Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 14/8 - 18/8/2023

1. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi triển khai lực lượng quốc tế hỗ trợ Haiti

Ngày 16/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi triển khai "khẩn cấp" lực lượng quốc tế, gồm cảnh sát và quân đội, đến Haiti để hỗ trợ cảnh sát địa phương đối phó với các băng nhóm vũ trang đang hoành hành tại quốc gia Caribe này.

Người dân chạy trốn khỏi nơi ở do bạo lực băng nhóm tại quận Carrefour-Feuilles, phía Nam Port-au-Prince, Haiti, ngày 15/8/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong bức thư dài 12 trang gửi Hội đồng Bảo an LHQ, ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai lực lượng đa quốc gia ngoài LHQ tại Haiti. Theo ông, để giải quyết tình hình an ninh phức tạp ở Haiti, cần thực hiện các biện pháp cưỡng chế, trong đó có việc sử dụng vũ lực trong các hoạt động của cảnh sát đặc nhiệm đối phó các băng nhóm vũ trang nguy hiểm.

Tổng Thư ký Guterres và Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã nhiều lần hối thúc quốc tế can thiệp để hỗ trợ lực lượng cảnh sát địa phương, trong bối cảnh các băng nhóm vũ trang đang kiểm soát 80% thủ đô Port-au-Prince của Haiti. Các băng nhóm này thường khủng bố người dân bằng các vụ bắt cóc, cướp vũ trang.

Nguồn: baotintuc.vn

2. Phép thử tương lai của một liên minh chính thức

Theo kế hoạch ngày 18/8, Tổng thống Mỹ Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại Trại David gần thủ đô Washington.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29/6/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Đây sẽ là lần đầu tiên ba nhà lãnh đạo này cùng nhau tiến hành một hội nghị thượng đỉnh ba bên độc lập. Các bên dự kiến sẽ ra tuyên bố chung với những nội dung như đồng ý thiết lập các cuộc họp ba bên thường niên, phác thảo sự hợp tác ba bên trong các lĩnh vực phát triển tên lửa, an ninh mạng, an ninh kinh tế và vấn đề Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên…

Tháng 5/2023, Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên trong bối cảnh quan hệ Nhật - Hàn đang ấm lên. Washington muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác bền vững và ổn định trước những thay đổi về lãnh đạo tại ba nước cũng như những thay đổi trong cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, có thể thấy mục tiêu đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh lần này là “thể chế hóa” hợp tác ba bên thành một khuôn khổ chính thức.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Mỹ quan ngại khi Nga-Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói Washington cảm thấy quan ngại trước việc Moskva và Bắc Kinh tăng cường quan hệ trên nhiều mặt, trong đó có quân sự. Phát biểu của ông Patel được đưa ra sau khi hải quân Mỹ điều động tàu chiến theo sát nhóm tàu hải quân Nga và Trung Quốc tập trận ở Thái Bình Dương và gần bờ biển Alaska.

Nhiều nhà lập pháp Đảng Cộng hòa gọi vụ việc chưa từng có tiền lệ, đồng thời mô tả nước Mỹ đang đối mặt với một “cuộc xâm lược”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ)

Cũng trong cuộc họp báo trên Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết, hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sắp tới sẽ tập trung vào các vấn đề an ninh trong khu vực Đông Bắc Á.

Trước đó Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc trong các phát ngôn về hội nghị thượng đỉnh ba bên. Tuy nhiên theo một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ thưởng đỉnh lần này sẽ tìm giải pháp hóa giải các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Moskva cho biết hải quân Nga sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Trung Quốc, lưu ý rằng cuộc tuần tra chung đã đi qua biển Nhật Bản, eo biển La Perouse, biển Okhotsk và eo biển Kamchatka.

Bên cạnh hợp tác quân sự, việc Nga trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc cũng khiến các quan chức Mỹ lo ngại. Trước đó Washinton từng nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ Moskva trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Về phần mình, Trung Quốc cũng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ lẫn các nước phương Tây, đồng thời nhấn mạnh rằng nước này hợp tác kinh tế và thương mại bình thường với mọi quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Nga.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lập luận rằng quan hệ song phương với Moskva “không nhằm vào bên thứ ba, cũng như không chịu sự can thiệp và ép buộc của bên thứ ba”, thúc giục Washington quan tâm đến công việc của nước này thay vì can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Nguồn: vtc.vn

4. Đức ‘quay xe’ với cam kết đáp ứng mục tiêu chi tiêu hàng năm của NATO

Theo hãng tin Reuters và báo Đức Süddeutsche Zeitung, chính phủ Đức ngày 16/8 vào phút chót đã không đưa ra cam kết pháp lý nhằm đáp ứng mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chi 2% GDP cho quốc phòng hàng năm.

Một quan chức chính phủ tiết lộ một điều khoản cam kết đáp ứng mục tiêu đã bị xóa hỏi dự thảo luật tài chính ngân sách mới của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, ngay trước khi Nội các thông qua quốc hội.

Thay vào đó, chính phủ cam kết đạt mục tiêu trung bình 2% trong khoảng thời gian 5 năm, như đã đề ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia công bố gần đây.

Bộ Ngoại giao Đức đã phản đối việc đưa cam kết mục tiêu 2% vào trong luật mới, khác biệt so với mong muốn của Bộ Quốc phòng.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã kêu gọi các nước thành viên NATO nên dành ít nhất 2% GDP của mình cho chi tiêu quốc phòng. Phát biểu với báo giới trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO đang có cuộc họp tại Brussels (Bỉ), ông Pistorius nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, việc chỉ dành 2% GDP cho quốc phòng là không đủ. Đây nên là mức chi tối thiểu để bắt đầu các hoạt động. Chính phủ Đức đang thảo luận và sẽ sớm đạt được thỏa thuận về vấn đề này”.

Sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ với chiến dịch quân sự đặc biệt từ Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công bố Zeitenwende – thay đổi mới trong chính sách an ninh của Đức. “Kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ chi hơn 2% GDP vào quốc phòng hàng năm”, Thủ tướng Scholz cho biết vào tháng 2/2022. Ông đã lặp lại cam kết này sau hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng trước ở Vilnius.

Trong nhiều năm, Đức luôn bị các đối tác NATO, đặc biệt là Mỹ, chỉ trích vì không tuân thủ yêu cầu của NATO về chi tiêu quốc phòng.

Baotintuc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 3 104
  • Tất cả: 8761730

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn