Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 26/6 - 30/6/2023

1. Đức sẽ hỗ trợ NATO đảm bảo an ninh khu vực sườn phía Đông

Ngày 26/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết nước này sẵn sàng triển khai khoảng 4.000 binh sỹ đồn trú tại Litva, nhằm phối hợp với các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) củng cố lực lượng ở sườn phía Đông trước nguy cơ an ninh liên quan xung đột Ukraine.

Bộ trưởng Pistorius nêu rõ Đức cam kết với tư cách là một thành viên NATO và là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ hỗ trợ nỗ lực đảm bảo an ninh khu vực sườn phía Đông. Ông nhấn mạnh điều kiện cần cho nỗ lực triển khai binh sỹ là đảm bảo cơ sở hạ tầng cho việc đồn trú tại Litva. Bộ trưởng Pistorius không đưa ra mốc thời gian cụ thể, song cũng lưu ý việc triển khai lực lượng khó có thể được hoàn tất chỉ trong vài tháng.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc triển khai binh sỹ này cần phải phù hợp với các kế hoạch quy mô khu vực khác của NATO.

Quân đội Đức đang dẫn đầu một đơn vị đa quốc gia của NATO đóng tại Litva từ năm 2004, trong đó quân đội Đức chiếm khoảng một nửa trong số 1.000 binh sỹ tại đây.
Tổng thống Litva Gitanas Nausea đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ 4.000 binh sỹ đồn trú và thân nhân của họ. Ông cho biết Litva đang tìm cách đơn giản hóa các thủ tục để thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở hạ tầng này để kịp hoàn thành muộn nhất vào năm 2026.

Tổng thống Nausea cho biết thêm, trước đó Litva đã đề nghị Đức, Hà Lan và Pháp, bên cạnh một số quốc gia khác, luân phiên triển khai các hệ thống phòng không nhằm thắt chặt an ninh tại Litva.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đang có chuyến thăm Litva trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Vilnius (Litva) dự kiến diễn ra vào giữa tháng 7 tới.

Nguồn: tuyengiao.vn

2. Biển Đông sắp xuất hiện lực lượng tàu ngầm mới

 Những chiếc tàu ngầm luôn được xem là vũ khí nguy hiểm của biển cả, đặc biệt trong những vùng biển rộng lớn và có nhiều diễn biến căng thẳng như Biển Đông.

Theo Bulgarian Military, Philippines chuẩn bị mua chiếc tàu ngầm đầu tiên để biên chế cho lực lượng hải quân của mình. Quyết định này nhằm đối phó với tình hình căng thẳng ở Biển Đông và các hoạt động trong “Vùng xám” của Trung Quốc. 

Ứng cử viên hàng đầu được chọn để cung cấp những chiếc tàu ngầm là Tập đoàn Hải quân Pháp, với lớp tàu ngầm Scorpene. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm để hỗ trợ củng cố sức mạnh hải quân cho quốc gia Đông Nam Á này. 

Kế hoạch của Philippines không chỉ dừng lại ở việc mua những chiếc tàu ngầm. Quốc gia này cũng đang tìm cách phát triển năng lực sản xuất những vũ khí nội địa, tăng cường khả năng đào tạo trong nước, đảm bảo một lực lượng quốc phòng mạnh mẽ và tự chủ. 

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr thừa nhận tầm quan trọng của việc hiện đại hóa quân đội, Ông nói: “Vận hành một chiếc tàu ngầm không phải là một chuyện nhỏ. Nó đòi hỏi đào tạo chuyên sâu, thiết bị chuyên dụng và các yêu cầu vận hành quan trọng”.

Trong một động thái khác, hải quân Philippines đã phái nhân viên đến Pháp để được đào tạo nâng cao trước khi mua chiếc tàu ngầm đầu tiên của họ. Hành động này chứng tỏ rằng Pháp chính là lựa chọn hàng đầu, với mẫu tàu ngầm diesel-điện lớp Scorpene nổi tiếng do Tập đoàn Hải quân Pháp chế tạo. Mẫu tàu ngầm đặc biệt này đã được các nước như Brazil, Chile, Ấn Độ và Malaysia sử dụng. 

Biến thể tàu ngầm này tương tự như những chiếc do Brazil vận hành, tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi và có thể triển khai tổng cộng 18 quả đạn. Tàu còn được trang bị tên lửa chống hạm SM 39 Exocet và ngư lôi hạng nặng F21. 

Mặc dù đã có kế hoạch từ lâu, nhưng do ngân sách quốc phòng hạn chế đã khiến Philippines không thể hiện thực hóa giấc mơ tàu ngầm. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã thông qua kế hoạch hiện đại hóa Horizon 3 của hải quân giai đoạn 2023-2028, cam kết dành khoảng 70-100 tỷ peso Philippines (1,25-1,8 tỷ USD) để mua hai chiếc tàu ngầm.

Sau khi đạt được thỏa thuận với Pháp, sẽ phải mất 5 năm nữa để chiếc tàu ngầm đầu tiên chính thức gia nhập hạm đội. Bên cạnh đó, Tập đoàn Hải quân Pháp cũng đã cam kết cung cấp khóa đào tạo chuyên sâu kéo dài 4 năm cho các nhân viên của Philippines. 

Các nhà quan sát quân sự về Biển Đông nhìn nhận diễn biến này một cách tích cực, cho rằng Philippines có thể gặt hái những lợi ích đáng kể bằng cách củng cố liên minh với các quốc gia có cùng chí hướng và tăng cường năng lực nội bộ. Như hiện tại, nhiều nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã tự hào về lực lượng tàu ngầm của mình. 

Tuy nhiên, sự khác biệt về nguồn lực giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Philippines nói riêng là rất lớn, GDP bình quân đầu người và chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vượt đáng kể so với Philippines. Trung Quốc cũng có lực lượng hải quân và dân quân biển lớn hơn nhiều. 

Philippines có kế hoạch hiện đại hóa hải quân, bao gồm xây dựng hạm đội tàu ngầm, theo chân các quốc gia Đông Nam Á khác. Bước đi này rất quan trọng đối với một quốc gia có đường bờ biển dài và có thể đóng vai trò răn đe, thể hiện khả năng bảo vệ lãnh thổ của Philippines.

Các hoạt động trong Vùng xám của Trung Quốc, được xem là những hành động tinh vi để kiểm soát các quốc gia yếu hơn thông qua các chiến thuật kinh tế, chính trị và thông tin, tránh xung đột quân sự. Đó là một chiến lược được tiến hành chậm rãi, lâu dài, có chủ ý làm mờ đi ranh giới giữa hòa bình và xung đột. 

Biểu hiện của chiến thuật này là các tàu dân quân thường xuyên quấy rối các tàu thương mại trong khu vực. Giáo sư Pant gợi ý rằng các quốc gia bị ảnh hưởng có thể liên kết với nhau và chia sẻ các chiến lược kháng cự để chống lại mối đe dọa này. 

Giáo sư Pant cũng gợi ý rằng một mạng lưới các quốc gia chia sẻ thông tin tình báo và kinh nghiệm có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Chiến thuật Vùng xám sẽ thành công khi các quốc gia thiếu quan hệ đối tác, sự liên kết và thông tin đáng tin cậy. 

Philippines cũng đã mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ, một động thái được coi là có ý nghĩa chiến lược. Họ cũng có kế hoạch tăng cường liên minh chiến lược với các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Sau khi kí kết Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 với Mỹ, Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ của mình. Hai nước đã cùng nhau tiến hành cuộc tập trận hàng hải lớn nhất từ trước tới nay, điều này cho thấy rằng Philippines đã sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình.

Nguồn: vtc.vn

3. Mỹ muốn hợp tác với Ấn Độ nhiều hơn ở Biển Đông

Ngày 28/6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nói rằng Mỹ nhìn thấy "xu hướng rõ ràng và ngày càng gia tăng" về "sự cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Khi được hỏi liệu Ấn Độ có vai trò ngày càng tăng ở Biển Đông và hợp tác nhiều hơn với Mỹ ở đó hay không, ông Daniel Kritenbrink nói "có". Ông cho biết sẽ có sự hợp tác lớn hơn giữa nhóm các cường quốc khu vực - nhóm "Bộ Tứ" - QUAD (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia).

Theo ông Daniel Kritenbrink, trọng tâm của Mỹ trong khu vực là xây dựng năng lực của các đồng minh, đối tác có chung tầm nhìn về một thế giới hòa bình và ổn định.

Ông Daniel Kritenbrink cũng đề cập đến "các hành động không an toàn" của các tàu Trung Quốc ở Biển Đông. 

Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tuần trước, Mỹ và Ấn Độ tuyên bố quan hệ giữa hai nước nằm "trong số các đối tác thân thiết nhất trên thế giới". Hai bên cũng nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. 

Mới đây, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) cho biết Mỹ không phải là một bên liên quan trong vấn đề Biển Đông và không nên tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực.

Mỹ đã và đang tìm cách khôi phục liên lạc quân sự trực tiếp với quân đội Trung Quốc để tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột ngoài ý muốn, nhưng Trung Quốc đã từ chối điều này.

Nguồn: vtc.vn

4. Động thái mới nhất của Thụy Điển có thể hủy hoại nỗ lực gia nhập NATO

Đây là một động thái có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khối vào tháng 7.

Trong cuộc biểu tình ngày 28/6, chỉ duy nhất có một người tham gia kế hoạch đốt kinh Qur'an. Thời điểm xảy ra hành động biểu tình trùng với ngày lễ Eid-al-Adha – một trong những ngày lễ quan trọng của người Hồi giáo.

Cảnh sát Thụy Điển cho biết quyết định cho phép hành động biểu tình được đưa ra phù hợp với quyền tự do ngôn luận, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc biểu tình này đã không gây ra rủi ro an ninh.

Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra phản ứng dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO vẫn đang cản trở nỗ lực gia nhập của Thụy Điển.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã lên án cuộc biểu tình ngày 28/6: “Không thể chấp nhận được việc cho phép những hành động chống Hồi giáo này".

Ông Fahrettin Altun, Giám đốc Truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đăng một dòng trạng thái trên Twitter, nói rằng đây là hành vi tạo điều kiện cho chủ nghĩa bài Hồi giáo và các hành động thù hận tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ ở các chính quyền châu Âu, đặc biệt là ở Thụy Điển. Ông nói: "Ai muốn trở thành đồng minh của chúng tôi trong NATO thì không thể dung thứ hoặc cho phép các hành vi phá hoại này”.

Thổ Nhĩ Kỳ là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Đầu năm nay, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Thụy Điển đã bị giáng một đòn nặng nề sau một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, trong đó một chính trị gia chống nhập cư đã đốt một quyển Kinh Qur'an.

Vụ việc đã làm chính quyền ở thủ đô Ankara tức giận. Nhiều người biểu tình xuống đường và đốt cờ Thụy Điển bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển ở Ankara để đáp trả.

Theo hãng thông tấn Anadolu, vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ lỗi cho chính phủ Thụy Điển, nói rằng họ đã cho phép hành động đó xảy ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/6, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Thụy Điển đã đáp ứng các điều kiện cần thiết do Thổ Nhĩ Kỳ đề ra để gia nhập NATO, bao gồm cả việc đưa ra luật chống khủng bố mới.

“Luật mới gần đây đã có hiệu lực ở Thụy Điển, quy định rằng tham gia một tổ chức khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thúc đẩy, củng cố hoặc hỗ trợ tổ chức này là bất hợp pháp. Chúng tôi đang thực hiện những phần cuối cùng trong thỏa thuận”, Ngoại trưởng Billstrom nói.

Tuy nhiên, quyết định cho phép một cuộc biểu tình đốt Kinh Qur'an có thể làm tổn hại thêm mối quan hệ giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như làm sứt mẻ hy vọng gia nhập NATO của nước này.

Nguồn: baotintuc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 248
  • Trong tuần: 3 255
  • Tất cả: 8761546

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn