KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH NHÀ CÁCH MẠNG LÃO THÀNH DƯƠNG QUANG ĐÔNG (5/1902 - 5/2017)
Đồng chí Dương Quang Đông (1902-2003), nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, người con ưu tú của quê hương Trà Vinh  và miền Nam anh dũng, với sự tận tụy và sáng tạo của mình, đồng chí đã góp phần lãnh đạo cách mạng miền Nam, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng và Nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1920 trong tổ chức Công Nông Hội đỏ do đồng chí Tôn Đức Thắng lãnh đạo, người thanh niên "thích đánh Tây hơn đi học" Dương Quang Đông dường như đã xây dựng được cho mình bước đệm đầu tiên trong sự nghiệp cách mạng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, kinh qua nhiều vị trí khác nhau, với gần 80 năm cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, đồng chí Dương Quang Đông đã để lại cho thế hệ sau những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là bài học về tinh thần yêu nước; tinh thần cách mạng: sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, luôn nghĩ đến người nghèo với những nghĩa cử cao đẹp.
  1. Tinh thần yêu nước, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vẫn một lòng hướng về cách mạng.
 Sớm giác ngộ cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Dương Quang Đông đã có tư tưởng chống Tây, ông là tác giả của hàng loạt vụ “hạ bệ” những tên Tây xấc xược. Khi sự việc bị bại lộ ông bị đuổi học, trong suốt những năm tháng vất vả mưu sinh, một cơ duyên đã làm thay đổi cuộc đời ông, đó là việc ông may mắn gặp gỡ và kết thân với đồng chí Tôn Đức Thắng, đây được xem là một bước ngoặt quan trọng, mang đến sự biến đổi sâu sắc trong tư tưởng cũng như trong hoạt động của ông về sau.
 Năm 1920, tổ chức Công Hội đỏ đầu tiên được thành lập tại Nam Kỳ (25/12/1920), người thanh niên Dương Quang Đông khi ấy mới 18 tuổi trở thành thư ký và là Trưởng Ban giao liên của tổ chức. Nhằm phát triển nhanh thế lực, cũng như liên kết những người có lòng yêu nước hướng về cách mạng, năm 1921, đồng chí Tôn Đức Thắng cử Dương Quang Đông trở về quê hương Trà Vinh vận động, xây dựng tổ chức Công Hội đỏ. Một thời gian sau, ông đã thành lập được hai tổ chức Công Nông Hội đỏ ở Cầu Ngang và tỉnh lỵ Trà Vinh, rồi dần dần lan sang các địa phương lân cận như Mỏ Cày, Càng Long, Long Hồ... ông là một trong những Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Trà Vinh, là người lãnh đạo Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, xây dựng chính quyền Nhà nước dân chủ nhân dân ở Trà Vinh.
 Khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Kỳ và mở rộng chiến tranh khắp miền Nam, nhận thấy sự tương quan về lực lượng cũng như vũ khí giữa ta và địch vô cùng bất lợi cho ta, Xứ ủy quyết định mở một con đường chiến lược quan trọng, đó là sang Thái Lan mua vũ khí về chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường này mang tên là Đường Xuyên Tây, do đồng chí Dương Quang Đông làm chỉ huy trưởng. Dõi theo bước đường xuyên Tây của ông, có thể thấy rằng, trong những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất, những lúc đối mặt với sự hiểm nguy đang bủa vây từng ngày, từng giờ, lòng yêu nước của ông vẫn luôn sục sôi, thúc giục bản thân và các đồng chí luôn vững vàng tay lái trên những con tàu chở vũ khí trở về với cách mạng, tiếp thêm sức mạnh cho Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Đường Xuyên Tây kết thúc với việc đồng chí Dương Quang Đông bị trục xuất về nước, thành tích công tác trong suốt những năm kháng chiến của bộ chỉ huy Đường Xuyên Tây được Dương Quang Đông báo cáo vắn tắt như sau: "Trong thời gian mở Đường Xuyên Tây, từ ngày 20/2/1946 đến nay, khi Hiệp định Geneve 1954 bàn về đình chiến ở Đông Dương, chúng tôi đã vận động xin và mua võ khí tiếp tế cho cả ba chiến trường Việt-Miên-Lào, thành lập các chi bộ trên đất Thái, mở mặt trận thứ hai trên đất Campuchia với trận Xiêm Riệp; tổ chức và huấn luyện bốn bộ đội hải ngoại võ trang đầy đủ: Naisongsichăng, Quang Trung, Trần Phú và Cửu Long 2, với võ khí đưa về Khu 9 lập hai bộ đội Cửu Long 1 và Cửu Long 3; tạo ra năm tàu 50 tấn, trong đó có chiếc Sông Lô 80 tấn. Tổng số võ khí, máy móc chuyển về nước bằng Đường Xuyên Tây bộ và biển là 97.543 tấn". Những chiến công thầm lặng của đồng chí Dương Quang Đông cùng các anh em hàng hải Nam Bộ không chỉ góp phần đắc lực cho cuộc kháng chiến ở miền Nam và cả nước, mà còn thắt chặt tình đoàn kết anh em giữa ba nước trong bán đảo Đông Dương, tạo nên sức mạnh quốc tế đánh bại mọi kẻ thù xâm lược.
  Nối tiếp Đường Xuyên Tây huyền thoại trong kháng chiến chống Pháp, ngày 23/10/1961, tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông được thành lập để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người chỉ huy trên Đường Xuyên Tây giai đoạn trước, đồng chí Dương Quang Đông lại được Trung ương Cục miền Nam tin tưởng giao trọng trách Chỉ huy phó kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
 Gian nan với hành trình chọn bến trong bước đầu tiến hành mở đường, cùng những chuyến vượt biển đầy cam go thử thách giữa một bên là kẻ thù bao vây, một bên là biển cả bao la với những cơn sóng dữ, nhưng tất cả các đồng chí trên tàu đều vững vàng đối mặt với khó khăn, hoàn thành sứ mạng mà lịch sử và Nhân dân giao phó, từng chuyến tàu chở vũ khí chi viện cho miền Nam lần lượt trở về. Vào năm 1963, chuyến tàu sắt xuất phát từ Hải Phòng tới Trà Vinh một cách nhanh chóng và an toàn, cặp bến Cồn Cù rồi từ đó tiếp tục tới Khu 9. Sau nhiều lần từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, những chuyến tàu trên đường Hồ Chí Minh mang theo hàng tấn vũ khí đã lần lượt cặp bến, tất cả số vũ khí được vận chuyển từ năm 1963 đến năm 1965 (khoảng 134 tấn) được trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những thắng lợi vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, góp phần làm thất bại Chiến tranh đặc biệt của Mỹ.
 Sau khi giao lại nhiệm vụ mở bến cho tàu không số, từ cuối năm 1963 ông được Trung ương Cục cử sang công tác mới. Đến 1975, Trung ương Cục điều ông về Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công tác. Đến năm 1976, đồng chí Dương Quang Đông được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu. Tuy nhiên với sự nhiệt tình cách mạng, lòng yêu nước và tinh thần luôn năng nổ, xốc vác dù tuổi đã cao, ông vẫn tiếp tục tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội. Năm 1987, ông được bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh và giữ cương vị này đến năm 1998 khi đã 96 tuổi.
 Điểm qua quá trình hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ của đồng chí Dương Quang Đông, có thể thấy đó là một hành trình dài đầy gian nan thử thách, với những chiến công được ghi nhận. Những thành quả đó được đúc kết từ tấm lòng trung với nước, hiếu với dân, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng giao phó của người đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Nam kỳ, và đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của tỉnh Trà Vinh khi vừa mới ra đời. Tiếp nối và phát huy về "tinh thần yêu nước, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, vẫn một lòng hướng về cách mạng" từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Dương Quang Đông - Người con của quê hương Trà Vinh, người cán bộ cách mạng tiền bối của các thế hệ cách mạng tại Trà Vinh, Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh quyết tâm tăng cường đoàn kết trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ trong Đảng, quyền làm chủ của Nhân dân, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đề cao ý thức trách nhiệm, tính tích cực, chủ động, sáng tạo, nỗ lực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức... khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… như mong muốn của người cách mạng lão thành Dương Quang Đông mỗi khi nhắc đến quê hương Trà Vinh anh dũng.
 2. Tinh thần cách mạng của đồng chí Dương Quang Đông
 - Sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm trong tham gia lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước
 Xuyên suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí Dương Quang Đông đảm đương rất nhiều trọng trách khác nhau, cùng với các đồng chí, đồng bào và các chiến sĩ vượt qua mọi gian truân thử thách để lập nên những chiến công oanh liệt, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Trong quá trình tham gia lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là khi chỉ huy tuyến đường Xuyên Tây sang Thái Lan mua vũ khí về chi viện cho chiến trường miền Nam, ông đã thể hiện sự quyết đoán trong chỉ đạo của mình khi quá trình mua vũ khí gặp khó khăn. Dù gặp thất bại trong lần đầu ra khơi, nhưng ông vẫn luôn nhận thức được vấn đề mua sắm được vũ khí lúc này là vấn đề sống còn của cách mạng miền Nam cần phải giải quyết ngay. Nhận 5 nhiệm vụ then chốt mà đồng chí Chính ủy Khu 9 Phan Trọng Tuệ giao cho, đó là: “1. Dựa vào Việt kiều, vận động Nhân dân và Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ta; 2. Mở đường biển rồi sau đó mở đường bộ từ Thái lan tới Nam Bộ ngang qua Campuchia để đưa vũ khí về; 3. Vận động và tổ chức Nhân dân Campuchia làm cách mạng giải phóng dân tộc; 4. Mở mặt trận thứ hai đánh Pháp trên đất bạn; 5. Bốn nhiệm vụ trên phải được tiến hành theo nguyên tắc triệt để bí mật”; Dương Quang Đông đã cùng với các đồng chí của mình đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh lịch sử, tạo nên trận đánh kinh điển mở màn cho cuộc cách mạng ở Campuchia (trận Xiêm Riệp), đồng thời những chuyến vũ khí lần lượt về đến chiến trường Nam bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đánh Pháp của Nhân dân ta.
 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,  đồng chí Dương Quang Đông một lần nữa được Trung ương Cục miền Nam tin tưởng giao trọng trách Chỉ huy Phó kiêm Chính ủy Đoàn tàu không số mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Vẫn với bản tính quyết đoán và táo bạo trong cách nghĩ, cách làm, ông đã cùng với các đồng chí của mình thực hiện trọn vẹn những chuyến vượt biển đầy cam go, thử thách, vận chuyển hàng tấn vũ khí về với cách mạng, góp phần quan trọng cho thắng lợi trọn vẹn năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 Để học tập theo bản lĩnh quyết đoán, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đồng chí Dương Quang Đông, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vững vàng về tư tưởng chính trị, lành mạnh về đạo đức và lối sống; phát huy tính năng động, sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; dám nghĩ, dám làm; dám nhìn thẳng vào sự thật trong phê bình và tự phê bình, không nể nang né tránh.
 - Nghĩa tình với quê hương Trà Vinh
 Trong những năm tháng khó khăn gian khổ (1942 - 1945), với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Đồng chí Dương Quang Đông đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, tổ chức và củng cố hệ thống chính trị của tỉnh; cùng với Đảng bộ Trà vinh trực tiếp lãnh đạo Nhân dân đứng lên giành lấy độc lập tự do về cho quê hương.
 Được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu vào năm 1977, khi đó đồng chí Dương Quang Đông đã bước sang tuổi 75. Tuy vậy, với tinh thần học hỏi và sáng tạo, dám nghĩ dám làm được tôi luyện từ trong thời chiến, ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong thời kỳ xây dựng đất nước, đặc biệt là nghĩa tình đối với quê hương Trà Vinh. Khi đã nghỉ hưu, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng đồng chí thường xuyên về góp ý cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long (khi chưa tách tỉnh) và Trà Vinh trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị hoặc tham gia các buổi nói chuyện truyền thống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, ông đều dành hết tâm huyết của mình, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu, những điều mà ông đã tích lũy được cho mình qua những năm tháng bôn ba làm cách mạng, hay những điều hay lẽ phải mà ông học hỏi được từ các đồng chí, đồng đội của mình trong những năm tháng ác liệt của hai cuộc chiến tranh. Ở cương vị của mình, dù bận rộn với trăm công ngàn việc, đồng chí vẫn cùng với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, các nhà khoa học thảo luận về những nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Dương Quang Đông luôn ưu ái và dành nhiều thời gian đối với thế hệ trẻ. Không chỉ thể hiện bằng sự đóng góp về chủ trương, biện pháp hành động, đồng chí còn vận dụng vào thực tiễn khi là người đứng đầu Hội đồng hương Trà vinh tại thành phố Hồ Chí Minh làm công tác khuyến học.
 Ngay từ khi mới ra đời vào năm 1992, Hội đã sáng lập được "Quỹ học bổng bảo trợ tài năng trẻ" lên tới hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ hàng năm cho học sinh, sinh viên học giỏi của tỉnh Trà vinh, đặc biệt là những học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi, người dân tộc Khmer. Đồng thời, Hội có trách nhiệm lo cho các em công việc khi ra trường, luôn động viên các em trở về công tác cho tỉnh nhà, nhằm giúp cho quê hương ngày càng phát triển vững mạnh hơn.
 - Hướng về người nghèo với những nghĩa cử cao đẹp
 Có một điều đặc biệt rất đáng trân trọng và cần được học tập noi theo ở đồng chí Dương Quang Đông, đó là giáo dục gia đình, con cháu sống cuộc đời thanh bạch, không mưu cầu quyền lợi cho cá nhân và gia đình mình, ông luôn nghĩ đến người nghèo với những nghĩa cử cao đẹp. Vào năm 2000, ông đã bán căn nhà của mình để giúp đỡ cho đồng bào bị lũ lụt, đồng thời ủng hộ tiền vàng cho quỹ nhân đạo, từ thiện xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi mất vài tháng, khi còn đang nằm trên giường bệnh, ông đã cùng 18 nhà cách mạng lão thành ký lời "Tâm huyết biến tang lễ đau buồn thành việc làm từ thiện". Ông dặn con cháu không nhận vòng hoa mà thay bằng tiền phúng điếu để làm từ thiện. Thực hiện di nguyện của ông, sau tang lễ, con cháu của ông đã ủng hộ toàn bộ 103 triệu đồng tiền phúng viếng cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, giúp cho 206 người mù nghèo được sáng mắt. Tâm nguyện của ông cùng với 18 vị lão thành cách mạng đã trở thành một nghĩa cử cao đẹp, có sức lan truyền mạnh mẽ làm xúc động lòng người, tạo nên phong trào "biến tang lễ đau thương thành hành động từ thiện", và sức ảnh hưởng của phong trào không chỉ ở trong nước, mà còn lan tỏa sang kiều bào ở nước ngoài. Từ sự lan tỏa đó, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố đã hình thành phong trào "Một người nhắm mắt cứu nhiều người sáng mắt", từ đó cho đến nay đã giúp cho hàng ngàn người nghèo được sáng mắt, mở ra một con đường mới để cho họ cống hiến được một phần nào đó sức lực của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
 Noi theo những nghĩa cử cao đẹp của đồng chí Dương Quang Đông, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã không ngừng cố gắng để giải quyết tốt các vấn đề lao động việc làm, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã được tỉnh Trà Vinh tập trung chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực, đã xây dựng và thực hiện Đề án "Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020". Bằng nhiều biện pháp như đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã nghèo tạo điều kiện phát triển sản xuất; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất; dạy nghề, giải quyết việc làm... Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và sự vươn lên của các hộ nghèo, đến nay đã kéo giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 23,63% (đầu năm 2011), xuống còn 7,66% (cuối năm 2015).
 Đồng chí Dương Quang Đông, người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì dân, vì Đảng, cả cuộc đời trải qua gần trọn một thế kỷ, chứng kiến và tham gia vào quá trình kháng chiến gian khổ nhưng đầy tự hào cùng toàn thể Nhân dân Việt Nam, ông đã có trọn vẹn gần 80 năm hoạt động sôi nổi, kiên quyết và liên tục, những bài học quý giá được rút ra từ trong thực tiễn hoạt động và lãnh đạo của ông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ trong thời điểm chiến tranh, mà cả trong thời bình. Đảng bộ và Nhân dân Trà Vinh quyết tâm kế thừa, vận dụng và phát huy tư tưởng “trọn đời tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân” cùng những bài học quý báu đó trên bước đường xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

Lương Văn Thanh
Trưởng phòng Lịch sử

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 306
  • Trong tuần: 3 313
  • Tất cả: 8761604

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn