội Dân sự và Nhân quyền Nga ngày 7/12, Tổng thống Nga nhận định “thời gian tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt có thể sẽ là một quá trình dài”, đồng thời nhấn mạnh “Nga sẽ tự vệ với tất cả phương tiện có sẵn”.

Ông Putin tiếp tục cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang gia tăng nhưng Nga coi kho vũ khí của mình là phương tiện để trả đũa chứ không phải tấn công trước.

“Chúng tôi không hề mất trí và nhận thức rõ vũ khí hạt nhân là gì. Chúng tôi có những phương tiện này ở dạng tiên tiến và hiện đại hơn bất kỳ quốc gia hạt nhân nào khác. Nhưng chúng tôi sẽ không chạy vòng quanh thế giới và vung loại vũ khí này như một con dao cạo”, ông Putin nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề huy động thêm quân bổ sung, Tổng thống Nga cho biết không có lý do gì để tiến hành vào thời điểm này, sau khi đã huy động ít nhất 300.000 quân dự bị vào tháng 9 và tháng 10.

Tổng thống Putin thông tin thêm trong số 150.000 quân đã được triển khai ở Ukraine, 77.000 thuộc các đơn vị chiến đấu và số còn lại trong các đơn vị chức năng phòng thủ. 150.000 quân còn lại vẫn đang ở các trung tâm đào tạo.

Đây là lần hiếm hoi ông Putin thảo luận thời gian tiến hành chiến dịch, mặc dù hồi tháng 7, ông từng cho biết rằng Nga “chỉ mới bắt đầu”.

Nguồn:cand.com.vn

5. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật Biển

Việc các nước ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) 40 năm trước đây là một bước đi quan trọng để điều hành và duy trì trật tự đối với đại dương - nguồn lợi chung to lớn của nhân loại.

Đây là tuyên bố được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 8/12.

Phát biểu tại phiên họp của Đại hội Đồng Liên hợp quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm thông qua Công ước Luật Biển, Tổng Thư ký Antonio Guterres nhấn mạnh đại dương là sự sống, là sinh kế và chất kết nối nhân loại với nhau trong suốt chiều dài lịch sử và các nền văn hóa. Ông khẳng định Công ước Luật Biển có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh đại dương đang trong tình trạng kêu cứu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra những thách thức ở thời điểm hiện tại. Đó là việc 35% sản lượng cá của thế giới hiện bị khai thác quá mức. Nước biển dâng cao khi khủng hoảng biến đổi khí hậu tiếp diễn, đại dương đang bị a-xít hóa và ô nhiễm. Các rạn san hô bị bào mòn, những trận lụt lội kinh hoàng đe dọa các thành phố ven biển ở khắp nơi. Nhân công làm việc trong các ngành kinh tế biển không có được các điều kiện làm việc an toàn và mức hỗ trợ cần thiết.

Theo ông Antonio Guterres, thế giới cần đề ra tham vọng lớn hơn và dịp kỷ niệm 40 năm ra đời Công ước Luật Biển cần được coi là lời nhắc nhở quan trọng về việc tiếp tục sử dụng thiết chế thiết yếu này để giải quyết những thách thức hiện nay. Các bên cần nhanh chóng thông qua Thỏa thuận giảm trợ cấp đánh bắt cá mới đạt được gần đây, bảo đảm rằng mọi chính sách đối với đại dương cần được khởi nguồn từ nền tảng khoa học tốt nhất cùng với kiến thức kinh tế, xã hội vượt trội.

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển được ký thông qua ngày 10/12/1982 với 107 quốc gia tham, trong đó có Việt Nam. Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và trở thành một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ XX. Đến thời điểm này đã có 168 quốc gia phê chuẩn Công ước.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 273
  • Trong tuần: 3 280
  • Tất cả: 8761571

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn