Trung ương Cục miền Nam - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng
Cách trung tâm thành phố Tây Ninh, theo Quốc lộ 22B khoảng 60km, Đoàn công tác chúng tôi đến thăm Di tích Trung ương Cục miền Nam - vùng đất “thép” Tây Ninh thuộc khu vực rừng Rùm Đuôn, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên (sát biên giới Việt Nam - Campuchia). Nơi đây đã được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cho một số cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam nước ta trong những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. 

Với những tên gọi khác như: R (mật danh của Trung ương cục miền Nam); căn cứ Chàng Riệc (gọi theo tên khu rừng đặt căn cứ); căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam trong một thời gian dài); căn cứ địa Bắc Tây Ninh. Dù với tên gọi nào, Trung ương Cục vẫn là một căn cứ cách mạng, là một bộ phận của Ban chấp hành Trung ương Đảng, có nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam đặt tại Nam Bộ.

Đoàn công tác nghe thuyết minh về lịch sử Trung ương Cục miền Nam

Trung ương Cục miền Nam được thành lập lần 01 vào ngày 19/02/1951, đến tháng 10/1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam để thành lập Xứ ủy Nam Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuối năm 1955, tại các địa phương thuộc vùng địch tạm chiếm, các tổ chức Đảng phải trở lại hoạt động bí mật. Sau Phong trào Đồng Khởi năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã chuyển thành một cuộc chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã tái lập vào ngày 23/01/1961, đóng tại Suối Nhum - Mã Đà, Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Nhân sự lãnh đạo Trung ương Cục lúc này gồm 8 người,  do đồng chí Nguyễn Văn Linh (tức Mười Cúc) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ làm Bí thư Trung ương Cục. Qua từng giai đoạn, Trung ương Cục miền Nam được mang nhiều tên gọi (mật danh) khác nhau như A9, M40, K89, Ba Đình…

Do bối cảnh, điều kiện đặc biệt thời kháng chiến, cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã phải di chuyển vị trí trú đóng trên 30 lần. Sau thời gian chiến đấu ở Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam được chuyển về khu B - Bắc Tây Ninh, vì Tây Ninh là địa bàn chiến lược quan trọng, với địa hình rừng núi trải rộng, nối liền cực Nam Trung Bộ với đồng bằng Tây Nam Bộ, đặc biệt là Nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước. Đó là điều kiện thuận lợi để hình thành căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Hiện nay, với diện tích khoảng 70ha, khu di tích lịch sử gồm ba phân khu chính là: căn cứ Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong đó, khu Trung ương Cục sau khi trùng tu được quy hoạch thành hai khu vực chính là khu di tích đã phục hồi gồm: nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cùng hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu và hầm hàm ếch, phân bố đều trên toàn tuyến.

Đến thăm căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi được nghe thuyết minh về quá trình xây dựng và phát triển khu căn cứ cũng như phong trào cách mạng miền Nam qua các thời kỳ. Tại đây còn có “sa bàn” về toàn bộ khu căn cứ giúp chúng tôi có thể hình dung khái quát về chiến khu xưa. Những hiện vật đơn sơ, bình dị liên quan đến sinh hoạt trong chiến khu thời lửa đạn nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa: bàn làm việc mộc mạc của các đồng chí lãnh đạo, chiếc bật lửa được làm bằng vỏ quả lựu đạn, chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay Mỹ… Tất cả như tái hiện lại thời kỳ sống và làm việc gian khổ, một giai đoạn đấu tranh anh dũng trong lịch sử cách mạng miền Nam. Qua đó, giúp chúng ta càng thấu hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam thời đánh Mỹ.

Rời nhà trưng bày, theo con đường nhỏ quanh co uốn lượn, chúng tôi tới thăm khu nhà lá đơn sơ ẩn mình trong những rừng cây rậm rạp, bao gồm: nhà hội họp tập thể, nhà ở của các cán bộ cao cấp, nhà ở của chiến sĩ và các ban, ngành. Đây là nơi mà ba đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao khác như: Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung… đã từng sống và làm việc. Tất cả căn nhà này đều được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân (lá trung quân rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng, đặc biệt rất khó cháy). Trong nhà, các vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn… đều được để đúng vị trí như trước đây. Tại đây mỗi người thắp một nén tâm nhang tưởng niệm những bậc tiền bối đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng những thành tích, chiến công của các vị thì vẫn còn sống mãi với thời gian. Chúng tôi ai cũng bồi hồi xúc động về một thời kỳ cách mạng đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng thật oai hùng của thế hệ đi trước. Từ sự mưu trí, dũng cảm, tận dụng yếu tố địa lý, địa hình của tự nhiên nên mặc dù trong chiến tranh nhiều lần bị địch đánh phá ác liệt nhưng căn cứ Trung ương Cục vẫn được bảo vệ vững chắc và trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, trí thông minh, tài thao lược của quân và dân Việt Nam.

Trung ương Cục miền Nam là nơi ghi lại những chiến công vẻ vang, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các thế hệ chiến sĩ Công an. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban An ninh luôn là cơ quan trực thuộc Trung ương Cục miền Nam, liên tục bám trụ và xây dựng căn cứ ở chiến khu Bắc Tây Ninh. Qua 15 năm chiến đấu và trưởng thành, với 8 lần di chuyển địa điểm đóng quân, đến cuối năm 1972, Ban An ninh về đóng tại ấp Bảy Bàu (nay là ấp Tân Tiến), xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Với những chiến tích vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã vinh dự được xếp loại Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Về thăm Khu căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, chúng tôi ai ai cũng cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn những đóng góp của những người yêu quê hương, đất nước. Họ sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục và tấm gương để thế hệ sau tiếp bước, noi theo. Chúng tôi không khỏi xúc động, bồi hồi và cảm phục khi tận mắt thấy nơi ăn, ở, những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trên chiến trường miền Nam, càng hiểu hơn truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam, truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam

Thế hệ trẻ chúng tôi đều tự dặn lòng, hứa với chính mình là phải hết lòng, hết sức, phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân, yêu ngành yêu nghề, xứng đáng là người đảng viên chân chính. Đây cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những đoàn viên, thanh niên trong lực lượng Công an biết và hiểu thêm về những truyền thống hào hùng của dân tộc, từ đó ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

                                                          Phạm Hơn

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 292
  • Trong tuần: 3 299
  • Tất cả: 8761590

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn