Trương Văn Kỉnh

TRƯƠNG VĂN KỈNH

(1892 - 1958)

Khi nhắc đến những người con của quê hương Mỹ Long đã ngã xuống để tạc nên vô vàn chiến tích trong cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc, không ai quên được người con ưu tú với cái tên quen thuộc Hai Kỉnh.

Hai Kỉnh, tức Trương Văn Kỉnh, sinh năm 1892 tại làng Vang Cửu, tổng Bình Trị Thượng, quận Ô Lắc, tỉnh Trà Vinh (nay là ấp Cẩm Hương, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Ông sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ. Cha là Trương Văn Chánh, mẹ là Trần Thị Chiến. Ngoài buôn bán, cha ông còn làm nghề bốc thuốc bắc chữa bệnh cho bà con và là một thầy giáo dạy chữ Hán, cho nên bà con quen gọi là thầy Tôn. 

Lớn lên, ông học trường tiểu học tại quận. Với nghề buôn bán, bốc thuốc, gia đình cũng chỉ lo được cái ăn, cái mặc qua ngày. Cho nên, khi học xong tiểu học, ông không được học tiếp trung học vì phải sang Mỹ Tho. Từ đây ông theo cha học chữ Hán. 

Những thập niên đầu thế kỷ XX, các phong trào chống Pháp của nông dân trên đất Trà Vinh vẫn diễn ra. Đặc biệt, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào yêu nước mang tính chất cộng sản đã ảnh hưởng vào và bén rễ, nhen nhóm phát triển. So với nhiều thanh niên trong vùng bấy giờ, ông là người có học thức, cho nên có điều kiện tiếp cận với những thông tin, các luồng tư tưởng bên ngoài, và có cách nhìn khách quan. Đây là yếu tố quan trọng để khi tổ chức Thanh Niên Đỏ (Công - Nông hội đỏ) tỉnh nhà ra đời cuối năm 1922 theo chủ trương của bác Tôn Đức Thắng, thì ông là một trong ba hội viên đầu tiên (Dương Quang Đông, Trương Văn Kỉnh, Hồ Văn Biện). 

Đầu năm 1927, Trương Văn Kỉnh tổ chức 300 nông dân vùng Mỹ Long đấu tranh đòi các yêu sách về dân sinh, dân chủ Đồng chí nói: “Dân nghèo chúng tôi không có cơm ăn. Chúng tôi là những người làm ra lúa mà không đuợc hưởng. Chúng tôi đến xin nhà cầm quyền nới tay cho chúng tôi nhờ. Chúng tôi có ăn mới làm được mà đóng thuế cho nhà cầm quyền. Nếu nhà cầm quyền không chấp nhận, chúng tôi sẽ liều mạng”. 

Sau khi kỳ bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ra đời vào tháng 02 năm 1927, theo chỉ đạo của kỳ bộ, việc tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Trà Vinh được tiến hành. Tháng 3 nãm 1927, chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội Cầu Ngang thành lập, hầu hết các hội viên Thanh niên Đỏ trở thành hội viên Thanh Niên Cách mạng đồng chí hội, trong đó có Trương Văn Kỉnh. Đến khi Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ra đời tháng 4 năm 1927, ông là một trong năm ủy viên của Tỉnh bộ. 

Mùa xuân năm 1930, cái mốc khó quên đối với cuộc đời ông, đó là sự kiện chi bộ Mỹ Long được thành lập tại Mương Khai (Đầu Bần) và ông đã trở thành Đảng viên Đảng cộng sản chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Mùa thu năm 1930, Tỉnh ủy Trà Vinh được thành lập, người Đảng viên này được giới thiệu vào Tỉnh ủy và là Tỉnh ủy viên. Đến tháng 2 năm 1931, nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ông được rút về công tác tại Tỉnh ủy.

Sau khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị dập tắt, quân thù tiếp tục khủng bố trên khắp cả nước. Trong bối cảnh đó, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc Trà Vinh gặp nhiều khó khăn. Địch ruồng bố gắt gao, nhiều Đảng viên và quần chúng cách mạng bị theo dõi, không chế và bị bắt, trong đó có Trương Văn Kỉnh. Ông bị bọn gián điệp chỉ điểm cho bọn lính làng bao vây bắt được vào tháng 10 năm 1931. Sau đó, chúng đem ông giam vào nhà lao Trà Vinh. Bọn địch dùng mọi biện pháp hòng làm ông nao núng ý chí cách mạng, nhưng chúng chẳng khai thác được gì ở Trương Văn Kỉnh - người chiến sĩ cộng sản kiên trung. 

Mùa khô năm 1934, ông cùng một đồng chí của mình là Huỳnh Văn Tẩu trốn khỏi nhà lao Trà Vinh, trở về quê và bắt liên lạc với đồng chí Dương Công Nữ tiếp tục hoạt động. Tuy bị kẻ thù truy nã nhưng nhân dân Mỹ Thập Phú, Long Hậu (nay là các xã Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam và thị trấn Mỹ Long) vẫn nuôi chứa, bảo vệ các ông chu đáo. 

Đầu năm 1935, hay tin đồng chí Dương Quang Đông về thành lập Tỉnh ủy lâm thời Trà Vinh, ông tìm cách nối lại liên lạc và từ đó cùng Tỉnh ủy lâm thời cùng Huyện ủy Cầu Ngang chỉ đạo phong trào ở Mỹ Long, đưa phong trào cách mạng phát triển lên một bước mới. 

Trong phong trào đấu tranh dân chủ để mở rộng diện hoạt động của Đảng dưới hình thức hợp pháp, tháng 4 năm 1936 chi bộ Mỹ Long tiến hành tổ chức đại hội toàn thể chi bộ. Đại hội lập ra Ủy ban hành động và ông được phân công trực tiếp chỉ đạo Ủy ban này. Ủy ban hành động là mặt trận tập hợp quần chúng nhân dân mọi tầng lớp tham gia cách mạng, nhiệm vụ cụ thể là tuyên truyền những chính sách lớn của Đảng, đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ,...Mỗi buổi chiều, ông cùng các đồng chí trong Ủy ban tổ chức diễn thuyết, nhiều buổi mít tinh thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Đến năm 1938, Trương Văn Kỉnh được Tỉnh ủy rút về làm ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy.\

Đầu năm 1942, sau khi vượt ngục Tà Lài, đồng chí Dương Quang Đông theo chủ trương của Xứ ủy về củng cố lại Tỉnh ủy và hệ thống tổ chức Đảng ở Trà Vinh. Trương Văn Kỉnh tiếp tục nằm trong Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ với chức vụ là Phó Bí thư. 

Từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 10 năm 1943, tại chợ Gạo-Mỹ Tho, Xứ ủy họp để củng cố lại gồm 11 đồng chí tham gia, trong đó có Trương Văn Kỉnh và ông trở thành thường vụ Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh.

Để chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8 năm 1945, ngày 24 tháng 4, Tỉnh ủy Trà Vinh triệu tập Hội nghị. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm toàn bộ Ban chấp hành Tỉnh ủy lúc đó. Trương Văn Kỉnh được phân công theo dõi phối hợp các quận và là Trưởng ban khởi nghĩa quận Cầu Ngang.

Sau khi khởi nghĩa ở tỉnh lỵ thắng lợi, với tư cách là trưỏng ban khởi nghĩa quận nhà, ông đã tổ chức hợp đồng chặt chẽ các lực lượng cách mạng trong quận. Vì vậy, khởi nghĩa nhanh chóng giành được thắng lợi, đưa quê nhà thoát khỏi ách áp bức lầm than, bắt đầu xây dựng chế độ xã hội mới. 

Khi thực dân Pháp quay lại đánh chiếm nước ta lần nữa, ông đươc cấp trên rút về nhận nhiệm vụ mới ở Xứ ủy Nam bộ, trong thời gian này, một tổ chức lập ra để đi Thái Lan và Mã Lai tìm mua vũ khí do đồng chí Dương Quang Đông làm Trưởng ban và ông là Bí thư chi bộ.

Tháng 11 năm 1946, tại chiến khu Đồng Tháp Mười, theo chỉ đạo của Trung ương, hội nghị Xứ ủy mở rộng được triệu tập. Hội nghị đã củng cố lại và bổ sung Ban chấp hành Xứ ủy lâm thời Nam bộ, ông được cử giữ chức chánh ủy một tiểu đoàn làm công tác võ trang tuyên truyền một số tỉnh ở Campuchia. Sau đó, tiểu đoàn phát triển thành trung đoàn 109. Trung đoàn này đã tham gia làm nên thắng lợi vang dội trong chiến dịch Trà Vinh-Cầu Kè.

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc nhưng đất nước chưa thu về một mối bởi đế quốc Mỹ nhảy vào can thiệp. Đồng bào miền Nam lại bước vào cuộc chiến mới. Hàng ngàn con em miền Nam lên đường tập kết ra Bắc, Trương Văn Kỉnh nhận nhiệm vụ bám trụ tại Sài Gòn-Nam bộ để tổ chức, gây dựng cơ sở cùng đồng bào miền Nam và nhân dân cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến.

Đến năm 1956, do bị mật thám chỉ điểm, bọn ngụy quyền sài Gòn bắt được ông tại Gài Gòn. Chúng đã dùng mọi cực hình để tra khảo nhưng ông nhất quyết không khai báo, vẫn một lòng một dạ với Đảng, với cách mạng. Địch đã không khai thác được gì ở ông sau gần hai năm giam cầm. Thấy sức khỏe ông quá yếu, không thể sống được nữa, bọn chúng thả ông ra nhưng tiếp tục cho mật thám theo dõi. 

Khi ra khám, ông được người thân rước về ở khu Lăng Ông Bà Chiểu điều trị. Sau đó, ta bí mật tổ chức đưa ông rời khỏi nội thành về Giồng Ông Tố-Thủ Thiêm điều trị tiếp. Nhưng do địch đánh đập, tra tấn, toàn bộ cơ thể bị trọng thương nên đồng chí Trương Văn Kỉnh đã trút hơn thở cuối cùng trên tay những đồng chí, đồng đội vào ngày 26 tháng 10 năm 1958. 

Trương Văn Kỉnh-Người con ưu tú của quê hương Mỹ Long, Trà Vinh- Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hy sinh cả đời riêng của mình (không vợ, con) vì sự nghiệp chung của dân tộc. Những cống hiến của ông cho quê hương, đất nước thật đáng tự hào.

 

Sưu tầm và biên soạn

 NGÔ VĂN TƯỞNG

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 3 099
  • Tất cả: 8761725

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn