Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 19/6 - 23/6/2023

1. Các nước ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Hiệp định về Biển cả

Ngày 19/6, đa số các nước đã hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, còn gọi là Hiệp định về Biển cả và thể hiện ý định sớm ký và phê chuẩn để hiệp định sớm có hiệu lực, được thực thi đầy đủ và hiệu quả.

Cuba đại diện Nhóm các nước đang phát triển đánh giá kết quả này là sự thắng lợi của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, thắng lợi của các nước đang phát triển nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi và đoàn kết chặt chẽ của các nước trong nhóm.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, Trưởng đoàn đàm phán, khẳng định kết quả thành công ngày hôm nay thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Hội nghị trong việc đạt được một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia.

Đại sứ đánh giá hiệp định này sẽ củng cố hơn nữa Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) - bản Hiến pháp của đại dương, khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển; tăng cường chủ nghĩa đa phương, là một dấu mốc mới trong sự phát triển của luật pháp quốc tế và góp phần thực hiện Thập kỷ Liên hợp quốc về khoa học biển phục vụ phát triển bền vững, thực hiện Mục tiêu phát triển thứ 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.

Nhằm đảm bảo tôn trọng sự toàn vẹn của UNCLOS, trong quá trình thực hiện hiệp định sau này, liên quan đến quy định về việc Hội nghị các thành viên ký kết hiệp định xem xét, đề nghị phân vùng để áp dụng biện pháp bảo tồn, đại diện Việt Nam cùng một số nước nhấn mạnh cách giải thích một số điều khoản mà Hội nghị liên Chính phủ đã nhất trí, như thể hiện trong Báo cáo của Hội nghị liên Chính phủ.

Việc Liên hợp quốc thông qua Hiệp định đem lại nhiều cảm xúc, đặc biệt là đối với những người trực tiếp tham gia thương lượng, trong đó có đoàn liên ngành Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì cùng đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam..., phối hợp với Phái đoàn Việt Nam tại New York, bởi đây là kết quả của một quá trình lâu dài và phức tạp, nhiều lúc cực kỳ gay gắt.

Bà Rena Lee, Chủ tịch Hội nghị liên Chính phủ, mô tả việc xây dựng hiệp định là “một công cuộc to lớn và có ý nghĩa sống còn." Nếu tính cả các hoạt động trù bị cho Hội nghị liên Chính phủ và hoạt động vận động trong Đại hội đồng Liên hợp quốc, quá trình này kéo dài gần 20 năm.

UNCLOS quy định quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá trên biển cả ngoài vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời quy định khoáng sản trong vùng đáy biển trên thềm lục địa của các nước, là di sản chung của nhân loại; thành lập cơ chế cấp phép, phân bổ lợi ích từ khai mỏ dưới đáy biển khơi, song chưa có cơ chế tương tự đối với nguồn gene biển.

Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài quyền tài phán quốc gia cụ thể hóa và phát triển UNCLOS trên khía cạnh này. Đây là hiệp định thứ 3 thực thi UNCLOS, sau văn kiện về đàn cá di cư và văn kiện nhằm thực thi Phần XI của Công ước.

Hiệp định gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: (i) Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; (ii) Thiết lập vùng bảo tồn biển; (iii) Đánh giá tác động môi trường; (iv) Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ và (v) Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của Hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính.

Nguồn: tuyengiao.vn

2. Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc muốn thay thế trật tự phương Tây

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Rick Waters cho biết, những sáng kiến an ninh của Trung Quốc đang tìm cách tái định hình trật tự an ninh phương Tây vì lợi ích riêng.

Nhận định trên được đưa ra tại một sự kiện của Hội đồng Đại Tây Dương để thảo luận về một báo cáo mới của tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington về Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của Trung Quốc. Ông Rick Waters cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh đang cố gắng miêu tả trật tự quốc tế hiện nay như một cấu trúc của phương Tây.

GSI là sáng kiến an ninh được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào năm ngoái và được chính thức hóa trong một bài báo phát hành vào tháng 2 với chủ trương tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Tài liệu này là phần bổ sung cho Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), một đề xuất khác của chính phủ Trung Quốc củng cố quan điểm của Bắc Kinh về các chính sách phát triển.

Các nhà phê bình Mỹ cho rằng cả hai sáng kiến này đều được tiến hành nhằm bác bỏ các giá trị tự do toàn cầu như dân chủ và nhân quyền.

Cụ thể, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung của chính phủ Mỹ viết trong báo cáo rằng mục tiêu cốt lõi của Trung Quốc dường như là làm suy thoái các liên minh và quan hệ đối tác do Mỹ dẫn đầu dưới hình thức đưa ra những nguyên tắc sáo rỗng mà thực chất không đóng góp cho nền hòa bình toàn cầu.

Ông Rick Waters cho rằng: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất vừa có ý định định hình lại trật tự quốc tế, vừa muốn gia tăng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ. Kế hoạch của Bắc Kinh sẽ khiến Mỹ rời xa các giá trị phổ quát đã duy trì sự tiến bộ của thế giới trong 75 năm qua”.

Quan điểm của ông Waters tương đồng với nhiều quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Quan chức Mỹ phủ nhận rằng các nguyên tắc của trật tự toàn cầu là “sự kiến tạo của phương Tây”, lập luận rằng Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn Nhân quyền là nguyện vọng chung trên toàn cầu.

Ông giải thích, cách để ngăn chặn nỗ lực sửa đổi trật tự an ninh phương Tây của Trung Quốc là phải hiện đại hóa các nguyên tắc này để chúng phản ánh được “lợi ích, giá trị và hy vọng của tất cả các quốc gia từ mọi khu vực trên thế giới”.

Jonathan Fulton, thành viên cấp cao không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương, chỉ ra rằng phương Tây ít chú ý đến các đề xuất của Trung Quốc như Sáng kiến An ninh Toàn cầu và cảnh báo GSI sẽ trở thành một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Michael Schuman, đồng tác giả của báo cáo về GSI và là thành viên của Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết các đề xuất như GSI và GDI vẫn cố tình “được bỏ ngỏ” và còn khá mơ hồ. Song, ông dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các sáng kiến và sử dụng chúng không chỉ như một giải pháp thay thế cho quản trị toàn cầu mà còn là giải pháp cho các vấn đề của thế giới.

Nguồn: vtc.vn

3. Hành động cân bằng của Đức với Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức, trên cả Mỹ. Trong 10 năm qua, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc trên thực tế đã tăng gấp đôi lên khoảng 300 tỷ euro (327 tỷ USD). Bản chất đầy mâu thuẫn của mối quan hệ có thể được nhìn thấy trong thực tế là các tài liệu chính thức của Đức hiện nay thường xuyên đề cập đến Trung Quốc như một đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ chiến lược cùng một lúc.
Claudia Schmucker, người đứng đầu Trung tâm Địa chính trị tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức (DGAP) nhận định rằng việc dung hòa những lợi ích khác nhau này là một trong những “hành động cân bằng” quan trọng trong các cuộc tham vấn hiện tại.
Bà Schmucker giải thích: “Đức đang thực sự tìm cách cân bằng ở đây, không tách rời và không giảm thiểu rủi ro quá nhiều, đồng thời giữ mối quan hệ thương mại bền chặt và hướng nhiều hơn đến Mỹ”.

Các cuộc tham vấn của chính phủ Đức với Trung Quốc bắt đầu vào năm 2011, ban đầu nhấn mạnh quan hệ đối tác. Vào năm 2014, mối quan hệ này thậm chí đã được nâng lên thành "đối tác chiến lược toàn diện". Nhưng kể từ đó, một số đã thay đổi.
Mặc dù Đức đã có giọng điệu chỉ trích nhiều hơn đối với Bắc Kinh kể từ lần tham vấn trực tiếp gần đây nhất vào năm 2018, nhưng nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, với khoảng 45,1% sản phẩm nhập khẩu đến nước này.
Trung Quốc vẫn là một thị trường cực kỳ quan trọng. Hơn 5.000 công ty Đức với 1,1 triệu nhân viên hoạt động tại quốc gia Đông Á này. Ngoài những tên tuổi lớn như Volkswagen và BASF, còn có vô số công ty cỡ trung bình. Tất cả đều được hưởng lợi từ lao động giá rẻ và thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc.

Đức đã tìm cách trung hòa khi chính phủ công bố chiến lược an ninh quốc gia được chờ đợi từ lâu vào tuần trước. Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng ông không muốn cắt đứt mối quan hệ với Trung Quốc mà thay vào đó muốn “giảm thiểu rủi ro”. Tuy nhiên, ông Scholz vẫn chưa vạch ra chi tiết cho cách tiếp cận mới này, vì Đảng Dân chủ Xã hội do ông lãnh đạo vẫn đang vật lộn với việc định hướng lại chính sách đối ngoại của mình.

Trung Quốc đã là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong chiến lược an ninh quốc gia của Đức. Mặc dù tài liệu ban đầu được lên kế hoạch công bố vào tháng 11 năm ngoái, nhưng nó đã bị hoãn lại do những bất đồng về cách phản ứng với Bắc Kinh.
Những bất đồng giữa các đối tác trong liên minh cầm quyền tại Đức cũng có thể thấy rõ trong chiến lược Trung Quốc mới của họ. Bản thảo đầu tiên của chiến lược đã bị rò rỉ vào tháng 11 năm 2022 và có giọng điệu đối đầu hơn.

Ví dụ, dự thảo chiến lược cho biết sẵn sàng ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ các khu vực của Trung Quốc bị cáo buộc “có vi phạm nhân quyền” và một cuộc thanh tra bắt buộc đối với các công ty liên quan đến rủi ro “từ Trung Quốc”.

Việc rò rỉ tài liệu đã gây ra sự phẫn nộ từ Chính phủ Trung Quốc, khi Bắc Kinh gọi tài liệu này là “di sản của tư duy Chiến tranh Lạnh”.

Trong khi các bộ ngoại giao và kinh tế do Đảng Xanh lãnh đạo áp dụng cách tiếp cận “diều hâu” hơn đối với Trung Quốc, thì Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Scholz lại tỏ ra không hài lòng về vấn đề này.

Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô mang lại lợi nhuận lớn của nước này, SPD không dám gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế và vẫn đang tìm kiếm một quan điểm nhất quán về vấn đề này.

Tuy nhiên, các cuộc tham vấn cấp chính phủ ngày 20/6 cũng diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với EU khi Ủy ban châu Âu chuẩn bị đề xuất chiến lược kiểm soát đầu tư và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thủ tướng Scholz đã tuyên bố rằng ông không phải là người ủng hộ các biện pháp như vậy, vì đã có đủ quy tắc để “đảm bảo an ninh cho nền kinh tế của EU”.
Trong khi đó, các chuyên gia đã cảnh báo về khả năng Đức sẽ có cách tiếp cận “một mình” khi nói đến Trung Quốc.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có sự gắn kết trong châu Âu nhiều hơn nữa trong các cuộc thảo luận hoặc trong mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc so với hiện tại. Đức thường bị cáo buộc đi một mình ở đây”, chuyên gia Schmucker nói.

Nguồn: tuyengiao.vn

4. Nga: Mỹ và NATO hiếu chiến, xung đột giữa cường quốc hạt nhân dễ xảy ra

Ngày 21/6, Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng các chính sách hung hăng của Mỹ và NATO sẽ dẫn đến việc can dự ngày càng sâu hơn vào đối đầu quân sự, nguy cơ dẫn đến xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân.

Bà Maria Zakharova cho hay "Mối nguy hiểm lớn nhất là với các chính sách hiếu chiến nhằm gây thất bại chiến lược cho Nga trong cuộc xung đột Ukraine, Mỹ và NATO tiếp tục gia tăng nguy cơ và ngày càng bị lôi kéo sâu hơn vào đối đầu quân sự với Nga". "Những rủi ro chiến lược phát sinh từ đây, đẩy những diễn biến tiếp theo vào tình huống xấu nhất".

Moskva hoàn toàn nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình và "gửi đi những tín hiệu cảnh tỉnh một cách có hệ thống tới các nước phương Tây".

Tổng thống Vladimir Putin cho hay, Nga sẽ chỉ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình nếu đối mặt với mối đe dọa hiện hữu.

Đồng thời, ông Putin cho biết Moskva sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân nào với phương Tây, vì việc giảm kho vũ khí sẽ khiến Nga gặp bất lợi.

Các cuộc thảo luận về nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân đã trở nên phổ biến hơn trong giới chuyên gia và chính trị gia sau khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang thời gian qua.

Trong khi các quan chức phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga có những lời lẽ “liều lĩnh” về hạt nhân, Moskva khẳng định quan điểm về sử dụng hạt nhân của Nga không thay đổi và kho vũ khí của nước này chỉ được sử dụng trong “những trường hợp bất thường” đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự tồn tại của Nga.

Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Mỹ và các đồng minh đã gửi vũ khí, thiết bị và đạn dược trị giá hơn 100 tỷ USD tới Kiev vào năm ngoái, sau khi xung đột Ukraine leo thang. 

Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phương Tây can dự trực tiếp, không chỉ với việc cung cấp vũ khí mà còn huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh, Đức, Italia và các nơi khác.

Nguồn:vtc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 291
  • Trong tuần: 3 298
  • Tất cả: 8761589

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn