Tình hình thế giới đáng chú ý

1. Những căng thẳng giữa Iran và Azerbaijan gần đây cùng với bất ổn trong khu vực làm tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai bên.

Căng thẳng giữa Iran và nước láng giềng phía Bắc là Azerbaijan đã lên cao trong nhiều tháng, với lo ngại xung đột có nguy cơ nổ ra. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến khác ở Nam Kavkaz, tình huống có thể khiến Iran can thiệp quân sự vào phía Armenia.

Baku đã đóng cửa đại sứ quán của mình ở Tehran vào tháng 1 năm nay sau khi một tay súng tấn công cơ quan đại diện ngoại giao của Azerbaijan, khiến 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương. Sau đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chính thức đổ lỗi cho Iran về vụ việc.

Azerbaijan đã khánh thành một đại sứ quán ở Israel vào cuối tháng 3/2023, một đối thủ trong khu vực của Iran. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nói rằng hai bên đã "đồng ý thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Iran". Đầu tháng 4, Azerbaijan đã trục xuất 4 nhà ngoại giao Iran với lý do "có những hành động khiêu khích" và cáo buộc họ tuyển dụng người dân địa phương để làm gián điệp.

Cùng với căng thẳng ngoại giao đang gia tăng, Iran cũng lo ngại về các hành động của Azerbaijan ở khu vực Nam Kavkaz. Cuộc chiến Nagorny-Karabakh từ tháng 9 đến tháng 11/2020, trong đó Azerbaijan chiếm được các khu vực lãnh thổ tranh chấp rộng lớn từ Armenia, khiến Tehran rất cảnh giác.

Trong một diễn biến liên quan, khi ảnh hưởng của Nga trong khu vực suy yếu do cuộc xung đột ở Ukraine thì ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Azerbaijan, đã tăng lên rõ rệt. Bất chấp những nỗ lực hướng tới một thỏa thuận hòa bình và bình thường hóa quan hệ kể từ cuộc chiến năm 2020, căng thẳng giữa Baku và Yerevan đang gia tăng.

Tháng 10 năm ngoái Iran đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới với Azerbaijan. Ngày 9/4 vừa qua, trong khi tiếp thư ký Hội đồng An ninh Armenia, Iran đã lặp lại sự phản đối của mình đối với "bất kỳ thay đổi địa lý nào" ở Nam Caucasus.

Những căng thẳng chồng chéo, đan xen này làm gia tăng khả năng đối đầu quân sự giữa Iran và Azerbaijan. Các nhà phân tích thậm chí còn dự báo về một số kịch bản nhất định trong đó Tehran có thể hành động vũ lực chống lại Baku.

Các nhà lãnh đạo Iran cũng cho rằng Tổng thống Aliyev đã cho phép Israel sử dụng lãnh thổ của Azerbaijan nước mình như một bệ phóng chống lại Tehran liên quan đến việc thiết lập đại sứ quán.

Về phần mình, Farzin Nadimi, nhà phân tích quốc phòng và an ninh, đồng thời là cộng tác viên của Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cũng nhận thấy các kịch bản mà Iran có thể can thiệp quân sự chống lại Azerbaijan.

Ông Nadimi nói: “Iran dường như có một chương trình nghị sự rõ ràng, đó là giữ cho các tuyến đường quá cảnh của nước này thông qua Armenia được mở và đảm bảo an toàn. Nếu Azerbaijan quyết định tiến vào Armenia để chiếm đất nhằm kiểm soát hành lang Zangezur, Iran rất có thể sẽ tìm cách ngăn chặn điều đó bằng cách triển khai lực lượng và thiết bị hạng nặng vào Armenia và dọc theo biên giới Armenia-Azerbaijan".

Nguồn: baotintuc

2. Tác động của cuộc xung đột ở Sudan với các nước láng giềng

Những lo lắng đang gia tăng giữa các nước láng giềng của Sudan khi cuộc giao tranh tiếp diễn. Nam Sudan, Chad và Ai Cập đều phụ thuộc vào sự ổn định ở Sudan, cho dù đó là vì lý do kinh tế, nhân đạo hay an ninh.

Trong tuần qua ở Sudan, vốn đã bất ổn về chính trị trong nhiều năm, hai vị tướng quyền lực nhất cùng các lực lượng của họ đã xung đột trực tiếp để tranh giành quyền lực.

Marina Peter, người sáng lập Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, nhận định với tờ Deutsche Welle (Đức) ngày 23/4 rằng: "Sudan là trung tâm của các cuộc khủng hoảng và xung đột liên tục kéo dài. Khi một cuộc xung đột nổ ra ở quốc gia này, các nước trong khu vực như Ai Cập, Libya, Chad, CH Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia, Eritrea, thậm chí ở bên kia Biển Đỏ là Saudi Arabia, luôn bị ảnh hưởng".

Theo vị chuyên gia trên, tất cả các quốc gia này đều phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với Sudan, nhưng đặc biệt là Nam Sudan, quốc gia đã tuyên bố độc lập năm 2011. Đồng quan điểm trên, Gerrit Kurtz từ nhóm nghiên cứu châu Phi và Trung Đông tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức ở Berlin cho rằng Nam Sudan phụ thuộc vào ngoại tệ từ việc bán dầu thô, chiếm khoảng 95% doanh thu trong lĩnh vực công. Sudan rất quan trọng đối với những mặt hàng xuất khẩu này, vì có đường ống dẫn dầu chạy qua Sudan đến Biển Đỏ. Chính phủ Nam Sudan do đó rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng mối liên hệ này được duy trì.

Với Chad, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tăng do xung đột ở Sudan. Quân đội Chad mới đây báo cáo rằng họ đã tước vũ khí của 320 chiến binh bán quân sự từ Sudan vượt qua biên giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông Chad Aziz Mahamat Saleh lưu ý những người tị nạn từ các khu vực giao tranh ở phía Tây Sudan đã đến Chad, bất chấp thực tế là biên giới dài 1.500 km với Sudan đã bị đóng cửa.

Theo ông Saleh, Chad đã đón hơn 500.000 người tị nạn và nước này lo ngại cuộc chiến đang diễn ra có thể tác động lâu dài đến toàn bộ khu vực Sahel, bao gồm cả thương mại giữa hai nước.

Về phần mình, Ai Cập cũng có mối quan hệ lịch sử lâu dài với Sudan, không chỉ với tư cách là một đối tác thương mại. Quay trở lại thời kỳ Pharaon, Sudan là một phần của Ai Cập và sau đó cả hai quốc gia đều nằm dưới sự thống trị của thực dân Anh.

Với mối quan hệ gần gũi, đặc biệt là về phía lực lượng vũ trang và quân đội, ông Kurtz cho rằng chính quyền quân sự ở Ai Cập có xu hướng coi chính phủ quân sự của Sudan là đồng minh. 

Một yếu tố khác là những tranh chấp về nguồn nước sông Nile, trở nên gay gắt hơn kể từ khi Ethiopia xây đập ở thượng nguồn để cung cấp năng lượng cho nhà máy thủy điện GERD khổng lồ của nước này. Chuyên gia Kurtz nêu rõ Ai Cập muốn "đưa Sudan vào phe của mình trong cuộc tranh chấp này". 

Do những tác động trên, ngay khi xung đột nổ ra ở Sudan, cả Ai Cập và Nam Sudan đều đề nghị làm trung gian hòa giải và đây chỉ là bằng chứng nữa cho thấy các nước láng giềng của Sudan có lợi ích chung đối với sự ổn định của nước này.

Nguồn: baotintuc

3. Ngoại trưởng Nga nói EU đang quân sự hóa với tốc độ kỷ lục

Ông Lavrov lưu ý EU ngày càng trở nên quyết liệt trong mục tiêu kiềm chế Nga, đồng thời cho biết hiện có rất ít khác biệt giữa EU và NATO, ám chỉ đến tuyên bố đối tác chiến lược giữa hai khối này được đưa ra vào tháng 1 năm nay. Tuyên bố này cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương trong nhiều thập kỷ qua và kêu gọi EU-NATO hợp tác chặt chẽ hơn.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra làn sóng chấn động khắp châu Âu, khiến Phần Lan gia nhập NATO vào đầu tháng này. Tư cách thành viên của Phần Lan làm tăng gấp đôi biên giới của Nga với NATO - liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Khi được hỏi liệu cuộc xung đột ở Ukraine có phải là một tính toán sai lầm của Moskva hay không vì Kiev hiện cũng đang hy vọng gia nhập NATO, Ngoại trưởng Nga nêu rõ: “NATO không bao giờ có ý định dừng lại. Thụy Điển và Phần Lan ngày càng tham gia sâu vào các cuộc tập trận quân sự của NATO. Liên minh này cũng có nhiều hành động khác nhằm đồng bộ hóa các chương trình quân sự của họ với các quốc gia trung lập".

Tuần trước, trong chuyến thăm đầu tiên tới Kiev kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố rằng Ukraine có “vị trí xứng đáng” trong NATO, đồng thời cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho nước này.

Điện Kremlin phản ứng bằng cách nhắc lại rằng mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự của Nga là ngăn Ukraine gia nhập NATO, lập luận rằng tư cách thành viên của Kiev sẽ gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng Ukraine khó có thể sớm gia nhập NATO. Họ chỉ ra điều này có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, gây khó khăn trong việc thuyết phục tất cả các thành viên ủng hộ Kiev.

Ukraine cũng đang muốn gia nhập EU. Các quan chức EU cam kết sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ Ukraine, nhưng EU đã không đưa ra một thời gian biểu chắc chắn cho các cuộc đàm phán về việc gia nhập liên minh này như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu.

Bình luận về việc một số nước châu Âu cho biết sẵn sàng cấp tư cách thành viên EU khẩn cấp cho Ukraine, ông Lavrov tuyên bố việc Ukraine khẩn cấp gia nhập khối này sẽ chứng minh rằng mục tiêu chính của EU là “địa chính trị nhằm giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ mới”.

Nguồn: baotintuc

4. Bộ trưởng Quốc phòng Hungary kêu gọi thận trọng mở rộng NATO

Ngày 26/4 Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Kristof Szalay-Bobrovniczkynói "Hungary ủng hộ chính sách mở cửa, mở rộng NATO nhưng vẫn kêu gọi các đối tác thận trọng. Tất cả các quyết định như vậy chỉ có thể được đưa ra nếu các quốc gia tuân thủ đầy đủ các điều kiện, cũng như với sự đồng thuận hoàn toàn của các đồng minh NATO". "Liên minh châu Âu (EU) cũng đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng".

 Bộ trưởng Quốc phòng Hungary cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc chống di cư bất hợp pháp từ phía nam và kêu gọi hỗ trợ các nước Tây Balkan. Ông cho biết "Hungary đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực phòng thủ phía đông của NATO" và đã phân bổ 2% GDP cho quốc phòng trước thời hạn một năm.

Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Budapest hiện cần tăng cường khả năng quân sự của đất nước. Theo Orban, chỉ có quân đội quốc gia mạnh mới có thể đảm bảo an ninh quốc gia và Hungary sẽ tập trung nghiêm túc vào việc củng cố quân đội quốc gia trong thập kỷ tới, vì các nước châu Âu không thể chỉ dựa vào Mỹ để phòng thủ. 

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Hungary liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt đối với các nguồn năng lượng của Nga và việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Tháng 3/2022, Quốc hội Hungary ra sắc lệnh cấm cung cấp vũ khí cho Ukraine từ lãnh thổ nước này. 

Ngày 4/4, Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên của NATO sau khi hoàn tất thủ tục gia nhập liên minh tại Brussel. Đây là lần đầu tiên NATO mở rộng kể từ khi khối quân sự này kết nạp Bắc Macedonia vào năm 2020. 

Phản ứng trước việc NATO kết nạp Phần Lan, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả đối với việc Phần Lan gia nhập NATO.

“Điện Kremlin tin rằng đây là một sự leo thang khác và sự mở rộng của NATO đang đặt ra mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi và lợi ích của Liên bang Nga. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh cả về mặt chiến thuật và chiến lược”, ông Peskov nói, đồng thời cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu thấy phù hợp

Nguồn: vtc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 249
  • Trong tuần: 3 256
  • Tất cả: 8761547

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn