Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 23/10 - 27/10/2023

1. Xung đột Hamas - Israel: Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc bế tắc trong việc đưa ra nghị quyết

Dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất đã không được nhất trí thông qua tại Hội đồng Bảo an khi chỉ có 10 quốc gia tán thành. Nga, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là những nước phản đối, trong khi Brazil và Mozambique bỏ phiếu trắng. Mỹ kêu gọi các bên liên quan xung đột tại Dải Gaza ngừng ngay lập tức vụ tấn công bạo lực để mở đường cho khu vực này tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo. Washington cũng thể hiện sự ủng hộ quyền tự vệ của "tất cả các quốc gia" trong giới hạn của luật pháp quốc tế.

Đây là lần thứ hai HĐBA LHQ không thể nhất trí về dự thảo nghị quyết về cuộc xung đột Hamas - Israel. Ngày 16/10, bản dự thảo do Nga đề xuất cũng đã vấp phải sự phủ quyết của Mỹ, Anh, trong khi Pháp và Nhật Bản nằm trong số các nước bỏ phiếu trắng. Bản dự thảo này kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn, lâu dài và tôn trọng quyền con người, đồng thời lên án mọi hành vi bạo lực và thù địch nhằm vào dân thường.

Khác với dự thảo của Nga, văn bản do Mỹ soạn thảo lần này không kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn. Các nguồn tin ngoại giao cũng cho biết các quốc gia Arab đang nghiên cứu soạn thảo một nghị quyết mới, có thể sẽ được biểu quyết trong tuần này.

Nguồn: baotintuc.vn

2. Nga lần đầu bắn hạ 2 tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất

Ngày 24/10, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không Nga bắn hạ 2 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất.

Ngày 25/10 Bộ Quốc phòng Nga cho biết "Trong khoảng thời gian 24 giờ qua, phòng không Nga đã đánh chặn hai tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất, một tên lửa đất đối không S-200 được chuyển đổi để tấn công các mục tiêu mặt đất, 2 tên lửa tác chiến điện tử HARM và 2 tên lửa phóng loạt HIMARS".

Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga còn bắn rơi 2 máy bay MiG-29 của Ukraine, một máy bay tấn công Su-25 và một máy bay huấn luyện L-39.

Trước đó, Mỹ thông báo chuyển giao tên lửa ATACMS cho Ukraine, có tầm bắn lên tới 165 km. Ngoại trưởng Ukraine cho biết Kiev sẽ thường xuyên nhận được tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp.

Kiev từng nhiều lần yêu cầu Mỹ viện trợ hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS, nhấn mạnh loại vũ khí này có thể thay đổi tiến trình cuộc xung đột hiện nay với Nga. 

Các quan chức Mỹ ban đầu từ chối yêu cầu này vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại rằng điều đó có thể làm leo thang căng thẳng, đẩy Mỹ can dự sâu vào xung đột.

Mỹ gửi hơn 40 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm ngoái. Kho vũ khí do Mỹ cung cấp đã mở rộng về quy mô và phạm vi theo thời gian, từ vũ khí hạng nhẹ và tên lửa chống tăng cho đến xe tăng chiến đấu Abrams tiên tiến - dự kiến sẽ được giao vào mùa thu này.

ATACMS có nhiều phiên bản khác nhau với tầm bắn từ 160km đến 350km. Phiên bản ATACMS mà Mỹ chuyển cho Ukraine có tầm bắn khoảng 160km, xa hơn gấp đôi so với số vũ khí mà Mỹ đã gửi trước đó. Chính quyền Mỹ từng lưỡng lự khi viện trợ ATACMS cho Ukraine do lo ngại nguy cơ leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột. 

Các quan chức Nga chỉ trích gay gắt động thái của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Moskva có các phương tiện để đánh chặn ATACMS và việc chuyển giao này sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình của các hoạt động quân sự đặc biệt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi động thái của Mỹ là “sai lầm” sẽ “tạo thêm mối đe dọa”. Tuy nhiên, ông Putin tuyên bố quân đội Nga “sẽ đẩy lùi” ATACMS và các loại vũ khí này sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường .

Ukraine đã nhận được tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và Scalp từ Anh và Pháp, vốn được sử dụng để tấn công các mục tiêu bao gồm cơ sở hạ tầng dân sự ở Donbass và bán đảo Crimea.

Nguồn: vtc.vn

3. ASEAN thúc đẩy vai trò của Liên hợp quốc trong sử dụng khoảng không ngoài vũ trụ

Đại diện Việt Nam khẳng định ASEAN ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc, nhất là Đại hội đồng, trong việc đảm bảo sử dụng và khai thác khoảng không ngoài vũ trụ một cách hòa bình, vì lợi ích chung.

Ngày 24/10, tại New York (Mỹ), Ủy ban các Vấn đề Chính trị Đặc biệt và Phi Thực dân hóa (Ủy ban 4) của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã tổ chức phiên thảo luận chung về hợp tác quốc tế trong sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ với phát biểu của đại diện gần 40 nhóm nước và quốc gia.

Phát biểu thay mặt Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tham tán Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã nhấn mạnh quan điểm chung của ASEAN về việc bảo đảm quyền tiếp cận của mọi quốc gia đối với khoảng không ngoài vũ trụ vì mục đích hòa bình và lợi ích chung của nhân loại.

ASEAN chia sẻ quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ chạy đua vũ trang, ô nhiễm môi trường, gia tăng rác thải và các thách thức khác đối với sự ổn định, bền vững lâu dài của khoảng không ngoài vũ trụ.

ASEAN đánh giá cao các nỗ lực nhằm tăng cường hiểu biết về an ninh vũ trụ, củng cố các khung pháp lý và nâng cao năng lực quản trị đối với các hoạt động ngoài khoảng không vũ trụ.

Đại diện Việt Nam khẳng định ASEAN ủng hộ tăng cường vai trò của Liên hợp quốc, nhất là Đại hội đồng, trong việc đảm bảo sử dụng và khai thác khoảng không ngoài vũ trụ một cách hòa bình, mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia. ASEAN nhấn mạnh các bên tham gia hoạt động trong khoảng không ngoài vũ trụ có trách nhiệm tuân thủ các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng, cũng như các nguyên tắc chung được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực không gian ngoài vũ trụ.

ASEAN kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc, nhất là các nước phát triển, đóng góp tài chính nhiều hơn nữa cho Chương trình Liên hợp quốc về Sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ.

ASEAN kêu gọi các bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, thăm dò khoảng không ngoài vũ trụ vì mục đích hòa bình và phát triển bền vững, trong đó chú trọng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các quốc gia đang phát triển.

ASEAN cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đồng bộ hóa, gắn kết các chương trình nghiên cứu, thăm dò khoảng không ngoài vũ trụ với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

ASEAN ủng hộ các sáng kiến tăng cường hợp tác với các đối tác ngoài khu vực nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn bảo đảm sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ trong tương lai.

Ủy ban các Vấn đề Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có chức năng xem xét, thảo luận các vấn đề liên quan phi thực dân hóa, thông tin, hợp tác quốc tế trong sử dụng hòa bình khoảng không ngoài vũ trụ, vấn đề Palestine.

Nguồn: tuyengiao.vn

4. Israel bác lời kêu gọi ngừng bắn, loạt căn cứ Mỹ ở Trung Đông bị tập kích

Hàng loạt vụ tấn công nhắm vào tiền đồn Mỹ ở Iraq và Syria trong tuần qua khiến 20 binh sĩ Mỹ bị thương, trong khi Israel bác lời kêu gọi ngừng bắn ở dải Gaza.

Liên hợp quốc, Palestine và nhiều quốc gia khác đã đưa ra yêu cầu ngừng bắn tại cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Israel Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho rằng nước này "có quyền tiêu diệt Hamas". Cuộc tấn công của Hamas cướp đi sinh mạng của 1.400 người và các hành động đáp trả của Israel khiến hơn 5.700 người Palestine thiệt mạng ở dải Gaza.

Mới đây, quân đội Mỹ đã bị máy bay không người lái và tên lửa tấn công ít nhất 10 lần ở Iraq và 3 lần ở Syria kể từ ngày 17/10. Washington cáo buộc lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, song không đưa ra được bằng chứng.

Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), lực lượng giám sát các chiến dịch của quân đội Mỹ tại những nước như Syria và Afghanistan cho biết, 20 lính Mỹ bị thương khi hai máy bay không người lái tấn công nhắm vào căn cứ quân sự al-Tanf ở miền nam Syria. 

Cũng theo CENTCOM, 4 nhân viên Mỹ khác bị thương trong hai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào lực lượng Mỹ được triển khai tại căn cứ al-Asad ở miền Tây Iraq. 

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói Tehran đang "tích cực tạo điều kiện" cho các cuộc tấn công này, đồng thời cáo buộc Iran cũng hỗ trợ lực lượng dân quân Hamas và Hezbollah trong cuộc xung đột với Israel.

Mỹ duy trì khoảng 2.500 quân ở Iraq, trong khi có tới 1.000 lính Mỹ đang được triển khai ở Syria.

Nguồn: baotintuc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 300
  • Trong tuần: 3 307
  • Tất cả: 8761598

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn