Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 06/02 - 10/02/2023

1. ASEAN hướng tới mục tiêu tăng trưởng

Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) trở thành "mỏ neo" cho sự ổn định toàn cầu và phát triển kinh tế bao trùm là những mong muốn mà Indonesia nêu bật khi nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2023. Chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2023 là "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".

Kinh tế đang dần phục hồi, tăng trưởng, song ASEAN cũng phải chịu tác động đa chiều của tình hình thế giới nhiều biến động, cũng như đối mặt các khó khăn riêng. Trong bối cảnh này, những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, phục hồi kinh tế, phát triển bền vững, xây dựng Cộng đồng ASEAN, mở rộng quan hệ đối ngoại vẫn là các mối quan tâm chính của Hiệp hội trong năm 2023.

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia thúc đẩy những mục tiêu ưu tiên, trong đó có nâng cao khả năng ứng phó của ASEAN, nhất là trong vấn đề an ninh lương thực, năng lượng và tự cường y tế. Indonesia cũng sẽ thúc đẩy việc tăng cường hiệu quả thể chế của ASEAN. Bên cạnh đó, Indonesia cũng sẽ thúc đẩy việc kết nạp Timor Leste trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 ở Campuchia, ASEAN đã nhất trí về nguyên tắc việc kết nạp Timor Leste làm thành viên thứ 11 của Hiệp hội. Indonesia quyết tâm đưa Ðông Nam Á trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới và dẫn dắt các nước thành viên tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong ứng phó các thách thức, đồng thời đưa ASEAN trở thành tâm điểm của tăng trưởng tại khu vực và trên thế giới.

Nguồn:nhandan.vn/thegioi

2. CHDC Congo: Nhiều người thương vong trong vụ tấn công vào đoàn xe của Liên hợp quốc

Ngày 08/02, Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO) xác nhận, khi đoàn xe LHQ đang trở về sau sứ mệnh tiếp tế ở phía Bắc Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu, thì những kẻ tấn công phóng hỏa đốt 4 xe tải. Vụ việc xảy ra tại Kanyaruchinya, nơi có hàng nghìn người tản cư trú ngụ. Các binh sĩ MONUSCO phụ trách an ninh đã nổ súng cảnh cáo, song đáng tiếc đã khiến 8 dân thường thiệt mạng và 28 người bị thương.

Ngày 5/2 một nhân viên người Nam Phi của họ đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong vụ tấn công nhằm vào máy bay trực thăng chở nhân viên LHQ ở miền Đông CHDC Congo.

Hiện khu vực miền Đông CHDC Congo đang phải đối mặt với nhiều bất ổn xuất phát từ các nhóm vũ trang, đặc biệt là nhóm phiến quân Lực lượng dân chủ đồng minh (ADF) và Phong trào 23/3 (M23). Đây cũng là thách thức chung đối với các quốc gia trong khu vực. Hồi tháng 1 vừa qua, cũng tại khu vực trên đã xảy ra vụ đánh bom tại một nhà thờ địa phương khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương. Chính quyền CHDC Congo quy trách nhiệm về vụ tấn công này cho ADF.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Căng thẳng mới giữa Ba Lan và Belarus

Căng thẳng mới giữa Ba Lan và Belarus đã nổi lên khi Warsaw tuyên bố đóng cửa biên giới với Minsk sau khi một nhà hoạt động và nhà báo người Ba Lan bị tòa án ở Belarus kết án 8 năm tù với các tội danh mà Warsaw cho là "có động cơ chính trị".

Cụ thể, Bộ Nội vụ Ba Lan thông báo nước này tiến hành đóng cửa khẩu biên giới Ba Lan - Belarus ở Bobrowniki, từ ngày 10/2 năm nay, từ 12 giờ (giờ địa phương) cho đến khi có thông báo mới. Nằm ở phía Đông Ba Lan, trạm kiểm soát Bobrowniki là một trong sáu điểm đi qua biên giới Ba Lan - Belarus.

Chính quyền Ba Lan cũng đang chuẩn bị mở rộng danh sách trừng phạt những người có liên hệ với Chính quyền Belarus. Ba Lan cũng kêu gọi toàn bộ EU lập một danh sách các hạn chế kinh tế đối với Chính phủ ở Minsk.

Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Andrzej Poczobut, một nhà hoạt động và nhà báo người Ba Lan sống ở Belarus, bị tòa án Minsk kết án 8 năm tù với tội danh "kích động hận thù và công khai kêu gọi các hành động đe dọa an ninh quốc gia".

Phản ứng trước phán quyết của tòa án ở Belarus, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho rằng các cáo buộc là "có động cơ chính trị" và thể hiện "sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với người thiểu số Ba Lan ở Belarus". Đại biện lâm thời của đại sứ quán Belarus cũng đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Ba Lan liên quan đến vụ việc.

Belarus đã chỉ trích động thái đóng cửa biên giới của Ba Lan, gọi đây là "thảm họa", phi lý và nguy hiểm. “Các hành động của chính quyền Ba Lan có thể dẫn đến sự sụp đổ ở cả hai bên biên giới”, Ủy ban biên giới của Belarus cho biết trong một tuyên bố.

Theo dữ liệu năm 2019 từ cuộc điều tra dân số quốc gia mới nhất của Belarus, khoảng 300.000 người dân tộc Ba Lan sống ở nước này, mặc dù chính phủ Ba Lan tuyên bố con số thực tế có thể lên tới 1,1 triệu người.

Mối quan hệ giữa Minsk và Warsaw căng thẳng trong nhiều năm khi Ba Lan cáo buộc Belarus phân biệt đối xử với người thiểu số Ba Lan.

Công Thuận/Báo Tin tức (Politico/Euractiv)

4. Triều Tiên ra mắt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa dùng nhiên liệu rắn

Theo Reuters, ngày 9/2, giới phân tích viện dẫn hình ảnh vệ tinh thương mại cho biết Triều Tiên đã ra mắt vũ khí mới, được cho là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn trong cuộc duyệt binh vào tối 8/2 (giờ địa phương), sự kiện kỷ niệm ngày thành lập quân đội nước này.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên không đưa tin về cuộc duyệt binh trên, song hình ảnh vệ tinh từ công ty Maxar Technologies có trụ sở tại Mỹ đã cho thấy các phương tiện quân sự và đám đông ở Quảng trường Kim Nhật Thành của Bình Nhưỡng.

Trong số các hệ thống xuất hiện tại buổi lễ có ICBM lớn nhất của nước này, Hwasong-17, bên cạnh vũ khí được cho là ICBM nhiên liệu rắn mới được ra mắt.

Việc phát triển ICBM nhiên liệu rắn từ lâu đã được Triều Tiên coi là mục tiêu chính, vì có thể khiến các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của nước này khó bị phát hiện và tiêu diệt hơn.

Hiện chưa rõ quá trình thử nghiệm loại ICBM mới của Triều Tiên, bởi nước này thỉnh thoảng vẫn trưng bày một số mô hình tại các cuộc duyệt binh./.

(Vietnam+)

5. NATO khẳng định ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập

Ngày 8/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã có cuộc làm việc tại Lầu Năm Góc.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, tại cuộc gặp, các quan chức quốc phòng đã tái khẳng định ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự thống nhất và hỗ trợ của liên minh dành cho Ukraine.

Bộ trưởng Austin và Tổng Thư ký Stoltenberg đã thảo luận về cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (NAC) cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO dự kiến diễn ra ngày 14-15/2 tới và tiến triển đạt được đối với các quyết định đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid năm 2022 nhằm thúc đẩy khả năng thích ứng quân sự của NATO để giải quyết tốt hơn các thách thức. Hai quan chức cũng thảo luận về Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở thủ đô Vilnius của Litva, nơi các nguyên thủ và những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên NATO sẽ thực hiện các bước bổ sung để tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO. Hội nghị dự kiến diễn ra trong các ngày 11-12/7 tới. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm thủ đô Washington D.C từ ngày 7-9/2, Tổng Thư ký Stoltenberg cũng gặp các quan chức cấp cao nước chủ nhà gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và các quan chức Mỹ cấp cao khác cũng như lãnh đạo 2 viện của Quốc hội Mỹ.

Đoàn Hùng (TTXVN)

6. Đình công ở châu Âu: Nan giải bài toán giảm căng thẳng xã hội

Tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao ở "lục địa già" khiến làn sóng đình công, biểu tình đang lên mức đỉnh điểm.

Các nghiệp đoàn Pháp đã huy động số lượng người kỷ lục tham gia những cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách hưu trí, trong khi Anh chứng kiến làn sóng đình công lớn nhất trong hơn một thập niên khi có tới nửa triệu người xuống đường đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Các hoạt động này diễn ra liên tục gây gián đoạn nghiêm trọng nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội tại hai quốc gia hàng đầu châu Âu.

Đây có thể coi là đỉnh điểm của làn sóng đình công, biểu tình vốn lan rộng ở châu Âu từ cuối năm ngoái tới nay trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xã hội do tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt, giá năng lượng tăng vọt và lạm phát cao ở "lục địa già."

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 757.000 người đã tham gia cuộc tổng đình công ngày 7/2 trên toàn nước Pháp, riêng ở thủ đô Paris hơn 57.000 người xuống đường.

Đây là đợt tổng đình công thứ ba ở Pháp để phản đối dự luật cải cách hưu trí kể từ khi dự luật này được công bố giữa tháng 1 vừa qua.

Trong đợt đình công toàn quốc thứ hai diễn ra ngày 31/1, Bộ Nội vụ Pháp cho biết hơn 1,27 triệu người, trong khi Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) khẳng định khoảng 2,8 triệu người tham gia các cuộc biểu tình tại Paris, Marseille, Lyon, Nantes và nhiều thành phố trên cả nước.

Trước đó, từ cuối năm ngoái, hàng loạt cuộc đình công của người lao động Pháp để phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang đã gây gián đoạn nhiều dịch vụ vận tải, đặc biệt là hàng không ở nước này.

Trong khi đó, tổng đình công tại Anh là sự kết hợp chương trình của nhiều nghiệp đoàn, như giáo viên, nhân viên y tế, lái tàu và thành viên của Liên minh Dịch vụ công cộng và thương mại (PCS).

Cuối năm ngoái, Anh đã chứng kiến cuộc đình công lớn nhất trong lịch sử của nhân viên Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và cuộc đình công của lái xe cứu thương lớn nhất trong 3 thập niên.

Cùng thời điểm đó, diễn ra hàng loạt cuộc đình công tương tự của nhân viên ngành hàng không Đức, Bồ Đào Nha, nhân viên ngành đường sắt Áo, Hà Lan, nhân viên các ngành vận tải Bỉ, Hà Lan; nhân viên nhiều ngành dịch vụ ở Tây Ban Nha...

Tuy nhiên, đình công ở Pháp và Anh có quy mô lớn và kéo dài nhất.

Tại Pháp, sau 3 đợt tổng đình công toàn quốc ngày 19/1, 31/1 và 7/2, các nghiệp đoàn đã kêu gọi người lao động tiếp tục hưởng ứng “phong trào phản kháng” với cuộc biểu tình tiếp theo được ấn định vào ngày 11/2.

Tại Anh, sau cuộc đình công lớn ngày 1/2 với sự tham gia của khoảng 300.000 giáo viên, Liên hiệp giáo dục quốc gia (NEU), tổ chức công đoàn của giáo viên Anh, cũng lên kế hoạch tổ chức chuỗi 6 ngày đình công tiếp vào tháng Hai và tháng Ba.

Làn sóng đình công, biểu tình ở châu Âu bùng phát sau khi giá năng lượng và điện, khí đốt tăng cao kỷ lục hồi năm ngoái, dẫn tới chi phí sinh hoạt và lạm phát leo thang, khiến đời sống người dân khó khăn, trong khi một số chính phủ chưa tìm được biện pháp giải quyết triệt để.

Tại Pháp, người dân biểu tình đòi chính phủ từ bỏ kế hoạch cải cách hưu trí, theo đó tăng dần tuổi nghỉ hưu từ 62 hiện nay lên 64 vào năm 2030, đồng thời tăng thời gian đóng bảo hiểm của người lao động từ 42 lên 43 năm để có thể được hưởng lương hưu toàn phần trong khi mức lương tối thiểu cho toàn bộ những người nghỉ hưu sẽ được nâng lên mức 1.200 euro/tháng, tức là cao hơn hiện tại 100 euro.

Dự luật được cho là cấp thiết không chỉ bởi cho đến nay, Pháp vẫn là một trong những nước châu Âu có độ tuổi về hưu thấp nhất (tuổi 62) so với Đức, Bỉ, Tây Ban Nha (tuổi 65) và Đan Mạch (tuổi 67), mà còn do quỹ an sinh xã hội của nước này đang đứng trước nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng trong thập niên tới.

Tuy nhiên, người lao động Pháp cho rằng kế hoạch cải cách hưu trí này thiếu công bằng và không đảm bảo quyền lợi của họ.

Ở Anh, các nhà phân tích đồng tình rằng suy thoái kinh tế, lạm phát cao kỷ lục 2 chữ số làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với thu nhập thực tế của người lao động giảm mạnh, khiến hàng trăm nghìn người xuống đường đình công.

Theo Viện nghiên cứu tài khóa (IFS), tiền lương thực tế của giáo viên ở Anh giảm 9-10% từ năm 2010 đến 2022, trong khi NEU ước tính lương cho giáo viên có kinh nghiệm đã giảm 23% kể từ năm 2010 sau khi tính lạm phát.

Lương của giảng viên đại học giảm 20% kể từ năm 2009, lương thực tế của các bác sỹ sau khi tính lạm phát đã giảm 26%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề sâu xa hơn mà nước Anh đang đối mặt là sự thiếu hụt nhân lực mang tính chiến lược, tất cả các ngành từ đường sắt đến y tế đều phụ thuộc vào sự tự nguyện làm thêm giờ của nhân viên.

Làn sóng đình công, biểu tình rộng khắp đã làm tê liệt hoạt động của nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội ở các nước.

Theo các thống kê, ngày 31/1, chỉ có từ 25-30% chuyến tàu TGV tại Pháp được thực hiện so với ngày thường. Tại thủ đô Paris, các tàu điện ngầm đã giảm hoạt động tối đa.

Lĩnh vực năng lượng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đình công diễn ra khắp các cơ sở nhiên liệu và nhà máy lọc dầu. Trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết các trường học của thủ đô Paris đã đóng cửa ngày 31/1.

Cuộc đình công của nhân viên hàng không Đức chỉ kéo dài 1 ngày (25/1) cũng khiến hơn 35.000 hành khách bị ảnh hưởng do khoảng 300 chuyến bay bị hủy hoặc bị hoãn.

Tại Anh, 85% số trường học ở England và xứ Wales phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, hơn 2,5 triệu sinh viên chịu ảnh hưởng, hơn 120 cơ quan chính phủ và các cửa khẩu xuất nhập cảnh gián đoạn hoạt động và 70% các tuyến dịch vụ đường sắt tạm dừng dịch vụ.

Ước tính các cuộc đình công khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong 8 tháng tính đến tháng 1/2023 giảm 0,1%, tương đương 2 tỷ USD.

Hiệp hội ngành khách sạn UKHospitality ước tính các cuộc đình công ngành đường sắt khiến việc đi lại bị gián đoạn, gây tổn thất 2,5 tỷ bảng cho ngành này.

Ngành y tế cũng chịu tổn thất không nhỏ khi các ca phẫu thuật bị trì hoãn, cuộc đình công của lái xe cứu thương tháng 12/2022 khiến các bệnh nhân đột quỵ phải chờ hơn 90 phút để gọi được xe cấp cứu.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định làn sóng đình công kéo dài khiến nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng ở châu Âu, dẫn tới những hệ lụy khó lường.

Giới chức Pháp lo ngại những bất ổn hiện nay có thể kích động một làn sóng bất mãn mới tương tự như phong trào Áo vàng cách đây vài năm.

Tại Cộng hòa Séc, việc nền kinh tế rơi vào suy thoái sau 2 quý GDP giảm liên tiếp, trong khi khủng hoảng năng lượng vẫn là vấn đề gây bức xúc, có thể dẫn tới làn sóng biểu tình rầm rộ đòi chính phủ từ chức như từng diễn ra cuối năm ngoái.

Tại Bulgaria, kinh tế suy giảm, lạm phát lên tới mức cao nhất trong 24 năm và thiếu hụt khí đốt được cho là một phần nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này, khiến Tổng thống Rumen Radev ngày 2/2 phải ký sắc lệnh giải tán quốc hội, chỉ định chính phủ lâm thời và ấn định cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào tháng Tư.

Nỗ lực giải quyết căng thẳng cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Các bộ ngành ở Anh phải theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng," trong khi Thủ tướng Rishi Sunak đã tuyên bố “cánh cửa luôn mở” đối với các nghiệp đoàn nhưng cũng nhấn mạnh ưu tiên của chính phủ là giải quyết vấn đề lạm phát và không thể tăng lương ở mức thúc đẩy lạm phát.

Mặc dù nhiều khu vực công đã được đề nghị tăng lương 4% hoặc 5% cho năm tài chính hiện tại, song các nghiệp đoàn yêu cầu mức tăng lương cao hơn tỷ lệ lạm phát hằng năm, hiện ở mức 10,5% vào tháng 12/2022.

Tại Pháp, các bên liên quan tới nay vẫn giữ lập trường hết sức cứng rắn, khó thỏa hiệp, cho thấy mức độ khó khăn mà Chính phủ Pháp vấp phải trong nỗ lực thông qua chương trình cải cách gai góc nhất này.

Trong bối cảnh vòng xoáy bất ổn về kinh tế-địa chính trị, thị trường lao động bị thắt chặt và lạm phát tăng cao đang tác động trực tiếp tới đời sống và thu nhập của người dân châu Âu, việc tìm giải pháp cho những vấn đề này càng trở nên bức thiết và đây đang là bài toán nan giải làm đau đầu nhiều chính phủ./.

Nguyễn Tuyên-Minh Hợp (TTXVN/Vietnam+)

7. Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Số nạn nhân thiệt mạng lên hơn 33.000 người

Theo các hãng tin nước ngoài, tính đến 21h30 ngày 12/2 (giờ Việt Nam), số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 33.000 người.

Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương với sự tham gia của các đoàn cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới. Ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh. 

Đoàn công tác cứu nạn cứu hộ Việt Nam do Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) làm Trưởng đoàn, đã nhanh chóng làm nhiệm vụ tại thành phố Adiyaman của Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên quan đến công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, đến nay chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thương vong trong trận động đất này. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp cận và hỗ trợ tài chính cho một số gia đình Việt Nam bị ảnh hưởng bởi động đất. Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, kịp thời tiến hành các biện pháp bảo hộ và hỗ trợ công dân bị ảnh hưởng trận động đất, tham gia cứu trợ, hỗ trợ nạn nhân của trận động đất theo khả năng và tình hình thực tế, hỗ trợ ở mức cao nhất các đoàn cứu hộ, cứu nạn từ trong nước được cử sang.

TTXVN/Báo Tin tức

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 3 098
  • Tất cả: 8761724

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn