Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 8 - 12/5/2023

1. Liên hợp quốc kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế

Ngày 10/5 Người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Farhan Haq, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án việc dân thường thương vong tại Dải Gaza là điều “không thể chấp nhận được” và kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa.

Tuyên bố trên được đưa trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành cuộc họp kín về tình trạng leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine tại Dải Gaza.

Trong tuyên bố, ông Haq cho biết, Tổng thư ký Guterres đã lên án việc phóng rocket bừa bãi từ Dải Gaza vào Israel, vốn vi phạm luật nhân đạo quốc tế và gây nguy hiểm cho cả dân thường Palestine và Israel. Bên cạnh đó, Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi Israel tuân thủ các nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế, bao gồm việc thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa khả thi để bảo vệ dân thường và các đối tượng dân sự khi tiến hành các chiến dịch quân sự.

Căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine trong những ngày qua sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến hành nhiều vụ không kích nhằm vào nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad của Palestine ở Dải Gaza. Theo IDF, đợt không kích này nhằm vào 3 thủ lĩnh của nhóm Jihad.

Giới chức y tế Palestine cho hay, tổng cộng 20 người Palestine, trong đó có 5 phụ nữ, 5 trẻ em cùng 3 chỉ huy nhóm Jihad và 4 tay súng, đã thiệt mạng kể từ khi Israel tiến hành các cuộc không kích hôm 9/5. Trong khi đó, đại diện Jihad tuyên bố nhóm này sẽ có các hành động đáp trả.

Nguồn: baotintuc.vn

2. ‘Chiến trường' thực sự của cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra ở châu Âu?

Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể diễn ra ở Nam bán cầu bởi Bắc Kinh đang giành lợi thế trước Washington tại đây. Trong khi đó, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rất ít quốc gia muốn chọn bên và đối đầu giữa hai cường quốc này được cho sẽ diễn ra ở châu Âu, nơi Washington vốn có quan hệ truyền thống, còn Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng.

Thời gian qua, Liên minh châu Âu (EU) liên tục có những động thái cho thấy mong muốn cải thiện quan hệ hợp tác thương mại giữa Bắc Kinh, cũng như tìm kiếm tiếng nói tương đồng trong các vấn đề quốc tế phức tạp. 

Loạt quan chức EU có chuyến thăm Trung Quốc. Đầu tháng 3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tới Trung Quốc. Lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Trung Quốc là Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông là lãnh đạo một quốc gia châu Âu đến quốc gia châu Á kể từ khi Bắc Kinh gỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt phòng chống COVID-19 vào năm 2022. Tiếp đó, ngày 6/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thực hiện chuyến công du đến Trung Quốc. 

Phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Bắc Kinh, bà Ursula von Der Leyen nhấn mạnh, EU cần phải “kiểm soát căng thẳng” và “giảm rủi ro” trong mối quan hệ với Bắc Kinh, cả về chính trị và kinh tế. Vị này cho rằng, EU không nên “tách rời” hoàn toàn khỏi Trung Quốc, "điều đó không khả thi và cũng không có lợi cho châu Âu”. 

Trước chuyến thăm, bà von der Leyen khẳng định đảm bảo ổn định ngoại giao với Trung Quốc là điều quan trọng với châu Âu. Người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell cũng cho hay, EU sẽ tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu phải tránh bị lôi kéo vào bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan. Đồng thời, ông Macron khẳng định, châu Âu không nên trở thành “chư hầu” trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Đáp lại những bình luận của Tổng thống Macron, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cho biết nếu châu Âu không đứng về phía Mỹ trong vấn đề Đài Loan thì có lẽ Washington nên tập trung vào vấn đề này, trong khi để người châu Âu tự xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Quyền tự chủ chiến lược của châu Âu nằm ở EU hành xử với các cường quốc lớn như Mỹ, Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn, châu Âu đang phụ thuộc vào Mỹ. Giới phân tích cho rằng, điều này trong trật tự thế giới đa cực của thế kỷ 21, châu Âu cần vươn lên mạnh mẽ, đóng vai trò là một cực.

Trên thực tế, châu Âu không thể phát triển quyền tự chủ chiến lược của mình khi núp dưới cái bóng, ô bảo trợ an ninh của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự đồng thuận duy nhất hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington là tránh một cuộc "chiến tranh nóng". Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ xuất hiện "chiến tranh lạnh" mới giữa Mỹ và Trung Quốc là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến cạnh tranh giữa hai gã khổng lồ về kinh tế và quân sự, không phải là hai khối quân sự như trước đây.

Chiến trường của cuộc chiến tranh này sẽ không nằm ở Nam Bán cầu - nơi Mỹ dường như yếu thế hơn so với Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, càng không thể diễn ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, châu Âu được cho sẽ là tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh. 

Dần dần, liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ nới lỏng. Chính quyền Mỹ gần đây cũng rút quân khỏi nhiều điểm nóng, không can dự cũng như đẩy mạnh hiện diện quân sự trên phạm vi toàn cầu. Washington phải rút quân ở Trung Đông và châu Âu, để tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nơi Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài.

Châu Âu coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh. Việc loạt quan chức châu Âu liên tục đến thăm Trung Quốc được cho xuất phát từ lập trường hiện nay của giới chức châu Âu, họ không muốn cùng lúc duy trì quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh và Moskva. Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài, châu Âu càng phải tìm đến Trung Quốc để hòa giải.

Châu Âu được cho sẽ duy trì quan hệ với Trung Quốc và Mỹ theo quan điểm thực dụng. Điều này có nghĩa là châu Âu sẽ đưa ra lựa chọn theo vấn đề xảy ra trong từng trường hợp thay vì nghiêng hẳn về một bên.

Các quốc gia phương Tây, trong đó nhiều nước châu Âu muốn xem liệu Trung Quốc có khả năng xoa dịu xung đột hay không. Điều này cũng cho thấy sự thay đổi trong cách phương Tây nhìn nhận vai trò của Bắc Kinh.

Trong khi đó, về phần mình, Bắc Kinh hiện đang cố gắng khôi phục thỏa thuận thương mại lớn với EU. Hiệp định Đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc gần như đã hoàn chỉnh cách đây năm năm nhưng vì một số lý do, trong đó có việc hai bên trừng phạt quan chức của nhau liên quan vấn đề Tân Cương nên thỏa thuận bị đóng băng.

Đại sứ Trung Quốc tại EU Phó Thông gần đây đề xuất hai bên dỡ trừng phạt để thể hiện thiện chí sau đó tiến tới hoàn tất thỏa thuận.

Nguồn: vtc.vn

3. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42: Thành lập Mạng lưới làng ASEAN

Mạng lưới làng ASEAN có mục đích cung cấp nền tảng cho sự tham gia của toàn thể các cộng đồng, giúp tiếng nói của họ được lắng nghe, tạo cơ hội cho họ đóng góp cũng như hưởng lợi từ sự phát triển.

Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 đang diễn ra tại thị trấn Labuan Bajo của Indonesia, đã thông qua Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về thành lập Mạng lưới làng ASEAN.

Mạng lưới làng ASEAN có mục đích cung cấp nền tảng cho sự tham gia của toàn thể các cộng đồng, giúp tiếng nói của họ được lắng nghe, tạo cơ hội cho họ đóng góp cũng như hưởng lợi từ sự phát triển; tạo điều kiện hợp tác và liên kết giữa các làng nhằm thúc đẩy chuyển dịch nông thôn.

Mạng lưới này cũng nhằm trao đổi các chiến lược để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tăng cường sử dụng kỹ thuật số, nâng cao kỹ năng và hòa nhập kỹ thuật số, đồng thời thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho sản phẩm của khu vực nông thôn tiếp cận thị trường tốt hơn, tiến tới thâm nhập thị trường khu vực và quốc tế; đồng thời tăng cường bản sắc ASEAN trong các cộng đồng làng xã.

Để thực hiện các mục tiêu trên, lãnh đạo ASEAN đã nhất trí giao nhiệm vụ cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, cùng các Hội nghị Bộ trưởng khác liên quan của ASEAN huy động các nguồn lực, hướng tới đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030.

Nguồn: tuyengiao.vn

4.Tại sao Mỹ trì hoãn trừng phạt Trung Quốc sau vụ khinh khí cầu?

Khi khí cầu "do thám" Trung Quốc bay qua hồi tháng 2, một số quan chức Mỹ tin rằng vụ việc sẽ thúc đẩy hàng loạt động thái đáp trả, trong đó có các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ đang hoãn lại một số biện pháp trừng phạt liên quan đến một số vấn đề nhạy cảm để hạn chế thiệt hại cho mối quan hệ Mỹ-Trung.

Trước đó, cơ quan ngoại giao Mỹ vốn đã có một danh sách các bước hành động được lên kế hoạch liên quan đến Trung Quốc, gọi là mục “hành động cạnh tranh”. Sự trì hoãn các kế hoạch trong mục này khiến một số quan chức Mỹ đưa ra lời cảnh báo, đồng thời, thể hiện sự chia rẽ trong chính phủ giữa những người thúc đẩy hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và những người khác ủng hộ một cách tiếp cận hạn chế hơn.

Đến nay, động thái “đáp trả” rõ ràng nhất của Mỹ liên quan đến vụ khinh khí cầu là việc hoãn chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh. Còn các biện pháp khác được cho là “sẽ được xem xét lại sau một vài tuần”.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách ngăn chặn tình hình xấu đi hơn nữa, khi mối quan hệ ở thời điểm mà nhiều nhà phân tích cho rằng đã xuống mức thấp nhất từ năm 1979.

Trong khi đó, các cựu quan chức ngoại giao và thành viên quốc hội của cả hai đảng đã lập luận rằng Mỹ phải giữ mở các kênh liên lạc với Bắc Kinh để tránh hiểu lầm và điều hướng các cuộc khủng hoảng.

Trả lời câu hỏi của Reuters, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết dưới thời chính quyền ông Biden, bộ đã “phối hợp với liên ngành về số lượng kỷ lục các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và các hành động cạnh tranh khác” đối với Trung Quốc.

Một quan chức Trung Quốc nói một chuyến thăm mới của Ngoại trưởng Blinken sẽ có nhiều khả năng thành hiện thực hơn nếu Mỹ chấp nhận mong muốn của Bắc Kinh về việc gác lại vấn đề, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc đã truyền đạt rằng họ không muốn FBI tiết lộ chi tiết cuộc điều tra của họ về vụ khinh khí cầu bị bắn rơi.

Hai nguồn tin cho biết báo cáo của FBI ban đầu dự kiến sẽ được công bố vào giữa tháng 4. FBI từ chối bình luận.

Nguồn: vtc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 322
  • Trong tuần: 3 329
  • Tất cả: 8761620

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn