Phát huy truyền thống trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Phật giáo Trà Vinh tích cực tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Năm 1954, sau chiến thắng của quân và dân ta tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ, đình chỉ chiến sự, tái lập hòa bình trên bán đảo Đông Dương; Việt Nam sẽ thực hiện Tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào ngày 20/7/1956 có sự kiểm soát quốc tế. 

Nhưng đế quốc Mỹ với tham vọng làm bá chủ toàn cầu, nhân cơ hội này đã ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống. Mặc dù Mỹ - Diệm ra sức rêu rao về một chính quyền Cộng hoà, tự do, dân chủ, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng chế độ Ngô Đình Diệm thực chất là một chế độ bóp nghẹt tự do, dân chủ trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Mà đỉnh điểm của việc vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo là vào Lễ Phật đản năm 1963, chính quyền Ngô Đình Diệm thông báo khẩn cấp cấm treo cờ Phật giáo trong ngày lễ Phật đản trong toàn miền Nam Việt Nam. Giới Phật giáo phản đối, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho quân đội dùng xe tăng và súng đạn đàn áp tăng, ni, phật tử biểu tình tại Đài phát thanh Huế vào đêm 08/5/1963, làm chết 08 người và bị thương hàng chục người. Không thể im lặng trước cảnh Phật giáo bị đàn áp, các vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đã cùng Phật tử xuống đường biểu tình, đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động.

Cũng như Nhân dân miền Nam dưới chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, Nhân dân Trà Vinh phải chịu bao áp bức, bất công, trong đó có tín đồ Phật giáo. Và một quy luật tất yếu của xã hội, đó là “có áp bức sẽ có đấu tranh”, Nhân dân Trà Vinh dưới ách thống trị của Mỹ - nguỵ đã vùng lên đấu tranh đòi độc lập, tự do, dân chủ, trong đó có các cuộc đấu tranh của đồng bào tín đồ Phật giáo. Một số cuộc đấu tranh tiêu biểu như:

Cuộc đấu tranh do ông Ma ha Sơn Thông lãnh đạo diễn ra tại chùa Sam Rông Ek (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành) vào lễ Phật đản năm 1957. Lực lượng tham gia cuộc đấu tranh này phần lớn là các vị sư và đồng bào 3 huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của các chư tăng và đồng bào 3 huyện Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long. Cuộc đấu tranh đã quy tụ các chư tăng của hơn 70 chùa Khmer trong tỉnh. Kết hợp với các lễ nghi Phật giáo, những người tổ chức cuộc đấu tranh đã sáng tạo ra một chương trình mang tên “Diễn đàn tự do về ngày Phật đản 2500 năm”. Các chư tăng và phật tử nối tiếp nhau lên diễn đàn tố cáo chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” và chính sách đồng hóa dân tộc của ngụy quyền Ngô Đình Diệm, đòi dân sinh, dân chủ, đòi ngụy quyền thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ, đòi Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà... rồi trao văn bản kiến nghị cho Tỉnh trưởng Vĩnh Bình. 

Năm 1958, nguỵ quyền ở Vĩnh Bình bắt Achar Luis Sarat vì vận động đồng bào, chư tăng ký tên đòi hiệp thương Tổng tuyển cử. Trước sức ép phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các chư tăng và phật tử, có lúc lên đến hơn 60.000 người kéo vào Dinh Tỉnh trưởng đòi trả tự do cho Achar Luis Sarat, buộc chính quyền nguỵ phải thả Achar Luis Sarat.

Cuối tháng 6/1961, trên 1.000 đồng bào và các chư tăng Khmer ở các chùa Châu Điền, Tam Ngãi, Hòa Ân, Phong Phú (huyện Cầu Kè) xuống đường đấu tranh kéo đến tỉnh lỵ đòi địch phải thả Hòa thượng Thạch Som bị địch giam cầm 6 tháng. Trước khí thế đấu tranh của đồng bào và các chư tăng, buộc địch phải thả Hòa thượng. Sau đó, chúng đưa một tiểu đoàn bảo an đến chiếm đóng chùa Ô Mịch, nơi Hòa thượng Thạch Som trụ trì. Các chư tăng và tín đồ phản đối quyết liệt, nhưng quân địch vẫn không rút khỏi khuôn viên chùa, chúng còn bắt dân vào ở trong khuôn viên chùa để làm “hàng rào người”. Đồng bào rất phẫn nộ khi thấy tượng Phật bị quân địch làm mất đầu, gãy tay, lính ngụy ngang nhiên phơi quần áo trước bàn thờ Phật...Ban Quản trị chùa Ô Mịch quyết định tản cư các tượng Phật đi nơi khác và huy động tín đồ rước tượng Phật tản cư. Khi tín đồ đưa các tượng Phật ra ngoài, quân địch đánh bị thương nhiều người, đồng bào dùng gậy gộc chống trả lại. Cuộc đấu tranh kéo dài từ ngày 14 đến ngày 27/9/1961, cuối cùng các tượng Phật được đưa về các chùa ở các xã Châu Điền, Phong Phú, Tam Ngãi, Hòa Ân... Tản cư tượng Phật xong, đồng bào tiến hành các hoạt động phá bỏ ấp chiến lược.

Năm 1963, máy bay địch ném bom, bắn phá trúng chánh điện chùa Mé Láng (huyện Trà Cú) phá hủy 31 tượng Phật, 4 nhà dân xung quanh chùa bị sập, làm chết 16 người, bị thương 20 người, trong đó có 9 vị sư, 6 em bé. Đồng bào, chư tăng khoảng 1.000 mang xác người chết, dìu người bị thương đến tề xã đòi bồi thường tính mạng, tài sản chùa bị thiệt hại, đòi trừng trị bọn giết người. Tiếp đến, đồng bào, chư tăng kéo lên huyện, lên tỉnh đấu tranh. Các xã trong huyện được tin báo, tổ chức xuống đường thành những đoàn phối hợp đấu tranh. Toàn huyện có 112 cuộc đấu tranh, biểu tình từ xã lên quận, tỉnh, trên 40 ngàn lượt người, có 400 chư tăng trong huyện và các huyện bạn tham gia.

Ngày 19/5/1970 nhân ngày Phật đản, đồng bào Phật giáo thị xã Trà Vinh làm lễ rước Phật từ chùa Phước Hòa (phường 2) đến chùa Long Khánh (phường 3), lễ rước Phật với sự tham gia của hàng vạn người, biến thành một cuộc biểu tình đòi hòa bình, dân chủ.

Trong thời điểm này, ở Trà Cú, hàng chục ngàn người, trong đó có nhiều chư tăng và tín đồ Phật tử Khmer xuống đường biểu tình, mang theo băng rôn, khẩu hiệu chống bắt lính, chống gom dân, đòi bồi thường tính mạng, tài sản của Nhân dân.. Đặc biệt, là cuộc đấu tranh của 650 vị chư tăng, vừa đi vừa tụng kinh, phá 3 lớp hàng rào, kéo vô quận Trà Cú đòi quận trưởng phải thả 53 thanh niên người Khmer bị chúng bắt đi lính, phải điều trị cho 8 người bị lính ngụy đánh bị thương và đòi lại 1.900 giạ lúa bị chúng cướp.

Cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra ngày 20/02/1975 tại chùa Char (Sóc Chà xã Thanh sơn huyện Trà Cú), các chư tăng trong chùa chống trả quyết liệt. Quân địch đã tàn ác, ném 4 quả lựu đạn vào các chư tăng làm chết tại chỗ 2 nhà sư Dương Sóc và Kim Sum.

Các cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam nói chung, Trà Vinh nói riêng từ năm 1954 -1975 là phong trào nhập thế của Phật giáo đồng hành cùng dân tộc vì mục tiêu chung của Nhân dân là độc lập, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, góp phần tạo thuận lợi cho phong trào giải phóng miền Nam phát triển đi đến giành thắng lợi vào ngày 30/4/1975. Phong trào Phật giáo đã thể hiện sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, như bài thơ Tình sông, nghĩa biển của Trụ Vũ:

Việt Nam và Phật giáo

Phật giáo và Việt Nam

Ngàn năm xương thịt kết liền

Tình sông nghĩa, biển mối duyên mặn nồng([1]),

          Từ sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, đặc biệt từ sau ngày tái lập tỉnh (5/1992) đến nay, trên cơ sở chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, Phật giáo Trà Vinh đã phát huy truyền thống trong cách mạng giải phóng dân tộc, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, đặc biệt là góp phần xây dựng khối đại doàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, thực hiện lời răn dạy của Lục Tổ Thiền Tông: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề thí như cầu thế giác” (nghĩa là Phật pháp tại thế gian, nếu bỏ thế gian này mà đi tìm chân lý giác ngộ thì chẳng khác nào đi tìm lông rùa, sừng thỏ), Phật giáo Trà Vinh đã tích cực tham gia và giải quyết các vấn đề xã hội. Với bản chất là là tôn giáo của hoà bình, gần gũi, gắn bó với người dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành tỉnh, Phật giáo Trà Vinh dấn thân phục vụ xã hội, con người, tích cực ủng hộ, triển khai các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động tới đông đảo Tự viện, Tăng, Ni và tín đồ Phật tử tham gia hưởng ứng tích cực. Những phong trào từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới,...được chú trọng triển khai và thực hiện, chính là sự vận dụng triết lý nhân sinh cứu khổ, cứu nạn và từ bi của nhà Phật. Thể hiện ở việc kêu gọi Tăng, Ni, tín đồ Phật tử phát tâm công đức làm các các việc thiện, như: Nuôi dạy trẻ mồ côi, nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa; mở lớp học tình thương, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, khô hạn, bị ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19; trao tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; xây cầu, làm đường bê tông; tặng thẻ bảo hiểm, học bổng; tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo,...với tổng số tiền vận động trong 20 năm qua (2003 - 2023) hơn 800 tỷ đồng. Nêu cao vai trò của Tăng, Ni trong việc hòa giải những vụ việc dân sự, trong việc khuyên răn tín đồ Phật tử làm điều thiện, tránh điều ác, xây dựng đời sống văn hoá, tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa,v.v...([2])

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng, trên cơ sở phát huy vai trò, giá trị tôn giáo và xã hội của Phật giáo, dấn thân theo tinh thần: “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Kế thừa những giá trị trong giáo lý và lời dạy của Đức Phật và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh vai trò của Phật giáo phục vụ xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có Phật giáo Trà Vinh đã lấy phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” để đồng hành trong mọi hoạt động Phật sự hoằng dương chính pháp. Giá trị của Phật giáo không chỉ hướng con người đến những điều thiện mà còn dạy con người điều nhân nghĩa, bày cho con người đến những điều hòa kính trong xã hội, có trách nhiệm với quê hương, đất nước và dân tộc.

Phát huy vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã phát huy truyền thống tốt đẹp trong cách mạng giải phóng dân tộc, thời gian qua đã tích cực triển khai, vận động Tăng, Ni, tín đồ Phật tử thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đóng góp xây dựng quỹ “Vì Người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tôn giáo ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường”,..

Những đóng góp nêu trên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh không ngừng khẳng định vị thế của mình trên mọi mặt trận, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà, thể hiện tốt vai trò đồng hành cùng quê hương, đất nước và dân tộc.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc xuất phát từ những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Tăng, Ni, tín đồ Phật tử sẽ tiếp tục phát huy truyền thống trong cách mạng giải phóng dân tộc và những thành tựu trong 30 năm qua, tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, ra sức cống hiến tâm lực, sức lực và tài lực theo tinh thần giáo lý nhà Phật.

                                                                      Trần Bình Trọng

([1]) Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, chương 38: Cuộc vận động chống chế độ Ngô Đình Diệm; Nhà xuất bản Văn học, năm 2010, trang 1121.

([2]) Dẫn theo bài tham luận của Hoà thượng Thích Trí Minh tại Hội nghị Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức (ngày 23/5/2023).

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 257
  • Trong tuần: 3 264
  • Tất cả: 8761555

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn