Trần Thành Đại

TRẦN THÀNH ĐẠI

( 1915 - 1992)

Trần Thành Đại, bí danh Ba Mới, sinh năm 1915 tại xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cha là Trần Văn Khuê, mẹ là Bùi Thị Bộn, cả hai đều sinh sống bằng nghề làm ruộng.

Học xong tiểu học ở Càng Long, ông được cha cho học nghề thợ bạc. Năm 1936, sau khi học xong, ông hành nghề thợ bạc ở ấp Cam Son, xã Long Đức. Từ đó, ông bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng. Cuộc đời cách mạng của ông có thể chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn công tác tại quê nhà Trà Vinh (1936 - 1959) và giai đoạn hoạt động tại cần Thơ và khu Tây Nam bộ (1960 - 1975).

Ở Cam Son, ông tham gia Hội ái hữu công nhân và nông dân, một tổ chức quần chúng do đồng chí Dương Công Nữ thành lập. Hội ái hữu nầy nhằm mục đích đoàn kết tương trợ nhân dân, chống sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột.

Năm 1937, ông được bầu làm Hội trưởng Hội ái hữu nông dân xã Long Đức. Năm 1938 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, được phân công về xây dựng cơ sở Đảng ở Trà Cú. Trà Cú là địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Địch thực hiện chính sách vừa kềm kẹp khủng bố, vừa chia rẽ hai dân tộc Kinh-Khmer để dễ bề thống trị. Cơ sở Đảng hoạt động rất yếu. Muốn hoạt động được, đồng chí Trần Thành Đại phải nương tựa vào nhà chùa. Ông vừa hành nghề thợ bạc để kiếm sống vừa tìm cách gây dựng lòng tin và cảm tình của quần chúng.

Ở Trà Cú, ông thành lập được một Hội ái hữu gồm 07 người vừa thợ bạc vừa thợ làm nón. Ở Tập Sơn, ông cũng thành lập được một Hội ái hữu với 05 hội viên. .

Năm 1939, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của xã Lưu Nghiệp Anh được thành lập với 04 Đảng viên do đồng chí Trần Thành Đại làm Bí thư.

Cũng năm 1939, Chính phủ của Mặt trận bình dân ở Pháp sụp đổ, Chính quyền Pháp đặt Đảng cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Năm 1940, sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, địch khủng bố dữ dội. Các đồng chí tham gia khởi nghĩa bị giặc bắt, cơ sở Đảng tan rã. Ông phải tạm lánh về quê nhà.

Ở Càng Long, ông gặp các đồng chí Dương Công Nữ, Bảy Huệ, Sáu Đen, những người đã tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở các địa phương khác. Các đồng chí lần lượt sa vào tay giặc. Ông bị giặc Pháp bắt giam ở Trà Vinh, rồi dời sang khám lớn Bạc Liêu.

Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Nhân lúc chính quyền Pháp thất thế, ông cùng các đồng chí trong nhà tù Bạc Liêu vượt ngục. Ông về lại xã Bình Phú, tích cực hoạt động chuẩn bị lực lượng chờ ngày giành chính quyền.

Đêm 24 rạng 25/8/1945, lệnh khởi nghĩa phát ra. Ông phụ trách một cánh quân đánh vào bót Ông Cò, trụ sở của Sở Mật thám tỉnh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở lại xã Bình Phú, được cử làm Huyện ủy viên Huyện ủy Càng Long, Bí thư Chi bộ xã Bình Phú.

Cuối năm 1945, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Trà Vinh. Để bảo toàn lực lượng, tỉnh chủ trương đưa một bộ phận lực lượng qua đóng ở Cà Mau. Đồng chí Trần Thành Đại được phân công ở lại bám trụ, phụ trách địa bàn huyện Châu Thành. Tháng 10/1946, ông được cử làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Ông hoạt động không mệt mỏi, tìm cách củng cố lại các cơ sở Đảng ở Long Đức, Hòa Thuận, Lương Hòa, Hưng Mỹ, Phước Hảo, Đa Lộc, Nguyệt Hóa...

Năm 1947, ông là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh.

Quý III năm 1948, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ nhất tổ chức tại Long Toàn (Cầu Ngang) để bầu Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ chính thức. Ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 27/6/1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ ban hành Nghị định số 174/NĐ.51 sát nhập 2 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Trà. Ban chấp hành Tỉnh ủy Vĩnh Trà được tổ chức lại do đồng chí Phạm Thái Bường làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Đáng làm Phó Bí thư. Ông đắc cử Tỉnh ủy viên, được phân công Bí thư Huyện ủy Trà Cú.

Trở lại địa bàn hoạt động cũ, ông ra sức vận động đồng bào Khmer, tìm mọi cách củng cố tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Đồng thời, ông chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người Khmer. Một số cán bộ người Khmer đã trưởng thành dưới sự dìu dắt của ông như đồng chí Thạch Lái, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến huyện Trà Cú; Đồng chí Thạch Ngọc Biên, Phó Bí thư, Chủ tịch xã Long Hiệp…

Năm 1953, các đồng chí Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng đi học lớp Chỉnh Đảng ở Liên khu 5. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh và đồng chí Trần Thành Đại được cử làm quyền Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà.

Tháng 7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước bị chia cắt hai miền. Tỉnh Vĩnh Trà lại phân làm hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Ông ở lại miền Nam, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, cùng với các đồng chí Năm Ngò, Phó Bí thư và đồng chí Mười Dài (Trần Văn Long), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Trong cương vị mới, cùng với Tỉnh ủy Trà Vinh, ông đã chỉ dạo Đảng bộ và nhân dân đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, đồng thời củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ chống đế quốc Mỹ và tay sai.

Phong trào cách mạng những năm 1958, 1959 rất khó khăn. Địch đẩy mạnh chiến dịch tố cộng, diệt cộng. Chúng ban hành luật số 10/59, lê máy chém đi khắp nơi hành quyết các chiến sĩ cách mạng. Chúng tăng cường các lực lượng vũ trang, bắt cả sư sãi đi lính. Tỉnh ủy phát động phong trào quần chúng đấu tranh, cùng với các sư sãi như Đại đức Sơn Vọng đấu tranh chống bắt lính, chống phá hoại chùa chiền, chống đàn áp Phật giáo.

Những năm nầy, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dữ dội phong trào cách mạng. Việc hoạt động của ông ở Trà Vinh càng khó khăn và nguy hiểm. Nên tháng 7/1957, ông được điều sang tỉnh cần Thơ giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy. Ở đây, ông lãnh đạo công tác phá hoại các khu trù mật của địch.

Năm 1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Tây Nam bộ được thành lập. Ông giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận kiêm Phó Ban Dân vận đồng thời phụ trách Ban Nông vận.

Cùng với các đồng chí Dương Văn Vinh, Sơn Vọng, Ma Ha Thông, ông ra sức đoàn kết các tầng lớp nông dân, công nhân, đoàn kết dân tộc Kinh-Khmer, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân Khu Tây Nam bộ.

Năm 1967, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), ông giữ chức Phó Ban đánh phá giao thông.

Năm 1969-1970, ông làm Trưởng ban Thương binh rồi ủy viên Ban tổ chức Khu Tây Nam bộ.

Năm 1975, ông giữ chức Trưởng ban Công vận.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, ông về lại tỉnh nhà, giữ chức Phó ban Dân vận Mặt trận tỉnh cửu Long. Năm sau, ông đắc cử đại biểu Quốc hội khóa 6.

Ông từ trần ngày 23 tháng 05 năm 1992. Hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Thành Đại đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh những kinh nghiệm quí giá về công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, xây đựng lực lượng vũ trang cách mạng. Ông là tấm gương sáng, là biểu hiện phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:

- 01 Huân chương độc lập hạng I.

- 02 Huân chương kháng chiến hạng I (chống Pháp và chống Mỹ).

- 01 Huân chương quyết thắng hạng I

- Huy hiệu 40 và 50 năm tuổi Đảng.

Sưu tầm và biên soạn 

HUỲNH BÁ LẠC

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 332
  • Trong tuần: 3 339
  • Tất cả: 8761630

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn