Hội nghị sơ kết
giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ
2020 - 2025 được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là một trong những
nhiệm vụ chính trị quan trọng; nhằm đánh giá khách quan, toàn diện những kết
quả đã đạt được đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, phân tích
nguyên nhân, rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; nhận
định tình hình mới với những thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen; từ đó đề
ra những giải pháp quan trọng sát hợp với tình hình, quyết tâm khắc phục những
hạn chế, tập trung triển khai thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ đạt được những
kêt quả cao nhất.
Để thông
tin đến các đại biểu dự Hội nghị giữa nhiệm kỳ ở cấp huyện những nội dung đánh giá khái quát
tình hình của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua, gợi mở một số vấn đề để đại biểu
nghiên cứu, suy nghĩ đóng góp trí tuệ của mình tìm giải pháp cùng quyết tâm
thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa
phương, đơn vị và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Trà Vinh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh
1. Đánh giá khái quát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025:
Nửa nhiệm kỳ
qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại
hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã phát huy tinh
thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó
khăn, thách thức, đạt được những kết quả rất quan trọng trên các lĩnh vực:
Kinh tế tiếp tục
tăng trưởng, bình quân đạt 1,42%/năm, GRDP đầu người cuối năm 2022 đạt 71,36
triệu đồng. Thu nội địa tăng bình quân trên 3,12%/năm (đến cuối năm 2022 thu
được 5.514 tỷ đồng), vốn đầu tư xã hội tăng nhanh, chiếm 42,16% GRDP. Cơ cấu
kinh tế chuyến dịch đúng hướng; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại -
dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,94%. Tập trung tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp theo
hướng phát triển bền vừng, ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục duy trì và phát triển một số vùng
sản xuất nông nghiệp tập trung. Hoàn thành trước thời hạn về mục tiêu xây dựng
nông thôn mới, với 100% số xã và 06 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 02 đơn vị thị
xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới,
còn lại huyện Trà Cú phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Hệ thống
kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp; diện mạo nông thôn và thành
thị ngày càng khởi sắc.
Lĩnh vực văn
hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, thể thao tiếp tục
đạt nhiều kết quả tiến bộ. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân
được bảo đảm. Công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách đối với người có công,
người có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai tích
cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,88%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân
tộc Khmer giảm còn 3,61%, thế hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của các cấp, các
ngành, đặc biệt là nổ lực quyết tâm vươn lên của các tầng lóp nhân dân trong tỉnh.
Quốc phòng - an
ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Chủ động phòng
ngừa, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ngay tại cơ
sở, bảo đảm ôn định chính trị - xã hội cho phát triển và cuộc sống bình yên của
nhân dân.

Công tác xây dựng
Đảng, hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4
khóa XI, XII và Kết luận số 21 của Ban Chấp
hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn
chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị,
đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có nhiều đổi mới, tiến bộ. Tổ chức, bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị được
sắp xếp, kiện toàn theo hướng
tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện hoàn thành công tác quy hoạch
đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân
chuyển, bổ nhiệm cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng bước được tăng cường, thành lập
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có 15 thành viên, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, vai trò nêu
gương của cán bộ, đảng viên và người
đứng đầu được phát huy tốt.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được nâng lên.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường.
2. Một số khó khăn, hạn chế:
Còn một số chỉ tiêu
chưa đạt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững, chưa có bước đột
phá. Môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
từng bước có nâng lên nhưng còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm, sản
xuất công nghiệp còn ít, quy mô nền kinh tế còn thấp, các doanh nghiệp sản
xuất, kinh doanh phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phát triển du lịch chưa
tương xứng với tiềm năng. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn
một số hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của
tỉnh. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, công tác quản lý điều hành của
chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tô quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từng lúc, từng nơi chưa đáp
ứng yêu cầu. Tinh thần trách nhiệm một số cấp ủy và người đứng đầu chưa cao,
chưa quyết liệt trong công việc. Một số cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, còn
vi phạm kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của
Đảng bộ.

3. Nhận định một số tình hình trong thời gian tới:
Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước
trong nửa nhiệm kỳ còn lại được dự báo trong bối cảnh, tình hình kinh tế, chính
trị thế giới còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp. Ở trong nước, bên cạnh
những thời cơ, thuận lợi, chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn,
thách thức mới, nặng nề hơn. Trong tỉnh cũng còn những khó khăn đáng quan tâm:
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp; thu hút đầu tư còn ít; vốn đầu tư toàn
xã hội giảm; điều kiện sản xuất khó khăn, giá cả vật tư đầu vào cho sản xuất
nông nghiệp tăng; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; một số dịch bệnh trên
cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn phát sinh khó kiểm soát; một số mặt hàng nông sản đầu
ra không ổn định; dịch bệnh nguy hiểm trên người, nhất là dịch bệnh Covid-19
còn diễn biến khá phức tạp...
4. Gợi mở một số vấn đề cần quan tâm để đại biểu nghiên cứu:
Các chi tiêu đạt thấp được xác định do những nguyên nhân nào là chủ yếu, giải pháp cho lĩnh vực đó là gì. Tiềm năng phát triển
kinh tế của tỉnh được xác định còn nhiều lĩnh vực có thế mạnh nhưng chưa khai
thác hết, vậy cần có những giải pháp nào để khai thác tối đa, hạn chế để lãng phí tiềm năng,
nhất là tiềm năng đất đai. Việc phân bổ nguồn lực đầu tư đã qua, đề xuất phân bổ như thế nào cho có hiệu quả cao nhất. Công tác kêu
gọi đầu tư còn những vướng mắc nào là điểm nghẽn đã qua chưa được quan tâm đúng mức trong chỉ
đạo giải quyết. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đa số các địa phương và tỉnh đều đạt thấp so với Nghị quyết, vậy đâu là nguyên
nhân, giải pháp nào cần thực hiện quyết liệt để đạt chỉ tiêu này. Đánh giá tình hình đời sống, thu
nhập của người dân, lao động có việc làm ổn định... có sát với thực tế tình hình chưa. Công
tác khám và điều trị bệnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên người nhất là dịch bệnh Covid-19 với sự quyết
liệt đã qua phần lớn là đạt được kết quả tích cực, nhưng cần rút kinh nghiệm gì
cho nhiệm vụ quan trọng bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xây dựng nông thôn mới cần
phải có những giải pháp mạnh nào nhằm tiếp tục nâng các tiêu chí theo tiêu chí
mới, hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu chí sụt giảm nhiều, từng bước nâng chất các tiêu chí Nông thôn mới theo đúng thực chất.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị xác định còn đâu là khâu
yếu để quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể thật sự trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo thực
hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết.
|
5. Định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong nữa nhiệm kỳ còn lại:
Thứ nhất, tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng phát triển. Tiếp tục có những giải pháp quyết liệt
hơn, mạnh mẽ hơn nữa để khơi dậy và phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nội
lực và những tiềm năng, lợi thế để tạo động
lực đưa Trà Vinh phát triển bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu
tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Huy động và sử dụng hiệu
quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông
kết nối vùng, liên vùng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trách nhiệm của tỉnh
và chủ động đề xuất, kiến nghị, phối hợp các bộ, ngành Trung
ương và Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực nuôi trồng, khai thác,
chế biến thủy, hải sản, dịch vụ cảng biển, kho vận, logistics, sửa chữa, đóng
tàu, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ và năng lượng tái tạo; xây dựng và
phát triển đội tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ
quyền biển, đảo, phấn đấu đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng
điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mạnh về kinh tế biển…
Tập trung chuyển
đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng công
nghệ cao, kinh tế xanh, tuần hoàn và kinh tế số; tạo ra nhiều sản phẩm nông
nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị, có sức cạnh tranh cao và phấn đấu mỗi xã có ít
nhất 01 sản phẩm và tiến tới có nhiều sản phẩm OCOP bảo đảm tiêu chuẩn, thương
hiệu quốc gia. Tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới
sáng tạo. Tích cực triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, quan tâm
đến các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Tận dụng lợi thế về điều kiện tự
nhiên, giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, tạo ra nhiều sản
phẩm du lịch đặc sắc, chất lượng cao, hấp dẫn du khách và từng bước trở thành một
ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Huy động tối đa các nguồn lực để phấn đấu
hoàn thành mục tiêu Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.
Chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu,
hạn hán, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai, các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là
phòng, chống đại dịch Covid-19. Tăng cường quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý,
hiệu quả đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lợi hải sản; bảo đảm hài hòa
giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để lấy
tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục chăm lo phát triển toàn diện văn hóa -
xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tổ chức
thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo. Chú trọng phát triển nguồn
nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động, kỹ năng, tay nghề trên
cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, năng lực
đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ
thuật vào sản xuất và đời sống, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư; thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo về chuyển đổi số. Thực hiện
tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, chăm lo người có công,
gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội...
Thứ tư, thường xuyên củng cố quốc phòng - an ninh; tăng
cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc,
không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao
nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong hoạt động khai thác, đánh
bắt hải sản trên biển. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trấn
áp hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm môi trường an toàn, ổn định cho phát
triển kinh tế - xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác
xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn,
hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của
tổ chức đảng, đảng viên; chủ động phát hiện, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ,
đảng viên; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy,
chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín
ngang tầm nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu và tín nhiệm. Tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát,
quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều
động, bổ nhiệm cán bộ; tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người
dân tộc một cách bài bản, chiến lược, lâu dài, không để hẫng hụt nguồn cán bộ
trong nhiệm kỳ mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực; quan tâm chỉ đạo tự kiểm tra, giám sát để phòng ngừa
tham nhũng; thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực; tăng cường chỉ đạo quán
triệt, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm. Đổi mới nội dung, phương thức
hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Củng cố vững
chắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong từng cơ quan, đơn vị và khối đại
đoàn kết toàn dân.
Với tư duy và tầm nhìn mới, nghiêm túc kế thừa
những thành tựu quan trọng đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, phát huy truyền
thống đoàn kết, ý chí, quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ và Nhân
dân tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ còn lại của Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra, xây dựng Trà Vinh sớm trở thành tỉnh
phát triển trong nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần xây dựng
nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.