Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 10/7 - 14/7/2023

1. Hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc với nhiều quyết định quan trọng

Ngày 12/7 Hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius (Litva) đã kết thúc, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Jens Stoltenberg hoan nghênh việc các nhà lãnh đạo NATO đã đưa ra các quyết định quan trọng để điều chỉnh cơ chế hoạt động của liên minh cho tương lai.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, ngày 11/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các đồng minh đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn và tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần này, Mỹ và các đồng minh đã công bố các đảm bảo an ninh mới cho Ukraine trong khi chờ đợi thời điểm thuận lợi để quốc gia này gia nhập liên minh quân sự.

Nguồn: vtc.vn

2. Trung Quốc đáp trả chỉ trích của NATO

Trung Quốc đáp trả thông cáo chung của NATO, đồng thời phản đối bất kỳ nỗ lực nào của liên minh này nhằm mở rộng hiện diện sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong thông cáo được đưa ra giữa hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Vilnius của Litva ngày 11/7, các nhà lãnh đạo NATO chỉ trích Trung Quốc đã thách thức các lợi ích, an ninh và giá trị của liên minh bằng "các tham vọng và chính sách cưỡng chế".

Lãnh đạo của các nước thành viên NATO dự hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva ngày 11/7. (Ảnh: PA)

Theo thông cáo, các hoạt động kết hợp và không gian mạng “độc hại” của Trung Quốc cũng như “những luận điệu đối đầu và thông tin sai lệch của Bắc Kinh” đã nhắm vào các đồng minh và gây tổn hại cho an ninh của Liên minh.

Nguồn: vtc.vn

3. Các vấn đề về Ukraine trở thành tâm điểm tại Hội nghị thượng đỉnh NATO

Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh NATO tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, yêu cầu gia nhập NATO của Kiev và tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP.

40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ thuộc 48 phái đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO. (Nguồn: AP)

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trong các ngày 11-12/7 tại thủ đô Vilnius của Litva với sự tham gia của khoảng 2.400 quan khách, trong đó có 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ thuộc 48 phái đoàn.

Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh NATO lần này cũng sẽ bàn về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Cũng tại hội nghị, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên NATO cũng sẽ thông qua 3 kế hoạch phòng thủ và răn đe khu vực mới cho lãnh thổ đồng minh ở Vilnius. Hội nghị dự kiến sẽ đề xuất đặt 300.000 binh sỹ trong tình trạng sẵn sàng cao và đảm bảo nguồn lực hải quân cũng như không quân.

Cuộc họp ngày 12/7 sẽ mở rộng cho các nhà lãnh đạo các quốc gia đối tác của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand và các đại diện của Liên minh châu Âu (EU).

Nguồn:tuyengiao.vn

4. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp công khai về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Anh - nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) - thông báo cơ quan này sẽ họp công khai trong ngày 13/7 để thảo luận về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Người dân theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trên truyền hình ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc họp này do Mỹ, Albania, Pháp, Nhật Bản, Malta và Vương quốc Anh yêu cầu. 
Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) chạy bằng nhiên liệu rắn Hwasong-18 ra vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên ngày 12/7, Vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phản ứng mạnh mẽ. Vụ phóng diễn ra sau những phàn nàn gay gắt từ phía Triều Tiên thời gian gần đây, cáo buộc máy bay do thám Mỹ vi phạm không phận trong các khu kinh tế của nước này. Bình Nhưỡng cũng chỉ trích chuyến thăm gần đây của một tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ có các bước đáp trả.

Nguồn: baotintuc.vn

5. Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết Biển Đông của tòa quốc tế

Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ theo phán quyết của tòa trọng tài thường trực về Biển Đông năm 2016, vốn bác bỏ các yêu sách "đường chín đoạn" của Bắc Kinh ở khu vực này.

Ngày 11/7 Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc có hành động "quấy rối thường xuyên" với tàu các nước trong khu vực Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh dừng hành động này. Ngoài ra, Mỹ cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với phán quyết năm 2016 tòa trọng tài thường trực về Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ.

Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực La Hay, Hà Lan về một số khía cạnh liên quan đến tranh chấp giữa hai nước này ở Biển Đông. Sau quá trình tố tụng kéo dài 3 năm, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết cuối cùng. Phán quyết của Tòa đã bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, kết luận yêu sách của Trung Quốc về "đường chín đoạn" (hay "đường lưỡi bò") không có giá trị pháp lý.

Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn ngang nhiên tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa. Thay vào đó, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động nhằm đẩy mạnh yêu sách phi lý ở Biển Đông. Ngày 12/7 Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller kêu gọi Bắc Kinh "giải quyết các yêu sách hàng hải tuân thủ theo luật pháp quốc tế".

Nguồn: dantri.com.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 9
  • Trong tuần: 3 092
  • Tất cả: 8761718

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn