Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 12/6 - 16/6/2023

1. Chính phủ Yemen kêu gọi ngăn chặn 'cuộc chiến kinh tế' của Houthi

Trong cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ về Yemen Tim Lenderking tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ông Al-Alimi nêu rõ các hành động của lực lượng Houthi, như tấn công vào các cơ sở dầu mỏ, cấm hàng hóa được vận chuyển từ các khu vực do chính phủ kiểm soát vào lãnh thổ do lực lượng này chiếm giữ cũng như quấy nhiễu ngành ngân hàng, có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và cản trở chính phủ chi trả tiền lương cho các nhân viên trong khu vực công.

Ông Al-Alimi nhấn mạnh với Đặc phái viên Mỹ rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, cần đảm nhận trách nhiệm đối phó với các cuộc tấn công của lực lượng Houthi, bởi những hành động của lực lượng này có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng hơn và khiến chính phủ Yemen không còn khả năng trả lương cho nhân viên từ tháng này.

Ông Sultan Al-Arada, một thành viên của Hội đồng Tổng thống Yemen, cho biết chính phủ Yemen có thể sẽ xem xét khả năng ngừng các chuyến bay thương mại từ Sân bay quốc tế Sanaa cũng như hạn chế tàu thuyền ra vào cảng Hodeidah nếu Houthi tiếp tục tấn công các cơ sở dầu mỏ cũng như cấm vận chuyển hàng hóa và khí đốt từ các khu vực do chính phủ kiểm soát. Houthi đã cấm giới thương nhân ở những khu vực do lực lượng này kiểm soát nhập khẩu hàng hóa qua cảng Aden hoặc các cảng khác do chính phủ kiểm soát, khiến họ chỉ có thể nhập khẩu hàng hóa qua cảng Hodeidah.

Chính phủ Yemen gọi các hành động của Houthi là "cuộc chiến kinh tế" nhằm rút tiền của chính phủ, buộc chính phủ phải chia sẻ nguồn thu dầu mỏ với lực lượng này, cũng như trả lương cho nhân viên trong các khu vực do Houthi kiểm soát. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Yemen Ahmed bin Ahmed Ghaleb nói rằng chính phủ Yemen đã mất hàng tỷ riyal doanh thu từ dầu mỏ do "các biện pháp kinh tế" của Houthi chống lại chính phủ, bao gồm cả việc đình chỉ xuất khẩu dầu thô.

Ông Ghaleb cho biết thêm chính phủ Yemen đã thất thu 1 tỷ USD từ hành động cấm xuất khẩu dầu của Houthi và hơn 700 tỷ riyal (2,8 tỷ USD) từ nguồn thu thuế và hải quan kể từ khi lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4/2022 do các thương nhân từ bỏ các cảng của chính phủ để chuyển sang sử dụng các cảng do Houthi kiểm soát. Ông Ghaleb chỉ ra rằng chính phủ đã mất các nguồn thu từ thuế và hải quan do thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời lưu ý chỉ 30% chi tiêu hiện nay của chính phủ đến từ các nguồn tài nguyên.

Nguồn: baotintuc.vn

2. EU tổ chức Hội nghị lần thứ 7 về tương lai của Syria và các nước trong khu vực

Hội nghị một lần nữa sẽ cung cấp một nền tảng để nhắc lại sự hỗ trợ liên tục của EU và cộng đồng quốc tế đối với người dân Syria, người tị nạn Syria và cộng đồng tiếp nhận.

Hội nghị được cho là sự kiện cam kết chính cho Syria và khu vực trong năm nay, cho phép cộng đồng quốc tế đổi mới các nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong ngày đầu tiên của hội nghị có tên gọi "Ngày Đối thoại", EU và các chủ thể khác, các đối tác hoạt động liên quan đến việc ứng phó với cuộc khủng hoảng Syria, thảo luận với các chủ thể xã hội dân sự ở Syria, khu vực, cộng đồng người Do Thái và các quốc gia tiếp nhận người tị nạn, với mục đích tăng cường hỗ trợ chính trị của cộng đồng quốc tế cho các chủ thể thiết yếu này. Trong ngày 15/6,  hội nghị cấp bộ trưởng sẽ tập hợp các chủ thể nhà nước, bao gồm các quốc gia thành viên EU, các quốc gia láng giềng Syria và các nước thứ ba, cũng như đại diện của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, để thảo luận về các cách tăng cường nhân đạo, tài chính và hỗ trợ chính trị cho người dân Syria. Cuộc họp sẽ kết thúc với thông báo đóng góp cho năm nay.

Kể từ năm 2011, EU và các quốc gia thành viên là nhà tài trợ chính về viện trợ nhân đạo và khả năng phục hồi cho Syria và khu vực, huy động hơn 30 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng Syria. EU sẽ tiếp tục huy động tất cả các công cụ có sẵn để giúp người dân Syria đạt được một giải pháp chính trị đáng tin cậy và được đàm phán, đồng thời giúp tạo điều kiện cho một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Syria.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Hungary: Mỹ ngăn cản hòa bình Ukraine

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói: “Thật không may, tình hình Ukraine phát triển theo chiều hướng khác khi phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí, thảo luận cởi mở về năng lực hạt nhân, các cuộc tấn công lẫn nhau từ hai bên, binh lính Ukraine được huấn luyện ở các nước châu Âu, sự tham gia rất sâu của người Mỹ. Những điều này chắc chắn không hướng tới hòa bình".

Ngoại trưởng Peter Szijjarto cũng chỉ ra rằng Ukraine chỉ có thể chống lại Nga nhờ vũ khí do Mỹ cung cấp và một thỏa thuận hòa bình lâu dài sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa Moskva và Washington.

Hungary nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine và thúc giục một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Budapest cũng đã từ chối cho phép vận chuyển vũ khí của NATO đến Ukraine qua lãnh thổ nước này, hay huấn luyện binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ của mình.

Cuối ngày 13/6, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Risch chặn việc bán pháo phản lực HIMARS cho Hungary, với lý do Budapest chậm trễ trong việc phê duyệt tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO. 

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra hơn một năm và chưa có hồi kết, hai bên vẫn tiến hành các đòn đáp trả lẫn nhau thời gian gần đây. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.

Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Nga cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp xe tăng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.

Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.

Mới đây, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hiện không có điều kiện cho các cuộc đàm phán với chính quyền Ukraine. Ông tuyên bố Nga sẽ tìm cách đảm bảo an ninh của chính mình, trong đó loại trừ việc NATO mở rộng biên giới và Ukraine gia nhập liên minh quân sự.

Nguồn: vtc.vn

4. Thông điệp đằng sau cuộc tập trận phòng không lớn nhất châu Âu

Trong số 25 quốc gia tham gia tập trận có tới 23 quốc gia là thành viên NATO. Thụy Điển, quốc gia đang xin gia nhập NATO, cũng tham gia và Nhật Bản đóng vai trò là quan sát viên.

Trung tướng Ingo Gerhartz, Tư lệnh Lực lượng Không quân Đức, cho biết “Không quân là lực lượng phản ứng đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi thực sự có thể phản ứng nhanh, với tư cách là những người phản ứng đầu tiên. Đây là ngày đầu tiên trong khuôn khổ cuộc tập trận 12 ngày diễn ra tại 6 căn cứ trên khắp đất nước.

Sau 30 năm ngân sách quân sự bị thu hẹp, sức mạnh không quân đã trở thành một điểm yếu đối với NATO. Tuy nhiên, điều này đã bắt đầu thay đổi sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, với việc các nhà lãnh đạo ở Kiev coi đất nước của họ là tuyến phòng thủ đầu tiên của châu Âu trước Moskva.

Cuối cùng, Mỹ đã nhất trí để các phi công Ukraine được phép huấn luyện trên các máy bay chiến đấu F-16 do như một phần của chiến dịch của một số quốc gia NATO nhằm cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine không chỉ hỗ trợ cho cuộc xung đột hiện tại mà còn để ngăn chặn Nga trong nhiều năm tới.

Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, NATO đã chuyển từ cái gọi là răn đe bằng trả đũa sang răn đe bằng từ chối. Điều đó có nghĩa là thêm nhiều binh lính và thiết bị đóng quân lâu dài ở biên giới Nga hơn, tích hợp nhiều hơn các kế hoạch tác chiến của đồng minh và tăng chi tiêu quân sự nhiều hơn.

Trong trường hợp phải mất vài tuần để tàu chiến xuất phát từ Mỹ hoặc vài ngày để huy động lực lượng bộ binh ở châu Âu, máy bay chiến đấu có thể được điều động trong vòng vài phút.

Trong cuộc tập trận ngày 12/6, các máy bay chiến đấu từ Đức đã có điểm dừng chân tại một căn cứ không quân ở Litva, đủ để cho thấy các máy bay chiến đấu có thể phản ứng nhanh như thế nào.

Các điểm dừng tương tự sẽ được thực hiện ở các quốc gia khác như Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc.

Trung tướng Gerhartz nói “Tất cả hành động này để chứng minh khả năng răn đe đáng tin cậy. Chúng tôi không muốn thể hiện quá hung hăng, chỉ đủ để chứng tỏ rằng chúng tôi mạnh mẽ”. Để chuẩn bị cho cuộc tập trận, Mỹ đã điều động hơn 110 máy bay và hàng nghìn quân nhân, chủ yếu từ các đơn vị Vệ binh Quốc gia, trong 2 tuần.

Thiếu tá Will Dyke, một phi công của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Kentucky, cho biết: “Số lượng máy bay và người mà chúng tôi đã điều động đến đây trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là chưa từng có. Cách chúng tôi huấn luyện là phải sẵn sàng ngay lập tức”. Phi công này từ chối miêu tả các cuộc tập trận được triển khai như thế nào để nhằm vào Nga.

Ông Douglas Barrie, một chuyên gia hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London (Anh), cho biết các cuộc tập trận như Air Defender 2023 được tổ chức nhằm kiểm tra xem máy bay từ nhiều quốc gia có thể duy trì liên lạc trực tiếp với nhau hay không. Trung tướng Gerhartz thừa nhận đây vẫn là một thách thức lớn đối với các lực lượng không quân NATO.

Nguồn: baotintuc.vn

5. Quan chức châu Âu bác thông tin quân đội NATO, EU tham chiến ở Ukraine

Giám đốc Bộ Tham mưu Quân sự Liên minh châu Âu Herve Blejean nói: “Gửi bộ binh tới Ukraine là tham gia vào xung đột, gây chiến với Nga và không ai muốn điều đó, kể cả EU hay NATO. Chúng tôi không có chiến tranh với Nga. Chúng tôi đang ủng hộ Ukraine - quốc gia bị Nga tấn công quân sự".

 Theo ông Herve Blejean, cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine sẽ “không thể đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột này".

Ông Herve Blejean nhấn mạnh "Ukraine sẽ không thể giành lại tất cả các vùng lãnh thổ trong cuộc phản công này. Dĩ nhiên sẽ có một vài kết quả và sau đó họ có lẽ muốn tiến hành các cuộc phản công thứ hai hoặc thứ ba".

Nhận xét của ông Herve Blejean được đưa ra sau khi cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói rằng các thành viên NATO như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, có thể quyết định triển khai binh lính tới Ukraine.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho biết sẽ không có quân đội nước ngoài trên đất Ukraine “trước khi kết thúc xung đột vũ trang” với Nga.

Từ lâu, Nga khẳng định bằng cách cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine và chia sẻ thông tin tình báo, các nước NATO đã tự biến mình thành những bên trực tiếp tham gia vào xung đột.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng tuyên bố Mỹ và NATO can thiệp trực tiếp vào xung đột ở Ukraine bằng cách vận chuyển vũ khí và huấn luyện cho quân đội nước này. Ông Lavrov cáo buộc NATO đang "tiến hành cuộc chiến" chống lại Nga.

Tháng trước, EU đồng ý mua đạn pháo và tên lửa trị giá 1 tỷ euro (1,08 tỷ USD) cho Ukraine. Trong khi đó, tháng 2/2022, Mỹ cam kết viện trợ hơn 100 tỷ USD cho Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia láng giềng.

Nguồn: vtc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 3 085
  • Tất cả: 8761711

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn