Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 02/10 - 6/10/2023

1.Tầm quan trọng của ASEAN trong định hình trật tự thế giới dựa trên luật lệ

Trật tự thế giới đang đối mặt với rủi ro phân mảnh, do vậy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần đóng vai trò lớn hơn trong thiết lập trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đó là nhận định của giới chuyên gia tại Hội nghị ASEAN lần thứ 38 diễn ra tại Singapore ngày 3/10. Đây là hội nghị thường niên do Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak tổ chức, với sự tham dự của trên 200 nhà ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của quốc tế và khu vực, nhằm thảo luận về những biến chuyển trong môi trường địa chính trị khu vực, quốc tế, những tác động với trật tự thế giới hiện hành và với ASEAN, cũng như tìm kiếm những giải pháp cho ASEAN.

Ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện ISEAS Yusof Ishak, cho biết hội nghị là diễn đàn thảo luận về vai trò của ASEAN trong việc định hình tương lai của Đông Nam Á và điều hướng trật tự toàn cầu có nguy cơ bị phân mảnh. Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, với các cường quốc triển khai các sáng kiến và cách tiếp cận của riêng họ đối với khu vực, như Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc hoặc các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau, tất cả đều có tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh thế giới đang bị phân mảnh và tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên thế giới bị phân mảnh. Theo ông, điều rõ ràng là vai trò của ASEAN ngày nay đã lớn hơn nhiều so với những ngày đầu thành lập. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, ASEAN hơn bao giờ hết cần đoàn kết và khẳng định, duy trì được vai trò, tầm quan trọng của ASEAN trong định hình một trật tự thế giới giúp mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.

Với chủ đề “ASEAN trong một trật tự thế giới phân mảnh”, Hội nghị ASEAN lần thứ 38 bao gồm các phiên thảo luận về các động lực của sự phân mảnh hiện nay, sự hội nhập kinh tế của khu vực, cách thức kiểm soát các điểm nóng của khu vực và ASEAN trong một thế giới đa cực. Hội nghị cũng đi sâu thảo luận về chính sách của Mỹ và Trung Quốc với khu vực, khuyến nghị cách tiếp cận và điều hướng của ASEAN, cũng như những điểm nóng tiềm tàng tại khu vực. 

Giới chuyên gia đồng quan điểm cho rằng trật tự thế giới đang đối mặt với sự phân mảnh ngày càng lớn do chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Toàn cầu hóa với những thành tựu đạt được trong 3 thập kỷ qua hiện có nguy cơ bị mất bởi sự phân tách kinh tế, có thể cảm nhận được từ sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng hay các lệnh cấm xuất khẩu của nhiều quốc gia....

Đối mặt với các thách thức này, ASEAN đã và đang duy trì được vai trò trung tâm với tư cách là một diễn đàn chủ chốt cho đối thoại và hợp tác ở Đông Nam Á. Khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng và sự can dự của các nước lớn đối với khu vực vì thế cũng gia tăng.

Nguồn: baotintuc.vn

2.Mỹ thêm 42 công ty Trung Quốc vào danh sách đen

Bộ Thương mại Mỹ bổ sung 42 công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu của chính phủ vì cho rằng các công ty này hỗ trợ cho Nga.

Những công ty nằm trong danh sách đã cung cấp các mạch tích hợp có nguồn gốc từ Mỹ cho các công ty Nga có liên kết với lĩnh vực quốc phòng. Bộ Thương Mại Mỹ cũng sẽ đưa vào danh sách đen 7 thực thể khác từ Phần Lan, Đức, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Vương quốc Anh.

Ngày 3/10, Ukraine thêm 3 tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc vào danh sách đen, cáo buộc 3 công ty này ủng hộ Moskva bằng cách yêu cầu các công ty con ở Nga phải nộp thuế.

Cơ quan Ukraine gọi danh sách đen là  "công cụ uy tín mạnh mẽ", có tác dụng đe dọa các công ty ngừng kinh doanh với Nga bằng cách nâng mức xếp hạng rủi ro của họ trong cơ sở dữ liệu World Check - được các ngân hàng và công ty bảo hiểm sử dụng.

Nguồn: vtc.vn

3. Việt Nam kiên quyết lên án hành động khủng bố dưới mọi hình thức

Ngày 2/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Ủy ban pháp lý (Ủy ban 6) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã khai mạc và tiến hành thảo luận nội dung "các biện pháp để loại trừ khủng bố quốc tế" với sự tham dự, phát biểu của hơn các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực.

Trong cuộc họp, đại diện đa số các nước đều cho rằng khủng bố vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với hòa bình, an ninh quốc tế, cũng như sự phát triển ổn định, bền vững ở nhiều quốc gia.

Ở một số khu vực, các nhóm khủng bố không ngừng tìm kiếm các phương thức hoạt động mới, đẩy mạnh việc lợi dụng các công nghệ thông tin, câu kết với tội phạm xuyên quốc gia để tiến hành các hoạt động khủng bố.

Theo đó, các nước nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố và đề cao các nỗ lực của Liên hợp quốc trong vấn đề này.

Các biện pháp chống khủng bố cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, không áp dụng tiêu kép và các biện pháp trừng phạt đơn phương trong vấn đề khủng bố.

Tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết lên án khủng bố dưới bất kỳ hình thức và với động cơ nào.

Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế.

Với ý nghĩa đó, Việt Nam phản đối việc áp dụng tiêu chuẩn kép trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Về các giải pháp nhằm đối phó hiệu quả với chủ nghĩa khủng bố, đại diện Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng bố, cải thiện tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, xã hội và chính trị, nâng cao sự tự cường của cộng đồng, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế ở cả cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, với sự tham gia của các bên liên quan.

Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, gồm đại diện của tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có chức năng xem xét các vấn đề pháp lý, luật pháp quốc tế.

Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, Ủy ban 6 dự kiến thảo luận 27 đề mục, trong đó có đề mục "các biện pháp loại trừ khủng bố quốc tế".

Nguồn: nhandan.vn

4. Kinh tế thế giới đang ở 'ngã ba đường' với rất nhiều khó khăn

UNCTAD nhận định kinh tế thế giới trì trệ và tăng trưởng bắt đầu chậm lại ở hầu hết các khu vực từ năm 2022 và chỉ một số ít các quốc gia có thể đi ngược xu hướng này.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4% trong năm 2023, giảm so với mức 3% của năm 2022 và ít có dấu hiệu hồi phục trong năm 2024. Kinh tế thế giới đang ở "ngã ba đường" với các hướng tăng trưởng khác nhau, bất bình đẳng gia tăng, thị trường ngày càng thu hẹp và gánh nặng nợ công chồng chất phủ bóng lên triển vọng kinh tế.

Quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 có sự khác biệt giữa các nền kinh tế. Trong khi một số nền kinh tế như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga và Mỹ tiếp tục nỗ lực duy trì đà hồi phục thì những nền kinh tế khác gặp phải các khó khăn không nhỏ.

Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và thiếu phối hợp chính sách, sự khác biệt này làm gia tăng quan ngại về con đường tiến về phía trước của nền kinh tế thế giới.
Theo báo cáo trên, cần có các cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, các chính sách thực tế hơn để kiềm chế lạm phát, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và nợ công cũng như các biện pháp tăng cường giám sát các thị trường quan trọng.
UNCTAD cũng hối thúc đảm bảo các thị trường minh bạch và được quản lý tốt để hệ thống thương mại toàn cầu công bằng hơn.

Tổng Thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng để bảo vệ kinh tế thế giới trước những cuộc khủng hoảng hệ thống trong tương lai, thế giới cần tránh các sai lầm chính sách trong quá khứ và ủng hộ chương trình nghị sự cải cách tích cực.
Thế giới cần một bộ chính sách cân bằng về tài khóa, tiền tệ và các biện pháp liên quan nguồn cung để đạt được trạng thái tài chính bền vững, thúc đẩy đầu tư có hiệu quả và tạo ra những việc làm tốt hơn. Cần có cơ chế quản lý phù hợp để giải quyết tình trạng bất đối xứng ngày càng rõ nét giữa hệ thống thương mại và hệ thống tài chính quốc tế.

Trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chỉ có Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico và Nga dự kiến sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, kinh tế Nga được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt là 2,2% và 2% cho năm 2023 và 2024.

Nguồn: tuyengiao.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 258
  • Trong tuần: 3 265
  • Tất cả: 8761556

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn