Tình hình thế giới đáng chú ý
Từ ngày 27/11 - 01/12/2023

1. Hòa bình và an ninh cho châu Phi

Diễn đàn quốc tế Dakar về hòa bình và an ninh ở châu Phi lần thứ 9 đã khai mạc tại thị trấn Diamniadio, gần thủ đô Dakar của Senegal. Trong bối cảnh các cuộc xung đột làm suy yếu những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của châu Phi, diễn đàn là sự kiện quan trọng để các nhà lãnh đạo châu Phi tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại nhằm ngăn chặn bạo lực, duy trì sự ổn định của châu lục.

Với chủ đề “Tiềm năng và giải pháp của châu Phi trước những thách thức an ninh và bất ổn thể chế”, Diễn đàn quốc tế Dakar thu hút sự tham gia của khoảng 400 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo, các chuyên gia và nhà nghiên cứu của châu Phi.

Những cuộc đảo chính liên tiếp ở châu Phi thời gian gần đây đang đe dọa đảo ngược quá trình dân chủ hóa mà châu lục này tiến hành trong hai thập niên qua. Hàng loạt cuộc chính biến xảy ra tại các nước Guinea, Mali, Burkina Faso, Niger, Gabon. Xung đột và đảo chính xảy ra thường xuyên khiến châu Phi trở nên kém ổn định, tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư và khiến tình hình kinh tế của các quốc gia xảy ra đảo chính trở nên tồi tệ hơn. Bất ổn chính trị càng làm thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng nghiêm trọng hơn, đẩy các nước châu Phi vào vòng luẩn quẩn không có lối thoát.

Xung đột vũ trang lan rộng cũng thúc đẩy các nhóm tội phạm tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng, nhất là tại khu vực Tây Phi. Tình trạng trộm cắp gia súc và bắt cóc đòi tiền chuộc làm suy yếu sự ổn định trong khu vực.

Những con số nêu trên phản ánh tác động của xung đột, cũng như dịch bệnh, nghèo đói, khí hậu cực đoan và bất ổn chính trị gia tăng ở Lục địa đen. Xung đột, dịch bệnh, nghèo đói dẫn tới tình trạng di dời cưỡng bức, tuyển dụng cưỡng bức (như binh lính trẻ em), các hình thức nô lệ hiện đại và sự gián đoạn trong cấu trúc xã hội, gia đình ở châu Phi. Ðây đều là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn người và các loại hình tội phạm khác. Bất ổn chính trị ở Mali, Burkina Faso và Niger đã dẫn tới tình trạng gia tăng bạo lực ở các nước này.

Xung đột, bạo lực lan rộng khắp vùng Sahel, dải đất nằm giữa sa mạc Sahara ở phía bắc và khu vực thảo nguyên ở phía nam châu Phi, tạo nên thảm họa với dân thường trong khu vực. Châu Phi phải chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.

Xung đột, chia rẽ về kinh tế, sắc tộc, bất ổn an ninh là căn bệnh trầm kha của châu Phi, trở thành những mồi lửa châm ngòi cho bất ổn, bạo lực và khủng hoảng.

Ðiều các nhà lãnh đạo châu Phi cần làm hiện nay là củng cố niềm tin với người dân, xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng, nêu cao tinh thần trách nhiệm và có những quyết sách nhằm cải thiện điều kiện kinh tế và đời sống của người dân, mang lại sự ổn định trong xã hội. Ðó cũng là nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn quốc tế Dakar lần này.

Nguồn: nhandan.vn

2. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành cuộc họp cấp cao về Gaza

Ngày 29/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp để thảo luận về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas, cũng như những diễn biến căng thẳng tại khu vực Trung Đông.

Đây là cuộc họp đầu tiên của cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc sau khi thông qua một nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo.

Lệnh ngừng bắn với Phong trào Hamas sẽ được Israel tiếp tục gia hạn dựa trên nỗ lực của các nhà hòa giải trong việc tiếp tục quá trình giải phóng con tin và tuân theo điều khoản thỏa thuận.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh việc các bên phải đạt được một lệnh ngừng bắn nhân đạo và trả tự do cho tất cả con tin.

Trong khi đó, điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Tor Wennesland cho biết cuộc khủng hoảng tài chính của Chính quyền Palestine đang ngày càng trầm trọng trong bối cảnh xung đột leo thang và Israel siết chặt việc phong tỏa vùng lãnh thổ này.

Ngoại trưởng Nhà nước Palestine Riyad Al-Maliki thì cho biết hơn 15.000 người Palestine, trong đó có khoảng 10.000 phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng do giao tranh hiện nay.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra trong bối cảnh lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Israel và Hamas sắp kết thúc, sau 6 ngày thực thi nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và trả tự do cho các con tin.

Nguồn: vietnamplus.vn

3. Israel và Hamas gia hạn ngừng bắn thêm 24 giờ

 Israel và Hamas đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn thêm ít nhất một ngày, vài phút trước khi lệnh ngừng bắn kéo dài 6 ngày hết hạn.

Ngày 30/11 Quân đội Israel cho biết, việc tạm dừng giao tranh ở dải Gaza sẽ tiếp tục “do nỗ lực của các nhà hòa giải nhằm tiếp tục quá trình giải phóng con tin".

Trong khi đó, Hamas cũng cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận nhằm gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời, lệnh ngừng bắn sẽ được kéo dài thêm 24 giờ nữa.

Qatar - quốc gia đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai bên, cho biết thỏa thuận này đang được gia hạn theo các điều khoản tương tự như trước đây. Theo đó, Hamas thả 10 con tin Israel mỗi ngày để đổi lấy 30 tù nhân Palestine.

Trước thời hạn ngừng bắn, Hamas đã ra lệnh cho chiến binh sẵn sàng chiến đấu. Trong khi quân đội Israel cho biết họ đã chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến ở dải Gaza.

Đây là lần gia hạn thứ hai của lệnh ngừng bắn kéo dài 4 ngày đầu tiên. Theo thoả thuận ngừng bắn, 70 người Israel, 3 công dân Israel có hai quốc tịch và 24 công dân nước ngoài cũng đã được thả. Đổi lại, 210 người Palestine đã được trả tự do khỏi các nhà tù của Israel.

Theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 4 ngày ban đầu, Hamas sẽ thả tổng cộng 50 phụ nữ và trẻ em Israel bị bắt làm con tin ở Gaza. Không có giới hạn nào trong thỏa thuận về số lượng người nước ngoài được trả tự do.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trên đường tới Israel. Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông sẽ tập trung vào việc kéo dài thời gian tạm dừng giao tranh ở Gaza "để tiếp tục đưa thêm con tin ra ngoài và hỗ trợ nhân đạo nhiều hơn".

Ngoại trưởng Blinken cho biết ông cũng tin rằng việc gia hạn lệnh tạm dừng là điều mà Tel Aviv mong muốn vì "Israel cũng đang tập trung cao độ vào việc đưa người dân về nước". Ông Blinken sẽ thảo luận vấn đề này trong các cuộc gặp với các quan chức Israel trong những ngày tới.

Nguồn: vtc.vn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 318
  • Trong tuần: 3 325
  • Tất cả: 8761616

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn