Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 11/9 - 15/9/2023

1. Lũ lụt tại Libya: Số nạn nhân thiệt mạng đã vượt 5.300 người

Ngày 13/9, giới chức Libya cho biết, đội tìm kiếm và cứu nạn đã tìm thấy thêm hơn 1.500 thi thể trong đống đổ nát ở thành phố Derna, miền đông nước này. Như vậy số người thiệt mạng sau đợt lũ lụt do bão Daniel tại thành phố Derna đã tăng lên ít nhất 5.300 người.

Cảnh tàn phá sau trận lũ quét do bão Daniel tại Derna, miền đông Libya, ngày 11/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Libya, thành viên Ủy ban Cứu hộ Khẩn cấp, ông Hichem Chkiouat dự đoán, số nạn nhân thiệt mạng do bão Daniel có thể còn tăng gấp đôi. Ông cho biết thêm, công tác tái thiết sau bão sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD.

Trong khi đó, cùng ngày, đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) tại Libya, ông Tamer Ramadan cho biết, ít nhất 10.000 người vẫn mất tích tại các khu vực bị lũ lụt.

Hiện, IOM cùng các đối tác đang khẩn trương triển khai công tác hỗ trợ thuốc men, trang thiết bị tìm kiếm và cứu nạn và cử nhân viên cứu hộ đến các vùng bị ảnh hưởng.

Nguồn: nhandan.vn

2. Cuba kỷ niệm 50 năm lãnh tụ Fidel Castro thăm Việt Nam

Ngày 12/9, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel đã chủ trì lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên của Tổng tư lệnh Fidel Castro tới Việt Nam và vùng mới giải phóng miền nam Việt Nam (9/1973-9/2023).

Buổi lễ diễn ra trang trọng tại Trung tâm Fidel Castro Ruz ở thủ đô La Habana. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Thanh Tùng khẳng định, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro năm 1973 là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Chủ tịch Fidel Castro đã trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng mới giải phóng và giương cao lá cờ của Mặt trận Giải phóng miền nam Việt Nam.

Đại sứ Lê Thanh Tùng nhấn mạnh, cử chỉ của lãnh tụ Fidel Castro là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho lực lượng cách mạng, đồng thời góp phần lan tỏa trên toàn cầu phong trào đoàn kết với Việt Nam. Cuba sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại và giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Roberto Morales Ojeda nêu bật tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam của lãnh tụ Fidel Castro cách đây tròn 50 năm. Trong tất cả các bài phát biểu cũng như những cuộc đối thoại với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam xuyên suốt cuộc hành trình, nhà lãnh đạo lịch sử của Cách mạng Cuba đều nhấn mạnh vai trò phi thường của Việt Nam đối với phong trào cách mạng và giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Chuyến thăm của Chủ tịch Fidel Castro không chỉ góp phần xây dựng mối quan hệ anh em đoàn kết truyền thống giữa hai quốc gia, mà còn viết nên một trang anh hùng ca, nêu bật quyết tâm của cả hai dân tộc tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội, phù hợp với đặc điểm của mỗi nước.

Ông Ojeda bày tỏ xúc động trước tình đoàn kết thủy chung mà nhân dân Việt Nam anh em dành cho Cuba, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn nhất. Cuba hết sức ghi nhận sự ủng hộ chí nghĩa chí tình của Việt Nam trong bối cảnh đảo quốc Caribe này vẫn đang đối mặt với bao vây cấm vận. Việt Nam hiện là đối tác thương mại châu Á lớn thứ 2 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của khu vực này tại Cuba. Các mối quan hệ kinh tế và thương mại góp phần củng cố mối quan hệ anh em truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Nguồn:nhandan.vn

3. Hơn 100 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh G77 và Trung Quốc

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez xác nhận hơn 100 phái đoàn với khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển (G77) và Trung Quốc, diễn ra tại thủ đô La Habana trong các ngày 15 và 16/9.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres đã khẳng định sẽ tham gia sự kiện này. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị.

Chủ đề hội nghị là “Các thách thức phát triển hiện nay: Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đây cũng là vấn đề trọng tâm có liên quan rất lớn đến 134 thành viên của Nhóm G77 và Trung Quốc. Bộ trưởng Rodriguez cho rằng nội dung này sẽ thúc đẩy một cuộc tranh luận cấp cao, thực chất, với những tuyên bố mạnh mẽ về các vấn đề chính trị và kinh tế cấp bách nhất đối với các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh khủng hoảng quốc tế mang tính hệ thống.

Hợp tác Nam-Nam là trụ cột cơ bản và hội nghị thượng đỉnh là dịp để đánh giá, trao đổi về những thách thức chính và các vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển của các quốc gia phía Nam bán cầu.

Chính phủ Cuba coi Hội nghị thượng đỉnh G77 và Trung Quốc là diễn đàn đối thoại và thỏa thuận, là dịp để tăng cường đoàn kết, quyết định các hành động tập thể và thiết thực nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức hiện nay.

Nguồn: baotintuc

4. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ): Thế giới cần có sự thỏa hiệp vì tương lai tốt đẹp hơn

"Chính trị là thỏa hiệp. Ngoại giao là thỏa hiệp. Lãnh đạo hiệu quả là thỏa hiệp". Đây là tuyên bố được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra ngày 13/9 trong cuộc họp báo tại trụ sở LHQ ở New York, trước thềm Tuần lễ cấp cao Khóa họp 78 Đại hội đồng LHQ.

Tuyên bố nhằm nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo thế giới về tầm quan trọng của thỏa hiệp vì lợi ích của mỗi người dân trên thế giới. Người đứng đầu LHQ khẳng định rằng hiện không phải là thời điểm để thể hiện hay củng cố địa vị, cũng không phải là lúc để thờ ơ hay thiếu quyết đoán. Theo ông, hiện là lúc cùng nhau tìm ra những giải pháp thực tế, thiết thực và đã đến lúc thỏa hiệp vì một ngày mai tốt đẹp hơn.

Trong cuộc họp báo, ông Guterres khẳng định tuần lễ cấp cao là thời điểm có một không hai mỗi năm để các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới đánh giá tình hình thế giới và hành động vì lợi ích chung, đồng thời nhấn mạnh “hành động là những gì thế giới cần hiện nay". Ông đề cập đến những thách thức to lớn mà nhân loại đang phải đối mặt và các nhà lãnh đạo thế giới cần đưa ra giải pháp cấp bách, từ tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng tồi tệ đến xung đột leo thang, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, bất bình đẳng gia tăng và sự gián đoạn nguồn cung lĩnh vực công nghệ. Theo ông Guterres, người dân đang trông chờ vào các nhà lãnh đạo để có thể tìm ra lối thoát khỏi các thách thức hiện nay, song sự chia rẽ địa chính trị đang làm suy yếu khả năng đối phó của con người.

Tổng Thư ký LHQ cũng lưu ý thực tế rằng một thế giới đa cực đang hình thành. Tuy nhiên, đa cực có thể là yếu tố cân bằng nhưng cũng có thể dẫn đến căng thẳng, chia rẽ gia tăng. Do đó, thế giới cần có sự thỏa hiệp trong bối cảnh chia rẽ, lợi ích, tầm nhìn và văn hóa khác nhau.

Ông Guterres nêu rõ: “Nếu chúng ta muốn có một tương lai hòa bình và thịnh vượng dựa trên sự công bằng và đoàn kết, các nhà lãnh đạo có trọng trách đặc biệt nhằm đạt được sự thỏa hiệp trong việc thiết kế tương lai chung vì lợi ích chung của chúng ta”. Theo ông, "tuần tới tại New York là nơi để bắt đầu" trọng trách trên.

Nguồn: baotintuc

5. Thỏa thuận chia sẻ thông tin vận hành đập trên sông Mê Công

Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) thông báo giới chức cấp cao của sáu quốc gia dọc sông Mê Công đã nhất trí những khuyến nghị về giai đoạn đầu của Nghiên cứu chung giữa Ủy ban sông Mê Công và Hợp tác Mê Công-Lan Thương (MLC).

Thỏa thuận nêu trên đạt được sau nhiều giờ thảo luận giữa Ủy ban liên hợp MRC và Nhóm công tác chung MLC về Hợp tác tài nguyên nước tại cuộc họp chung đầu tiên mang tính lịch sử diễn ra ngày 10/9 ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Cuộc họp cũng thống nhất thành lập Nhóm chuyên gia chung để giám sát các nghiên cứu chung sâu hơn và triển khai Khảo sát chung Lan Thương-Mê Công.

Trong quá trình khảo sát chung, MRC và MLC sẽ cùng nhau thực hiện các chuyến đi thực địa và khảo sát cần thiết tại các địa điểm quan trọng ở khu vực thượng lưu sông Mê Công, bao gồm các cam kết và quan sát liên quan về sinh kế của người dân và cộng đồng sinh sống dọc sông.

Một khuyến nghị chính trong giai đoạn ngắn hạn là MRC và MLC hợp tác chặt chẽ hơn để bảo đảm chia sẻ về mức trữ nước và dữ liệu vận hành thủy điện trên khắp lưu vực sông Lan Thương-Mê Công, giúp các cộng đồng ở hạ nguồn chuẩn bị và thích ứng với những thay đổi. Những phát hiện và khuyến nghị ban đầu của Nghiên cứu chung được đưa vào báo cáo giai đoạn đầu và sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn RSF lần thứ 13 được tổ chức ngày 5/10 tới tại Luang Prabang, Lào.

Nguồn: nhandan.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 248
  • Trong tuần: 3 255
  • Tất cả: 8761546

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn