Phạm Văn Kiết

PHẠM VĂN KIẾT

( 1929 - 1994)

Ông Phạm Văn Kiết, bí danh Năm Vận, sinh năm 1929, trong một gia đình nho giáo tại xã Long Điền, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Thuở thiếu thời, ông Phạm Văn Kiết theo học ở trường Thị trấn, Thị xã nên có điều kiện tiếp thu nhiều luồng văn minh thời ấy. Năm 1944, ông học ở trường Collège de cần Thơ nhưng không được bao lâu, ông bỏ học về quê vì nhà nghèo.

Tháng 8/1945, chàng trai Phạm Văn Kiết bị cuốn hút vào những ngày sôi động của đất nước. Người giác ngộ ông tham gia cách mạng là đồng chí Trần Văn Sớm (Hai Sớm), sau nầy là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu và là cán bộ cao cấp của Đảng. Ông Phạm Văn Kiết hăng hái tham gia vào Thanh niên Tiền phong, rồi Thanh niên cứu quốc và được bầu vào huyện đoàn thanh niên. Tháng 3/1947, đúng 18 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Ba tháng sau, ông tham gia vào cấp ủy xã Vĩnh Mỹ (huyện Giá Rai), một xã gồm 18 ấp, là nơi đầu sóng ngọn gió của phong trào cách mạng. Cuối năm 1947, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ. Năm 1948, ông vào Huyện ủy, rồi Thường vụ Huyện ủy phụ trách tuyên huấn trong nhiều năm. Sau đó, ông được điều sang công tác ở Tỉnh đội Bạc Liêu. Năm 1954, ông được phân công ở lại miền Nam.

Sau năm 1954, mới 26 tuổi, theo sự phân công của Tỉnh ủy đồng chí Phạm Văn Kiết cùng một vài đồng chí bí mật củng cố lại Huyện ủy Cà Mau, ông phụ trách thanh niên. Một mình một chiếc xuồng ba lá, một cây súng ngắn, ông dọc ngang trên sông nước gầy dựng cơ sở cách mạng.

Năm 1955, đồng chí Phạm Văn Kiết được cử làm Phó Bí thư Cà Mau phụ trách một số xã, trong đó có khu An Phước. Đây là nơi kẻ thù tàn sát những người kháng chiến cũ đẫm máu nhất do tên Lâm Quang Phòng khét tiếng ác ôn chỉ huy.

Năm 1956, chính quyền Sài Gòn lập tỉnh mới là tỉnh Tam Cần, gồm các quận Tam Bình, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Ôn, trụ sở đặt tại Cầu Kè. Tiểu khu Tam Cần đặt dưới quyền điều khiển của một số sĩ quan “Quân đội cộng hòa” kiêm quyền hành chánh. Đây là một trong những nơi “đầu sóng ngọn gió” của miền Tây Nam bộ. Địch hô hào “Tam Cần là mồ chôn của Việt cộng”, ta nêu khẩu hiệu “Tam Cần là mồ chôn của địch”. Đồng chí Năm Vận được điều về Tam Cần phụ trách công tác dân vận và tham gia xây dựng lực lượng vũ trang. Tại đây, cùng với Tỉnh ủy ông đề ra ba vấn đề:

1). Giữ cho được đất của nông dân. Phải dấy lên phong trào nông dân giữ đất (Lúc bấy giờ có nhiều nơi dưới áp lực của địch nông dân trả đất lại cho địa chủ).

2). Phải diệt cho được bọn ác ôn. Tên nào phản động, ác ôn bằng mọi giá phải trừ khử. Tỉnh ủy, Huyện ủy phải gương mẫu trong công tác nầy.

3). Không được đưa những đảng viên “lộ liễu” đi nơi khác. Những cán bộ, đảng viên nào dân biết, dân tin phải thực hiện khẩu hiệu ba bám: bám dân, bám đất và bám địch.

Thực tế ở chiến trường đã chứng minh ba vấn đề trên là đúng và giữa năm 1957, “địch không bình định” nổi, chúng phải giải tán tỉnh Tam Cần.

Ngay sau đó, đồng chí Năm Vận được cấp trên rút về làm Phó Ban dân vận khu Tây Nam bộ mới thành lập. Ông hoạt động ngay trong lòng Thành phố Cần Thơ dày đặc binh lính và mật vụ. Ông giả dạng khi giáo viên, khi thợ mộc, khi một nhà tư sản giàu có, có lúc ở ngay trong nhà người lính ngụy...do ông có thời gian học ở đây. Ông như con thoi từ Cần Thơ ra vào Khu ủy Khu Tây Nam bộ đóng ở Nhân Nghĩa, Nhân Ái, Mỹ Khánh để Đảng nắm được tình hình và chỉ đạo phong trào.

Năm 1958, đồng chí Năm Vận được điều về công tác tại tỉnh Trà Vinh. Ông bám trụ đến năm 1968 với cương vị Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy rồi Bí thư Tỉnh ủy. Tại đây, một trong những mối quan tâm của ông là bà con dân tộc Khmer, đặc biệt là những trí thức người dân tộc. Ông liên tục mở những lớp học, tổ chức dịch nhiều tài liệu ra tiếng Khmer cho đồng bào, cán bộ chiến sĩ đọc.

Năm 1959, địch đàn áp cao độ, ta đấu tranh quyết liệt chống luật 10/59. Ngày 27/9/1959, hơn 20.000 đồng bào Việt-Khmer do sư sãi đi đầu kéo vào Thị xã Trà Vinh đòi dân sinh, dân chủ, đòi trừng trị bọn ác ôn, đòi bồi thường sinh mạng của đồng bào bị địch giết hại. Đây là một trong những cuộc đấu tranh chính trị có quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Trà Vinh mà đồng chí Phạm Văn Kiết cùng Tỉnh ủy Trà Vinh lãnh đạo.

Ngày 14/9/1960, Trà Vinh hừng hực khí thế toàn dân đồng khởi. Bốn xã trọng điểm Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo giành được thắng lợi hoàn toàn. Ở xã Mỹ Long, ngày đầu tề xã và dân vệ không chịu đầu hàng, xả súng bắn vào quần chúng, làm chết ba người, bị thương một số người khác. Ta tổ chức truy điệu, phát động căm thù. Sáu giờ chiều ngày 15/9/1960, hai xã Mỹ Long, Hiệp Thạnh hoàn toàn giải phóng, các xã khác giải phóng cơ bản. Ta thu trên 100 súng các loại, bắt trọn hai ban tề xã.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân năm 1968 diễn ra đồng loạt trên toàn miền Nam. Từ một mặt trận khác, được sự phân công của Thường vụ Khu ủy đồng chí Phạm Văn Kiết phải mất ba ngày mới trở về tới Trà Vinh. Ông nhận định tình hình tương quan giữa ta và địch và thấy khó lòng giải phóng nổi Thị xã Trà Vinh. Ông vừa xin ý kiến cấp trên vừa góp ý với Tỉnh ủy Trà Vinh xây dựng chủ trương đánh địch:“cột đầu, lột da, xé thịt rồi trở lại cột đầu địch”, nghĩa là phải kềm chân địch lại, giải phóng nông thôn, rồi trở lại giải phóng thị xã. Chủ trương nầy được cấp trên cho là đúng và chiến trường đã chứng minh điều đó.

Chiến dịch Mậu Thân 1968, quân và dân Trà Vinh loại khỏi vòng chiến đấu 5.008 tên địch, giải phóng 14 xã, 50 ấp với hơn 10 vạn dân. Sau chiến dịch, ta làm chủ 25 xã, 597 ấp với ba phần tư dân số toàn tỉnh.

Năm 1969, đồng chí Phạm Văn Kiết được điều sang làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ (1969-1972) và ông đã vực phong trào ở đây lên rất mạnh.

Năm 1973, đồng chí Phạm Văn Kiết được rút về trực ở Khu ủy Khu 9. Sau một thời gian ra nước ngoài chữa bệnh, ông Phạm Văn Kiết được phân công làm Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Chiều ngày 30/4/1975, ông có mặt tại Sài Gòn, quản lý nhiều cơ sở thông tin, tuyên truyền đại chúng.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí Phạm Văn Kiết được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang (1979-1881).

Từ năm 1982-1984, đồng chí Phạm Văn Kiết giữ các chức vụ: Phó Ban thứ nhất Ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đồng chí Phạm Văn Kiết còn dành nhiều thời gian hoạt động văn học nghệ thuật, sáng tác nhiều bài thơ được các báo Trung ương và địa phương đăng. Bài thơ “Nằm mơ thấy Bác Hồ” do ông sáng tác ở chiến trường đã được nhiều cán bộ, chiến sĩ thuộc lòng. Ông Phạm Văn Kiết là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng đoàn nghệ thuật Ánh Hồng, Ánh Bình Minh từ những ngày đầu đồng khởi. Ông trực tiếp chỉ đạo đoàn Ánh Hồng dàn dựng các vở tuồng: Cờ hồng trên đỉnh Thúy, Sóng cuộn đô thành, Nghĩa tình trong giông tố...

Đồng chí Phạm Văn Kiết từ trần ngày 10/11/1994 tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 65 tuổi.

Ông Phạm Văn Kiết được Đảng và Nhà nước ta tặng nhiều phần thưởng cao quí:

- Huân chương Hồ Chí Minh.

- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng I.

- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

- Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết”.

Biên soạn 

 NGUYỄN TẤN LỰC

(Viết theo tài liệu của Trần Thanh Phương - Nhân vật chí Cửu Long và tư liệu của Văn phòng Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

TUYÊN TRUYỀN
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 441
  • Trong tuần: 4 252
  • Tất cả: 8763986

WEBSITE BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TRÀ VINH

Trưởng Ban biên tập: Trần Quốc Tuấn

Chức vụ: Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.  

Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin từ website này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ TRÀ VINH

Địa chỉ: số 4, Nguyễn Thái Học, Khóm 4, Phường 1, Thành phố Trà Vinh

Điện thoại: 02943.853574 

Email: btgtutravinh@travinh.gov.vn

Website: tuyengiao.travinh.gov.vn