Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng hiện nay
Vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện nghiêm, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng góp phần hoàn thiện cơ chế thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, trong việc xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo, trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong công tác tổ chức, cán bộ, trong công tác kiểm tra, giám sát.

Đoàn Kiểm tra của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc với  tỉnh Trà Vinh

Nhờ sự thể chế hóa và luật hóa ngày càng cụ thể, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ ngày càng được tăng cường, đạt được những kết quả nhất định. Thông qua giám sát, phản biện xã hội, MTTQ đã thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, có tác động tích cực đến việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phong trào cách mạng ở cơ sở và phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong những năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (theo Quyết định số 217/QĐ/TW ngày 12/12/2013), tỉnh đã cụ thể hóa thành Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 14/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, tổ chức thực hiện, Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham mưu Tỉnh ủy ban hành các chỉ thị, quyết định, kế hoạch để quán triệt, triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn tỉnh([1]).

Thời gian qua, hoạt động giám sát của MTTQ các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức thực hiện giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của Nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng... qua mỗi cuộc giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ đều có báo cáo, tham mưu, đề xuất đến cấp ủy, UBND xem xét chỉ đạo, giải quyết những tồn tại, bất cập qua kiến nghị của Đoàn giám sát.

Bên cạnh đó, hàng năm Ban Thường trực đều phối hợp Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, các sở, ngành và tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và những nội dung, sự việc gây bức xúc, dư luận trong nhân dân... Các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn về lĩnh vực dân chủ - pháp luật, dân tộc - tôn giáo, văn hóa và kinh tế cũng phát huy vai trò trong việc tư vấn góp phần giúp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp xem xét kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến dân sinh và ổn định tình hình trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Trong 10 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, MTTQ các cấp đã tổ chức 599 cuộc hội nghị phản biện xã hội và tham gia đóng góp 1.242 dự thảo văn bản của các ngành gửi lấy ý kiến. Trong đó, có tham gia ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội của các cấp ủy Đảng và góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Ban Thường trực đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết trong công tác phản biện xã hội như mời nguyên lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về dự, góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng cao trong công tác phản biện xã hội, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao. Đa số các ý kiến đóng góp đều được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình đúng theo quy trình phản biện xã hội.

Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát được 10.112 cuộc với 3.168 công trình. Qua giám sát, 2 ban cũng đã có 620 kiến nghị và được các đơn vị có liên quan kịp thời khắc phục sau giám sát (các kiến nghị chủ yếu là khắc phục trong quá trình thi công các công trình đã làm cản trở việc đi lại của người dân, ô nhiễm môi trường và gây tiếng ồn…).

Để phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ các cấp trong công tác giám sát và phản biện xã hội thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành; nhất là quyết liệt quán triệt và triển khai thực hiện Kế hoạch số 672 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Kế hoạch số 105 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Có như vậy công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ mới đạt được hiệu quả, phát huy được dân chủ, tập hợp được nhiều ý kiến của Nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hai là, cần bố trí, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn sâu, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, có tư duy độc lập và năng lực tổng hợp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm đối với công việc; thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Ba là, có cơ chế, chính sách hợp lý hơn đối với việc thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học… tham gia phản biện.

Bốn là, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Các cơ quan đảng, chính quyền cần chủ động dự thảo chương trình đầu năm, giới thiệu mời MTTQ phản biện những văn bản quan trọng; đồng thời, các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện tốt Quyết định số 5628-QĐ/TU, ngày 03/4/2020 của Tỉnh ủy Trà Vinh quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ sau giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

(Nguồn: Quyển TTCTTT tháng 11/2023)



([1]) Quyết định 4242-QĐ/TU, ngày 26/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quy định Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tỉnh Trà Vinh tham gia ý kiến, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Quyết định số 5628-QĐ/TU, ngày 03/4/2020 của Tỉnh ủy Trà Vinh quy định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của MTTQ, các tổ chức thành viên của MTTQ sau giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Kế hoạch số 105-KH/TU, ngày 23/02/2023 thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 3 104
  • Tất cả: 8761730

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn