Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 30/01 - 03/02/2023

1. Bạo lực bùng phát ở khu vực Trung Đông

Tình hình căng thẳng giữa Israel và Palestine gia tăng nhanh chóng thời gian qua, đợt căng thẳng mới nhất bắt đầu từ ngày 26/1, khi Quân đội Israel thực hiện một cuộc đột kích - được cho là nhằm chống khủng bố-vào một trại tị nạn ở thành phố Jenin, khiến 9 người Palestine thiệt mạng. Cùng ngày, một người đàn ông Palestine bị binh lính Israel bắn chết tại thị trấn al-Ram, phía Bắc Jerusalem, đánh dấu một trong những ngày đẫm máu nhất ở khu vực Bờ Tây. Sau đó một ngày, một tay súng người Palestine đã bắn chết 7 người Israel tại một giáo đường Do Thái ở Đông Jerusalem. Cũng trong ngày 27/1, Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào dải Gaza. Ngày 28/1, một thiếu niên Palestine đã nổ súng làm bị thương 2 người Israel tại khu phố Silwan của người Palestine, gần thành phố cổ Jerusalem. Trước tình hình đó, Quân đội Israel đã triển khai thêm 3 tiểu đoàn tới khu vực Bờ Tây để củng cố lực lượng. Nội các của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, gồm các chính trị gia theo đường lối cứng rắn, cũng đã phê chuẩn các biện pháp trừng phạt đối với người Palestine nhằm đáp trả các vụ tấn công.

Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt “chu kỳ bạo lực bất tận” ở khu vực Bờ Tây, đồng thời bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng số người thiệt mạng ở Palestine sau một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất của Quân đội Israel trong nhiều năm.

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

2. Mốc son trong quan hệ Việt Nam-Trinidad và Tobago

Ngày 1/2/2023 đánh dấu mốc son trong quan hệ Việt Nam-Trinidad và Tobago khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tại trụ sở Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), thay mặt Chính phủ hai nước, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cùng Trưởng Phái đoàn thường trực Trinidad và Tobago, Đại sứ Dennis Francis Smith (Đ.Xmít) đã ký “Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Trinidad và Tobago”. Hai nước cũng nhất trí trao đổi đại diện ngoại giao cấp Đại sứ.

Cùng ngày, văn bản Thông cáo chung đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc để lưu hành tại Liên hợp quốc như một văn kiện chính thức và thông báo đến các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trinidad và Tobago, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với toàn bộ 35 quốc gia châu Mỹ, khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với khu vực Mỹ Latin và Caribe.

Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang có cuộc trao đổi với Đại sứ Dennis Francis Smith về các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Hai bên khẳng định việc Việt Nam cùng Trinidad và Tobago thiết lập quan hệ ngoại giao là bước khởi đầu quan trọng, mở ra cơ hội hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Đại sứ Dennis Francis Smith nhấn mạnh rằng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với một đất nước tự cường, một đối tác tin cậy như Việt Nam là một mốc son trong chính sách đối ngoại của Trinidad và Tobago. Hai nước chia sẻ tầm nhìn tương đồng trong nhiều lĩnh vực hợp tác, như văn hóa, giao lưu nhân dân, nông nghiệp, đánh bắt cá, năng lượng, du lịch…

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

3. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một loạt cuộc họp về tình hình Ukraine trong tháng 2

Tại cuộc họp báo ngày 01/2 Đại sứ Malta tại Liên hợp quốc Vanessa Frazier thông báo ngày 8/2 tới sẽ có cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo hãng tin TASS (Nga), thông báo mới nhất trên đồng nghĩa với việc tháng 2 này sẽ diễn ra ít nhất 3 cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Ukraine.

Vào ngày 6/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ tổ chức 1 cuộc họp về tình hình nhân đạo ở Ukraine, theo yêu cầu của Pháp và Ecuador. Tiếp đó, 1 cuộc họp cấp bộ trưởng đã được lên kế hoạch cho ngày 24/2 để bàn về vấn đề hỗ trợ hòa bình và an ninh ở Ukraine.

Hiện tại các nước phương Tây đang đẩy mạnh việc hỗ trợ quân sự và cung cấp khí tài cho Ukraine.

Giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ huấn luyện cho 30.000 binh sĩ Ukraine - tăng gấp đôi so với con số đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.

Chương trình huấn luyện của EU đang được triển khai tại nhiều quốc gia châu Âu, với căn cứ chính tại Ba Lan - quốc gia láng giềng của Ukraine - và sẽ được hoàn tất vào trước quý II năm nay. Thông tin chính thức dự kiến sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Ukraine ở Kiev vào ngày 3/2 tới.

Trong khi đó, Mỹ, Anh cùng một số quốc gia EU đã cam kết cung cấp xe tăng cho Kiev và huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng những phương tiện này. Kiev dự kiến sẽ nhận được 140 xe tăng từ 12 quốc gia trong đợt hỗ trợ đầu tiên.

Đánh giá về những động thái này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng việc cung cấp khí tài cho Kiev sẽ không giúp giải quyết tình hình xung đột hiện nay.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình TRT ngày 1/2, ông Erdogan nêu rõ: “Tôi không cho rằng việc điều xe tăng (tới Ukraine) là cách tiếp cận giúp giải quyết xung đột. Chúng tôi (Thổ Nhĩ Kỳ) hy vọng các nước phương Tây sẽ ủng hộ lời kêu gọi đàm phán giữa Ukraine và Nga".

Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, động thái hỗ trợ khí tài tiềm ẩn nhiều nguy cơ và "đặc biệt có lợi cho các ông trùm vũ khí".

Tại phiên họp toàn thể Hội nghị Liên hợp quốc về giải trừ quân bị ngày 1/2, phái đoàn Nga cũng cảnh báo việc các nước phương Tây chuyển giao vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine có thể kéo theo sự gia tăng đáng kể nguy cơ xung đột giữa các cường quốc hạt nhân.

Nguồn: nhandan.vn/thegioi

4. Myanmar ban bố tình trạng thiết quân luật tại 37 thị trấn

Tối ngày 02/02, Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar đã ban bố thiết quân luật tại 37 thị trấn thuộc 4 khu vực và 4 bang ở quốc gia Đông Nam Á này. Theo đó, Myanmar nhất trí gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng.

Tuyên bố của Hội đồng nêu rõ đã trao quyền hành chính và tư pháp cho chỉ huy các bộ chỉ huy quân sự tại địa phương để thực hiện an ninh, duy trì luật pháp và sự yên bình.

Nguồn: vietnamplus.vn/thegioi

5. Liên hợp quốc kêu gọi Iraq nỗ lực giải quyết tình trạng bất ổn

Theo THX, ngày 02/02 Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Iraq, bà Jeanine Hennis-Plasschaert đã kêu gọi giới chính trị Iraq tận dụng tình hình hiện nay để chấm dứt chu kỳ bất ổn kéo dài. Sau một năm căng thẳng và bất hòa chính trị, bà Hennis-Plasschaert bày tỏ hy vọng rằng việc công nhận chính phủ mới sẽ tạo cơ hội giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước một cách có hệ thống. Bà nói: “Việc tạo ra thay đổi có ý nghĩa sẽ mất thời gian, vì điều này chỉ có thể xảy ra thông qua thay đổi cơ cấu đòi hỏi cải cách kinh tế xã hội một cách có hệ thống, các thể chế mạnh mẽ hơn và quản trị tốt hơn ở tất cả các cấp. Điều quan trọng nhất là các đảng phái chính trị và các chủ thể khác phải ưu tiên lợi ích của đất nước lên trên hết."

Theo bà Statista - một cơ sở dữ liệu thống kê toàn cầu, từ năm 2003-2021, khoảng 209.000 dân thường Iraq đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh và xung đột bạo lực. Khoảng 9,2 triệu người Iraq trở thành người tị nạn hoặc buộc phải rời bỏ quê hương.

Nguồn: vietnamplus.vn/thegioi

6. Nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ đẩy Iraq rơi vào xung đột sâu rộng hơn

Theo đó, những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ qua biên giới nhằm vào khu vực của người Kurd ở Iraq ít thu hút sự chú ý toàn cầu so với các cuộc xâm nhập vào Syria hoặc cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng sự leo thang này có nguy cơ gây bất ổn hơn nữa cho một khu vực nơi các thế lực nước ngoài đã can thiệp mà không bị trừng phạt.

Các quan chức người Kurd cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng cường can dự nếu các căn cứ mới ở Iraq của họ bị tấn công liên tục, trong khi sự hiện diện ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể khuyến khích Iran mở rộng hành động quân sự ở Iraq chống lại các nhóm mà họ cáo buộc kích động tình trạng bất ổn ở trong nước.

Thổ Nhĩ Kỳ có 29 tiền đồn ở Iraq cho đến năm 2019, nhưng con số này đã tăng lên với con số ước tính hiện tại là 87, chủ yếu ở một dải lãnh thổ biên giới dài khoảng 150 km và sâu 30 km. Ông Manda, hiện là nhà phân tích an ninh ở Sulaimaniya, cho biết: “Ở những tiền đồn đó có xe tăng và xe bọc thép. Máy bay trực thăng tiếp tế cho các tiền đồn hàng ngày”.

Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq, từ lâu nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền Baghdad, bắt đầu từ những năm 1990 khi cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein cho phép các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu 5 km vào nước này để chống lại PKK.

Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng một sự hiện diện đáng kể, bao gồm một căn cứ ở Bashiqa cách 80 km bên trong Iraq, nơi Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quân đội của họ là một phần của sứ mệnh quốc tế nhằm huấn luyện và trang bị cho các lực lượng Iraq để chống lại IS

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã làm việc để tránh thương vong cho dân thường thông qua sự phối hợp với chính quyền Iraq.

Theo một quan chức của Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) của Iraq, cuộc xung đột cũng đã khiến ít nhất 800 ngôi làng bị bỏ trống kể từ năm 2015, khi lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK bị phá vỡ, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Ngoài tác động nhân đạo, sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ mở rộng cuộc xung đột khi tạo động lực cho Iran đẩy mạnh các hoạt động tình báo bên trong Iraq và thực hiện hành động quân sự của riêng mình.

Các nhà phân tích cho rằng, lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq cũng có lý do để đáp trả sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng khả năng leo thang giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm ngoài PKK.

Nguồn: baotintuc.vn/thegioi

7. Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Số nạn nhân thiệt mạng vượt quá 7.800 người

 Rạng sáng 06/2 (theo giờ địa phương), một trận động đất có độ lớn 7,8 đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Theo Viện Khảo sát địa chất của Đan Mạch và Greenland, rung chấn của trận động đất có thể cảm nhận được xa tới tận Greenland. Nhà nghiên cứu địa chấn Tine Larsen cho hay các máy đo địa chấn trên đảo Bornholm đã thu được sóng địa chấn khoảng 5 phút sau khi động đất bắt đầu. Khoảng 8 phút sau đó, rung chấn đã lan đến bờ biển phía Đông của Greenland, lan tỏa ra toàn bộ khu vực này. Một trận động đất có độ lớn 7,5 đã tiếp tục làm rung chuyển Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào chiều 06/02. Cả Đan Mạch và Greenland đều cảm nhận hai trận động đất này và tất cả những dư chấn sau đó. Đến ngày 07/02, số người thiệt mạng trong trận động đất lớn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 7.800 người trong ngày 07/02, trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa Đông khắc nghiệt để cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập.

 

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 274
  • Trong tuần: 3 281
  • Tất cả: 8761572

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn