Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 12 - 16/12/2022

1. Mỹ sẽ mời Nga tham dự Hội nghị APEC 2023

Theo Reuters, ngày 12-12, giới chức Mỹ thông báo sẽ mời Nga tham dự các hội nghị của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) do Washington đăng cai vào năm 2023.

Phát biểu trước truyền thông tại Singapore, ông Matt Murray-quan chức cấp cao Mỹ phụ trách APEC-xác nhận Mỹ sẽ mời Nga tham dự các hội nghị của APEC. Tuy nhiên, quan chức này không cho biết liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo APEC vào năm tới ở San Francisco hay không. Trước đó, nhà lãnh đạo Nga đã cử đại diện là Phó thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov tham dự hội nghị cấp cao APEC tại Thái Lan vào tháng trước. Tổng thống V.Putin đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, Indonesia vào tháng 11.

Mối quan hệ giữa Washington và Moscow đã xuống mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Nguồn: qdnd.vn/quoc-te

2. Học giả Australia: UNCLOS là thành tựu nổi bật của hợp tác quốc tế

Theo Tiến sỹ Bec Strating, Giám đốc La Trobe Asia, UNCLOS 1982 thực sự tạo ra một khuôn khổ cho trật tự hàng hải toàn cầu công bằng và bình đẳng mà nhiều quốc gia tiếp tục ủng hộ, duy trì và bảo vệ.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia, Tiến sỹ Bec Strating, Giám đốc La Trobe Asia, Phó Giáo sư về Chính trị và Quan hệ quốc tế của Đại học La Trobe ở Melbourne (Australia) khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) là một thành tựu nổi bật trong hợp tác quốc tế.

Điều này thể hiện qua việc nhiều quốc gia ven biển mới và nhỏ đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán và UNCLOS 1982 đã cho phép các quốc gia này đưa ra những tuyên bố hợp pháp đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), trong một số trường hợp là những vùng biển rộng lớn.

Mặc dù các quy định của UNCLOS vẫn còn một số hạn chế, song Công ước thực sự đã tạo ra một khuôn khổ cho một trật tự hàng hải toàn cầu công bằng và bình đẳng mà nhiều quốc gia tiếp tục ủng hộ, duy trì và bảo vệ.

Theo Tiến sỹ Strating, nhiều quốc gia ở châu Á tiếp tục ủng hộ một trật tự hàng hải được xác lập dựa trên UNCLOS, ngay cả khi một số quy định cụ thể trong công ước được các nước diễn giải khác nhau.

Các điều khoản giải quyết xung đột trong UNCLOS đã được sử dụng để giúp giải quyết các tranh chấp trên biển trên khắp châu Á, điển hình như tranh chấp về phân định ranh giới lãnh hải giữa Australia và Timor-Leste, tranh chấp về phân định ranh giới biển tại Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Ấn Độ...

Mặc dù các tranh chấp này có thể chưa được giải quyết triệt để, UNCLOS đã cung cấp cơ sở pháp lý cho các quốc gia đảo và ven biển thực hiện quyền tài phán.

Tại Nam Thái Bình Dương, các quốc đảo đang đi đầu trong các cuộc thảo luận quốc tế về cách thức luật biển trong khuôn khổ UNCLOS nên ứng phó với vấn đề mực nước biển dâng và ảnh hưởng của vấn đề này đối với biên giới trên biển. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) về vụ kiện tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã được các quốc gia khu vực trong và ngoài Đông Nam Á đã sử dụng trong hoạt động ngoại giao công khai và hợp pháp nhằm ủng hộ các nguyên tắc của một trật tự phù hợp với UNCLOS 1982.

Liên quan vai trò của Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 được thành lập tháng 6/2021 mà Việt Nam mà một trong các nước sáng lập, Tiến sỹ Strating nhận định việc đưa ra các sáng kiến ngoại giao như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia cùng chung chí hướng nhằm đảm bảo trật tự hàng hải dựa trên UNCLOS 1982 và luật biển quốc tế .

Đề cập Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tiến sỹ Strating đánh giá việc đạt dược DOC là một thành công đối với các quốc gia Đông Nam Á vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc ký một thỏa thuận đa phương về vấn đề Biển Đông. DOC đã tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán đa quốc gia, bao gồm Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tuy nhiên, thực tế ở Biển Đông đã thay đổi đáng kể kể từ khi DOC được ký kết, trong khi đó tiến độ về đàm phán COC đã chậm lại do dịch COVID-19 và những khác biệt về lập trường của các quốc gia liên quan./.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

3. LHQ: 66 triệu phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các cuộc khủng hoảng

Theo UNFPA, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đã tăng mạnh trong năm 2022, khi lần đầu tiên số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vượt con số 100 triệu; phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngày 13/12, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã kêu gọi quyên góp 1,2 tỷ USD trong năm 2023 để hỗ trợ 66 triệu phụ nữ, trẻ em gái và những người trẻ tuổi đang là nạn nhân của các cuộc khủng hoảng tại 65 quốc gia.

Đây là nhu cầu ngân sách lớn nhất từ trước đến nay của UNFPA, cơ quan chịu trách nhiệm cải thiện sức khỏe sinh sản và sức khỏe nói chung của các bà mẹ trên toàn thế giới.
Giám đốc UNFPA Natalia Kanem nêu rõ 8 quốc gia cần hỗ trợ hàng đầu bao gồm Afghanistan, Syria, Ukraine, Yemen, Somalia, Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia. Trong số tiền trên, Afghanistan cần 289 triệu USD, Ukraine cần 70 triệu USD, Somalia cần 62 triệu USD và Haiti cần 23 triệu USD.

Trong năm nay, UNFPA đã hỗ trợ cho hơn 30 triệu phụ nữ, trẻ em gái và những người trẻ tuổi các dịch vụ thiết yếu. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo đã tăng mạnh trong năm 2022, khi lần đầu tiên số người buộc phải rời bỏ nhà cửa vượt con số 100 triệu. Như thường lệ, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm nạn nhân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong các cuộc khủng hoảng.

Trước tình hình này, UNFPA kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo các dịch vụ thiết yếu trong mọi hoạt động nhân đạo, vốn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, an toàn, nhân phẩm và tương lai của phụ nữ và trẻ em gái.

UNFPA nêu rõ nguồn ngân sách trên sẽ giúp cơ quan này và các đối tác trong việc cung cấp các dịch vụ về sức khỏe sinh sản để đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu phụ nữ, trẻ em gái dễ bị tổn thương nhất, những người trẻ tuổi đang trong tình trạng khẩn cấp.

Các dịch vụ này bao gồm chăm sóc sức khỏe bà mẹ, chăm sóc sức khỏe sinh sản khẩn cấp, kế hoạch hóa gia đình, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới, trong đó có hỗ trợ về y tế và tâm lý.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, UNFPA kêu gọi đóng góp ngân sách một cách linh hoạt để cứu sống nhiều người, giúp bảo vệ và đáp ứng quyền lợi và nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái.

Nguồn:tuyengiao.vn/the-gioi

4. Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương

Ngày 14/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc lại cam kết nhằm tăng cường chủ nghĩa đa phương, đồng thời khẳng định niềm tin vào vai trò trung gian của Liên hợp quốc trong tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu.

Theo lập luận của ông Guterres, trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc chiến tranh Lạnh, việc đưa ra quyết định tập thể và bảo đảm đối thoại không ngắt quãng trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã giúp duy trì một hệ thống an ninh tập thể hoạt động hiệu quả, giúp ngăn chặn xung đột quân sự giữa các cường quốc. Tuy nhiên, ngay cả khi đã đạt được những tiến bộ như vậy, thế giới vẫn đang vật lộn với nhiều thách thức giống như ở thời điểm Liên hợp quốc được thành lập, bao gồm chiến tranh giữa các quốc gia, khả năng gìn giữ hòa bình bị giới hạn, chủ nghĩa khủng bố và một hệ thống an ninh tập thể bị chia rẽ.

Từ những lập luận nêu trên, người đứng đầu Liên hợp quốc hy vọng một Chương trình nghị sự mới vì hòa bình sẽ được đưa ra vào năm 2023 để tiến hành thảo luận giữa tất cả các quốc gia thành viên, cũng như giải quyết toàn bộ các thách thức an ninh mới và cũ trong phạm vi khu vực và quốc tế. Chương trình nghị sự mới vì hòa bình cũng sẽ xem xét đến nhiều mục tiêu, trong đó có tăng cường những công cụ hiện có của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Chương trình nghị sự cũng sẽ nêu rõ công việc của Tổ chức vì hòa bình và an ninh; đề ra cách tiếp cận toàn diện để phòng ngừa; liên kết hòa bình, phát triển bền vững, hành động vì khí hậu và an ninh lương thực; đồng thời xem xét cách thức mà Liên hợp quốc thích ứng với các mối đe dọa trên mạng, chiến tranh thông tin và các hình thức xung đột khác.

Theo đánh giá của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chương trình nghị sự mới vì hòa bình sẽ “có tầm nhìn xa và lăng kính rộng”; đề cập tới các thách thức an ninh của địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, từ đó tạo cơ hội để nắm bắt và thay đổi hướng đi bởi ông cho rằng, “các hoạt động đang diễn ra như bình thường không có nghĩa là mọi thứ vẫn sẽ giữ nguyên”.

Trong phát biểu cùng ngày, ông Guterres lấy ví dụ điển hình rằng Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã khẳng định vai trò quan trọng và duy nhất của Liên hợp quốc  trong việc đưa ra các giải pháp cho các thách thức toàn cầu.

"Chúng ta phải xây dựng và mở rộng các cách tiếp cận sáng tạo như vậy… Thách thức phía trước là rất rõ ràng. Chúng ta có cơ hội và nghĩa vụ nhắc lại cam kết trong Hiến chương Liên hợp quốc để bảo vệ các thế hệ tiếp theo khỏi tai họa chiến tranh. Chúng ta phải thực hiện lời hứa đó bằng một chủ nghĩa đa phương được duy trì một cách hiệu quả, mang tính đại diện và bao trùm” - người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh.

Nguồn:dangcongsan.vn/the-gioi

5. Mỹ cam kết đầu tư hàng tỷ USD tại châu Phi

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/12 cho biết sẽ đến thăm khu vực cận Sahara của châu Phi vào năm tới, và sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến đây trong một thập kỷ qua.

Tuyên bố này được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, kết thúc ngày 15/12 tại Washington, Mỹ. Tuy nhiên, chưa có lịch trình cụ thể nào được công bố.

Ông Biden khẳng định với 49 nhà lãnh đạo các nước châu Phi rằng châu lục này cần “có mặt trong tất cả các cuộc đàm phán” liên quan đến những vấn đề toàn cầu. “Tôi mong muốn được gặp các nhà lãnh đạo châu Phi trên chính đất nước của họ”, ông Biden cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày này có thể được coi như một nỗ lực gây ấn tượng của chính quyền Biden đối với các nước châu Phi. Trước đó, vào năm 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tổ chức một hội nghị tương tự. Chính quyền Mỹ đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các nước châu Phi trong bối cảnh sức ảnh hưởng về kinh tế và thậm chí là quân sự của Trung Quốc tại khu vực này đang gia tăng.

“Lục địa đen” có vai trò rất quan trọng đối với các cường quốc toàn cầu vì dân số tăng nhanh, tài nguyên thiên nhiên quan trọng và là khối bỏ phiếu khá lớn tại Liên Hợp Quốc. Một số nhà lãnh đạo châu Phi tham gia hội nghị thượng đỉnh đã nói rõ rằng họ muốn chính quyền Biden tránh việc buộc họ phải lựa chọn giữa Mỹ và các đối thủ cạnh tranh toàn cầu khi nói đến các vấn đề thương mại.

Tổng thống Niger Mohamed Bazoum bày tỏ đây cũng là một cơ hội về kinh tế. “Các công ty từ Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đến và đầu tư vào Niger theo kiểu quan hệ đôi bên cùng có lợi. Đó là điều mà các nhà đầu tư Mỹ cũng có thể làm được.”

Ông Biden cũng chính thức tuyên bố ủng hộ Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của Nhóm G20. Ông cũng công bố kế hoạch chi 2 tỷ USD để giúp tăng cường an ninh lương thực và 165 triệu USD để giúp các quốc gia châu Phi tiến hành các cuộc bầu cử hòa bình và minh bạch vào năm tới.

Trước đó trong tuần này, ông Biden cũng đưa ra chi tiết cam kết về việc chi 55 tỷ USD cho chương trình của chính phủ ở Châu Phi trong 3 năm tới.

Trong khi đó, tuyên bố về việc tài trợ cho các cuộc bầu cử được Tổng thống Mỹ đưa ra trong cuộc họp với một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo từ Cộng hòa Dân chủ Congo, GabonTron, Liberia, Madagascar, Nigeria và Sierra. Những nước này sẽ tổ chức các cuộc bầu cử lớn vào năm tới.

Nguồn:cand.com.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 3 092
  • Tất cả: 8761718

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn