Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 18/9 - 22/9/2023

1. Liên hợp quốc cảnh báo hậu quả thảm khốc của cuộc xung đột ở Sudan

Ngày 20/9, ông Griffiths Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cảnh báo về những hậu quả thảm kịch nếu như cuộc xung đột ở Sudan trở thành một cuộc nội chiến toàn diện.

 Nếu cộng đồng quốc tế không hành động khẩn cấp thì khủng hoảng có nguy cơ trở thành một thảm họa nhấn chìm toàn bộ đất nước Sudan và sau đó là khu vực. Quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ người dân Sudan và đó là điều cần thiết không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn ở trong quá khứ và cả tương lai.

Ông Griffiths cho biết cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua ở quốc gia Bắc Phi đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người, làm bị thương thêm 12.000 người. Bất ổn cũng khiến hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có hơn 1 triệu người buộc phải chạy tị nạn sang các nước láng giềng.

Đáng lo ngại là trong bối cảnh hiện nay, hệ thống y tế ở Sudan đã hoàn toàn sụp đổ, với gần 80% dịch vụ y tế không hoạt động và hơn 6 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức độ khẩn cấp. Số liệu thống kê cũng cho thấy, khoảng 1.200 trẻ em Sudan phải bỏ mạng vì suy dinh dưỡng và các bệnh có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh sởi.

Nói về cuộc xung đột chưa có hồi kết giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF),  Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo cho rằng, hiện không có bên nào đang tới gần chiến thắng. Trong khi đó, cả quân đội Sudan và RSF vẫn bị cuốn vào các cuộc giao tranh tàn khốc và chính người dân Sudan phải trả giá đắt cho tình trạng “bạo lực vô nghĩa này”.

Theo ông Griffiths, kể từ khi xung đột bắt đầu ở Sudan, Liên hợp quốc và các đối tác đã tiếp cận được 3,5 triệu người cần hỗ trợ. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khiêm tốn và chiếm khoảng 19% trong số 18 triệu người là mục tiêu cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo. Trong khi đó, kế hoạch ứng phó nhân đạo cho Sudan đang huy động nguồn tài trợ 2,6 tỷ USD, song mới chỉ được đáp ứng 31% nhu cầu này./.

Nguồn: dangcongsan.vn

2. Quan hệ Ukraine - Ba Lan leo thang căng thẳng

Quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Ukraine và Ba Lan leo thang căng thẳng do những tranh cãi về việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. 

Ngày 20/9, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết Thứ trưởng Ngoại giao nước này Pawel Jablonski đã triệu Đại sứ Ukraine tại Vácsava Vasyl Zvarych để phản đối những phát biểu của Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), cho rằng một số quốc gia chỉ "giả vờ" đoàn kết với Kiev, đồng thời chỉ trích cái mà ông cho là "sân khấu chính trị" xung quanh việc xuất khẩu ngũ cốc.

Quan hệ giữa Vácsava và Kiev gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Ba Lan áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine nhằm bảo vệ nông dân trong nước. Tháng 5 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý hạn chế nhập khẩu một số loại lương thực từ Ukraine vào 5 quốc gia thành viên, gồm Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria nhằm bảo vệ nông dân ở những nước này vốn lo ngại các sản phẩm nhập khẩu tác động đến giá cả trên thị trường địa phương. Biện pháp này cho phép các sản phẩm tiếp tục được quá cảnh qua 5 nước trên nhưng không được phân phối ở các thị trường địa phương. Cuối tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã chấm dứt lệnh cấm này khi cho rằng thị trường tại các nước trên không còn biến động nữa. Tuy nhiên, Ba Lan vẫn tiếp tục gia hạn lệnh cấm nhằm bảo vệ nông dân trong nước.

Phản ứng trước động thái này, Ukraine đã đệ đơn khiếu nại Ba Lan cùng Slovakia và Hungary (hai nước cũng gia hạn lệnh cấm trên) lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). WTO cũng đã xác nhận thông tin này.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ba Lan nêu rõ việc gây áp lực đối với Vácsava tại các diễn đàn đa phương hoặc gửi khiếu nại lên các tòa án quốc tế không phải là biện pháp thích hợp để giải quyết mâu thuẫn giữa hai nước. Trong khi đó, Ukraine đã kêu gọi Vácsava áp dụng cách tiếp cận mang tính xây dựng trong tranh chấp.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Nga phản ứng sau khi Hoa Kỳ công bố gói viện trợ tiếp theo cho Ukraine

Theo các nhà ngoại giao Nga, lực lượng vũ trang Ukraine đã không đạt được mục tiêu và phải chịu tổn thất lớn về nhân lực và vũ khí. Theo giới chức Moskva, những nỗ lực của phương Tây không thể thay đổi tình hình trên thực địa. Điều đó chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài hơn nữa với những thương vong và tàn phá nặng nề.

Đại sứ quán Nga tại Washington, DC cũng nhấn mạnh Moskva sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi hoàn thành đầy đủ các mục tiêu đã đề ra.

Những bình luận của Đại sứ quán Nga được đưa ra sau khi Chính quyền Hoa Kỳ công bố gói viện trợ quân sự trị giá 325 triệu USD cho Ukraine. Gói này sẽ bao gồm các loại đạn dược, tên lửa phòng không bổ sung để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga ở thời điểm hiện tại và trong mùa đông tới. Ngoài ra, gói viện trợ cũng bao gồm các loại đạn pháo, vũ khí chống tăng và đạn chùm.

Đây là lần thứ hai Hoa Kỳ cung cấp bom chùm cho Ukraine. Hồi cuối tháng 7, sau khi Hoa Kỳ lần đầu tiên cung cấp bom chùm cho Kiev, Nhà Trắng cho biết lực lượng Ukraine đang sử dụng vũ khí này một cách hiệu quả và thích hợp để tấn công vị trí phòng thủ của Nga.

Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Hoa Kỳ sẽ không cung cấp Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) cho Ukraine, bất chấp yêu cầu từ Kiev. Ông cho biết dù ATACMS không có trong gói viện trợ lần này nhưng Tổng thống Biden sẽ không loại trừ khả năng cung cấp vũ khí này cho Ukraine trong tương lai.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Washington đã viện trợ quân sự trị giá hơn 43,9 tỷ USD cho Kiev.

Nguồn: baotintuc.vn

4. Palestine tái khẳng định yêu cầu được công nhận là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc (LHQ)

Ngày 21/9, Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh Palestine vẫn hy vọng rằng Liên hợp quốc (LHQ) có thể sẽ thực hiện nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt sự chiếm đóng đối với các lãnh thổ của Palestine và công nhận nền độc lập của nhà nước Palestine có chủ quyền hoàn toàn, với Đông Jerusalem là thủ đô dựa trên biên giới ngày 4/6/1967.

Trong phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), ông Abbas tố cáo việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine là vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cho rằng Israel đang chạy đua với thời gian để thay đổi thực tế lịch sử, địa lý và nhân khẩu học trên thực địa nhằm duy trì sự chiếm đóng và củng cố chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Tổng thống Abbas kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm bảo vệ hiện trạng lịch sử và pháp lý của Jerusalem cũng như các thánh địa của vùng đất này. Ông Abbas cũng đề nghị tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế, với sự tham gia của tất cả các quốc gia quan tâm đến việc đạt được hòa bình ở Trung Đông.

Nhà lãnh đạo Palestine nhấn mạnh: "Tôi đề nghị LHQ và Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế. Đây có thể là cơ hội cuối cùng để cứu vãn giải pháp hai nhà nước và ngăn chặn tình hình đang ngày càng nghiêm hơn, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới", đồng thời cũng kêu gọi các quốc gia chưa công nhận nhà nước Palestine hãy hành động ngay lập tức, nhấn mạnh rằng nhà nước Palestine phải được công nhận là thành viên đầy đủ của LHQ.

Nguồn: baotintuc.vn

5. Tổng thống Hoa Kỳ đề cao quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ - hình mẫu cùng vượt qua quá khứ của chiến tranh vì hòa bình và tương lai

Ngày 19/9, Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, đã khai mạc với sự tham dự của hơn 150 Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, cùng đại diện Lãnh đạo của nhiều nước và tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá thế giới đang đứng trước bờ vực rạn nứt trong quan hệ thương mại và hệ thống kinh tế - tài chính quốc tế, với sự chia rẽ Đông-Tây giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế phải đối mặt với hàng loạt thách thức, đặc biệt là biến đổi khí hậu - nước biển dâng trong khi căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng; các điểm nóng như Sudan, CHDC Congo, Haiti, Afghanistan, Syria và Myanmar chưa được giải quyết.

Tổng Thư ký cho rằng các nước cần tăng cường đối thoại, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và cải tổ hệ thống quản trị quốc tế, trong đó đặc biệt là các thể chế kinh tế - tài chính quốc tế và cả LHQ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về phát triển bền vững. Tổng Thư ký nêu đậm ưu tiên đối với biến đổi khí hậu và sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo (AI) và các hình thái công nghệ mới.

Trong phần mở đầu phát biểu của mình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nêu đậm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ đứng cạnh Lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương.

Từ bài học kinh nghiệm này, Tổng thống Biden khẳng định Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết các tranh chấp và Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Nguồn: nhandan.vn
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 380
  • Trong tuần: 3 387
  • Tất cả: 8761678

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn