Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 10 - 14/4/2023

1. Trung Quốc phản ứng với Mỹ vụ lộ thông tin tình báo

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng khi các cơ quan Mỹ cố gắng ngăn chặn hậu quả ngoại giao từ vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn được cho là đã phơi bày mức độ hoạt động do thám của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác quan trọng, bao gồm cả Hàn Quốc và Israel.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói “Chúng tôi lưu ý rằng nhiều phương tiện truyền thông đã chỉ ra những tài liệu quân sự bị rò rỉ này của Mỹ cho thấy rõ ràng sự can dự sâu sắc của Mỹ vào cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng cũng một lần nữa cho thấy rằng Mỹ từ lâu đã sử dụng lợi thế công nghệ của mình để tiến hành đánh cắp bí mật, theo dõi và nghe lén bừa bãi các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các đồng minh của mình”,  Hàng chục tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ trực tuyến trong những tuần gần đây, trong một vụ việc đã tiết lộ hoạt động thu thập thông tin tình báo của Washington ở nhiều mức độ. 

Người phát ngôn Trung Quốc nói: “Mỹ cần đưa ra lời giải thích với cộng đồng quốc tế về điều này” đồng thời chỉ trích “sự thật một lần nữa đã chứng minh rằng cái gọi là 'các giá trị dân chủ' mà Mỹ tuyên bố chẳng qua chỉ là cái cớ và công cụ để Mỹ để tìm kiếm lợi ích ích kỷ".

Lô tài liệu nhạy cảm đầu tiên dường như xuất hiện vào đầu tháng 2, nhưng chỉ thu hút sự chú ý của công chúng vào tuần trước. Các quan chức Mỹ không xác nhận cũng không phủ nhận tính xác thực của các tài liệu, dù vẫn tuyên bố rằng “một số trong số chúng đã được chứng minh”. Washington cũng tiến hành một số cuộc điều tra hình sự về vụ rò rỉ, đồng thời đấu tranh để xóa các tệp khỏi internet.

Một bản ghi nhớ bị rò rỉ trong đó đã cung cấp chi tiết về các cuộc thảo luận nội bộ giữa các quan chức cấp cao của Hàn Quốc, những người được cho là đã bày tỏ lo ngại rằng đạn dược mà Seoul bán cho Mỹ cuối cùng có thể được chuyển đến Ukraine. Quan chức Seoul bác bỏ thông tin là “bịa đặt”.

Tờ Washington Post đưa tin cả quan chức Mỹ và các đối tác nước ngoài của họ đều “choáng váng” và thậm chí “tức giận” trước mức độ chi tiết được cung cấp trong các tài liệu, trong đó tiết lộ cách Mỹ “do thám cả bạn bè và đối thủ”.

Nguồn: vtc.vn

 2. Ukraine, Mỹ thảo luận về vấn đề hỗ trợ quân sự

Thủ tướng Shmyhal, hiện đang có chuyến thăm Mỹ, nêu rõ hai bên đã thảo luận chi tiết về các nhu cầu cấp thiết của Ukraine, liên quan đến các hệ thống phòng không, pháo hạng nặng và trang thiết bị quân sự, súng cối và đạn dược. Phía Ukraine cũng hy vọng Mỹ cung cấp các tên lửa tầm bắn xa hơn.

Trước đó, Thủ tướng Shmyhal đã đến Mỹ để thảo luận về những hỗ trợ quân sự, tài chính cho Ukraine, cũng như đầu tư và hỗ trợ tái thiết cho quốc gia này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho hay ông đã đề nghị người đồng cấp Tây Ban Nha Margarita Robles cung cấp các hệ thống phòng không và đạn dược cho nước này.

Phát biểu trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Margarita Robles, ông Reznikov nhấn mạnh Ukraine đang rất quan tâm tới những chiến đấu cơ thế hệ mới, cụ thể là mẫu F-16. Ông cũng đề nghị Tây Ban Nha cung cấp các loại đạn pháo 150mm và 105mm, cũng như các loại xe thiết giáp. Bên cạnh đó, ông cũng xác nhận Tây Ban Nha là một trong những nước phương Tây chuyển giao tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine

Về phần mình, Bộ trưởng Robles thông báo Tây Ban Nha sẽ giữ cam kết chuyển cho Ukraine 6 xe tăng Leopard trong tháng này.

Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố việc Mỹ và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột càng kéo dài, đồng thời các vũ khí này sẽ trở thành "các mục tiêu quân sự hợp pháp" của Nga.

Trong khi đó, tại Anh, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt tuyên bố London sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho Ukraine khoản vay trị giá 500 triệu USD, nâng tổng mức bảo lãnh cho quốc gia này lên 1 tỷ USD.

Ông Hunt nhấn mạnh quyết định của Anh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo lãnh gói hỗ trợ trị giá 15,6 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho Ukraine. Khoản tiền này sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế cho Ukraine.

Cho đến nay, Anh đã cam kết hỗ trợ tổng cộng 6,5 tỷ bảng (8,1 tỷ USD) cho Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm ngoái. Quyết định bảo đảm các khoản vay mới nhất sẽ giúp hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ công của Ukraine như trường học, bệnh viện.

Ngày 12/4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) thông báo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gửi thư cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để tìm kiếm viện trợ nhân đạo bổ sung. Theo thông báo của MEA, đề nghị trên được đưa ra trong chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ gần đây của Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Emine Dzhaparova. Phía Ấn Độ đã đảm bảo tăng cường cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine.

Nguồn: baotintuc.vn

3. IMF: Nợ công toàn cầu tăng nhanh hơn dự báo trước đại dịch COVID-19

IMF dự báo khoảng 60% các nước có tỷ lệ nợ công/GDP giảm, tính đến cuối năm 2028 sau các đợt tăng vì các yếu tố liên quan COVID-19. Tuy nhiên, một số lượng đáng kể các nền kinh tế lớn, trong đó có Brazil, Trung Quốc và Mỹ, đang có tốc độ tăng trưởng nợ công/GDP rất nhanh.

Theo ông Vitor Gaspar, Trưởng bộ phận phụ trách các vấn đề tài khóa của IMF, nợ công toàn cầu đã tăng gần 100% GDP trong năm 2020 trước khi giảm mạnh nhất trong 70 năm vào năm 2022. Dù vậy, tỷ lệ nợ công/GDP vẫn ở mức cao hơn trước đại dịch 8 điểm phần trăm. Thay vì về mức bình thường, tỷ lệ này sẽ bắt đầu tăng trở lại vào năm nay và lên mức 99,6% vào năm 2028, năm cuối cùng trong khung dự báo hiện nay của IMF.

Nhiều nền kinh tế lớn trong nhóm phát triển và mới nổi có tỷ lệ nợ công/GDP tăng nhanh, trong đó có Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Anh. Trong đó, sự gia tăng tỷ lệ trên tại hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc có tác động rõ rệt. Ngược lại, ở các nền kinh tế đang phát triển thu nhập thấp, tỷ lệ trên tăng trong đại dịch nhưng ở tốc độ vừa phải và trong những năm tới sẽ giảm xuống những mức từng được dự báo trước đại dịch.

Trong báo cáo Giám sát tài khóa, IMF nêu rõ áp lực ngân sách và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng đã cản trở công tác giảm nghèo cũng như những tiến bộ cần có trong các nỗ lực đạt những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Theo chuyên gia Gaspar, tất cả các nước cần liên kết chặt chẽ các chính sách tài khóa và tiền tệ để giảm lạm phát và xây dựng các công cụ dự phòng trường hợp xảy ra khủng hoảng. Những nước có ít công cụ dự phòng hơn có nguy cơ suy thoái lâu và sâu hơn nếu khủng hoảng xảy ra.

Báo cáo của IMF cũng cảnh báo các nguy cơ ở mức cao đồng thời nêu rõ việc giảm những "điểm yếu" nợ công nên là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt ở nhóm các nước đang phát triển thu nhập thấp vốn đã có 39 nước đang ở hoặc sắp rơi vào tình trạng căng thẳng nợ công

Bên cạnh đó, IMF cho rằng những vấn đề trong hệ thống ngân hàng tại Mỹ và Thụy Sĩ càng làm gia tăng các nguy cơ khủng hoảng tài chính lan rộng, có thể gây thêm áp lực nợ công nếu các chính phủ phải can thiệp.

Để ngăn chặn tình hình xấu thêm, các nhà quản lý nên cân nhắc củng cố các khuôn khổ ứng phó khủng hoảng và các cơ chế làm việc với những thể chế tài chính có vấn đề.

Nguồn: (TTXVN)

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 264
  • Trong tuần: 3 271
  • Tất cả: 8761562

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn