Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 9/10 - 13/10/2023

1. Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026

Ngày 10/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã họp để bầu ra 15 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2024-2026, gồm Indonesia, Kuwait, Trung Quốc, Nhật Bản, Cuba, Brazil, Cộng hòa Dominicana, Hà Lan, Pháp, Albania, Bulgaria, Malawi, Côte d'Ivoire, Ghana, Burundi.

Indonesia là ứng cử viên do ASEAN giới thiệu đã đạt được số phiếu cao nhất là 186 phiếu. Cuba là quốc gia Mỹ Latinh nhận số phiếu cao nhất (146 phiếu).

15 nước mới được bầu dự kiến sẽ bắt đầu nhiệm kỳ Hội đồng Nhân quyền từ ngày 1/1/2024 cùng với các thành viên đương nhiệm là Algeria, Argentina, Bangladesh, Bỉ, Benin, Cameroon, Chile, Costa Rica, Eritrea, Phần Lan, Gambia, Georgia, Đức, Honduras, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lithuania, Luxembourg, Malaysia, Maldives, Montenegro, Maroc, Paraguay, Qatar, Romania, Somalia, Nam Phi, Sudan, UAE, Mỹ và Việt Nam.

Như vậy, trong năm 2024 có 2 nước ASEAN là thành viên Hội đồng Nhân quyền là Việt Nam và Indonesia.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã gửi lời chúc mừng đến các nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền và bày tỏ mong muốn của Việt Nam, với vai trò là nước đương nhiệm, đẩy mạnh hợp tác và cùng với các nước thành viên mới nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan này trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong thời gian tới.

Nguồn: nhandan.vn

2. Quốc hội Mỹ kêu gọi sẵn sàng cho xung đột với Nga và Trung Quốc

Ủy ban vị thế chiến lược Quốc hội Mỹ cho rằng, Washington nên mở rộng kho vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

 “Mỹ và các đồng minh phải sẵn sàng ngăn chặn và đánh bại cả hai đối thủ cùng một lúc. Trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo và các giá trị mà nó đề cao đang gặp nguy hiểm đến từ Trung Quốc và Nga”, báo cáo của Ủy ban vị thế chiến lược Quốc hội Mỹ có đoạn.

Mặc dù ủy ban trên chưa xác định được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào về việc Nga và Trung Quốc hợp tác cùng nhau, nhưng vẫn thể hiện sự lo ngại có thể có sự phối hợp cuối cùng giữa hai nước này theo một cách nào đó. Điều này có thể dẫn đến hai cuộc xung đột cùng lúc.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, chiến lược an ninh quốc gia hiện nay của Mỹ đặt ra yêu cầu đánh bại một đối thủ lớn trong khi răn đe một đối thủ khác.

Ủy ban vị thế chiến lược lập luận rằng mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào năm 2027, vì vậy “cần phải đưa ra quyết định ngay bây giờ để nước Mỹ có sự chuẩn bị”.

Quốc hội Mỹ cũng yêu cầu mua sắm số lượng lớn máy bay ném bom tàng hình B-21 và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia. B-21 vẫn đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất vào năm 2027. Hai tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên đang được đóng và dự kiến vào năm 2030. Hải quân Mỹ dự kiến đặt mua 12 chiếc, để thay thế 18 tàu lớp Ohio hiện đang phục vụ.

Phó Chủ tịch Ủy ban vị thế chiến lược, cựu Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jon Kyl lập luận rằng, chi tiêu quân sự cao hơn chỉ là một cái giá nhỏ để “hy vọng ngăn chặn” một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra và rằng Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ cần phải “thực hiện các biện pháp cần thiết".

FAS lưu ý, lý do duy nhất khiến ủy ban không tranh luận về việc mở rộng ngay lập tức kho dự trữ hạt nhân của Mỹ “là tổ hợp sản xuất vũ khí hiện không có khả năng làm như vậy”. FAS cho rằng không cần thiết phải có một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân miễn là Mỹ có đủ tàu ngầm để tạo ra khả năng răn đe đáng tin cậy trước cuộc tấn công đầu tiên của đối thủ.

Nguồn: vtc.vn

3. Xung đột Hamas - Israel: Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp chính trị

Ngày 12/10, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt đã kêu gọi giảm căng thẳng trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.

Trong tuyên bố, bà Huitfeldt nhấn mạnh không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột và cách duy nhất để đạt được hòa bình là khởi động lại tiến trình chính trị. Na Uy hối thúc cộng đồng quốc tế duy trì viện trợ tài chính cho người dân Palestine. Theo bà, tình hình hiện nay sẽ xấu đi nếu cộng đồng quốc tế dừng hoặc giảm viện trợ vào giai đoạn quan trọng này.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố đang phối hợp với giới chức Israel và các đối tác để đưa công dân về nước an toàn, đồng thời nhấn mạnh cách duy nhất để chấm dứt bạo lực là đảm bảo an ninh của Israel và thiết lập nhà nước của người dân Palestine.

Pháp là quốc gia có cộng đồng Do Thái lớn nhất tại châu Âu với hàng nghìn người hai quốc tịch đang sinh sống tại Israel và là quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất Tây Âu.

Tại Anh, Văn phòng Thủ tướng cho biết chính phủ nước này sẽ điều 2 tàu Hoàng gia Anh và máy bay tuần tra đến Đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel. 

Trong tuyên bố, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nêu rõ việc triển khai khí tài này sẽ củng cố các nỗ lực nhằm đảm bảo ổn định trong khu vực và ngăn căng thẳng leo thang. Trong đợt hỗ trợ lần này, Anh sẽ điều động máy bay P8, tàu Hải quân Hoàng gia RFA Lyme Bay và RFA Argus, 3 trực thăng merlin cùng một nhóm Thủy quân lục chiến Hoàng gia.

Máy bay giám sát và tuần tra trên biển sẽ bắt đầu hoạt động từ ngày 13/10 nhằm theo dõi các mối đe dọa đối với ổn định khu vực. Ông Sunak nhấn mạnh các nhóm quân sự và ngoại giao của Anh tại khu vực sẽ hỗ trợ các đối tác quốc tế nhằm thiết lập lại an ninh và đảm bảo viện trợ nhân đạo cho những người chịu ảnh hưởng của xung đột.

Theo kế hoạch, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)  Ursula von der Leyen  và Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola sẽ tới Israel trong ngày 13/10. Tuyên bố của EC nêu rõ các lãnh đạo EU muốn gặp gỡ với ban lãnh đạo của Israel và thể hiện sự ủng hộ với quốc gia Do Thái này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ tới Israel trong ngày 13/10 để gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Dự kiến trong chuyến thăm, ông Austin sẽ gặp gỡ các quan chức quốc phòng và Chính phủ khẩn cấp của Israel.

Về công tác sơ tán, Nhà Trắng cho biết đang xúc tiến tổ chức các chuyến bay thuê để giúp công dân Mỹ rời Israel trong bối cảnh số người Mỹ thiệt mạng trong xung đột tăng lên 27 người và số người mất tích là 14 người. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby  nêu rõ kể ngày 13/10, Chính phủ Mỹ sẽ sắp xếp các chuyến bay thuê để đưa công dân từ Israel sang một số địa điểm tại châu Âu.  

Nguồn: baotintuc.vn

4. NATO thảo luận về hỗ trợ Ukraine

Ngày 11/10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO đã diễn ra tại Brussels (Bỉ), với vấn đề hỗ trợ quân sự cho Ukraine là một trong những nội dung thảo luận chính.

Trong khi đó, Anh và 5 nước Bắc Âu (gồm Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển, Iceland và Litva) công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 100 triệu bảng Anh (khoảng 123 triệu USD), gói hỗ trợ mới sẽ cung cấp thiết bị giúp các lực lượng Ukraine rà phá bom mìn, phá hủy các chướng ngại vật và xây dựng các vị trí phòng thủ để bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Mỹ đang chuẩn bị cung cấp 200 triệu USD viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine, dù Quốc hội đã loại trừ khoản viện trợ mới cho Kiev trong dự luật chi tiêu tạm thời mới được thông qua. Gói viện trợ gồm các vũ khí phòng không, như tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, đạn cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), tên lửa chống tăng TOW...

Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder cũng cho biết, Bỉ sẽ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine từ năm 2025. Tuy nhiên, ông Ludivine Dedonder không cho biết thông tin về số lượng máy bay.

Nguồn: nhandan.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 3 087
  • Tất cả: 8761713

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn