Tình hình thế giới đáng chú ý

Từ ngày 29/5 - 02/6/2023

1. Phần Lan cảnh báo về nguy cơ sụp đổ của OSCE

Ngày 29/5, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto lo ngại rằng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có khả năng sụp đổ vì Nga và Belarus không sẵn sàng chấp thuận chức Chủ tịch luân phiên của Estonia vào năm 2024.

Mỗi năm, một trong các quốc gia thành viên của OSCE giữ chức chủ tịch của tổ chức trên cơ sở luân phiên. Ứng cử viên phải được tất cả các thành viên OSCE chấp thuận. Nga và Belarus chưa chấp thuận trường hợp của Estonia, trong khi Tallinn sẽ không từ bỏ triển vọng làm chủ tịch luân phiên của OSCE. Do đó, OSCE sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cơ bản trong vòng sáu tháng tới.

"Nếu không có Chủ tịch [của OSCE] vào năm 2024 và không có sự đồng thuận về vấn đề này, thì năm tới sẽ là năm mà OSCE sụp đổ với tư cách là một tổ chức", nhà ngoại giao hàng đầu của Phần Lan nói và cho biết thêm rằng sự sụp đổ của OSCE có thể xảy ra trước khi Phần Lan nắm quyền Chủ tịch luân phiên theo lịch trình vào năm 2025.
Trong khi đó, báo Die Presse của Vienna hồi tháng 4 đưa tin rằng Áo sẵn sàng tự đề cử mình là ứng cử viên thay thế cho chức Chủ tịch OSCE vào năm 2024 nếu không đạt được sự đồng thuận về việc chấp thuận ứng cử viên của Estonia do có thể có những bất đồng từ phía Nga. Die Presse lưu ý rằng Nga đã từ chối ủng hộ ứng cử viên của Estonia tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Stockholm vào cuối năm 2021.

Chủ tịch OSCE thường đảm nhiệm trong một năm dương lịch. Việc đề cử thường diễn ra hai năm trước khi bắt đầu nhiệm kỳ của ứng cử viên có liên quan. Bắc Macedonia đã giữ chức Chủ tịch luân phiên OSCE kể từ ngày 1/1/2023.

OSCE, gồm 57 quốc gia, là tổ chức an ninh khu vực lớn nhất thế giới. Trước năm 1994, nó được gọi là Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE).

Nguồn: tuyengiao.vn/the-gioi

2. Mỹ, Philippines, Nhật Bản lần đầu tập trận hải quân chung ở Biển Đông

Ngày 1/6, lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ, Nhật Bản và Philippines bắt đầu các cuộc tập trận hàng hải ở Biển Đông.

Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hải Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Cuộc tập trận ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Bataan của Philippines, kéo dài đến ngày 7/6.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc cũng đã tăng cường các cuộc tập trận ở những tuyến đường thủy chiến lược.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Lào, Singapore và Campuchia trong năm nay và chuẩn bị gửi tàu chiến tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương do Indonesia đăng cai trong tháng này.

Trong khi đó, Washington tăng cường ngoại giao quân sự trong khu vực, tổ chức các cuộc tập trận thường xuyên hơn với các đồng minh và đối tác ở Biển Đông, vùng biển xung quanh Đài Loan cũng như phía tây Thái Bình Dương.

Armand Balilo, phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines nói rằng cuộc tập trận 3 bên là sáng kiến của Mỹ và Nhật Bản. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của Australia với tư cách quan sát viên.

Theo ông Armand Balilo, 4 tàu Philippines và một tàu của Mỹ và Nhật Bản sẽ tham gia cuộc tập trận được thiết kế để cải thiện hợp tác tìm kiếm cứu nạn và thực thi pháp luật.

“Đây là hoạt động thường lệ giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển. Không có gì sai khi tổ chức các bài tập với các đối tác", phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cuộc tập trận hàng hải cũng sẽ bao gồm các hoạt động mô phỏng chống cướp biển và có thể là một cuộc tập trận đánh chặn liên quan đến tàu mang vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Mỹ, Nhật Bản và Australia thường xuyên lên án hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc. Ba nước này cũng tìm cách can dự, hợp tác chặt chẽ hơn với Philippines kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr trở thành Tổng thống Philippines vào năm ngoái.

Nguồn: vtc.vn

3. Mỹ và Nhật Bản hợp tác đánh chặn tên lửa siêu thanh

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói Nhật Bản và Mỹ đang thảo luận việc hợp tác phát triển các tên lửa đánh chặn có khả năng bắn hạ vũ khí siêu thanh.

“Liên quan đến hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng, chúng tôi đã đồng ý tăng cường hợp tác và thúc đẩy các cuộc thảo luận về phương tiện bay không người lái cũng như khả năng cùng phát triển tên lửa có khả năng bắn hạ vũ khí siêu thanh", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Tokyo hôm 1/6.

Ông Hamada nhấn mạnh, Nhật Bản và Mỹ sẽ “hợp tác chặt chẽ" trước các vụ thử tên lửa liên tục của Triều Tiên, hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine và những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Ông cũng đề nghị cả Tokyo và Washington cải thiện hơn nữa quan hệ với Hàn Quốc.

Bộ trưởng Austin xác nhận Mỹ và Nhật Bản đang “làm việc cùng nhau về các công nghệ tiên tiến bao gồm tên lửa siêu thanh, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tiên tiến".

Theo ông Austin, Washington và Tokyo đã “cùng nhau đạt được những tiến bộ ấn tượng”, song nhấn mạnh quan hệ hợp tác hai bên sẽ cần phải bền chặt hơn trong tương lai.

Các nhà phân tích, bao gồm cả ở phương Tây, cho rằng Mỹ và các đồng minh đang đi sau Nga và Trung Quốc khi nói đến vũ khí siêu thanh. Đây là vũ khí được cho là có thể "qua mặt" hệ thống phòng thủ hiện có do tốc độ cực nhanh và khả năng cơ động cao.

Washington mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm loại công nghệ này. Hồi tháng 3, không quân Mỹ thừa nhận vụ thử nghiệm thất bại lần thứ tư đối với hệ thống tên lửa siêu thanh do nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin thực hiện - vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A.

Nga đã phát triển một số hệ thống siêu thanh cho quân đội trong những năm gần đây, bao gồm tàu lượn siêu thanh Avangard, tên lửa siêu thanh Kinzhal phóng từ trên không.

Giữa tháng 5, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã sử dụng tên lửa siêu thanh để gây thiệt hại đáng kể cho hệ thống phòng không Patriot do Mỹ cung cấp đóng tại Kiev. 

Nguồn: vtc.vn

4. Nga chi bao nhiêu tiền cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine?

Việc phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khiến Nga phải trả giá đắt về mặt địa chính trị. Thế nhưng phân tích mới của tờ Economist cho thấy, Moskva thực sự chi một khoản kinh phí nhỏ cho xung đột đang diễn ra.

Theo Economist, chi phí tài chính trực tiếp cho cuộc xung đột ở Ukraine - chi tiêu cho binh lính và trang thiết bị vũ khí, ước tính chiếm khoảng 3% GDP của Nga, tương đương khoảng 67 tỷ USD mỗi năm. 

Khoản chi tiêu hiện tại của Nga không thể so sánh được với những gì mà nước này từng bỏ ra trong lịch sử. Trong Thế chiến II, Liên Xô đã chi khoảng 61% GDP, còn Mỹ chi khoảng 50% GDP.

Tuy nhiên, con số 3% GDP mà Nga phải chi cho xung đột hiện nay ở Ukraine vẫn cao hơn nhiều so với cuộc chiến ở Afghanistan. Khi tham chiến ở Afghanistan, Liên Xô phải rót 0,4% GDP. 

Một trong những lý do giải thích việc chi tiêu ít của Nga cho cuộc xung đột hiện nay là xuất phát từ yếu tố kinh tế quốc phòng. Các lực lượng vũ trang ngày nay hiệu quả hơn nhiều so với trong quá khứ khi công nghệ ngày càng phát triển. Quân đội sẽ cần ít người và khí tài hơn khi tham chiến.

Trong cuộc họp lần thứ 12 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine - nhóm quy tụ tất cả 31 quốc gia NATO, cũng như một số quốc gia "không liên kết" mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ và các đồng minh đã rót 65 tỷ USD vũ khí vào Ukraine. 

Nga liên tục nhấn mạnh các cuộc tấn công của nước này chỉ nhắm mục tiêu quân sự hoặc mục tiêu kép ở Ukraine. Moskva cũng cáo buộc Kiev thực hiện các đợt pháo kích và tên lửa nhằm vào các thành phố gần tiền tuyến của Nga, khiến nhiều người thương vong.

Xung đột Nga - Ukraine diễn ra hơn một năm và chưa có hồi kết. Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Nga cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp xe tăng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.

Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.

Nguồn: vtc.vn/su-kien

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 391
  • Trong tuần: 3 398
  • Tất cả: 8761689

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn