Trần Văn Đề

TRẦN VĂN ĐỀ

(….. - 1868)

Sau khi thành Vĩnh Long, đặt dưới dự chỉ huy của Khâm sai đại thần Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, thất thủ vào đêm 20/6/1867, toàn bộ mảnh đất Nam Kỳ rơi vào tay giặc Pháp thì vùng đất ven biển Trà Vinh, với tuyến rừng ngập mặn sình lầy, sông rạch chằng chịt trở thành vùng căn cứ cho nhiều cuộc khởi binh lớn nhỏ nổi lên dưới sự chỉ huy của Phan Tôn - Phan Liêm, Đào Công Bửu, Lê Tấn Kế, Trần Bình... trong suốt những thập niên 1860, 1870, 1880. Điều lý thú là, trong các phong trào yêu nước bất khuất ấy, có một cuộc khởi binh có ý nghĩa như phát pháo mở đầu, tuy chưa được chính thức ghi vào chính sử Việt Nam nhưng lại lưu lại dấu ấn vô cùng sâu đậm trong ký ức cư dân vùng ven biển cầu Ngang, Duyên Hải.

Trần Văn Đề vốn quê ở Gò Công, tỉnh Định Tường, ông là một thuộc tướng của Lãnh binh Trương Định nổi lên chống thực dân Pháp ngay buổi đầu chúng chiếm ba tỉnh miền Đông. Nhưng, có lẽ, ông chưa là những nhân vật chính yếu của cuộc kháng chiến oanh liệt này nên không thấy tài liệu nào ghi lại tên tuổi của ông.  Sau khi Trương Định mất, ông lánh mình về vùng Long Hậu, Mương Khai (nay là xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) mở trường dạy chữ nho và dạy võ nghệ cho thanh niên trai tráng quanh vùng. Thực ra, chuyện mở trường dạy học chỉ là cái cớ, tạo điều kiện cho nhà yêu nước này liên kết với các bậc thân hào, nhân sĩ và chiêu tập những người cùng chí hướng, chuẩn bị mưu cuộc lâu dài trước cơn quốc phá gia vong mà ông vẫn canh cánh bên lòng.

Thành Vĩnh Long thất thủ, thực dân Pháp nhanh chóng xua quân xâm chiếm vùng đất ven biển giàu tiềm năng kinh tế. Ngôi trường dạy chữ nho và dạy võ nghệ của Trần Văn Đề trở thành trung tâm nối kết trai tráng và nhân dân Long Hậu và các vùng phụ cận. Một cuộc khởi nghĩa được hình thành dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trần Văn Đề cùng các nhân sĩ như thầy giáo Minh, thầy giáo Tính, Lý Rọt, Dương Thập, Huỳnh Văn Trước... Chưa có số liệu chính xác để khẳng định qui mô của cuộc khởi binh nhưng chắc chắn rằng ông có không dưới vài trăm nghĩa binh túc trực, thường xuyên luyện tập và số dân binh cũng ở con số vài lần lớn hơn để có thể hoạt động khá mạnh suốt chiều dài từ Bàng Đa, Bãi Vàng trở xuống phía biển.

Đầu tháng 8/1867, thực dân Pháp tập trung binh lực tại Trà Vinh với quyết tâm bình định vùng đất ven biển mà trọng tâm là các hoạt động quân sự của nghĩa quân Trần Văn Đề. Ngày 21/8/1867, chúng mở cuộc hành quân dưới sự chỉ huy của trung úy Dulieu, Giám binh Trà Vinh hợp cùng Thư ký Giám binh, viên cai Peisance và Thuyền trưởng hải quân Vial. Lực lượng gồm 8 thủy binh, 28 lính khố xanh trang bị đầy đủ cùng một số phụ binh bản địa và người dẫn đường.

Việc huy động binh mã của thực dân Pháp không thoát được tầm mắt của nghĩa binh Trần Văn Đề và tai mắt của ông, những người dân yêu nước cư trú ngay tại Thị xã. Do vậy, ông có thời gian chuẩn bị cho cuộc đối đầu này. Trận đánh diễn ra ở khu vực Bàng Đa mà nghĩa quân là những người chủ động phục kích đánh tập hậu. Lợi dụng vào địa hình, địa thế vốn quen thuộc, với tất cả lòng quả cảm, chí căm thù quân cướp nước, tuy chỉ được trang bị bằng vũ khí thô sơ như gươm dao, gậy gộc... nghĩa quân đã giáng cho bọn xâm lược nhà nghề thất bại quân sự đầu tiên trên chiến trường Trà Vinh. Tên cai Feisance và nhiều lính khố xanh bỏ xác tại trận.

Thất bại quân sự này đã thực sự làm rung động tinh thần chiến đấu của những tên lính viễn chinh. Trong báo cáo của chính Thuyền trưởng Vial được đăng trên Công báo, số ra ngày 5/9/1867, sau này được tập hợp in vào quyển "Những ngày đầu ở Nam Kỳ", dù đã hết sức giảm thiểu cảc số liệu, viên sĩ quan trẻ này đã cay đắng thú nhận: "Mười lính Pháp và mười lính khố xanh miền Đông bị một nhóm hơn 150 quân phiến loạn bao vây. Sau một trận đánh ác liệt, họ (tức bọn hành quân - TD) thoái khỏi vòng vây và riết chạy về Cầu Ngang. Quân phiến loạn chết 8 người trong đó có một đốc binh, một trong những người chỉ huy của họ. Phía bên Pháp, viên cai Feisance. và ba lính khố xanh đã anh dũng hy sinh khi anh ta xông vào một đám phiến loạn, một thủy thủ bị thương nặng ở đầu".

Phát huy thắng lợi, nghĩa quân Trần Văn Đề nhanh chóng lớn mạnh, làm chủ toàn bộ vùng đất Cầu Ngang, Duyên Hải đến tận ngoại vi Thị xã Trà Vinh ngày nay. Không thể chấp nhận thất bại, dưới sự đốc thúc liên tục từ phía quan thầy, bọn thực dân ở Trà Vinh gấp rút mở cuộc hành quân thứ hai với qui mô lớn hơn, đặt dưới sự chỉ huy của Đại úy pháo binh Robin. Dưới quyền chỉ huy của Robin còn có Trung úy Dulieu, Giám sát viên hành chính De La Pérelle, Thuyền trưởng Vial. Lực lượng gồm có 25 lính Pháp, 60 lính khố xanh, 6 thủy binh cùng một số phụ binh và lính dẫn đường,

Trận đánh thứ hai diễn ra ở ngoại vi Cầu Ngang. Sau hơn hai giờ đánh nhau ác liệt, nhận thấy đối đầu trực tiếp với đội quân nhà nghề, được trang bị hiện đại là hoàn toàn bất lợi, chủ tướng Trần Văn Đề cho rút quân về Rừng Vàng (nay thuộc xã Thạnh Hòa Sơn). Từ đó, Rừng Vắng còn có thêm tên là Trường Bắn do các hoạt động tập luyện, sẵn sàng chiến đấu một cách nghiêm túc và ráo riết của nghĩa quân. Thực dân Pháp vẫn tổ chức nhiều cuộc hành quân nhưng luôn bị đánh bật ra khỏi Rừng Vắng. Do vậy, chúng phong tỏa khu vực này gắt gao. Lương thực ngày một cạn kiệt, việc tiếp tế của nhân dân ngày một khó khăn, nghĩa quân phải ăn củ rừng, thịt thú rừng. Đến nay, tại Thạnh Hòa Sơn còn có danh Đìa Xương, tương truyền rằng nghĩa quân ăn thịt thú rừng bỏ xương đầy cả đìa.

Nhận thấy rằng, khu vực Rừng Vắng chưa phải là nơi dừng chân lý tưởng, nhất là đối với một kẻ địch trang bị mạnh hơn ta gấp bội, Trần Văn Đề chủ động lui quân về Ba Động, dựa vào địa thế hiếm trở của vùng biển, đồn lương tích thảo, chiêu tập thêm nghĩa binh, mưu tính cuộc lâu dài. Từ đó, tuyến rừng ngập mặn ven biển, từ Ba Động lên Mương Khai, Long Hậu (nay là Mỹ Long Nam) vẫn nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nghĩa quân.

Năm sau, 1868, nghĩa quân mạnh hẳn lên. Đông đảo trai tráng quanh vùng về tụ nghĩa, quần chúng nhân dân tích cực ủng hộ lương thảo. Chủ tướng Trần Văn Đề đẩy mạnh các hoạt động quân sự khắp địa bàn cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải. Những hoạt động thoắt ẩn, thoắt hiện mà khá hiệu quả của nghĩa quân đã làm thực dân Pháp mất ăn mất ngủ. Đến nỗi, trong một báo cáo của mình, Vial tưởng lầm và ghi rằng có một cuộc nổi dậy khác với căn cứ là Ba Động.

Trước sự bất ổn của tình hình, thực dân Pháp tăng cường thêm lực lượng Đại úy Rheinard được cử làm Giám binh Trà Vinh thay cho Dulieu. Một chiến dịch hành quân tảo trừ được trù tính khá chu đáo do Giám binh Trà Vinh Rheinard và Giám binh hạt Bắc Trang, Đại úy Folliard trực tiếp chỉ huy.

Nhưng những hoạt động thuần túy quân sự tỏ ra không có kết quả trước địa hình, địa thế hiểm trở của những cánh rừng ngập mặn và tinh thần chiến đấu quả cảm của nghĩa quân. Nhiều cuộc hành quân bị đánh bật ra khỏi vùng căn cứ Ba Động với những báo cáo đáng quan ngại về việc hao binh tổn tướng khiến bọn thực dân ăn ngồi không yên. Nhiều tên thực dân nham hiểm cáo già lần lượt về bày mưu, tính kế cho những tên sĩ quan quân sự thuần túy tại địa phương. Lần này, bên cạnh các hoạt động quân sự, chúng đẩy mạnh hoạt động gián điệp và khủng bố nhắm vào gia đình, thân nhân của các lãnh tụ và nghĩa quân, đồng thời tìm mọi biện pháp cắt đứt đường tiếp tế từ phía nhân dân,

Sau một thời gian theo dõi, khoảng tháng 3/1868, gián điệp bắt được vợ ông Trần Văn Đề là bà Trần Thị Sáu, khi ấy đang có mang 6 tháng. Mặc cho địch dụ dỗ, tra tấn hết sức dã man nhưng bà vẫn không khai báo. Qua tin tức điệp báo, Rheinard, Robin, Dulieu, Folliar... bất ngờ xua quân bao vây khu rừng Mương Khai, căn cứ bí mật của chủ tướng Trần Văn Đề. Địch bắt được Trần Văn Đề và một số đồng sự gần gũi, trong đó có ông Dương Thập, người phụ trách hậu cần, quân lương của cuộc khởi binh. Tại cầu Ngang, đế đàn áp tinh thần nghĩa quân và quần chúng, địch chém chét thủ lĩnh Trần Văn Đề rồi bêu đầu giữa chợ, xác vứt tại Gò Mã. Riêng ông Dương Thập, chúng dùng lửa đốt cháy toàn bộ phần lưng xuống đến tận đùi rồi đem vứt cạnh xác chủ tướng. Nhân dân vùng Long Hậu kết hợp cùng nhân dân Minh Thuận đang đêm tổ chức vào cướp xác hai ông nhưng chỉ tìm được xác Dương Thập đang nằm thoi thóp và đưa về giữa rừng Mương Khai thuốc thang phục dưỡng. Xác ông Trần Văn Đề được dòng sông cầu Ngang đưa về Long Hậu, Mương Khai...hưóng ra biển.

Sau cái chết oanh liệt của chủ tướng, các lãnh tụ còn lại như Lý Rọt, Thầy Minh, Thầy Tính... rút về phía Bần Sà, Bãi Sang, Giồng Tượng (nay là cả xã Long Đức và Đại Phước)... Nghĩa quân bắt đầu tan rã.

Thương tiếc vị chủ tướng anh hùng luôn xông pha giữa vòng lửa đạn, dũng cảm nhận lấy cái chết để trả thù nhà đền nợ nước, mãi mãi làm rạng danh vùng đất Long Hậu, Mương Khai, ông Trần Văn Cầm, một nghĩa binh (sau này là nhạc gia nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông) đã khóc vị chủ tướng của mình bằng một bài thơ thất ngôn bát cú khá cám khái:

KHẤP ĐỀ TRIỆU 

Hãn mã vô kham vị quốc cửu 

Chỉ nhân binh bại chí thân hưu

Anh hùng mạc bả vinh du luận

Vũ trụ trường khan tiêt nghĩa lưu 

Vô bố dĩ kinh hồ độ phách

Bất hàng cam đoạn tướng quân đầu 

Đương kim Tiền hải lưu ba huyệt 

Chinh đảo thu ba khởi mộ sầu.

Chúng tôi xin giới thiệu bài thơ, cũng là một tư liệu lịch sử qua bản tiếng Việt của nhà cách mạng lão thành Trần Thành Đại (hy sinh trong nhà tù Côn Đảo năm 1944).

KHÓC ĐỀ TRIỆU

Ngựa chiến kiệt sức vì thù nước 

Chỉ vì binh bại thân ra nông nỗi 

Luận anh hùng đâu kể lẽ thành bại 

Gương tiết nghĩa ghi lại trong vòm trời đất

Uy danh làm bạt vía quân thù 

Thà mất đầu tướng quân không đầu hàng

Ngày nay cửa sông Tiền, máu anh hùng như vẫn chảy

Giữa sóng mùa thu, cù lao (Cổ Chiên) như nấm mộ của người anh hùng.

Nhân dân Mỹ Long còn lưu truyền một bài thơ KHÓC ĐỀ TRIỆU khác theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tuy không sâu sắc, cảm khái bằng bài thơ của Ông Trần Văn Cầm nhưng lại dễ hiểu, dễ nhớ (do ông Võ Ngọc Khánh - Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh Trà Vinh sưu tầm): 

Đề binh xung trận diệt sài lang 

Binh bại sa cơ Triệu bất hàng 

Thọ tử anh hùng lưu huyết hận 

Thiên niên tàn cốt ký Long giang.

Tưởng nhớ vị anh hùng đầu tiên dấy quân chổng Pháp, nhân dân Cầu Ngang, Duyên Hải vẫn còn nhắc nhở qua các địa danh "Rừng ông Đề”, “Láng ông Đề” ở khu vực Cồn Cù, Ba Động... bên cạnh những “Đìa Xương”, “Trường Bắn”... ở Thạnh Hòa Sơn. Nhân dân Mỹ Long dựng đền thờ ông ở Mương Khai (Đình Mương Khai), mặc cho thực dân Pháp cấm đoán, đốt phá nhiều lần. Sau này, do chiến tranh, ngôi đền được dời lên ấp Mỹ Thập (Mỹ Long Bắc). Sau ngày giải phóng, các bậc bô lão ở Mỹ Long, Cầu Ngang đã nhiều lần trùng tu ngôi đền và đưa anh linh các liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vào cùng phối tự.

Sưu tầm và biên soạn

TRẦN DŨNG

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 269
  • Trong tuần: 3 276
  • Tất cả: 8761567

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn