Vì sao nói dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở không làm tăng chi ngân sách Nhà nước
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những dự án Luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có: Bảo vệ dân phố, Dân phòng và Công an xã bán chuyên trách, thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và chuẩn bị trình, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 khai mạc vào ngày 23/10/2023 sắp tới.

Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động và đại đa số các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. 

Công an phường 5, TP Trà Vinh phối hợp lực lượng Dân phòng phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tội phạm

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã có 144 lượt ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, trong đó có 125 lượt ý kiến tại Tổ, 19 lượt ý kiến tại Hội trường; bên cạnh đó, dự án Luật đã được lấy ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến bằng văn bản. Theo đó, các ý kiến tham gia cơ bản đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo LuậtTrên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và xây dựng Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. 

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ gắn với kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không phải là lực lượng mới thành lập mà được kiện toàn, sắp xếp, thống nhất từ 3 lực lượng sẵn có. Đây là cơ sở để soạn thảo luật, đề xuất các chính sách về chế độ, cơ chế, điều kiện bảo đảm cho lực lượng này hoạt động hiệu quả nhưng không làm tăng biên chế và tăng chi ngân sách. Khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng “chồng chéo” khi hiện nay hoạt động, nhiệm vụ của 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nói trên đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, với nhiều hình thức khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành.

Dự thảo luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương. Các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ ANTT đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Đối với chức danh đội viên đội dân phòng và tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách của lực lượng dân phòng thực hiện theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Việc điều chỉnh theo hướng nêu trên sẽ bảo đảm không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động, không làm tăng chi ngân sách và góp phần kiện toàn, tinh gọn thống nhất một đầu mối; cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

Công an viên bán chuyên trách xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long động viên, giáo dục đối tượng có quá khứ lầm lỗi

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tính toán đầy đủ, cụ thể về nhân lực, vật lực, tài lực và đánh giá kỹ lưỡng tác động về biên chế, kinh phí và khả năng đảm bảo theo quy định của dự thảo Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đánh giá và đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện theo quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc đã giảm xuống còn 84.721 thôn, tổ dân phố, theo hồ sơ dự án Luật vào thời điểm khảo sát là 103.568 thôn, tổ dân phố và mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1.800.000 đồng, hồ sơ dự án Luật đang tính theo mức lương cơ sở trước ngày 01/7/2023 là 1.490.000 đồng. Trường hợp 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì toàn quốc có 84.721 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (trung bình mỗi Tổ có 03 người) và dự kiến tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm. Trung bình 01 tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng55.6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4.6 tỷ đồng/01 tháng. Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.

Như vậy, nếu thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với nguồn nhân lực trước hết là được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay. Về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, dự thảo luật quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là bảo đảm cân đối trong tổng mức chi thực tế hiện nay của các địa phương đang thực hiện; không làm tăng chi ngân sách nhà nước khi luật này được ban hành.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã phân định rõ sự khác nhau về vị trí, chức năng giữa lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã và các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được xác định là lực lượng quần chúng tự nguyện, làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về bảo vệ ANTT trên địa bàn cấp xã. Lực lượng này có chức năng hỗ trợ lực lượng công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã, không thực hiện công tác quản lý về ANTT ở cơ sở, mà chức năng này do Công an cấp xã thực hiện.

Tỉnh Trà Vinh hiện có trên 4.500 đồng chí tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, họ là “tai mắt” của lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở. Ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết rất quan tâm về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, cho rằng đây là một nội dung rất mới, khi Luật ban hành sẽ tích hợp được tất cả những chế độ có liên quan đến lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở, bởi vì hiện nay ở cơ sở, vấn đề an ninh nông thôn, ANTT là vấn đề nóng, nếu được quy tụ tất cả lực lượng này tham gia bảo đảm ANTT như trong dự thảo Luật sẽ huy động được cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Mộng Tuyền

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 280
  • Trong tuần: 3 287
  • Tất cả: 8761578

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn