Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 25/9 - 29/9/2023

1. Liên đoàn Arab tạm ngừng đối thoại với Chính phủ Syria

Ngày 27/9, Ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng của Liên đoàn Arab (AL), được thành lập để giám sát quá trình bình thường hóa quan hệ với Syria, đã đình chỉ các cuộc họp với đại diện chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tuyên bố của Ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng của AL cho biết trong cuộc đàm phán với Liban, Chính phủ Syria đã từ chối tiếp nhận hàng trăm nghìn người Syria đang tị nạn ở nước láng giềng. Bên cạnh đó, Damascus cũng không hợp tác với các quốc gia thành viên AL trong hoạt động phòng, chống hoạt động  buôn bán chất gây nghiện Captagon. Do đó, Ủy ban liên lạc cấp bộ trưởng của AL đã quyết định tạm dừng tiến trình đối thoại về bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia thành viên AL với Syria cho đến khi các bên tìm được tiếng nói chung. 

Được biết, ủy ban trên gồm các bộ trưởng từ Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Liban, Ai Cập và Tổng thư ký AL.

Nguồn:baotintuc.vn

2. Nền kinh tế Mỹ có thể gặp khó khăn nếu chính phủ đóng cửa

Ngày 27/9, phát biểu tại một sự kiện của Viện Chính sách Kinh tế ông Bernstein cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới này hiện phải đối mặt với hàng loạt sức ép như nguy cơ chính phủ bị đóng cửa, chương trình thanh toán nợ sinh viên, lãi suất cao và cuộc đình công của công nhân ngành ô tô.

Dù vậy, cố vấn Nhà Trắng Jared Bernstein tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, trừ khi xảy ra sai sót về chính sách hoặc cú sốc lớn từ bên ngoài nước Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã phản đối dự luật cấp tiền tạm thời ngăn chính phủ đóng cửa vốn đang được thúc đẩy tại Thượng viện. Động thái này sẽ đưa Washington đến gần hơn với nguy cơ phải đóng cửa một phần lần thứ tư trong vòng một thập kỷ qua. 

Theo các nhà lập pháp giấu tên được tờ New York Times dẫn lời, bất đồng giữa các nghị sĩ về dự luật chi tiêu mới phần lớn tập trung vào khoản viện trợ bổ sung trị giá 25 tỷ USD cho Ukraine. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết kịch bản chính phủ phải dừng hoạt động không phải là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu xảy ra, rất nhiều công việc quan trọng có thể bị ảnh hưởng trong lĩnh vực khoa học và y tế.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết bộ này lo ngại Quốc hội sẽ không thông qua các dự luật liên quan để tránh việc chính phủ đóng cửa và đang lên kế hoạch phải làm gì trong tình huống như vậy.

Nguồn: baotintuc.vn

3. Philippines, Mỹ tổ chức tập trận hàng hải ở Biển Đông

Philippines và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự hàng hải thường niên mang tên SAMASAMA từ ngày 2 - 13/10 ở khu vực phía nam đảo Luzon.

“Hải quân Philippines chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận PH-US SAMASAMA, dự kiến diễn ra từ ngày 2 - 13/10 tại khu vực hoạt động của Lực lượng hải quân Nam Luzon (NFSL). SAMASAMA là cuộc tập trận song phương giữa hải quân Mỹ (USN) và hải quân Philippines (PN)”, thông cáo của lực lượng vũ trang Philippines nêu.

Cuộc tập trận dự kiến sẽ nâng cao năng lực tác chiến của hải quân Philippines. Trong đó các hoạt động tác chiến ngoài khơi như tác chiến chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, tác chiến phòng không và điện tử. Có sự tham gia của hải quân Nhật Bản, Australia, Canada và Vương quốc Anh để cải thiện khả năng gắn kết, tương tác trong hoạt động hàng hải, trao đổi các chuyên gia, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Hồi tháng 6, lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines tiến hành các cuộc tập trận hàng hải ở Biển Đông. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hải quân Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Cuộc tập trận ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bataan của Philippines.

Thời gian qua, Washington tăng cường ngoại giao quân sự trong khu vực, tổ chức các cuộc tập trận thường xuyên hơn với các đồng minh và đối tác ở Biển Đông, vùng biển xung quanh Đài Loan cũng như phía tây Thái Bình Dương.

Nguồn: vct.vn

4. Trung Quốc lắp trạm nhận dạng tàu ở Hoàng Sa vi phạm chủ quyền Việt Nam

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc lắp đặt sử dụng trạm nhận dạng tàu thuyền tại Hoàng Sa vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo.

Ngày 25/9, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:

“Việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng hai trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Mọi hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn những vi phạm tương tự”.

Hoạt động của các trạm này bắt đầu ngày 15/9, để "giải quyết vấn đề điểm mù" ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.

Hai trạm nằm trên Đá Bắc và Đá Bông Bay, được kết nối với hệ thống nhận dạng và theo dõi trên đất liền dành cho tàu thuyền (AIS). Nước này xây dựng hai trạm cho hệ thống vệ tinh BeiDou - tương tự hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ.

Cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc yêu cầu tất cả các tàu phải có bộ phát đáp AIS và luôn bật tín hiệu để có thể xác định và theo dõi. 

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nguồn: vtc.vn

5. Báo động về số người di cư bị tử vong, mất tích ở Địa Trung Hải

Số người di cư bị tử vong và mất tích khi tìm cách vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu đã tăng 33% trong gần 10 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 28/9, Giám đốc Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) New York, bà Ruven Menikdiwela đã công bố số liệu trên trong cuộc họp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh đến nguy hiểm mà người di cư đối mặt trên tuyến đường biển vượt biển nhiều rủi ro này. 

Cụ thể, 01/01/2023 đến ngày 24/9/2023, có hơn 2.500 người di cư thiệt mạng và mất tích trên biển Địa Trung Hải, trong khi con số trong cùng thời gian của năm 2022 là 1.680 người. 

Cũng trong khoảng thời gian trên, có khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam châu Âu đã đặt chân đến Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Cyprus và Malta. Trong số đó, có hơn 130.000 người đến Italy, tăng 83% so với cùng thời gian năm 2022. 

Về điểm khởi hành của người di cư, từ tháng 01 đến tháng 08 năm nay, ước tính có hơn 102.000 người tị nạn và di cư tìm cách vượt biển Địa Trung Hải từ Tunisia và 45.000 người từ Libya. Bà Menikdiwela cho biết thêm ước tính có khoảng 31.000 người đã được cứu trên biển hoặc bị chặn lại và đưa lên bờ ở Tunisia cùng 10.600 người tương tự ở Libya.

Trước áp lực nặng nề do lượng người di cư từ châu Phi ngày càng tăng, Italy đã phải tìm kiếm sự can thiệp của Liên hợp quốc (LHQ), đồng thời kêu gọi EU chia sẻ trách nhiệm để giải quyết vấn đề.

Nguồn: baotintuc.vn

7. Costa Rica ban bố tình trạng khẩn cấp trước dòng người di cư đến Mỹ

Ngày 26/9, Tổng thống Costa Rica Rodrigo Chave đã ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, với lý do làn sóng người di cư băng qua đất nước này để tới Mỹ.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, hơn 84.490 người đã vào Costa Rica qua biên giới phía Nam trong tháng 8, tăng 55% so với tháng trước đó. Số lượng người di cư băng qua Darien Gap, nơi được mệnh danh là khu rừng “tử thần” nối Panama và Colombia, đã phá kỷ lục mới trong năm nay. Theo các nhà chức trách, tính đến năm 2023 đã có 248.901 người tìm cách vượt qua khu rừng này. Trẻ em và thanh thiếu niên chiếm khoảng 20% trong số đó.

Hồi tháng 8/2023, Tổng thống Chavez đến Mỹ gặp người đồng cấp Joe Biden để thảo luận về vấn đề di cư và các vấn đề khác.

Costa Rica nằm trong số nhiều quốc gia chuẩn bị mở văn phòng di chuyển an toàn, một sáng kiến mới của chính quyền Tổng thống Biden hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm thành lập các trung tâm xử lý trực tiếp cho người di cư nộp đơn xin di cư hợp pháp sang Mỹ tại các quốc gia lân cận thay vì phải đến tận biên giới Mỹ để được giải quyết hồ sơ.

Tính đến ngày 28/8/2023, hơn 38.000 cá nhân đã đăng ký ở Colombia, Costa Rica và Guatemala - ba nước tham gia sáng kiến “di chuyển an toàn”.

Nguồn: baotintuc.vn

8. Bộ trưởng Nga tiết lộ BRICS sẽ thảo luận giải pháp thay thế SWIFT

Bộ trưởng Tài chính Nga nêu rõ: “Chúng tôi đang cố gắng ra mắt hệ thống tin nhắn tài chính có tên SPFS. Các đồng nghiệp Trung Quốc đã có hệ thống riêng, các quốc gia BRICS khác cũng sở hữu hệ thống riêng hoặc đang thiết lập. Đây là lý do vấn đề này sẽ được các cơ quan quản lý tiền tệ và tài chính của các quốc gia thành viên BRICS thảo luận. Vào năm tới, đây sẽ là một trong những vấn đề nằm trong chương trình nghị sự thuộc cuộc họp của BRICS”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi Bộ Tài chính Nga hiện đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác tài chính với các nước Global South (nhóm các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á), ông Siluanov trả lời rằng Moskva đang xóa bỏ mọi quan hệ từ phương Tây và xu hướng này sẽ tiếp tục tồn tại trong tương lai.

Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 8 vừa qua đã quyết định mời 6 quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập khối này. BRICS có tổng số dân chiếm 40% dân số thế giới và tổng GDP chiếm 25% GDP toàn cầu.

Nguồn: baotintuc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 267
  • Trong tuần: 3 274
  • Tất cả: 8761565

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn