Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 03 - 7/4/2023

1. Đại sứ Nga tại LHQ lên tiếng về khả năng ngoại trưởng hai nước Nga, Mỹ gặp gỡ

Ngày 4/4 ông Vasily Nebenzya phát biểu tại một cuộc họp báo cho biết Nga sẵn sàng cho cuộc gặp có thể diễn ra giữa Ngoại trưởng Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken trong chuyến thăm của bộ trưởng tới trụ sở LHQ vào ngày 24-25/4 tới, nếu phía Mỹ có nguyện vọng gặp gỡ.

Ông Nebenzya chia sẻ thêm: “Tôi cho rằng điều này phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là Ngoại trưởng Mỹ Blinken ở đâu vào thời điểm đó. Thứ hai là khả năng cũng như sự sẵn sàng của ông Blinken gặp gỡ Ngoại trưởng Nga”.

“Nếu có yêu cầu về một cuộc gặp như vậy, tôi cho rằng Bộ trưởng Lavrov sẽ sẵn sàng gặp Bộ trưởng Blinken”, ông Nebenzya bổ sung.

Quan hệ Nga-Mỹ trong thời gian qua xảy ra căng thẳng liên quan đến vụ việc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ phóng viên người Mỹ của tờ Wall Street Journal ngày 30/3.

Theo đó, phóng viên Evan Gershkovich, sinh năm 1991, đã bị tạm giữ tại Yekaterinburg với cáo buộc "nghi do thám cho những lợi ích của Chính phủ Mỹ và thu thập thông tin về một doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga".

Báo Wall Street Journal đã phủ nhận các cáo buộc nhằm vào nhà báo Gershkovich. Bản thân ông Gershkovich cũng đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Nga thả nhà báo Gershkovich đang bị tạm giam tại Moskva.

Nguồn: baotintuc.vn

 2. Nguyên nhân nhiều nước Nam bán cầu không ủng hộ phương Tây về xung đột ở Ukraine

Trong khi phương Tây phần lớn ủng hộ Ukraine, cam kết làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp Kiev trong cuộc đối đầu với Moskva, thì nhiều người ở Nam bán cầu lại có quan điểm khác.

Nam bán cầu là một khu vực rộng lớn và thái độ của họ đối với cuộc xung đột hiện đang ở tháng thứ 14 là khác nhau đáng kể trên khắp Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận ở những nơi như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mong muốn xung đột kết thúc ngay bây giờ.

Đặc biệt là ở Trung Đông, Giáo sư Rogers cho rằng các cuộc can thiệp quân sự trong quá khứ của Mỹ và đồng minh đã tạo ra tâm lý hoài nghi đối với các hành động của phương Tây ở Ukraine.

Tuy nhiên, thay vì chuyển thành sự ủng hộ dành cho Nga, ông Rogers nói rằng một số nước được coi là “không chọn phe".

Ông Rogers nêu rõ: “Có những câu hỏi rằng (cuộc tấn công của Nga vào Ukraine) có khác với những gì các nước phương Tây đã làm hay không”.

Ngày 11/9 hơn 929.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh trên khắp Afghanistan, Iraq, Syria và những nơi khác, những nơi mà quân đội phương Tây đã đóng một vai trò quan trọng liên quan đến bạo lực thảm khốc.

Sâu xa hơn, các vấn đề lịch sử cũng tác động đến cách những người ở các khu vực này nhìn nhận cuộc xung đột ở Ukraine. 

Giáo sư Rogers giải thích: “Ở phần lớn Nam bán cầu, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara, Nga không phải là một trong những cường quốc thực dân đã kiểm soát họ trong nhiều thế kỷ, không giống như các cường quốc châu Âu khác". 

Theo ông Rogers, mặc dù di sản thuộc địa không tạo ra tình cảm thân Nga, nhưng điều đó có nghĩa là "họ có ít thiện cảm hơn đối với quan điểm của phương Tây". 

Cho đến nay, di sản của chủ nghĩa thực dân vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Các nhà phê bình chỉ ra những hành động tàn bạo, phân biệt chủng tộc và bóc lột của tư bản phương Tây trên khắp thế giới, trong khi những người bảo vệ cho rằng nó mang lại sự phát triển kinh tế và chính trị.

Nhưng Nam bán cầu không chỉ suy nghĩ bằng trái tim mà còn sử dụng khối óc. Mặc dù không mạnh bằng các quốc gia như Trung Quốc, nhưng Nga đã tạo dựng được các liên kết kinh tế mạnh mẽ và quan hệ đối tác chiến lược trên khắp thế giới trong những thập kỷ gần đây. 

Ivan Kłyszcz, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga, nhận định: “Mối quan hệ thương mại rất quan trọng. Các quốc gia như Brazil và Ấn Độ đang đầu tư vào mối quan hệ tốt đẹp với Nga vì họ tin rằng điều đó sẽ giúp ích cho các chương trình nghị sự quốc tế của chính họ”.

Bên cạnh đó, dư luận toàn cầu đang rất chia rẽ khi nói đến các lệnh trừng phạt đối với Nga. Theo một cuộc thăm dò của IPSOS, trung bình có 45% ủng hộ ý tưởng rằng đất nước họ nên áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt nhất đối với Nga, trong khi 25% phản đối.

Ngoài ra, nhiều quốc gia đã bỏ phiếu trắng trước các nghị quyết của Liên hợp quốc về cuộc xung đột Nga - Ukraine, thay vào đó kêu gọi đàm phán.

Chuyên gia Kłyszcz lưu ý: “Nam bán cầu được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp bách phải chấm dứt chiến sự để ngừng giao tranh và nối lại thương mại như trước. Xung đột đã đi ngược lại lợi ích của các quốc gia này và đó là một thực tế đáng tiếc. Họ đang quan tâm đến an ninh của chính mình”.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Khóa họp 52 Hội đồng Nhân quyền LHQ ghi nhận dấu ấn nổi bật của Việt Nam

Khóa họp diễn ra chủ yếu theo hình thức trực tiếp trong hơn 1 tháng - từ ngày 27/2 đến 4/4 - với những nội dung như: phiên họp cấp cao (từ 27/2-2/3); 9 phiên thảo luận chuyên đề (đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược của LHQ về thanh niên và phương hướng cho thời gian tới, án tử hình, kỷ niệm 35 năm Tuyên ngôn về quyền phát triển, Quỹ tự nguyện nhằm triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR), quyền trẻ em trong môi trường số); hàng loạt phiên thảo luận, đối thoại với khoảng 45 Thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của LHQ; các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại Afghanistan, Myanmar, Triều Tiên, Syria, Ethiopia, Venezuela... Tại Khóa họp, HĐNQ cũng đã xem xét, thảo luận hơn khoảng 80 báo cáo; tham vấn, xem xét thông qua 43 dự thảo nghị quyết chuyên đề; thông qua các báo cáo UPR của 14 quốc gia; và thông qua quyết định bổ nhiệm 10 nhân sự cho các Thủ tục đặc biệt.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đã tham dự Khóa họp 52 HĐNQ trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025. Bên cạnh việc nêu bật các thành tựu của Việt Nam trong phát triển đất nước và bảo đảm quyền con người, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna bằng một văn kiện của HĐNQ. Triển khai sáng kiến này, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Nhóm nòng cốt với thành phần đa dạng đại diện cho tất cả các khu vực trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh thương lượng, đàm phán liên quan đến dự thảo Nghị quyết về kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna.

Ngày 3/4, Nghị quyết đã được HĐNQ thông qua theo hình thức đồng thuận, với 102 quốc gia (tính đến cuối giờ chiều 4/4/2023, giờ Geneva) tham gia đồng bảo trợ, trong đó có 14 nước đồng tác giả (gồm Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha). Kết quả này cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và thiện chí của Việt Nam trong thương lượng, đồng thời chứng tỏ nội dung Nghị quyết cân bằng, kịp thời đáp ứng sự quan tâm và ưu tiên chung của tất cả các nhóm nước về lễ kỷ niệm, cũng như đề cao tầm quan trọng của Tuyên ngôn và Tuyên bố nêu trên.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam còn tích cực phát biểu tại nhiều phiên họp, thảo luận về đảm bảo các quyền cụ thể như quyền nhà ở; quyền lương thực; quyền văn hóa; quyền phát triển; quyền trẻ em; quyền tiếp cận công bằng, bình đẳng, kịp thời, với giá cả hợp lý đối với vaccine ngừa COVID-19...

Trong các phát biểu, Đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân; nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương; kêu gọi giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu; khẳng định cam kết của Việt Nam tăng cường hợp tác một cách xây dựng với các quốc gia, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, HĐNQ và các cơ chế của HĐNQ nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người trên cơ sở tôn trọng Hiến chương LHQ, các điều ước quốc tế về quyền con người, bảo đảm chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác.

Cùng với các nước ASEAN, Đoàn Việt Nam đã có một số phát biểu chung về những chủ đề được các nước ASEAN cùng quan tâm, chia sẻ như quyền phát triển, hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người, UPR.

Liên quan đến chủ đề biến đổi khí hậu và quyền con người thuộc ưu tiên của nước ta và các quốc gia khác, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines - thuộc Nhóm nòng cốt về biến đổi khí hậu và quyền con người tại HĐNQ trong nhiều năm qua - đã soạn thảo và đưa ra Phát biểu chung về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Khóa họp lần này, thu hút đông đảo các nước tham gia đồng bảo trợ.

Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã tích cực tiếp xúc, trao đổi, tham vấn với những đoàn đại biểu của các nước khác, đồng bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác; thực hiện nhiệm vụ của thành viên HĐNQ trong tiến trình tham vấn, bỏ phiếu thông qua 43 dự thảo Nghị quyết của HĐNQ.

Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam tại Khóa họp 52 của HĐNQ thể hiện nỗ lực và trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025; đồng thời truyển tải thông điệp mạnh mẽ về quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN trong công tác thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; qua đó góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của HĐNQ phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, các công ước quốc tế về quyền con người.

Nguồn: baotintuc.vn

4. Tổng thống Pháp: Trung Quốc có vai trò lớn trong giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Ngày 5/4 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc duy trì đối thoại với Trung Quốc đóng vai trò chìa khóa vì Bắc Kinh có quan hệ mật thiết với Moskva, đồng thời cho biết Pháp sẽ tìm cách phối hợp với Trung Quốc “với trách nhiệm chung vì hòa bình và ổn định” tại Ukraine.

Ngày 6/4, Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh trước thềm cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Macron cho rằng Trung Quốc "đóng một vai trò lớn" trong việc tìm ra một con đường dẫn tới hòa bình ở Ukraine.

Cũng trong phát biểu trên, Tổng thống Macron khẳng định không hề có sự gián đoạn trong quan hệ kinh tế Trung Quốc – châu Âu. Ông cho biết đã có những lo ngại không nhỏ về tương lai quan hệ giữa phương Tây với Trung Quốc, theo hướng dẫn tới một vòng xoáy gia tăng căng thẳng và cũng có cảm giác rằng đang diễn ra sự gián đoạn quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Tôi không tin vào kịch bản này".

Ông cũng cho biết thêm rằng Pháp sẽ “cam kết tích cực nhằm duy trì một quan hệ thương mại với Trung Quốc”, đồng thời khẳng định lợi ích của Pháp là duy trì một thế giới "đa cực".

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Macron tới Trung Quốc trong 4 năm qua. Dự kiến, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ đi cùng phái đoàn của ông Macron trong thời gian thăm Trung Quốc.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà von der Leyen kể từ khi nhậm chức cách đây hơn 3 năm. Trước khi đến Trung Quốc, ông Macron và bà von der Leyen cho biết sẽ thuyết phục Bắc Kinh phối hợp tìm giải pháp hòa bình tại Ukraine.

Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, kêu gọi hai bên nhất trí một lộ trình giảm căng thẳng từng bước, dẫn tới một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Quan hệ Trung Quốc-EU những năm gần đây đã xấu đi, trước tiên do thỏa thuận đầu tư bị đình trệ vào năm 2021 và do xung đột tại Ukraine.

Đối với ông Macron, người đang đối mặt các cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu trong nước, chuyến thăm này cũng là một cơ hội để giành một chiến thắng về kinh tế, khi tháp tùng ông là khoảng 50 chủ doanh nghiệp lớn, trong đó có Airbus - hãng đang thương lượng một đơn hàng máy bay lớn và công ty vận tải đường sắt Alstom, hay tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF.

Nguồn: vtc.vn

5. Ukraine 'sẵn sàng đối thoại với Nga nếu phản công thành công'

Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, sau một cuộc trung cầu dân ý. Tổng thống Zelensky trước đây nói rằng Kiev cần giành lại bán đảo để kết thúc chiến sự.

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra hơn một năm và chưa có hồi kết. Mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây không loại trừ khả năng xung đột ở Ukraine có thể kéo dài.

Ngày 24/2 Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về xung đột Nga - Ukraine trong ngày đánh dấu 1 năm chiến sự. Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, bảo vệ nhà máy hạt nhân và ngưng các biện pháp trừng phạt

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva không thấy cơ hội để đàm phán hoà bình với Kiev. Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng Nga không thấy có điều kiện tiên quyết để chuyển sang trạng thái hòa bình ở Ukraine.

Theo ông Dmitry Peskov, Nga sẽ tiếp tục hướng đến việc giành các mục tiêu mà nước này đề ra bằng cách tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga và cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp xe tăng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.

Mới đây, Tổng thống Ukraine nêu lý do không đàm phán với Nga. Ông Zelensky cho biết ông không có lựa chọn để nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin "vì ông ấy không giữ lời". Theo ông Zelensky, quân đội Nga phải rút lui khỏi Ukraine, nhấn mạnh chỉ khi đó Chính phủ Ukraine mới tính đến giải pháp ngoại giao.

Nguồn: vtc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 18
  • Trong tuần: 3 101
  • Tất cả: 8761727

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn