Nguyễn Tất Thành và con đường cứu nước
Trong lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, nước Việt Nam đã nhiều lần trải qua những thử thách sống còn, nhưng cuối cùng dân tộc chúng ta đều dũng cảm vượt qua. Đầu thế kỷ XX, giới sĩ phu và cả dân tộc Việt Nam một lần nữa lại đứng trước thử thách mất còn ấy. Trong bối cảnh khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước của dân tộc khi ấy, vượt lên những hạn chế mà các bậc tiền bối đương thời, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Kỳ 1. Tình cảnh của nước Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Mác và Ăngghen công bố từ năm 1848 nhưng nó đã không thể nào đến được với người dân Việt Nam bởi khi ấy Việt Nam vẫn nằm trong chính sách “bế quan, tỏa cảng” của triều đình nhà Nguyễn. Thế rồi, cơn đại chấn động đã làm thức tỉnh dân tộc Việt Nam: thực dân Pháp bắn súng vào cửa biển Đà Nẵng chiều 31/8/1858 mở đầu cho quá trình áp bức, đô hộ nước Việt Nam hơn 80 năm.

Hình ảnh Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng qua các bức ký họa được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng

Trước nguy cơ mất nước và chịu cảnh đô hộ, triều đình nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách cắt đất cầu hòa và dâng nước ta cho thực dân Pháp. Chế độ phong kiến mà đại diện là triều đình nhà Nguyễn đã lộ rõ bản chất phản động. Một số vua quan của triều đình nhà Nguyễn mà tiêu biểu là Đồng Khánh (vua), Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải …(quan) đã đầu hàng, cấu kết với thực dân xâm lược để cai trị, bóc lột nhân dân ta. Tiền đồ dân tộc đen tối như không có đường ra. Trên khắp đất nước, các phong trào yêu nước nổ ra và cuối cùng đều bị dìm trong biển máu. Các sĩ phu đương thời – dù giàu lòng yêu nước và sẵn sàng hi sinh – nhưng lại không thể nắm bắt được xu thế, dòng chảy của lịch sử nên hầu hết con đường vạch ra đều đi vào ngõ cụt. Cho đến cuối thế kỉ XIX, gần như các phong trào yêu nước Việt Nam đều thất bại.

Nông dân Việt Nam trong thời Pháp thuộc (ảnh tư liệu)

Một số lãnh tụ của các phong trào chuyển hướng theo các con đường yêu nước mới cho phù hợp hơn như Đông Du, Duy Tân v.v…Thế nhưng, tất cả các phong trào dù theo đường lối bạo lực hay ôn hòa thì cuối cùng vẫn bị thực dân Pháp đàn áp. Lòng yêu nước, sĩ khí của các bậc sĩ phu và nhân dân Việt Nam đã bị đại bác, tàu đồng của giặc đè bẹp. Đánh giá về giai đoạn lịch sử này, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam…Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam”.

Cho đến đầu thế kỉ XX, công cuộc bình định nước ta cơ bản đã hoàn thành, thực dân Pháp bắt đầu tiến hành khai thác thuộc địa nhằm bóc lột, vơ vét tài nguyên thiên nhiên. Dưới chế độ khai thác, bóc lột và thống trị của chủ nghĩa đế quốc Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng. Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu hình thành, xuất hiện một giai cấp mới trong xã hội: giai cấp công nhân. Để thi hành chính sách cai trị, thực dân Pháp chia nước ta thành 3 kì: Miền Nam được xem là lãnh thổ hải ngoại của nước Pháp nên đặt quan cai trị là Thống đốc. Miền Bắc là xứ thuộc địa nên có Thống sứ. Thực dân Pháp – về danh nghĩa – để cho nước Nam quyền tự quyết ở vùng đất Miền Trung – nhưng thực ra vẫn dưới sự cai trị của Pháp với một viên Khâm sứ quyết hết mọi việc. Toàn Đông Dương là một viên toàn quyền để nắm toàn bộ quyền hành và đứng đầu bộ máy cai trị trên toàn cõi Đông Dương. Nhân dân Việt Nam gần như mất tất cả quyền tự do, quyền làm người. Những quyền căn bản của con người đều bị thực dân Pháp bóp ngẹt. Thực hiện chính sách ngu dân, thực dân Pháp ngăn cấm tất cả các tư tưởng tiến bộ, nhân văn trên thế giới vào nước ta, lập nhà tù nhiều hơn trường học, hợp thức hóa việc buôn bán và hút thuốc phiện để làm cho nòi giống dân tộc Việt Nam suy đồi.

Trong bối cảnh ấy, giải phóng dân tộc là yêu cầu bức thiết đặt ra lúc bấy giờ, là nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh khủng hoảng về đường lối cứu nước ấy của dân tộc, đã xuất hiện đúng lúc một người dẫn lối, chỉ đường: Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

(Còn tiếp)

Trung Kiên

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 39
  • Trong tuần: 3 681
  • Tất cả: 8757979

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn